Theo cơ quan GSI (sở địa dư của Nhật bản) thì trận động đất 8.9 độ richter và cơn sóng thần dường như đã di dời các hòn đảo chính của Nhật tới 8 feet (2.4 mét) và chuyển trục trái đất lệch đi gần 9 inches (10cm).

Sau khi chứng kiến sự tàn phá chung quanh những hải cảng đã một thời rất nhộn nhịp, người ta phải đồng ý với lời của vị thủ tướng Nhật Naoto Kan than rằng nước ông đang phải chịu một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất sau Thế chiến II.

Cảnh tàn phá gợi lại hình ảnh của thành phố Hiroshima sau trận đánh bom nguyên tử năm 1945, mới hai tuần trước, còn là những đường phố, nhà ở, cửa hàng, nhà máy, nhà kho, hôm nay là một dải đất bùn kéo dài tới tận chân trời, đầy nghẹt những di tích lạnh tanh của nhiều cuộc sống đã bị bức tường nước cuốn trôi ngày 11 Tháng 3.

Xe cộ lật nhào bẹp dúm. Những cột đèn bê tông gẫy gục, uốn cong như ống hút. Một vài ngôi nhà còn nguyên vẹn nhưng bị bật ra khỏi nền móng, nằm nghiêng ngả đây đó như những tên say rượu.

Những hình ảnh giống ngày tận thế đó xuất hiện ở mỗi thị trấn và làng mạc dọc theo vùng duyên hải đông bắc. Hơn thế nữa và mỉa mai thay, quốc gia duy nhất đã hứng chịu những tác hại của vũ khí nguyên tử, nay lại phải đương đầu với một thảm họa hạt nhân mới khi nhà máy điện Fukushima Daiichi chiến đấu tận lực để ổn định các lò phản ứng bị hư hại.

Nhật Bản, một nước đã vật lộn hai chục năm với tình trạng trì trệ về chính trị và kinh tế, đôi khi dường như đã bị lay động vì nghi ngờ bản thân, và đang còn phải đối phó với gánh nặng của một dân số già đi nhanh chóng, thì với số tử vong lớn vì thiên tai, với chi phí tài chính nặng nề và những tác dụng hạt nhân nguy hại, tình trạng bất ổn sâu rộng sẽ có nguy cơ còn kéo dài thêm?

Nước Nhật chắc chắn sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi. Nhưng không đâu người ta chứng kiến một dân tộc có sức bật mạnh mẽ và gắn bó với nhau như ở Nhật Bản.

Peter Ford của tờ The Christian Science Monitor cho biết nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước nghĩ rằng trong thực tế những đòi hỏi cho việc phục hồi từ cuộc khủng hoảng này có thể sẽ cung cấp cho đất nước này một tâm trạng mới về mục đích: Cái may có thể sinh ra từ cái rủi theo câu châm ngôn của Nhật Bản.

"Thảm họa này có thể đòan kết dân Nhật trong việc phục hồi và tái thiết", theo ông Koichi Nakano, giáo sư chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo. "Những thách thức để đưa mọi thứ trở lại như xưa sẽ đoàn kết chúng tôi, và chúng tôi đã từng biết phải làm thế nào."

Nhật Bản đã từng làm điều đó trên một quy mô rộng lớn hơn nhiều. Cuối Thế chiến II, 60 thành phố đã bị san bằng, nửa triệu người chết, 10 triệu người vô gia cư, và một phần tư tài sản quốc gia bị tiêu huỷ.

Trong vòng chưa đầy bốn chục năm sau, nước này đã chuyển đổi thành một nền kinh tế lớn thứ hai trên trái đất. "Họ hợp sức và xây dựng lại một cách ngoạn mục," theo lời ông John Dower, tác giả của cuốn sách kể lại cuộc phục hồi đó có tên là "Embracing Defeat" "Ôm hôn thất bại", "Tôi nghĩ họ sẽ hợp quần một lần nữa và sẽ phục hồi một cách đáng kinh ngạc."

Sâu thẳm trong tâm khảm của người Nhật Bản là tinh thần "gaman" ("Kiên trì".) Là trọng tâm của tinh thần quốc gia, gaman có nghĩa là "Chịu đựng, nhận lấy bất cứ điều gì đến và hãy cố gắng", ông Roland Kelts nói, ông là người đã dựa vào di sản hỗn hợp Nhật và Mỹ để viết cuốn "Japanamerica." "Họ thừa hưởng những DNA văn hóa qua nhiều thế kỷ phải đương đầu với hòan cảnh bị vây bủa."

