Tâm sự của Francis J. Beckwith

Năm 2007, khi tôi suy niệm trong cầu nguyện về việc trở lại với Giáo Hội Công Giáo, có bốn vấn đề thần học giúp tôi lấy quyết định này: công chính hóa, đền tội, biến đổi bản thể, và sự kế vị tông truyền. Tôi đã bàn về ba vấn đề đầu tiên, Ở đây tôi xin trình bầy ngắn gọn về lý do tôi đoan chắc rằng Giáo Hội Công Giáo cũng đúng về việc kế vị tông truyền.

Đạo Công Giáo đòi hỏi là nếu một Giáo Hội tuyên xưng là Kitô giáo thì phải có thể chứng tỏ là các vị lãnh đạo – các giám mục và linh mục – đều là những người kế vị của các Tông Đồ. Chính vì vậy mà Giáo Hội Công Giáo đã chấp nhận các bí tích của Chính Thống giáo Đông Phương là hợp lệ, mặc dầu Chính Thống giáo không hoàn toàn hiệp thông với Rôma.

Điều làm tôi ngạc nhiên là trong Giáo Hội Sơ Khai việc kế vị các tông đồ không phải là một vấn đề phải tranh cãi, như sử gia Tin Lành J. N. D. Kelley đã trình bầy trong cuốn sách Các Học Thuyết Kitô giáo Tiên Khởi Early Christian Doctrines. Tôi tưởng phải tìm thấy các nhóm Kitô hữu, kể cả những vị tổ phụ được kính trọng trong Giáo Hội chống lại. Thực vậy, không có một ai cả. Một lý lẽ để tranh luận trong Giáo Hội Sơ Khởi chống lại việc lạc giáo là sự thiếu sót về dòng dõi kế nhiệm liên tục,và do đó có sự thiếu hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ. Trong luận án nổi tiếng của Thánh Iternaeus “Chống Lạc Giáo” Against Heresies (182-188), Thánh Irenaeus (140-202) cũng đã đề cập đến điểm này ở nhiều chỗ. Tertullian (160-220) cũng trình bày cùng một lý luận như vậy.

Dĩ nhiên, chính các Kitô hữu sơ khởi cũng không có một hệ thống và cơ cấu tổ chức chi tiết và Bộ Giáo Luật như Giáo Hội Công Giáo ngày nay. Họ cũng không có một Tân Ước được chính thức công nhận, những tín lý được công đồng chấp nhận, một Giáo Hội hoàn vũ nối kết được toàn cầu, và những giải thích chi tiết và rõ ràng về Ba Ngôi, sự Nhập Thể, và công chính hóa. Một Giáo Hội sơ sinh cũng giống như một đứa bé. Trong những giai đoạn sơ khởi đã có những đặc tính đến khi trưởng thành trọn vẹn mới được biểu hiệu cách khác đi, tuy nhiên vẫn bắt nguồn từ bản thể hiện hữu của mình.

Do đó, cùng một con người nói, “Mẹ ơi! Con muốn…,” có thể một ngày kia thực hành việc chữa trị bệnh nội thương. Như thế, trong khi Giáo Hội phát triển và trưởng thành, các đặc tính tự bản chất cũng trưởng thành để đáp ứng với con số gia tăng các thành viên, cũng như đáp ứng các thách đố thần học, chính trị, điạ dư, và mục vụ không lường trước được khi còn sơ khai.

Chẳng hạn, thách đố của thuyết lạc giáo Arianism, Công Đồng Tiên Khởi Nicaea (năm 325) đã nhóm họp và đã soạn được một kinh Tin Kính và tất cả mọi thành phần của Giáo Hội phải chấp nhận. Những quyết định của công đồng đạt được như vậy chỉ có ý nghĩa khi những tổ chức này có thực quyền. Và, như tôi đã học biết, chức quyền độc nhất trong Giáo Hội Sơ Khởi được công nhận là có khả năng giải hòa các tranh cãi về học thuyết, chính là tông truyền, dù cho nguyên thủy hay được tiếp nhận.

