Chuyện Ông Tư Dì Tư: Tàn Phá Dung Nhan

Ông Tư Dì Tư, một cặp vợ chồng người miền Nam định cư tại Quận Cam từ sau năm 75. Hồi xưa Ông Tư bịt răng vàng, người trong thôn gọi Cậu Tư Cường. Dì Tư, gọi là Thoan.

Dì Tư điệu bộ lo lắng, cất tiếng hỏi chồng,

— Ông? Ông mần chi mà tui thấy ông cứ loay hoay đi ra đi vô toilet, rồi lại đứng hằng giờ ở trỏng săm soi trước cái kiếng? Bộ ông đau bụng hả? Có cần uống thuốc hay không? Hay là để tui cạo gió cho. Trời lóng rầy nắng đổ lửa như than hầm, dễ bị Tào Tháo rượt lắm đó nghen.

Ông Tư bông lơn,

— Tui hổng có sao. Bà đừng có lo. Tui là người tốt cho nên bụng cũng tốt theo à. Ta nói Tào Tháo có muốn rượt, sợ cũng khó lắm.

Ông Tư hỏi vợ,

— Bà còn nhớ năm ngoái lúc hai vợ chồng mình về Việt Nam thăm họ hàng hay không.

Dì Tư gật đầu,

— Ờ, tui nhớ.

Ông Tư tâm sự,

— Tình thiệt mà nói trước khi lên phi cơ, tui cũng hơi ngần ngại, bởi nghe nói nhiều người về bển uống nước rồi bị Tào Tháo rượt. Nhưng mới bước được mấy bước trên đường làng á, thì ta nói thiệt tình… Gần ba mươi năm trời không gặp được bà con chòm xóm, giờ tự dưng gặp lại biết bao nhiêu người, tui vui quá xá à. Cho nên sang tới ngày thứ hai cái là tui bắt đầu sa đà, gặp thịt chó ăn thịt chó, đụng nước mía uống nước mía. Nhưng hên ông trời cho tui cái bụng tốt. Gần ba mươi năm xa nhà, giờ về Việt Nam ăn thịt chó nướng vỉ ngay bên lề đường đó, uống nước mía xay ngoài chợ sáng trưa chiều tối đủ bốn cữ mà vẫn tỉnh bơ như không!

Dì Tư cộ mắt nhìn chồng,

— Hứ, ông đừng tưởng ông ngon! Tại chưa tới lúc Tào Tháo mở sổ gọi tên ông ấy. Ông đừng có quên cái hồi tui mới sanh thằng Hai xong, chiều hôm đó ông sa đà nhậu nhẹt thịt chó với lòng heo chấm mắm tôm. Lết về được tới nhà, ông thượng thổ hạ tả. Thiệt tình bữa đó ông hành tui gần chết luôn…

Ông Tư cụt hứng,

— Bà! Nói chuyện nghe mắc cười quá à…

Ngồi xuống ghế, ông Tư vô đề,

— Bà biết hông? Mới lúc nãy coi TV, tui thấy người ta nói có cái bà người Pháp được bác sĩ thẩm mỹ sửa cho lại cái mặt...

Dì Tư khịt mũi,

— Hứ, mần chi mà phải mò tới viện thẩm mỹ sửa da sửa mặt. Bà này nhiêu tuổi rồi? Dư tiền bạc quá mà...

Ông Tư cự nự,

— Bà, chưa chi đã nghĩ xấu cho người ta à. Đây nè, cái bà này bị chó cắn cái mặt nát bấy như tương vậy đó... Nhưng cũng còn hên cho bả, bởi gặp được bác sĩ thẩm mỹ rành nghề, cho nên khuôn mặt của bả trở lại gần như bình thường nguyên vẹn vậy đó.

Ông Tư tâm sự,

— Thấy chuyện người tui lại nhớ tới chuyện mình.

Dì Tư hỏi,

— Chuyện người thì tui hiểu. Còn chuyện mình là chuyện gì?

Ông Tư nhìn vợ,

— Chớ bộ bà không thấy vợ chồng mình sống tới tuổi này, nhìn miết ở trong gương, tui thấy tóc muối nhiều hơn tiêu. Cho nên tui thấy càng sống lâu càng thêm cơ hội khiến khuôn mặt biến dạng. Tôi thấy ở trên đời này chỉ có mình Chúa Giêsu là còn nguyên vẹn, trắng tinh vẫn là trắng tinh như tuyết, trước sau khuôn mặt của Chúa không hề thay đổi à nghen.

Dì Tư chép miệng,

— Ông nói chiện! Chúa mà! Ông còn nhớ cái tuồng Chúa biến hình ở trên núi Tabo hay không?

