KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2010

CỔNG VÀO

1. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã được Quốc hội khóa VIII nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 15.04.1992 và Chủ tịch Nông đức Mạnh ký, qui định:

Điều 4
Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Điều 15
Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi một hệ thống kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng Việt Nam từ thập niên 1990, nhưng chỉ có những giải thích hạn chế và chung chung rằng, đó là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tại hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, Đảng mới ra nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30.01.2008 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để nói một cách dễ hiểu, kinh tế thị trường hoạt động theo định luật cung cầu (loi d’offre et et demande) tức xí nghiệp sản xuất (cung) hàng hóa khi có người mua (cầu). Giá hàng hoá cũng được tự động khi hàng có nhiều hay ít. Đầu mùa sầu riêng, trái chín còn ít, giá mắc. Giữa mùa trái chín nhiều, giá bán sầu riêng rẽ hơn. Khi có đơn đặt hàng, xí nghiệp mướn công nhân, không thì cho thôi việc bớt. Kinh tế thị trường là cơ chế áp dụng tại các quốc gia gọi là tư bản chủ nghĩa.

Trái lại, các nước xã hội chủ nghĩa áp dụng kinh tế hoạch định do Nhà nước chủ đạo: Quốc hội ấn định các chỉ tiêu, chính phủ theo đó thực hiện. Các xí nghiệp quốc danh, thường không có cần tính cách cạnh tranh, vì được ngân sách quốc gia, tức tiền thuế dân đóng, hỗ trợ vốn. Tại Việt Nam, cũng có nền kinh tế tư nhân, phần lớn là người ngoại quốc, rất nhỏ, thường bị bóp chẹt.

Do đó, khi gia nhập gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (Organisation Mondiale de Commerce, tiếng Pháp, và World Trade Organization, tiếng Anh, viết tắt WTO) năm 2007, Việt Nam chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm (không muộn hơn 31.12.2018). Tuy nhiên, trước thời điểm trên, nếu chứng minh được với đối tác nào đó là kinh tế Việt Nam đã hoàn toàn hoạt động theo cơ chế thị trường thì đối tác đó sẽ ngừng áp dụng chế độ ‘phi thị trường’. Chế độ ‘phi thị trường’ nói trên chỉ có ý nghĩa trong các vụ kiện chống bán phá giá. Các thành viên WTO không có quyền áp dụng cơ chế tự vệ đặc thù (là cơ chế khác với cơ chế chung trong WTO mà một số nước có nền kinh tế phi thị trường khi gia nhập WTO phải chịu) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, kể cả trong thời gian bị coi là nền kinh tế phi thị trường.

Điều khoản này được hoan nghinh bởi các doanh nghiệp nhà nước vì còn có cơ hội tiếp tục bòn rút ngân sách quốc gia mà Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là trường hợp điển hình, trong khi, các xí nghiệp tư nhân lo sợ các vụ kiện chống bán phá giá. Hậu quả các vụ kiện này, thường các xí nghiệp Việt Nam bị thất kiện vì nền kinh tế phi thị trường (được cho là có nhà nước trợ cấp và phải chịu bách phân thuế quan cao.

2. Vài dòng hiện tình kinh tế Việt Nam.

Năm 2010 vừa chấm dứt, nhiệm kỳ của chính phủ đương nhiệm cũng sắp chấm dứt, tuy nhiên cũng chỉ trên lý thuyết vì Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng có rất nhiều khả năng vẫn còn tại chức và đảng Cộng sản vẫn là đảng độc nhất như điều 4 Hiến pháp qui định.

Năm 2010 cũng khép lại một chu kỳ năm năm mà Việt Nam đã hội nhập thế giới. Từ năm 2006, Việt Nam lần lượt trở thành thành viên bình thường của các định chế quốc tế quan trọng, từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (Fonds monétaire international (FMI), tiếng Pháp, và International monetary fund (IMF), tiếng Anh), Ngân hàng Thế giới (Banque mondiale, tiếng Pháp, và World Bank (WB), tiếng Anh), cho tới WTO và cũng là thành viên của các tổ chức mang nhiều tính chính trị hơn như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN (Association des nations de l’Asie du Sud-Est, tiếng Pháp, và Association of South East Asian Nations, tiếng Anh), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu - Thái Bình Dương (Coopération économique pour l'Asie-Pacifique, tiếng Pháp và Asia-Pacific Economic Cooperation (APEC), tiếng Anh), kể cả việc được bầu làm thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Việt Nam cũng đã là nước tổ chức hội nghị APEC và chủ tịch ASEAN.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng 6,78% so với năm 2009, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra là 6,5%. Tuy nhiên, lạm phát năm 2010 cũng tăng tới 11,75%. Việc chỉ số tiêu dùng năm 2010 lên hai con số tạo nên bão giá, lãi suất cho vay tăng vọt khiến doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn. Cán cân thương mại vẫn khiếm hụt, dự trữ ngoại hối giảm thấp. Đây là những đề tài mà chúng tôi lần lượt sẽ viết.

