Ngày 11 tháng 11 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã ban hành Tông Huấn “Lời Chúa” dựa vào các khuyến cáo của Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Vatican trong các ngày 5-26 tháng Mười năm 2008, năm kính Thánh Phaolô. Chủ đề của cuộc họp đó là “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Đây là một tông huấn quan trọng của Đức Bênêđíctô XVI, khiến Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovíc, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng gọi ngài là “Giáo Hoàng của Lời Chúa” (Zenit, 12/11/2010). Thuật ngữ này quả không ngoa, vì hẳn ai cũng rõ: ngài vốn là chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, một Ủy Ban từng cho công bố một tài liệu quan trọng về việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội Công Giáo vào năm 1993. Tài liệu thông sáng này không những được các giới trong Giáo Hội chào đón, mà còn được nhiều học giả bên ngoài Giáo Hội hoan nghênh (xem The Interpretation of The Bible In The Church, edited by J.L. Houlen, SCM Press Limited, London, 1995). Nhận thấy đây là một văn kiện quan trọng, chúng tôi sẽ lần lượt chuyển nó sang tiếng Việt.

NHẬP ĐỀ

“Lời Chúa tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Lời ấy chính là Tin Mừng đã được rao giảng cho anh em” (1 Pr 1:25; xem Is 40:8). Với lời quả quyết trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải bằng chính ơn phúc lời Người. Lời tồn tại muôn đời này đã bước vào thời gian. Thiên Chúa nói Lời Người theo ngôn ngữ con người; Lời Người đã “trở thành xác thịt” (Ga 1:14). Đó chính là Tin Mừng. Đó chính là lời công bố đã từ bao thế kỷ qua truyền đến chúng ta ngày nay. Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tổ chức tại Vatican từ ngày 5 tới ngày 26 Tháng Mười Năm 2008, đã lấy chủ đề: “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha, Đấng vốn hiện diện tại nơi có 2 hay 3 người tụ họp nhau nhân danh Người (xem Mt 18:20). Với Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng này, tôi muốn đáp ứng lời thỉnh cầu của Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng xin được công bố cho Dân Chúa các thành quả phong phú từng phát sinh từ các buổi thảo luận tại Thượng Hội Đồng cũng như các khuyến cáo do các cố gắng chung của chúng ta đưa ra (1). Do đó, tôi muốn duyệt lại công trình của Thượng Hội Đồng dựa vào các văn kiện của nó: Bản Sơ Đồ, Tài Liệu Làm Việc, Phúc Trình Trước và Sau Thảo Luận, các bản góp ý, cả những bản được phát biểu tại phòng Thượng Hội Đồng lẫn các bản viết, phúc trình của các nhóm thảo luận nhỏ, Sứ Điệp Sau Cùng gửi Dân Chúa và trên hết, một số đề nghị đặc thù được các nghị phụ coi là có ý nghĩa đặc biệt. Qua đó, tôi muốn chỉ ra các phương thức căn bản để tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội như một nguồn suối bất tận luôn luôn đổi mới. Đồng thời, tôi muốn nói lên niềm hy vọng rằng Lời Chúa sẽ mỗi ngày một trở nên tâm điểm trọn vẹn hơn của mọi sinh hoạt trong Giáo Hội.

Để niềm vui của chúng ta nên trọn

Trước hết, tôi muốn nhắc tới vẻ đẹp và niềm sảng khoái của cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta đã cảm nghiệm được trong suốt cuộc họp của Thượng Hội Đồng. Do đó, hiệp nhất với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi xin ngỏ cùng mọi tín hữu bằng lời của Thánh Gioan trong thư thứ nhất của ngài: “chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, con của Người” (1 Ga 1:2-3). Thánh Tông Đồ nói với chúng ta về việc “nghe, thấy, chạm đến và chiêm ngưỡng” (xem 1 Ga 1:1) Lời hằng sống, vì chính sự sống đã được tỏ bày rõ ràng nơi Chúa Kitô. Được mời gọi hiệp thông với Chúa và với nhau, ta phải công bố ơn phúc này. Theo quan điểm rao giảng, trước mặt Giáo Hội và trước mặt thế giới, cuộc họp của Thượng Hội Đồng đã như một nhân chứng cho ta thấy vẻ đẹp khôn thấu của cuộc gặp gỡ Lời Chúa trong hiệp thông Giáo Hội. Chính vì vậy, tôi khuyến khích mọi tín hữu hãy đổi mới cuộc gặp gỡ bản thân và cộng đoàn của họ với Chúa Kitô, Lời hằng sống đã trở nên hữu hình, và trở thành sứ giả của Người, để ơn phúc sự sống và hiệp thông đầy thần linh này được truyền bá trọn vẹn hơn trên khắp thế giới. Thực thế, chia sẻ sự sống Thiên Chúa, tức Ba Ngôi tình yêu, chính là niềm vui trọn vẹn (xem 1 Ga 1:4). Và Giáo Hội được hồng ân và có bổn phận nhất thiết phải truyền đạt niềm vui ấy, một niềm vui vốn phát sinh từ cuộc gặp gỡ với chính ngôi vị Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Trong một thế giới thường coi Thiên Chúa như dư thừa hay xa lạ, ta hãy cùng Thánh Phêrô tuyên xưng rằng chỉ một mình Người mới “có lời hằng sống” (Ga 6:68). Không có ưu tiên nào lớn hơn điều này: giúp con người thời nay có khả năng gặp gỡ Thiên Chúa nhiều hơn, Đấng Thiên Chúa đang nói với ta và đang chia sẻ tình yêu của Người để ta được sống sung mãn (xem Ga 10:10).

