TRỜI MỚI, ĐẤT MỚI

Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả vẫn là một đề tài lớn cho cả những người Pharisiêu và cho cả Chúa Giêsu. Với những người Pharisiêu, họ coi phép Rửa của Gioan Tẩy Giả như là báo hiệu Nước Thiên Chúa đã đến và họ mong chờ một Đấng Messia như ý của họ. Bởi vậy, phép Rửa của Gioan Tẩy Giả cũng gây cho họ một sự chú ý cao độ. Còn với Chúa Giêsu, đó là khởi đầu sứ vụ của Ngài. Ngài chú ý là bởi vì phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là chính sứ vụ mà Chúa Giêsu sẽ thể hiện nơi giòng sông Jordan mà Ngài đến dìm mình và sẽ thánh hóa giòng sông ấy, để rồi sau khi bước lên khỏi giòng sông, Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện một cách sống động và mọi người có thể được chứng kiến một cách rõ ràng: là đám mây trong tiếng của Chúa Cha, là Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đỗ xuống trên Đức Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Nhưng hai sự quan tâm khác nhau:

- Những người luật sĩ, những người Pharisiêu quan tâm tới phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là bởi vì họ đang mơ ước được giải phóng khỏi ách nô lệ của đế quốc Roma;

- Nhưng với Đức Giêsu thì là giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của Satan.

Thời gian sẽ tới khi những người Pharisiêu thấy sứ mệnh của Chúa Giêsu tỏ hiện khác hẳn với ý của họ mong muốn, họ đã bắt đầu quay lại hạch hỏi Chúa Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm như vậy?”. Đức Giêsu đã trả lời họ bằng một câu hỏi gối: “Ta cũng hỏi các ngươi: Phép Rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta?”. Những người luật sĩ, Pharisiêu vốn quan tâm tới phép Rửa này nhưng lại không dám nói rõ, vì họ bàn với nhau rằng: “Nếu nói 'từ trời' thì ông ta sẽ bảo: 'Thế sao các ngươi không tin?'”(x.Mt 21,25). Còn nếu nói là “người ta” thì họ sẽ bị phản đối, nặng có thể họ sẽ bị truy kết tội vì ai cũng tôn trọng Gioan là vị tiên tri. Vì thế, họ đã trở lời với Chúa Giêsu bằng con đường quanh co, rằng: “Chúng tôi không biết”. Như vậy, những gì đã diễn ra ở giòng sông Jordan hôm nay như là một dấu hiệu, để nhờ vào dấu hiệu ấy người ta nhận biết một Đấng Mesia đến trong quyền năng của Thiên Chúa giải thoát con người khỏi ách nô lệ Satan, hay là người ta theo Pharisiêu ước muốn một vị giải phóng dân tộc mang mầu sắc chính trị, giải thoát dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Roma. Nói một cách dễ hiểu hơn, phép Rửa của Gioan Tẩy Giả hôm nay chỉ là khởi đầu để những ai đến bên giòng sông Jordan nhận được một sứ mệnh từ trời cao hay là chỉ là do ý muốn của con người. Bởi vậy Gioan đã làm chứng cụ thể về Chúa Giêsu Gioan là người đã phân biệt rất rõ ràng, ông tuyên bố: “Người đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Tôi rửa anh em bằng nước. Nhưng Người sẽ rửa anh em trong nước và Thánh Thần”(Ga 1,30). Và đó mới là điều quan trọng. Bởi vì rửa trong nước và Thánh Thần, đó là sức mạnh từ trời cao, đó là một phép Rửa để giải thoát con người khỏi ách nô lệ của Satan. Còn phép Rửa của Gioan bằng nước là một lời kêu gọi sám hối. Phép Rửa này, có nhiều dân tộc đã từng làm để họ thể hiện lòng khiêm tốn của họ với thần minh mà họ mong muốn, hoặc là để được ơn tha tội, hoặc là để cầu những ơn phúc lợi mà họ mong vị thần minh của họ nhìn xuống. Nhưng rửa trong Thánh Thần thì chỉ có Thiên Chúa và vì vậy, Gioan đã chỉ cho mọi người thấy rất rõ dấu hiệu từ trời hay là dấu hiệu đến từ con người. Không phải những người luật sĩ Pharisiêu không nghe thấy. Những người Pharisiêu là những người theo sát Gioan hơn bất cứ ai, nhưng họ đang xây dựng một Đấng Messia theo như ý tưởng tượng phong phú của họ. Nói như ngôn ngữ của thời hiện đại ngày nay. Ngày xưa Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, còn ngày nay con người luôn muốn dựng nên Thiên Chúa giống hình ảnh của mình. Những người luật sĩ, Phari siêu này cũng đang muốn dựng nên một Đấng Mesia theo như hình ảnh của họ tưởng tượng.