Ông Tư cự nự,

— Bà! Sao lại có cái vụ tuồng tích ở đây. Bài Phúc Âm Chúa Biến Hình mà bà làm như là tuồng Võ Tòng Đả Hổ hay là Tiếng Trống Mê Linh không bằng.

Dì Tư cười giả lả,

— Ừ, ừ, thì bài Phúc Âm…

Tới phiên dì Tư tâm sự,

— Tôi nhớ hồi còn nhỏ đó ông, nghe dì phước dậy nếu mình chịu khó siêng năng đi lễ Misa, lần chuỗi Mân Côi, ngoan ngoãn với tía má thì áo rửa tội của mình lúc nào cũng trắng tinh như là áo Chúa Giêsu lúc Ngài biến hình trên núi vậy đó. Ông biết không, nghe vậy tui khoái quá, tui te te đi lễ Misa ngày hai bận. Sáng tinh mơ, chuông nhà thờ vừa đổ là tui lục đục ngồi dậy đi lễ với tía má. Còn chiều đó nghen, tui hấp tấp nấu cơm cho lè lẹ để còn kịp đi lễ. Còn tối khuya, nhiều khi tui còn nhắc nhở tía má lần chuỗi Mân Côi đó ông. Trời ơi, hồi đó tía má cứ nói mai rày lớn lên con nhỏ này sẽ đi tu cho mà coi. Nghe nói vậy, tui cũng khoái tê tê trong bụng, tui tính đi tu thiệt tình đó ông…

Ông Tư nửa đùa nửa thật,

— Nè, nè, bà đừng có đổ ngang là tại bà lậm tui cho nên mất đi cơ hội làm dì phước đó nghen…

Dì Tư mặt đỏ tuồng như người nhai trầu thuốc,

— Á! Ông quỷ đa! Nói năng lảm nhảm không à.

Ông Tư bập bập hơi thuốc,

— Bà làm tui nhớ chuyện ông họa sĩ vẽ tranh Bữa Tiệc Ly đó.

Dì Tư ngưng ngang miếng trầu,

— Chuyện làm sao?

Ông Tư kể chuyện,

— Thì ổng họa sĩ chọn vẽ người đầu tiên là Chúa Giêsu. Người làm mẫu cho Chúa Giêsu, ông ấy nghĩ phải kiếm cho ra người có khuôn mặt nhân hậu nè, từ bi nè. Chỉ trong vòng một thời gian, ổng ấy đã kiếm ra người mẫu cho Chúa Giêsu. Rồi sau đó, ổng lại đi kiếm mười một người mẫu khác cho mười một vị tông đồ. Sau cùng, ổng mới đi kiếm người mẫu cho Giuđa, là một người mà theo như ổng là phải có cái khuôn mặt nham hiểm bất lương. Nhưng cũng phải mất một khoảng thời gian ông họa sĩ mới kiếm ra được người mẫu cho Giuđa đang ngồi ăn xin ở chợ. Thì mang ông ăn mày về nhà, chỉ vô bức tranh, ông họa sĩ giải thích cho người ăn mày biết công trình ông đang thực hiện. Thì thiệt là bất ngờ…

Dì Tư nóng nảy,

— Bất ngờ làm sao hả ông?

— Thì khi nhìn thấy Chúa Giêsu trong bức tranh, người ăn mày bật khóc, và nói, “Ông biết sao không? Người mẫu cho Chúa Giêsu trong bức tranh chính là tôi đây nè”.

Dì Tư xuýt xoa,

— Í chèng ơi! Nghe ông kể chiện mà tự nhiên tui rùng mình ớn lạnh luôn đó ông. Tự dưng cũng muốn đi soi kiếng coi khuôn mặt mình đã biến đổi tới đâu… Mà lạ hén. Người ta nói, “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Nhưng mà tui không hiểu sao người ta lại biến đổi, mất đi cái tính bổn thiện vậy hả ông?

Ông Tư giải thích,

— Thì cũng có nhiều lý do. Nhưng tôi nghĩ cũng tại cái môi trường nơi mình sống thôi. Bà còn nhớ ông bà mình hay nói, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

Dì Tư gật đầu,

— Ừ…

Ông Tư tiếp tục,

— Hay là “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay không?

Dì Tư lại gật đầu, miệng nói,

— Nhớ…

Ông Tư vẽ vẽ vòng tròn,

— Bà thấy cái mặt tròn tròn, phúc hậu như cô Thúy Vân mà đưa vào cái ống tre ở riết thì cũng biến dạng dài thoòng. Tôi mà cứ giỡn với mực, có ngày mực đổ vấy áo hóa ra đen thui à.

