PHAN THIẾT - Lễ tạ ơn kỷ niệm ngày chịu chức linh mục là một nhắc nhớ về hồng ân và sứ vụ.

Xem hình ảnh Lễ Tạ Ơn

Hôm nay 22.2.2011, Lễ Lập Tông Toà Thánh Phêrô, Giáo xứ Cà Tang,Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ tạ ơn, ghi nhớ 5 năm lãnh tác vụ của 11 linh mục. 5 Linh mục tốt nghiệp khóa VI Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn; 6 Linh mục tốt nghiệp khoá bổ túc Đại chủng viện Sao biển Nha trang. Đây cũng là dịp mừng Bổn mạng giáo xứ vừa tròn 1 năm thành lập. Tên Cà Tang nghe rất lạ mang âm hưởng ngôn ngữ “Sắc tộc thiểu số”.

Cha Hạt trưởng,FX Phạm Quyền chủ tế. Cùng đồng tế thánh lễ có các cha bạn bè thân quen. Đông đảo hội viên nhóm lòng thương xót và cộng đoàn giáo dân chung lời tạ ơn.

Lớp linh mục năm 2006 có những nét đặc biệt.

- Đây là đợt phong chức linh mục đông nhất kể từ ngày thành lập giáo phận.
- Có một khoảng cách khá xa về tuổi đời và tuổi tu của các cha mới. Cha trẻ nhất mới ngoài 30, cha lớn nhất ngoài 60. Có cha 16 năm tuổi tu, có cha hơn 40 năm “ăn cơm Nhà Chúa”.
- Có 6 cha đã gần 60 tuổi, hơn 30 năm làm Thầy giúp xứ, 20 năm chờ đợi ngày lãnh nhận thiên chức linh mục. Một hành trình rất dài, kiên trì, bền đỗ, thật đáng khâm phục.
- Cha Quang Hùng là bạn học với Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh từ thời Tiểu chủng viện.
- Cha Xuân Anh khi làm Thầy giúp xứ đã là nghĩa phụ của Linh mục Phêrô Nguyễn Tấn Luật. Con chịu chức trước bố 4 năm !

Giảng trong thánh lễ, cha Phaolô Hoàng Kim Tốt chia sẽ những tâm tình thân thương với anh em linh mục.

Hôm nay chúng ta có nhiều ý lễ để dâng, để cầu nguyện:

- Cùng với Giaó hội chúng ta mừng kính lễ Lập Tông Tòa Thánh Phêrô,
- Lễ bổn mạng của Gx Cà Tang
- Cũng chính ngày hôm nay cách đây 5 năm, 11 Thầy Phó Tế được Chúa chọn nâng lên hàng mục tử, cùng với các chủ chăn trong Giaó hội để lo cho đoàn chiên Chúa Kitô.

Cộng đoàn Phụng vụ và nhất là Gx Cà Tang hiệp thông cùng vơi 11 cha tạ ơn Thiên Chúa trong ngày này.

Khi chọn ngày Lễ Lập Tông Tòa Thánh Phêrô làm bổn mạng cho một Giáo xứ và làm ngày phong chức cho một số linh mục, Đức Giám Mục Giáo phận nhận thấy có mối tương quan, ý nghĩa sâu xa giữa sứ vụ linh mục và ngày lễ cũng như cuộc đời thánh Phêrô Tông Đồ.

Trên internet có đăng tải một câu chuyện vui về “học bạ của Giêsu Nazareth”:

Trường Simêon Nazareth đã gửi cho Ông Bà phụ huynh Giuse và Maria kết quả học lực 15 môn của trò Giêsu, một kết quả không mấy tốt đẹp. Chẳng hạn:

- Môn toán thì không làm được bài nào: toán cộng không biết cộng, cứ khẳng định mình cộng với Cha bằng một; toán nhân cũng vây, chỉ biết nhân bánh và cá lên nhiều lần mà thôi.
- Về văn học thì chẳng có gì sáng sủa, nói cái gì cũng bằng dụ ngôn.
- Môn vệ sinh thì quá tệ: trộn bùn với nước miếng rồi bôi lên mắt người ta
- …

Đó là câu chuyện vui thôi nhưng nó cũng nói lên con người kỳ lạ của Chúa Giêsu.

