KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2010

CHƯƠNG 1. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29.12.2010, một bản báo cáo những con số thống kê về kinh tế đã được phân phát bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, trong năm 2010, tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá cao đã đạt 6,78% so với năm 2009, cao hơn kế hoạch do Quốc hội đề ra là 6,50%. Lần này, không như năm 2009, Việt Nam không chỉ đứng hàng thứ nhì sau Trung quốc các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2010, Trung quốc chỉ đứng hạng ba sau Qatar, tăng trưởng 16%, và Singapore, nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu Đông Nam Á trong năm 2010 với 14,7%. Kinh tế Malaysia, một quốc gia ASEAN, tăng với mức 7% so với 2009. Chưa hết, báo cáo kinh tế giữa kỳ của Bộ Tài chính ở New Delhi dự báo kinh tế Ấn độ có thể tăng trưởng 9% trong tài khóa 2010-2011, bắt đầu từ ngày 01.04.2010. Tuy nhiên, số bách phân lạm phát của Việt Nam năm 2010 lên tới mức 11,75% so với năm 2009, cao nhất trong các quốc gia kể trên.

Mức tăng trưởng Việt Nam cao được thể hiện trên nhiều lãnh vực từ sản xuất từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp và xây dựng đạt cao nhất là tăng 7,7%, kế đến là dịch vụ tăng 7,52%; khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 2,78% so với năm 2009.

Sau hai năm kinh tế thế giới bị suy trầm thì Việt Nam cùng các nước Đông Á, trừ Nhật bản, đã đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm qua. Tuy nhiên, sự thật, khi kinh tế thế giới bị suy trầm thì sự giảm sút của Việt Nam không quá nặng vì Việt Nam không bị khủng hoảng tài chính mà chỉ lo sợ người dân các nước Bắc Mỹ và Âu châu, do lợi tức giảm bớt, nên bớt mua hàng ngoại nhập. Bằng cớ là, nhờ tăng trưởng kinh tế đã lần hồi trở lại tại những những quốc gia công nghệ tiền tiến, sức mua gia tăng, nên tổng kim ngạch xuất cảng Việt Nam đạt hơn 71,6 tỷ mỹ kim, tăng 25,5% so với năm 2009, vượt kế hoạch Quốc hội đề ra là 60 tỷ mỹ kim, trong khi nhập siêu dưới mức chỉ tiêu 20% tổng kim ngạch xuất cảng.

I. ĐỊNH NGHĨA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ.

A. Tổng sản lượng nội địa.

Tại Việt-Nam, đó là sự gia tăng của Tổng sản lượng nội địa (TSLNĐ), thường được gọi là Gross Domestic Product (GDP), tiếng Anh và Produit Intérieur Brut (PIB), tiếng Pháp, là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên toàn lãnh thổ một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định, thường là ba tháng và một năm. TSLNĐ là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó. Đối với các đơn vị hành chính khác, nhà nước Việt-Nam ít khi dịch trực tiếp mà thường sử dụng từ viết tắt GDP hoặc tổng sản phẩm trong tỉnh/huyện v.v.

Một cách tính khác:
Tổng sản lượng nội địa = C + I + G + (Ex - Im)
Trong đó:
C = tiêu dùng của tất cả các hộ thuế trong nền kinh tế quốc gia (consommation, consumption);
I = đầu tư của các chủ vốn vào cơ sở kinh doanh (investisssement, investment), không tính đầu tư vào thị trường chứng khoán và trái phiếu;
G = tổng chi của Chính quyền (government gouvernement
Ex = xuất cảng (export);
Im = nhập cảng (import).

TSLNĐ được tính toán bởi Tổng cục thống kê dựa trên cơ sở các báo cáo từ các đơn vị, tổ chức kinh tế cũng như báo cáo của các Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế được tính bằng cách hiệu số giữa quy mô kinh tế kỳ hiện tại so với quy mô kinh tế kỳ trước chia cho quy mô kinh tế kỳ trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được thể hiện bằng đơn vị %.

TSLNĐ của các quốc gia khác nhau có thể so sánh bằng cách chuyển đổi giá trị của chúng (tính theo nội tệ) sang tỷ giá hối đoái thịnh hành trên các thị trường tiền tệ quốc tế, thường là mỹ kim (US$).

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, TSLNĐ Việt Nam năm 2009 là 90.090.966.131 mỹ kim với Dân số là 87.279.754 người. Do đó, TSLNĐ trung bình từng người là: 1.032,21 mỹ kim.