Từ Hiến Chế “Lời Chúa” tới Thượng Hội Đồng về Lời Chúa

Theo một nghĩa nào đó, với Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa, ta biết ta đang đề cập tới chính trọng tâm của đời sống Kitô Giáo, trong liên tục tính với cuộc họp trước của Thượng Hội Đồng về Phép Thánh Thể như Nguồn Suối và Tuyệt Đỉnh Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội. Thực thế, Giáo Hội được xây dựng trên Lời Chúa; Giáo Hội được sinh ra và sống bằng Lời ấy (2). Trong suốt lịch sử của mình, Dân Chúa luôn tìm được sức mạnh nơi Lời Thiên Chúa, và cả ngày nay nữa, cộng đồng Giáo Hội cũng đang lớn lên nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời ấy. Ta phải nhận rằng trong mấy thập niên gần đây, đời sống Giáo Hội đã trở nên nhạy cảm hơn đối với chủ đề này, nhất là đối với mạc khải Kitô Giáo, thánh truyền sống động và Sách Thánh. Bắt đầu với trriều đại của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, ta có thể nói: trong sinh hoạt Giáo Hội, đã có nhiều can thiệp hơn nhằm thúc đẩy người ta ý thức nhiều hơn tới tầm quan trọng của Lời Chúa và việc học hỏi Thánh Kinh (3), mà đỉnh cao là Công Đồng Vatican II, nhất là việc công bố Hiến Chế Tín Lý về mạc khải Thiên Chúa, tức hiến chế “Lời Chúa” (Dei Verbum). Hiến chế này là dấu mốc lớn trong lịch sử Giáo Hội: “Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng… với lòng biết ơn, nhìn nhận ơn ích lớn lao mà văn kiện này đã đem đến cho đời sống Giáo Hội trên bình diện giải thích, thần học, tu đức, mục vụ và đại kết” (4). Các năm giữa khoảng thời gian đó cũng đã chứng kiến sự gia tăng ý thức về “chiều kích Ba Ngôi và lịch sử cứu độ của mạc khải” (5) căn cứ vào đó, Chúa Giêsu Kitô đã được nhìn nhận là “đấng trung gian và sự viên mãn của mọi mạc khải” (6). Giáo Hội không ngừng công bố cho mọi thế hệ biết rằng Chúa Kitô “hoàn tất và hoàn hảo hóa mạc khải. Mọi sự có dính dáng tới sự hiện diện và sự tự mạc khải của Người đều can dự vào việc hoàn thành điều này: lời và việc, các dấu lạ và phép lạ của Người, nhưng trên hết là cái chết và sự phục sinh của Người và sau hết là việc người sai Thần Khí sự thật đến” (7).

Mọi người đều ý thức được sự thúc đẩy lớn lao mà Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” từng đem lại cho việc làm sống lại sự quan tâm đối với Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, cho suy tư thần học đối với mạc khải Thiên Chúa và cho việc học hỏi Sách Thánh. Trong 40 năm qua, huấn quyền Giáo Hội cũng đã ban hành nhiều tuyên bố về các vấn đề này (8). Khi cử hành Thượng Hội Đồng này, Giáo Hội, vì ý thức được cuộc hành trình liên tiếp của mình dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần, nên đã cảm thấy có bổn phận phải suy gẫm nhiều hơn nữa về chủ đề Lời Chúa, để xem sét lại việc thực thi các chỉ thị của Công Đồng, và để giáp mặt với các thách đố mới mà thời hiện đại đang đặt ra cho các tín hữu Kitô Giáo.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa

Trong kỳ họp lần thứ mười hai, các giám mục khắp thế giới đã tụ họp quanh Lời Chúa và tượng trưng đặt bản văn Thánh Kinh làm tâm điểm cho cuộc họp, ngõ hầu nhấn mạnh như mới điều mà ta liều mình coi như việc đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày: đó là sự kiện Thiên Chúa nói và trả lời các vấn nạn của ta (9). Ta đã cùng nhau lắng nghe và cử hành Lời Chúa. Ta thuật lại cho nhau mọi điều Thiên Chúa làm giữa Dân Người, và ta chia sẻ với nhau mọi hy vọng và quan tâm của ta. Tất cả những việc này giúp ta nhận ra rằng ta chỉ có thể thâm hậu hóa mối liên hệ của ta với Lời Chúa trong cái “chúng tôi” của Giáo Hội, trong việc lắng nghe và chấp nhận lẫn nhau. Bởi đó, ta biết ơn nhiều lời chứng về đời sống Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới đã được phát biểu trong các đóng góp tại phòng Thượng Hội Đồng. Cũng là điều cảm động được nghe các vị đại biểu anh em từng nhận lời mời của chúng ta đến đây tham dự cuộc họp thượng hội đồng này. Tôi đặc biệt nghĩ tới bài suy gẫm do Đức Bartholomaios I, Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople, trình bày với chúng ta, một bài suy gẫm mà các Nghị Phụ đánh giá rất cao (10). Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng đã mời một giáo sĩ Do Thái Giáo tới để trình bày với ta lời chứng qúy giá về Thánh Kinh Do Thái, vốn cũng là một phần trong Sách Thánh của ta (11).

Nhờ thế, ta có thể vui mừng và biết ơn nhìn nhận rằng “trong Giáo Hội ngày nay cũng đang có một Lễ Hiện Xuống, nói cách khác, Giáo Hội cũng đang nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, không phải chỉ là bề ngoài, theo nghĩa mọi ngôn ngữ lớn trên thế giới đều có đại diện trong Giáo Hội, nhưng một cách sâu sắc hơn, trong Giáo Hội còn hiện diện nhiều cách cảm nghiệm Thiên Chúa và thế giới khác nhau, rất nhiều nền văn hóa khác nhau, vì chỉ có thế, ta mới nhìn ra sự rộng lớn mênh mông của kinh nhgiệm nhân bản và do đó, sự rộng lớn mênh mông của Lời Chúa (12). Ta cũng có thể nhìn thấy một lễ Hiện Xuống đang tiếp diễn; nhiều dân tộc vẫn còn đang mong chờ Lời Chúa được công bố trong chính ngôn ngữ và văn hóa của họ.

Tôi làm sao quên không nhắc đến việc: trong suốt Thượng Hội Đồng, chúng ta luôn được chứng tá Thánh Tông Đồ Phaolô tháp tùng! Quả là một ơn quan phòng khi Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai diễn ra trong năm kính Thánh Tông Đồ vĩ đại của Các Dân Tộc nhân kỷ niệm hai ngàn năm ngày sinh của ngài. Cuộc sống của Thánh Phaolô hoàn toàn được đánh dấu bằng lòng nhiệt thành truyền bá Lời Chúa. Làm sao không bị đánh động bởi những lời đầy khích lệ của ngài nói về chính sứ mệnh rao giảng Lời Chúa của mình: “Tôi làm mọi sự cho Tin Mừng” (1 Cor 9:23); hay, như ngài viết trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma: “Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng; nó là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu rỗi bất cứ ai có lòng tin” (1:16).

Bất cứ khi nào ta suy niệm Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, ta đều không thể không nghĩ tới Thánh Phaolô và cuộc sống của ngài hiến mình cho việc truyền bá sứ điệp cứu rỗi trong Chúa Kitô cho mọi dân tộc.

Tự ngôn trong Tin Mừng Thánh Gioan làm kim chỉ nam

Với tông huấn này, tôi muốn công trình của Thượng Hội Đồng có hiệu quả thực sự đối với đời sống Giáo Hội: trong mối liên hệ bản thân với Sách Thánh, trong việc giải thích chúng trong phụng vụ và giáo lý, và trong việc tìm tòi có tính khoa học, để Thánh Kinh không phải chỉ là lời của quá khứ, mà là lời đang sống và hợp thời. Để đạt được điều đó, tôi muốn trình bày và khai triển công khó của Thượng Hội Đồng bằng cách không ngừng tham chiếu Tự Ngôn trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1:1-18), là tự ngôn giúp ta hiểu căn bản đời sống ta: Ngôi Lời, từ nguyên thủy vốn ở với Thiên Chúa, nay đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (xem Ga 1:14). Đây là một bản văn tuyệt vời, một bản văn mang đến cho ta một tổng hợp về toàn bộ niềm tin Kitô Giáo. Từ chính kinh nghiệm bản thân được gặp và bước theo Chúa Kitô, Thánh Gioan, mà truyền thống vốn nhận diện như là “môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương” (Ga 13:23; 20:2; 21:7, 20), “đạt được một sự chắc chắn sâu xa: Chúa Giêsu là Sự Khôn Ngoan nhập thể của Thiên Chúa, Người là Lời đời đời đã trở nên con người hay chết” (13). Ước chi Thánh Gioan, người “đã thấy và đã tin” (xem Ga 20:8) cũng giúp chúng ta biết tựa vào ngực Chúa Kitô (xem Ga 13:25), nguồn máu và nước (xem Ga 19:34) vốn là các biểu tượng của các bí tích trong Giáo Hội. Theo gương Thánh Tông Đồ Gioan và các tác giả linh hứng khác, ước chi ta để Chúa Thánh Thần dẫn ta tới một tình yêu lớn hơn đối với Lời Chúa.