Mà Chúa Giêsu cũng lạ thật. Ngài đã từng nói rằng: “người khôn xây nhà mình trên đá…, người dại thì xây nhà mình trên cát…” Ấy thế mà hôm nay Chúa Giêsu cho xây cả một tòa nhà Hội Thánh dựa trên ông Simon Phêrô. Qua Thánh Kinh chúng ta thấy Simon Phêrô là hạt cát hơn là tảng đá:

- Mới tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, vài phút sau ngăn cản đường lối của Thầy, đến nỗi bị thầy mắng là Satan, hãy xéo đi. (Đúng là hạt cát!). Phút trước còn mạnh dạn đi trên mặt nước, phút sau đã sợ hãi chìm lỉm ! (Thật sự là hạt cát!)

- Trong bữa tiệc ly thì mạnh miệng thề thốt trung thành với Thầy, nào là: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”(Mt.26,33); nào là: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”(Mt.26,35)…Thế nhưng, chuyện gì đã xảy ra đêm hôm ấy ? Tất cả chúng ta đều có thể nhớ rõ…Đêm hôm ấy, không ai bắt ông phải chết với Chúa, cũng không có một quyền bính nào tra hỏi ông; chỉ có mấy đứa đầy tớ của vị Thượng phẩm, một nam hai nữ, gặng hỏi ông mấy câu bâng quơ “người này cũng ở trong nhóm của ông ấy !”…Thế là ông bai bải chối luôn 3 lần: “Tôi không biết người ấy là ai !” Lại còn thề độc nữa chứ ! (Mt.26,69-75). (Hiện nguyên hình là hạt cát!).

Quả thật, tự sức mình, Phêrô chỉ là hạt cát, con người Phêrô là thế đấy !

Hạt cát Phêrô đã phải sa ngã biết bao nhiêu lần trước khi trở nên Đá Tảng rắn chắc…

Thế nhưng, tại sao hạt cát Simon bỗng chốc trở thành Tảng Đá Phêrô ?

- Đó chính là nhờ công trình TỬ NẠN và PHỤC SINH của Chúa Kitô. Vâng, chính Mầu Nhiệm Phục Sinh đã biến đổi con người Phêrô cũng như các Tông đồ, từ những con người yếu hèn, nhát sợ, trở nên những con người can đảm phi thường. Đức Hồng Y Fulton Sheen đã không vô lý khi xác tín rằng: “Sứ điệp Phục Sinh có nghĩa là Thiên Chúa có thể biến đổi một cô gái điếm như Maria Madalena thành người môn đệ, và biến đổi một cây sậy dập nát như Simon thành Tảng Đá Phêrô”.
- Cũng chính là nhờ ở TÌNH MẾN mà Phêrô đã dành cho Thầy mình: “thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy; Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”…
- Còn chính là nhờ sự TÍN NHIỆM và TÌNH THƯƠNG mà Chúa Giêsu đã dành cho ông: “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy”. Đây là cơ hội thứ hai, cơ hội ân huệ, cơ hội làm lại cuộc đời. Tựa như một học sinh thi rớt được ưu ái dành cho cơ hội thi lại, Phêrô đã tận dụng cơ hội thứ hai này để trở thành tảng đá. (Nếu chỉ xét trên cơ hội thứ nhất thì Phê rô cũng chỉ như Giuda thôi)

Giáo xứ Cà Tang đây như bao giáo xứ khác, cùng với đoàn chiên trong đó, cũng chỉ là những con chiên lạc giữa hằng bao con chiên khác trong đoàn chiên của Chúa Kitô. Và 11 Anh Em đây, kỷ niệm 5 năm linh mục hôm nay, như hằng bao linh mục khác, cũng ví như những hạt cát trong sa mạc, như những giọt nước giữa biển khơi…

Chúa chọn rồi đó, lên hàng giáo xứ rồi đó, lãnh nhận thánh chức linh mục rồi đó, nhưng để trở thành Đá Tảng rắn chắc của Chúa, không phải một sớm một chiều là có được, càng không phải khi mang trong mình chức danh linh mục, chức vụ này chức vụ nọ là có được.