(Để có thí dụ, xin mời đọc ‘Kinh tế Việt Nam năm 2009, tại
http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=76498)

C. Hiện tượng ‘sùng bái số lượng’.

Hiện tượng này giống như ‘chạy theo thành tích’ trong ngành Giáo dục. Do đó, trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 trình Quốc hội, còn đưa ra phương án tăng trưởng kinh tế đến 7%. Sau khi thảo luận, các đại biểu, theo chỉ thị Đảng (xem đoạn II dưới đây), quyết định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2009 là 6,5%. Nhưng ngay chỉ tiêu này cũng nhanh chóng cho thấy không thể thực hiện được. Đến giữa năm, lần thứ hai trong hai năm liền, Quốc hội phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2009 từ 6,5% xuống còn 5%. Sau cùng, cuối năm 2009, kết quả cho thấy, TSLNĐ Việt Nam chỉ tăng 5,32% so với năm 2008. Kết luận: vượt chỉ tiêu 0,32%.

Sự thật, quốc gia nào cũng dùng mọi biện pháp để gia tăng TSLNĐ của nước mình vì nhiều lý do. Nhất là khi có tăng trưởng kinh tế cao thì có thể sản xuất thêm, nên cần mướn thêm nhân công, giải quyết thất nghiệp. Tuy nhiên, các chính phủ phải canh chừng để có sự hài hoà giữa sự tăng trưởng kinh tế với các chỉ số kinh tế khác, thí dụ lạm phát.

Sự tăng trưởng kinh tế ‘sùng bái số lượng’ đã và đang trả bằng một giá thật đắc về:

- tài nguyên quốc gia bị khai thác triệt để, thay vì phải tiết kiệm cho các thế hệ con cháu;
- tàn phá môi trường do kế hoạch do Đảng đề ra (xem dưới nay);
- nguy hiểãm hơn như việc khai thác bauxite đang mở đường cho người Trung quốc xâm nhập vào Quê hưong ta.

B. Tăng trưởng kinh tế ‘xấu’.

Trong năm 2010, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã đạt 6,78% so với năm 2009. Cụ thể, tăng trưởng TSLNĐ quý 1/2010 đạt 5,84%, nhưng đến quý 2 đã tăng 6,44%, quý 3 tăng 7,18% và quý 4 ước tăng 7,34%. Như vậy, mức tăng TSLNĐ quý 4 năm nay đạt cao nhất kể từ quý 2/2008. Tính thành mỹ kim, TSLNĐ Việt Nam năm 2010 là: 96.199.133.635 mỹ kim.

Trong số TSLNĐ đó, có bao nhiêu mỹ kim đã phải thanh toán cho những chi tiêu xấu?

- Tại Quê hương, biết bao công trình xây dựng đã được hoàn thành để được tính vào bách phân tăng trưởng kinh tế hay vào trị giá gia tăng để tính TSLNĐ cho Việt Nam. Nhưng, như ‘Công trình chống sạt lở tại huyện Mỹ Chương, Hà Nội’ đã bị bòn rút các loại vật tư để thi công cũng bị thay đổi để có giá thành rẻ hơn. Kết quả không đúng cho việc tính TSLNĐ và sự tăng trưởng kinh tế. Trong tương lai gần, công trình này sẽ sớm bị hư hại và, khi đó, phải sử dụng công nhân để sửa chữa. Lần nữa, lại có sự tăng trưởng kinh tế và đây là một sự tăng trưởng kinh tế ‘xấu’.

- Dự án đại lộ Đông Tây được Chính phủ phê duyệt năm 2000 với tổng mức đầu tư ước tính 8.101 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2005. Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án này.

Tháng 08.2008, Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho thấy, khi các đốt hầm được đúc xong tháng 5 trước đó, hai vách và nắp đã xuất hiện nhiều vết rạn kéo dài từ 2 đến 3 m, bề rộng lớn nhất của vết nứt đến 1 mm. Do đó, ngày 15.06.2009, công tác sửa chữa các vết nứt bắt đầu và kết thúc sau hai tháng rưỡi. Kết quả, ‘công tác sửa chữa’ này cũng làm tăng trưởng kinh tế. Nhưng là một sự tăng trưởng kinh tế ‘xấu’ vì vừa tốn thêm tiền (tháng 12.2010, Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng vốn đầu tư dự án thêm hơn 3.500 tỉ đồng) và mất thời gian (có thể phải đến quý 3/2011 mới hoàn thành dự án).