Đó là một tinh thần mà người dân Nhật đã buộc phải rút ra từ một quá khứ thường xuyên đối diện với thảm họa tự nhiên và do con người gây ra. Từ các trận động đất lớn ở Tokyo năm 1923, qua chiến tranh thế giới II đến trận động đất Kobe năm 1995, "những trường hợp trên dù có khác biệt, nhưng vẫn có một hằng số chung," theo lời ông Merry White, một nhà nhân chủng học chuyên về Nhật Bản tại Đại học Boston, "đó là tương đối có rất nhiều sinh động và rất ít tinh thần buông xuôi."

Makoto Mizenoya là một trong những người không buông xuôi. Đứng bên ngoài một ngôi trường dùng làm chỗ tạm cư cho tất cả các cư dân của thành phố Narahama, gần nhà máy hạt nhân Fukushima, ông gạt bỏ những lo ngại rằng ông có thể đã bị ô nhiễm phóng xạ.

"Tôi không thực sự nghĩ về điều đó," ông vừa nói vừa lo giúp cho những ông bà lớn tuổi đang tụm năm tụm ba trên một sàn lớp học. "Tôi cảm thấy có lỗi mỗi khi nghe những lời chúc may mắn từ bạn bè. Tôi chỉ muốn tiếp tục làm tốt công việc của tôi bây giờ."

Tuy nhiên quy mô của thảm họa, và một trường hợp khẩn cấp liên quan đến hạt nhân, "có thể là bài kiểm tra cuối cùng của tinh thần Nhật Bản", ông Kelts cảnh báo.

Số tử vong do động đất và sóng thần đã tăng cao hơn 10.000. Gần nửa triệu người mất nhà. 850.000 nhà mất điện, và 1,5 triệu gia đình không có nước. Trong vùng động đất, thực phẩm thiếu hụt và xăng nhớt cạn kiệt.

Đối diện với những khó khăn, các nạn nhân đã chứng tỏ một tinh thần khắc kỷ đáng nể. Dù cho các nỗ lực cứu trợ đã không trơn tru, rầy rà vì thiếu thông tin và vận tải, nhưng các nạn nhân không phàn nàn. Họ kiên nhẫn chờ đợi trong trật tự để nhận nước, thức ăn, khí đốt, chăn mền, hoặc bất cứ những gì được cấp phát.

Tại Sendai, một thành phố mà một nửa dân số không có điện nước, một hàng người đứng đợi ngòai trời tuyết bên ngoài một cửa hàng mở cửa lần đầu sau trận động đất. "Tôi chờ để mua thức ăn và nước," là lời của Yuta Okada, một thanh niên trẻ vừa đứng vào cuối hàng. "Tôi lo lắng vì các nhân viên nói rằng họ không có đủ cho mọi người. Tất cả tôi có thể làm là nhẫn nại chờ xem."

Ở phố Fukushima, cách nhà máy điện Fukushima khoảng 25km, ông Hà Minh Thành, một cảnh sát Nhật gốc Việt, đã kể lại chuyện một em bé 9 tuổi cô đơn đứng ở cuối hàng phát thực phẩm. Động lòng thương ông đã khóac cho em tấm áo và nhường cho em khẩu phần của mình. Trước con mắt ngạc nhiên của ông, em khom mình cám ơn rồi mang khẩu phần đó đặt vào thùng thực phẩm chung và quay lại chỗ cuối hàng tiếp tục chờ đợi. Em nói với ông: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng".

Các ký giả ngọai quốc từng săn tin các thảm họa trên thế giới đã ngạc nhiên khi không thấy có tin tức về cướp bóc, dù cho các cửa hàng không có nhân viên bảo vệ. Trong một xã hội mà quyền lợi tập thể được coi trọng hơn những ước muốn cá nhân, theo lời giáo sư Nakano, "thì có một tinh thần tôn trọng trật tự, sẵn lòng tuân thủ các quy định và không gây ra khó khăn cho người khác. Thật là một tinh thần rất hữu ích trong những tình huống như thế này.."

Nhiệm vụ xây dựng lại những thị trấn bị tàn phá sẽ khó khăn, và có thể chi phí sẽ lên đến 185 tỷ đô la theo ước tính của hãng Barclays Capital. Ngay cả với một nước Nhật Bản có quyết tâm và có nhiều gắn bó xã hội, vẫn có thể cần tới nhiều năm.