Ông Tư lên giọng tuồng như thầy đồ giảng bài,

— Cho nên tôi nhớ chuyện kể Tể Tướng Án Anh nước Tề có lần ổng công du nước Sở. Muốn làm bỉ mặt nước Tề và Án Anh, vua Sở mới bày kế, trong khi nhà vua và Án Anh đang đàm đạo, từ bên ngoài quân lính mang vô một người thanh niên mặc quần áo nước Tề, tay chân bị xiềng xích. Vua Sở mới hỏi quân lính, “Người đó tội chi mà bị xiềng xích như vậy?”. Quân lính mới thưa, “Tâu bệ hạ, người này nguyên gốc dân nước Tề, nay bị bắt vì tội ăn cắp”. Vua Sở mới quay sang hỏi Án Anh, “Bộ nước Tề có nhiều người ăn cắp lắm hay sao?”. Nghe vua nói, Án Anh mặt không biến sắc, nhưng điềm tĩnh trả lời, “Thần nghe nói quất Giang Nam nguyên thủy quất ngọt. Nhưng khi mang qua trồng bên đất Giang Bắc, quất ngọt hóa ra quất chua. Nay anh chàng thanh niên này nguyên thủy người nước Tề, ở bên nước Tề, sống một đời lương thiện cho tới khi dọn nhà qua bên đất Sở sinh sống, khi đó lại hóa ra quân trộm đạo bất lương”. Vua Sở nghe nói vậy, giận tím mặt, vẫy tay cho quân sĩ kéo người thanh niên ra ngoài…

Dì Tư lại xuýt xoa,

— Chà chà, cái ông Án Anh này thiệt là lanh lợi đa, ông ha. Trả lời như vậy thì còn ai nói cho lợi với ổng. Người xưa ta nói sao mà lợi khẩu quá hén, ông…

Ông Tư bàn thêm,

— Nơi chốn mình ở chỉ là một thôi. Nguyên nhân thứ hai khiến người ta mất đi cái tính bổn thiện thì lại có liên quan tới những cái chọn lựa trong đời sống hằng ngày…

Dì Tư nóng nảy,

— Sao? Sao? Vậy là làm sao? Cái này ông phải nói thêm rồi đa.

Ông Tư chậm rãi,

— Bà còn nhớ câu chuyện bà Evà ăn trái cấm hay không?

Dì Tư cộ mắt nhìn chồng,

— Chuyện đó thì ai còn lạ gì. Nhưng mà ông lôi chuyện bà Evà vào trong đây để làm cái gì?

Ông Tư trợn mắt nhìn vợ,

— Để làm cái gì? Bà nói nghe thấy mắc cười à. Bộ bà không thấy rõ ràng là bà Evà có cái chọn lựa hay sao? Hoặc ăn hoặc không ăn. Nhưng mà cuối cùng, bả ấy cũng chọn, một cái chọn lựa khờ dài, và bởi cái chọn lựa khờ dại này, mà hai vợ chồng mất đi khuôn mặt thiên đàng. Tệ hơn nữa, từ cái chọn lựa nghèo nàn của bà Evà, trần gian mới nảy sinh ra khuôn mặt hung thủ Cain và khuôn mặt nạn nhân Abel, nối tiếp theo sau là những khuôn mặt xác chết nổi lềnh bềnh trên dòng nước Đại Hồng Thủy. Đó, bà thấy chưa?

Dì Tư rạng ngời nét mặt,

— Thôi, tui hiểu rồi. Tui nhớ đâu có lần tụi tui thắc mắc hỏi cha linh hướng Hội Legio về sự khác nhau giữa tội nhẹ với tội nặng. Có người còn hỏi, “Ơ, thưa cha, nếu khai thuế hơi quá tay một chút, rồi lấy số tiền đó gửi về cho các trại mồ côi ở bên Việt Nam, làm như vậy có được hay không?”.

Ông Tư giọng điệu gậy mọt thấy rõ,

— Rồi… Ông cha linh hướng, ổng ấy nói làm sao?

Dì Tư suy nghĩ,

— Ờ, thì tui nhớ đâu ổng nói in đâu như là, “Nếu cứ sống với những cái chọn lựa nghèo nàn, chẳng mấy chốc từ người làm mẫu cho Chúa Giêsu, mình sẽ trở thành người mẫu tuyệt vời cho Giuđa”. Đúng rồi đó…

Ông Tư kết luận

— Thì đấy, vậy là bà hiểu chuyện rồi đó. Bây giờ bà còn tưởng tui bị Tào Tháo rượt nữa hay không?

Thiền Năm Phút

Chọn lựa nghèo nàn dẫn ra đời sống nghèo nàn, khuôn mặt bần hàn.

Chọn lựa thánh thiện dẫn tới đời sống bình an, khuôn mặt an bình.

Ước chi trần gian ngày càng xuất hiện thêm nhiều khuôn mặt bình an.


www.nguyentrungtay.com