3. Người Việt lạc quan nhất thế giới.

Cuối năm 2010, hệ thống viện thống kê Gallup International Association (Hoa kỳ) và BVA (Pháp) đã thực hiện một cuộc thăm dò dân ý về chỉ số lạc quan của người dân tại 53 quốc gia và đã hỏi 64.203 người từ 18 đến 65 tuổi, trong thời gian từ ngày 11.10 đến 13.12.2010. Riêng tại Việt Nam, cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 20 đến 27.10.2010 và đã vấn đáp đối diện 1.000 người.

Kết quả được công bố ngày 03.01.2011 cho thấy: Quốc gia có chỉ số bi quan nhất thế giới là Pháp với 61% trong số 979 người được hỏi qua điện thoại trong thời gian từ ngày 30.11 đến 01.12.2010 và được công bố trên báo ‘Le Parisien’. Tiếp theo là Anh quốc (52% trong số 2.011 người được hỏi), Tây Ban Nha là (48% trong số 1.243 người được hỏi) và Ý (41% trong số 1.027 người được hỏi). [Số người được hỏi (mẫu số, sample, tiếng Anh và échantillon, tiếng Pháp) càng lớn thì kết quả càng chính xác.]

Trái lại, đứng hạng nhất trong số các nước lạc quan trong các quốc gia lạc quan là Việt Nam với tỷ lệ hơn 61% số người được phỏng vấn, đã vượt xa ba quốc gia cùng về nhì đồng ở mức 49%, nhưng Ba tây với 2.002 người được phỏng vấn, Pérou với 1.204 người và Trung quốc với 1.000 người. Các nhà phân tích của viện BVA và Gallup cho đó là sự kỳ diệu á châu về kinh tế, yếu tố nâng cao tinh thần với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 trên 6,78% so với 2009. Đáp lời phỏng vấn của báo Le Figaro (Pháp), bà Celine Bracq, Phó giám đốc viện BVA giải thích: « Đó là do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động mạnh ở các quốc gia Tây phương khiến các nước này cứ nghèo dần, đã đánh mất niềm tin vào mô hình kinh tế của mình và có cảm giác chính nó đang gây trì trệ. Trái lại ở các quốc gia đang phát triển, đang nổi lên, tăng trưởng cứ tiếp tục tăng bất chấp khủng hoảng. »

Nhắc đến bản tin này, có người trong nước nói: « Người nghèo ở đô thị và dân quê có đời sống giản dị. Một chủ gia đình chỉ mong ước một ngày kiếm đủ vài ba ngàn nhét túi, tối về có bửa cơm thanh đạm và ly rượu gạo, rồi leo lên giường ôm vợ. Họ bằng lòng với chỉ số hạnh phúc đó ». Trái lại, người khác thì bày tỏ niềm lo trước kết quả về chỉ số niềm tin ‘nhất thế giới’ của người Việt vì dễ bằng lòng với thực tại mà ít đòi hỏi quyết liệt cho những thay chuyển lớn.

Tiếp theo, khi hỏi thứ 2 như sau: « Theo bạn, so với năm nay, bạn nghĩ năm 2011 sẽ là một năm thịnh vượng kinh tế, khó khăn kinh tế hay giống như hiện nay ? ». Chúng ta đã có những câu trả lời sau:

a.- 30% tổng số người đáp lời phỏng vấn trên thế giới cho biết, theo họ, năm 2011 sẽ là một năm thịnh vượng kinh tế với các chi tiết như sau:
- Nigéria 72%
- Việt Nam 70%
- Trung quốc 58%
- Các nước Bắc Mỹ 25%
- Các nước Tây Âu 15% (trong đó: Thụy điển 38% và Đức 25%)
- Pháp quốc, cuối cùng, 3%

b.- 28% tổng số người đáp lời phỏng vấn trên thế giới cho biết, theo họ, năm 2011 sẽ là một năm khó khăn kinh tế hơn năm 2010;

c.- 36% tổng số người đáp lời phỏng vấn trên thế giới cho biết, theo họ, năm 2011 sẽ nền kinh tế giống như năm 2010;

d.- 36% tổng số người đáp lời phỏng vấn trên thế giới cho biết họ không có ý kiến.

(Còn tiếp)