Xin có mấy tâm tình để nói riêng với 11 Anh Em kỷ niệm 5 năm linh mục, và cũng là nói cho chúng tôi:

Anh Em linh mục chúng ta không thể hơn Phêrô.

- Nếu 5 năm linh mục qua đi trong bình an hạnh phúc, không để lại tiếng xấu nào; làm được công trình này, xây được công trình kia; rửa tội được nhiều người; đem người ta trở lại với Chúa rất đông…thì đó là những điểm son, chúng ta hãy cám ơn Chúa. Thánh Phêrô cũng đã từng đạt được những điểm son như thế: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới” và mẻ lưới đầy ắp cá; đặc biệt hôm nay, ai nói được như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”…
- Còn nếu 5 năm qua, lòng chúng ta vẫn chưa hạnh phúc bình an; làm cái gì cũng bị chê, bị bôi nhọ, cả bị vu khống nữa; Bầu nhiệt huyết của những năm đầu đời linh mục được tung ra hết cỡ, để thực hiện bao mơ ước ấp ủ trong lòng từ lâu, bị đồng nghiệp bĩu môi, bị giáo dân con chiên kêu trách, có khi bị cả Bề trên hiểu lầm…

Thưa Anh Em, nếu Giuđa không một sớm một chiều mà phản bội, nếu Phêrô không tức khắc thành Tảng Đá rắn chắc, thì chúng ta cũng thế, không thể một sớm một chiều trở thành người mục tử hữu hiệu. Có không ít linh mục sau khi qua đời thì công việc của các ngài mới được chấp nhận, mới được tuyên dương, huống nữa mới chỉ 5 năm ! Tựa như Phêrô, chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội thứ hai, không phải một cơ hội thứ hai mà thôi, nhưng có thể có cả trăm, cả ngàn cơ hội thứ hai để chúng ta bắt đầu lại. Đó chính là ý nghĩa của chữ sách Tin Mừng của Tin Mừng. Và cũng tựa như Phêrô, ta hãy khiêm tốn phó thác và tin tưởng vào Chúa Giêsu, để tận dụng cơ hội thứ hai mà Ngài ban tặng cho ta.

Với tôi, hiệp thông trong thánh lễ sáng nay,cùng giang tay cầu nguyện, tôi nhớ đến một bài suy niệm về đôi tay linh mục của Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long.