Những thảm họa ở các nơi khác như New Orleans chẳng hạn, sau cơn bão Katrina 5 năm rưỡi mà vẫn còn nhiều khu phố chưa xây dựng lại được. Mười năm sau cơn bão Andrew ở miền Đông Nam Hoa Kỳ năm 1992, công việc phục hồi vẫn còn chưa kết thúc.

Tuy nhiên, không thể áp dụng những đo lường từ những thảm họa thiên nhiên ở nơi khác cho Nhật Bản, vì đây là nơi đầu tiên phải đối diện với ba cuộc khủng hoảng cùng một lúc: sóng thần, động đất, và nguy cơ nguyên tử. "Chúng ta chưa bao giờ có một trường hợp như thế này," theo lời ông David Neal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thiên tai và những sự cố khắc nghiệt tại Oklahoma State University.

Duy chỉ một việc làm sạch cơ sở hạt nhân Fukushima sẽ là một nhiệm vụ ghê gớm. Ngay cả khi tình hình ổn định, ít nhất là có ba trong số sáu lò phản ứng tại cơ sở đã bị hư. Nếu người Nhật quyết định dỡ bỏ các đơn vị hư hỏng, thì dựa trên bài học của Three Mile Island, Pennsylvania, có thể sẽ cần đến hai năm. "Ngừng hoạt động là một công việc rất, rất lớn", theo ông Charles Forsberg, một chuyên gia hạt nhân tại MIT (Học viện Công nghệ Massachusetts) ở Cambridge, Mass "Nó giống như là xây dựng một lò phản ứng mới vậy."

Người Nhật cũng sẽ phải đối diện với sự gián đoạn kinh tế. Tất cả các hãng xe lớn đã tạm thời đóng cửa, một phần vì thiếu bộ phận từ các nhà máy bị hư hỏng ở miền bắc. Nhiều nhà máy điện tử trong khu vực động đất cũng đình chỉ hoạt động. Những hải cảng miền đông bắc Nhật Bản đều bị thiệt hại, và nhiều công ty nước ngoài và trong nước đã ngưng việc kinh doanh vì công nhân bỏ chạy trước nguy cơ phóng xạ.

Tuy nhiên, nhiều kinh tế gia hy vọng rằng những thiệt hại có ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung sẽ chỉ là tối thiểu. "Tác động trực tiếp của thiên tai trên nền kinh tế là rất hạn chế", theo ông Martin Schulz, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Fujitsu tại Tokyo. Đổ đồng, Nhật mất đi một nhà máy thép, hai nhà máy lọc dầu, và một số nhà máy khác bị suy giảm. Nhưng khu vực động đất và sóng thần chỉ có ảnh hưởng tới 6 % của nền kinh tế. Các vành đai công nghiệp lớn ở miền trung và miền nam Nhật Bản vẫn còn nguyên vẹn, và mặc dù nhiều nhà máy vẫn còn đóng cửa, họ có thể mở lại ngay khi giao thông được phục hồi.

Trong trận động đất Kobe trước đây, cũng có nhiều thiệt hại như lần này nhưng "đã không gây ra thậm chí là một đốm sáng trên các số liệu thống kê kinh tế," ông Schulz nhớ lại, và ông ta nghĩ sự suy giảm tốc độ tăng trưởng sẽ rất nhỏ nhoi (marginal drop,) cho năm nay, sẽ vẫn nằm ở số 1.5% như những dự đoán trước thiên tai. Năm tới nhiều đầu tư lớn để xây dựng lại nhà cửa, cầu cống, đường xá, và đường sắt sẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP lên chút ít.

Trên mặt trận chính trị, chính phủ cách đây vài tuần đã có nguy cơ xụp đổ, nay được hưởng lợi nhờ nhửng tham gia đi kèm với tình trạng khẩn cấp quốc gia. Và dù cho có nhiều chỉ trích mạnh mẽ xung quanh vấn đề hạt nhân và sự chậm trễ đưa hàng cứu trợ lên miền bắc, cuộc khủng hoảng quốc gia này đã cung cấp một cơ hội cho các nhà lãnh đạo để tập hợp quốc gia, và cải thiện cơ may của chính mình, dĩ nhiên là nếu chính phủ không thực hành đúng đắn thì rủi ro sẽ tăng lên. "Nhờ cuộc khủng hoảng, các đảng đối lập không thể chỉ trích chính phủ, và trong thời gian này thì điều đó đã giải cứu chính phủ", Eisuke Sakakibara, cựu bộ trưởng tài chính, cho biết.