Vì thế, bên giòng sông Jordan là một trắc nghiệm: Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện một cách cụ thể để làm chứng và để sai đi. Làm chứng về một Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người và sứ mệnh được sai đi từ giòng sông Jordan này. Trời mở ra cho tất cả mọi người. Còn những người luật sĩ và Pharisiêu hay là những người Do Thái quá khích, họ không mong đợi trời mở ra nhưng họ mong muốn mở ra cho họ một thế giới tự do. Trong khi trời mở ra, Gioan Tẩy Giả đòi phải sám hối, đòi phải canh tân và Đức Giê su Kitô cũng đòi hỏi gắt gao như vậy: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”(Mt 3,2). Còn mở ra theo óc tưởng tượng của những người luật sĩ và Pharisiêu hay là những người Do Thái quá khích thì không phải sám hối, và như vậy, cái nhìn từ trời hay là cái nhìn từ đất bắt đầu khác nhau ở chỗ đó. Có Thánh Thần và không có Thánh Thần. Thánh Thần chính là tình yêu của Thiên Chúa, vì vậy, những người đón nhận phép rửa trong Thánh Thần là trong tình yêu của Thiên Chúa. Còn những người mà muốn đón nhận phép rửa như là tiền đề cho một Đấng Messia, một vị giải phóng thì vũ khí của họ là chính trị.

Ngày hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi đến cùng với Gioan Tẩy Giả để trắc nghiệm. Gioan là người đã chỉ cho chúng ta thấy rất rõ, rằng: “Tôi đã thấy Thánh Thần như chim câu đỗ xuống trên Người”(Ga 1,32) để làm chứng cho toàn thế giới biết đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian. Và những ai hôm nay chịu phép rửa thì cùng lúc ấy họ cũng sẽ được Thánh Thần ngự xuống. Thánh Thần ngự xuống như đã ngự xuống trên Đức Giêsu Kitô và vì thế từ đây chúng ta được mang danh là Kitô hữu. Gioan và các tiên tri ngày xưa không được mang danh Kitô hữu. Người Kitô hữu hôm nay hạnh phúc vì được mang danh của chính Đức Giê su Kitô và Thánh Thần đỗ xuống trên Đức Kitô hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi. Bởi vậy, những người đã lãnh nhận phép Rửa bởi Thánh Thần là những người lãnh nhận sứ vụ của Đức Kitô là đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Satan và đem họ trở lại tình trạng làm nghĩa tử, con cái của Thiên Chúa. Với một đời sống mới này, người Kitô hữu sẽ thấy trời mở ra như Gioan Tẩy Giả đã thấy trời mở ra và Thánh Thần như chim bồ câu đỗ xuống trên Đức Giêsu Kitô. Người Kitô hữu hôm nay không cần phải được Gioan chỉ cho biết nữa. Họ cũng đã thấy trời mở ra thực sự khi mà họ bước vào một cuộc sống mới với Đức Kitô. Họ là những người mà từ hôm nay mang trong mình một sứ mệnh. Sứ mệnh ấy là họ sẽ chiến thắng ách nô lệ của Satan, chiến thắng tội lỗi và chiến thắng những đam mê của trần tục. Tất nhiên, không phải là chúng ta cứ rửa tội xong, rồi yên trí cho đến chết. Lúc rửa tội xong, chúng ta thực sự là những người thánh thiện và Chúa Thánh Thần ngự tới làm cho chúng ta trở thành một con người mới, nhưng rồi cho dù Giáo Hội, qua nghi thức mặc áo trắng tinh tuyền, dạy chúng ta đừng làm nhơ bẩn áo, khuyên chúng ta hãy mang áo trắng tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, nhưng vì bản tính yếu đuối hư hèn, chúng ta vẫn sa ngã, chúng ta vẫn phạm tội, chúng ta vẫn lỗi lầm. Bởi vậy, bí tích Rửa tội còn cộng thêm bí tích Giải tội. Bí tích Giải tội là lòng thương xót của Thiên Chúa tiếp tục theo đuổi chúng ta để tẩy sạch tội lỗi cho chúng ta. Người Kitô hữu không ai dám nói rằng “Tôi đã rửa tội và bây giờ linh hồn tôi trong sáng”, nhưng người Kitô hữu nói rằng: “Linh hồn tôi trong sáng bởi vì tôi đã được lãnh các bí tích tha tội gồm có rửa tội và giải tội”. Người Kitô hữu bước đi trong Thánh Thần tình yêu của Chúa là sức mạnh, là khôn ngoan và người Ki tô hữu hôm nay bước đi trong thời đại mới, thời đại của Chúa Kitô không cho phép họ trở lại con đường cũ. Có nghĩa là một đời sống ngay thẳng, yêu thương, dấn thân và phục vụ. Họ giữ được như thế là họ giữ được áo trắng tinh tuyền cho đến khi họ ra trước tòa Đức Giêsu Kitô.

Ước gì đã một lần chúng ta được bước lên khỏi nước. Trời đã một lần mở ra cho chúng ta. Thánh Thần như chim bồ câu đã ngự xuống trên chúng ta thì đừng có ai trở lại con đường cũ nữa.

Lạy Chúa Giê su Ki tô,
Bên giòng sông Jordan,
trời mở ra không chỉ là dành riêng cho Chúa
nhưng cho mọi thời đại, cho mọi thế hệ.
Xin cho những người Kitô hữu chúng con hôm nay
cũng được bước vào trời mới đất mới.
Bởi lẽ chỉ có ở nơi đây
chúng con mới thấy được tình yêu,
chúng con mới thấy được hạnh phúc và sự sống đích thật.
Trong dịp xuân mới đang về,
mỗi người chúng con đang nao nức hướng về xuân mới.
Xin Chúa cho tâm hồn mỗi người chúng con
được hưởng trời mới đất mới
như Đức Giêsu Ki tô bên giòng sông Jordan. Amen.