- Báo chí trong nước tiếp tục đưa tin và hình ảnh về đề tài được xem là “nóng” được Hội đồng nhân dân TP. Hồ chí Minh (Sài gòn, trước kia, không thể xảy ra như thế vì đối lập đã phải lên tiếng) thảo luận và dư luận âu lo về vấn đề ‘hố tử thần’. Có ít nhất 60 vụ lún mặt đường, khiến người ta có thể bị sụp hầm, lạc tay lái, rơi xuống đường bị xe sau vô tình cán qua. Đây là những ‘hố trâu chứ không phải ổ gà’, do lỗi của các đơn vị thi công, nhà thầu, không bảo đảm quy trình, chất lượng, kỹ thuật. Các giới chức thẩm quyền vẫn giữ hoàn toàn yên lặng. Không ai dám nhận trách nhiệm?

Đã có trường hợp một phụ nữ chạy xe máy, đón con từ trường về nhà trên đường Kha vạn Cân, Thủ Đức, xe Honda của chị vấp miệng hố, người và xe ngã ra đường và đúng vào lúc ấy một xe vận tải hạng nặng, lao nhanh tới, tài xế thắng không kịp, tai nạn xảy ra và chị chết ngay tại chỗ, con trai của chị văng xa vào lề đường, may mắn thóat chết.

Tình trạng càng thêm đau thương vì việc mai táng người phụ nữ cũng đem lại sự sự tăng trưởng kinh tế.

D. Thăm dò dư luận.

Kết quả của cuộc Thăm dò dư luận do HSBC (Hong Kong and Shanghai Banking Corporation, Tập đoàn ngân hàng Hương cảng - Thượng hải) thực hiện cho biết: 60% số doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMEs, Small and medium enterprises, tiếng Anh, và PME, Petites et Moyennes Entreprises, tiếng Pháp) tham gia cuộc thăm dò toàn cầu này, ngỏ ý tin tưởng nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng tới. Do đó, tuy giảm 8 điểm so với lần thăm dò trước cách đây hai năm, nhưng mức độ lạc quan của các doanh nhân Việt Nam này vẫn giữ ở mức tích cực, đạt 156 điểm/200, đứng thứ hai trên thế giới, sau Saudi Arabia (Arabie saoudite, tiếng Pháp, 174 điểm. Một phần tư các doanh nhân được hỏi tại các thị trường phát triển cho rằng tốc độ phát triển kinh tế tại đó sẽ chậm lại trong vòng sáu tháng tới và 43% các doanh nhân ở các thị trường mới nổi lại cho rằng kinh tế sẽ tăng trưởng.

Ngoài ra, hơn 50% các doanh nghiệp Việt Nam này muốn mở rộng kinh doanh ra thị trường toàn cầu. Nhưng hầu hết đều vấp phải khó khăn về nguồn vốn (49%), còn ít hiểu biết về các vấn đề giao dịch bằng ngoại tệ (48%). Số bách phân này cao hơn rất nhiều khi so sánh với tỉ lệ 29% trên toàn cầu. Họ muốn tham gia các ngành nghề: nhập khẩu (71%), xuất khẩu (34%)… Và 37% doanh nghiệp nội địa có kế hoạch vươn ra thị trường nước ngoài trong vòng hai năm tới.

Trở về quốc nội, ba mối quan tâm hàng đầu của họ trong thời gian sáu tháng tới là lạm phát (62%), các điều kiện tăng trưởng kinh tế (52%) và các khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn (52%). Những kết quả này phù hợp với các kết luận từ cuộc khảo sát chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi khác do HSBC tiến hành và công bố vào đầu tháng 01.2011.

II. MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 2011-2020.

Ngày 12.01.2011, Tổng bí thư xuất nhiệm Nông đức Mạnh trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XI, đã đưa ra vài con số cụ thể tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng TSLNĐ bình quân 7 - 8%/năm, TSLNĐ bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 mỹ kim... giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong TSLNĐ. Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% TSLNĐ vào năm 2015…

Dù đã có những thành tựu, kinh nghiệm của 25 năm đổi mới đã tạo cho đất nước thế và lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước, song Ban chấp hành Trung ương cũng chỉ rõ nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Thêm vào đó, còn có suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.

Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, là một trong ba đột phá chiến lược trong 10 năm tới.