Chính phủ đã phản ứng hợp lý, theo ý kiến của nhiều chuyên gia chính trị, và những công dân bình thường đang bận tâm với những vấn đề cá nhân không còn quan tâm nhiều đến chính trị. Nhắc lại những năm trước đây dân chúng đã không hài lòng cách sâu sắc với nhiều chính phủ kế tiếp nhau: Nhật Bản đã có 5 thủ tướng trong 5 năm. Đã có chút hy vọng khi cử tri bỏ phiếu lọai Đảng Dân chủ Tự Do trong năm 2009 (sau khi đảng này cầm quyền một nửa thế kỷ) nhưng rồi hy vọng cũng đã bị tiêu tan khi tỷ số được lòng dân của ông Kan đã giảm xuống dưới 20 phần trăm trước trận động đất ",nhưng sự việc này (Thiên tai) có thể thực sự khởi động lại một cái gì đó," ông Schulz nói.

Chuyển động mới trên chính trường có thể bắt đầu, ông nói, nếu cử tri đổ lỗi cho Công ty Điện lực Tokyo vì những tai nạn hạt nhân. Là một cơ chế quan liêu cổ điển bí mật và là sở hữu chủ nhà máy nguyên tử Fukushima, sự giận dữ của công chúng đòi hỏi sự minh bạch trong cơ chế "sẽ gây ra những thay đổi lớn," ông Schulz tin tưởng.

Một cách sâu xa hơn, một số nhà quan sát nhìn thấy một cơ hội ở chỗ các nỗ lực phục hồi sẽ khích lệ một xã hội dường như bị sa lầy trong sự nghi ngờ bản thân sau khi đã đạt được nhiều điều kỳ diệu sau chiến tranh. Một mặt, nó có thể làm sống lại hình ảnh truyền thống của người dân Nhật, tóm gọn trong câu tâm niệm của quốc gia, đó là đất nước là một quần đảo nhỏ với rất ít tài nguyên mà luôn phải đối phó với các lực lượng thù địch từ bên ngoài.

Đồng thời, người dân đã rất phấn khởi với các làn sóng cảm thông đến từ bên ngòai thế giới. Không giống như hồi năm 1995, khi chính quyền từ chối sự trợ giúp của các nước ngoài sau trận động đất Kobe. Tokyo ngày nay đang đón tiếp viện trợ, yêu cầu quân đội Mỹ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế phụ giúp.

Phản ứng của quốc tế "đã nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi vẫn được coi là quan trọng và rằng mọi người vẫn quan tâm đến chúng tôi ngay cả khi chính người Nhật chúng tôi có cảm giác không an toàn về vị thế quốc tế của chúng tôi", ông Nakano nói.

Đồng tình với ông, ông Michael Green, một nhà phân tích châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington thêm rằng những thảm họa "đang xây dựng lại sự tự tin trên những khía cạnh văn hóa và xã hội cốt lõi của Nhật Bản."

Nhật Bản có thể đã mất đi sự năng động từng là sức bật cho sự tăng trưởng bất thường trong hậu bán thế kỷ 20, nhưng nước Nhật là một quốc gia còn đủ năng lực để phục hồi từ các thảm họa vừa qua miễn là một thảm họa hạt nhân mới có thể tránh khỏi. Nhật là một trong những nước giàu nhất thế giới, với một lực lượng lao động được đào tạo tốt nhất và tài năng nhất và có một cơ chế quốc gia vững mạnh. Nhật Bản rõ ràng không phải là Haiti. Hậu thuẫn cho những sức mạnh đó là cảm xúc hiện tại của những người dân đã mất tất cả mọi thứ và không có cách nào khác hơn là "bắt đầu trong một đất nước tan vỡ", như Giáo sư Dower mô tả nhiệm vụ của quốc gia Nhật vào năm 1945.

Trong một làng nhỏ ven biển của vùng Yamamoto, người quản lý của một cửa hàng nông nghiệp, ông Toshiyo Shishido, đang điều khiển các nhân viên dọn dẹp đống gạch vụn, cây cối, và bùn lầy che lấp lối đi và cửa hàng. Ông lo lắng rằng có thể phải mất hàng tháng trước khi ông có thể kinh doanh trở lại. "Nhưng chúng tôi phải xây dựng lại," ông nói. "Đây là nhiệm vụ của những người còn sống sót."