Đôi tay linh mục là dụng cụ Thiên Chúa dùng để chiếu tỏa ban phát chúc lành của Người cho trần gian. Ngày lãnh nhận chức Linh mục, đôi bàn tay của ứng sinh Linh mục được xức Dầu thánh hiến. Đây là dấu hiệu cho phép Linh mục được ban các Bí tích biểu hiệu cho sự gần gũi cùng lòng trung thành của Thiên Chúa với con người.Trong suốt cuộc đời Linh mục, mỗi khi cử hành các Bí tích, ngài đều dùng đôi tay đã xức Dầu thánh hiến mà ban phát.Khi ban Bí tích Rửa tội cho trẻ em, cho người lớn, Linh mục cũng dùng đôi tay múc nước tưới dội trên đầu cùng xức Dầu Thánh cho em bé, cho người lãnh nhận Bí tích rửa tội.Khi dâng Thánh Lễ, linh mục cũng dùng đôi bàn tay cầm Tấm Bánh, Chén rượu lễ giơ lên, cầm Mình Thánh Chúa trao cho người tới tiếp rước Tấm Bánh Thánh Thể Chúa, rồi sau lễ ban Phép Lành kết lễ của Chúa cho tín hữu Chúa.Khi những em bé cùng với cha mẹ lên trước bàn thờ rước lễ, Linh mục cũng dùng bàn tay ban phép lành vẽ hình Thánh gía trên trán cho chúng.Ngày đôi Bạn trẻ dắt tay nhau đến trước bàn thờ Chúa trao cho nhau Bí tích hôn nhân, linh mục cũng giang đôi tay ra đọc lời chúc lành của Chúa cho họ.Trong tòa giải tội, linh mục giơ tay chúc lành đang khi đọc lời tha tội của Giáo Hội cho người đến xin hòa giải cùng Thiên Chúa.Đến thăm người bệnh yếu đau, linh mục dùng bàn tay xức Dầu Thánh xin ơn tha thứ và củng cố sức mạnh tâm hồn đức tin cho người đau yếu.Chưa hết, linh mục còn dùng đôi tay của mình xoa dịu an ủi những người trong bước đường lâm gặp cảnh sầu khổ họan nạn.Đôi tay của linh mục được xức Dầu Thánh hiến ngày chịu chức linh mục cho công việc phụng tự thờ kính Thiên Chúa và phép lành của Người. Và qua đôi tay đó tình yêu thương lòng khoan dung của Thiên Chúa chiếu tỏa đến với con người trong trần gian. Trong mỗi Thánh Lễ, linh mục dang đôi tay đọc lời kinh nguyện Thánh Thể kêu khấn lòng khoan dung của Chúa: “ Chúa đã cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước tôn nhan và phụng sự Chúa”. Lời kinh này không chỉ nói lên tâm tình tạ ơn, nhưng còn nhìn nhận việc tế lễ phụng thờ Thiên Chúa bắt nguồn từ nơi Đấng đã kêu gọi ban cho chức linh mục.Trong lúc truyền chức Linh mục, Đức Giám Mục chủ tế thinh lặng nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội đặt đôi tay trên đầu ứng sinh linh mục.Cử chỉ đặt tay, theo nguồn gồc trong Kinh Thánh Cựu ước là hành động của chúc phúc lành. Cử chỉ này còn mở rộng ra hơn nữa: Không chỉ ứng sinh linh mục nhận được chúc lành. Nhưng chúc lành của Thiên Chúa còn lan tỏa rộng sang tới những người khác từ đôi bàn tay chúc lành của linh mục. Linh mục là người được Thiên Chúa đặt tay chúc lành, và cũng là người dùng đôi tay mang chuyển chúc lành của Thiên Chúa tiếp cho người khác nữa.Trong đời sống con người, ai cũng có những kỷ niệm ghi khắc sâu đậm trong tâm hồn. Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của đôi bạn trẻ nam nữ ngày thành hôn là lời ưng thuận họ trao cho nhau.Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của ngày truyền chức linh mục là giây phút thinh lặng lúc đức Giám Mục nhân danh Thiên Chúa đặt tay trên đỉnh đầu truyền chức linh mục. Như thế, đôi tay này gắn liền với việc mục vụ tế tự của Linh mục. Và cũng không kém phần quan trọng trong công việc mục vụ cùng tế tự của linh mục là việc cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Thiên Chúa cho chính mình cùng cho người khác. Cho dù việc cầu nguyện trong thinh lặng với Thiên Chúa vô hình nhiều khi gặp khó khăn nặng nề xác thịt cùng bệnh tật của thân xác, và cả về tinh thần trí khôn nữa. Nhưng có lẽ đó là dịp cơ hội tốt cho linh mục suy nghĩ học hỏi tập sống lòng khiêm nhượng về những công việc mục vụ với chính bản thân mình, với người khác, cùng với những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong đời sống ở trần gian.

Hiệp ý tạ ơn với Giáo xứ Cà Tang vừa tròn một tuổi. Hiệp thông với quý anh em ngày kỷ niệm 5 năm sống sứ vụ linh mục. Xin dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và xin Chúa thương gìn giữ đời linh mục của anh em chúng ta.

Nghe bản nhạc: Là Linh Mục - Sáng tác: Lm Nguyễn Hữu An, Thơ: Trà Lũ, Trình bày: Ca sĩ Tâm Linh