Vào lúc các tổ phụ đầu tiên của Giáo Hội đang viết các thánh thư, một hạ tầng cơ sở của giáo hội đã sẵn sàng, và hoạt động không có sự mâu thuẫn nào cả, dù còn trong tình trạng sơ khai. Mặc dầu chúng ta có thể thấy những dấu chỉ đầu tiên của sự phát triển này trong Tân Ước, đề nghị một mẫu mực đặc biệt về lãnh đạo và quyền bính, chúng vẫn chỉ là các dấu chỉ khi bị cô lập hóa với cách thức các độc giả tiên khởi của Kinh Thánh thấu hiểu, kể cả những môn đệ của các Tông Đồ và những người kế vị họ.

Trước nhất, rõ ràng là Giáo Hội của Tân Ước là một giáo hội tông truyền. Thành phần lãnh đạo gốm có các tông đồ, được Chúa Giêsu ban cho quyền bính, kể cả quyền cầm buộc hay tháo cởi (Mt 16:9; Mt. 18:8), tha tội (Ga 20:21-23), rửa tội (Mt 28:18-20), và chọn môn đệ (Mt 28:18-20). Chúng ta thấy điều này được trình bầy trong suốt Tân Ước bằng nhiều cách, kể cả giáo huấn nói rằng Giáo Hội được xây dựng trên Chúa Kitô và các tông đồ (Eph 2:19-22), thảo luận và tuyên bố bên trong một cấu trúc giáo hội về một tranh cãi thần học (TĐCV 15:1-30), tuyên dương thế nào là một sự chấp nhận thích nghi một học thuyết chân chính (1 Cor 15:3-11), khiển trách và rút phép thông công (TĐCV 5:1-11;TĐCV 8:14-24; 1 Cor 5; 1 Tim 5:20; 2 Tim 4:2; Titus 1:10-11), phán quyết về tình trạng sám hối của một tín hữu (2 Cor 2:5-11; 1 Cor 11:27), việc phong chức và bổ nhiệm các thừa tác viên (TĐCV 14:23; I Tim 4:14), chọn lựa các thừa kế (TĐCV 1:20-26), và trao gởi truyền thống tông truyền cho thế hệ kế tiếp (2 Thes 2:15; I Tim 2:2). Tất cả đặc tính Công Giáo đã được thể hiện, dù chỉ là trong trạng thái phôi thai.

Thứ hai, ý nghĩa trọn vẹn của các “dấu chỉ” này được tìm thấy trong những thực hành của giáo hội sơ khai đã được giải thích rõ ràng bởi thế hệ thứ hai các Kitô hữu và những người thừa kế. Ngoài các chứng tá của Thánh Irenaeus và Tertullian, như đã ghi nhận trên đây, hãy còn nhiều vị khác, kể cả Thánh Clementê thành Rôma, Thánh Cyprianô thành Carthage, và Thánh Âutinh thành Hippo.

Giáo Hội Công Giáo cũng quý trọng quyền bính tối thượng của Giám Mục thành Rôma và học thuyết bất khả ngộ của giáo hoàng. Tôi không có đủ chỗ để đề cập đến sắc thái này của sự kế vị tông truyền. Nhưng một khi tôi đã thấy việc kế vị tông truyền là một học thuyết Kitô giáo chính đáng cả về phương diện lịch sử lẫn thánh kinh, quyền tối thượng của Phêrô tự động trở nên hợp lý. Tôi đã khám phá rằng trường hợp về quyền tối thượng của Phêrô rất vững mạnh (như Adrian Fortescue đã tranh luận và thuyết phục), và ngay cả Chính Thống giáo đã chối bỏ giáo triều hiện đại cũng vẫn công nhận là Rôma có một quyền tối thượng nào đó về giáo hội (như đã được trình bầy trong tài liệu của Olivier Clément. Một số người nói một cách giản dị hơn “một quyền tối thượng danh dự.”) Và vì tôi là một người cựu-Công Giáo, tôi ly khai với Rôma và không ly khai đối với Constantinople, Chính Thống giáo không phải là một chọn lựa đích thực đối với tôi.

Tôi đã thấy rõ là sự kế vị tông truyền đã có trong toàn thể lịch sử Kitô giáo và được chấp nhận bởi các Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương cho đến khi có sự Cải Cách của Thế Kỷ 16. Do đó, tôi kết luận rằng điều này đã có một vị thế chính đáng bên trong khuôn khổ của tín lý Kitô giáo có thể chấp nhận. Trong trường hợp này, tôi không còn có thể tiếp tục ly khai với Giáo Hội đã rửa tội tôi trừ khi tôi có lý do chính đáng để làm như vậy. Và tôi không có lý do nào chính đáng.