Không phải chỉ con người mới biết nhận diện mà con vật cũng rất giỏi trong việc nhận diện. Ai nuôi chó đều biết khi chủ về - chủ lớn hay chủ nhỏ - chó luôn vẫy đuôi chào. Kẻ lạ vào cùng cung cách đó chó lại sủa vang. Vì chó nhận diện đó là người lạ nên sủa vang.

Có lần tôi đến thăm người quen nhà đó có bầy gà dăm bảy chục con. Trên đường vào nhà đàn gà thấy tôi chúng ngừng bắt sâu bọ, mắt ngó cảnh giác đề phòng. Vào đến đầu ngõ chủ nhà nhận ra người quen vội đón. Thấy chủ nhà ra đàn gà cúc cúc gọi nhau đến vây quanh chủ. Con nào cũng nhìn chủ như mong chờ được ban cho thức ăn. Chủ đi đến đâu đàn gà theo đến đó. Không phải một hai con mà cả mấy chục con. Mấy cháu nhỏ nhà tôi thích đàn gà. Chúng reo vui, đứa chỉ tay nói thích con này; đứa lại thích con kia. Đàn gà vô tình không biết có người ước mong nhận nó để nuông chiều. Chiều lòng đám khách nhỏ chủ nhà xúc một lon lúa miệng kêu lên mấy tiếng cúc cúc, cả đàn gà nhận ra giọng quen thuộc chúng bu quanh sát chân và nhanh như cắt, con nọ, con kia cúi xuống mỏ lượm hạt lúa vàng nuốt trửng. Từng hạt, từng hạt được đám gà tranh nhau nhặt trong chốt lát hết sạch. Xong rồi chúng tản mạn trong vườn tiếp tục công việc bắt sâu bọ. Mấy đứa nhỏ con tôi cũng bắt chước chủ nhà miệng cũng kêu cúc cúc nhưng lũ gà làm thinh, không đáp ứng.

Quả thật câu Chúa nói: Chiên Ta thì nghe tiếng Ta cũng áp dụng cho các con vật khác như gà ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng nghe ta. Dân ta nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng nghe tiếng ta.

Bài Phúc âm hôm nay Chúa dùng dụ ngôn chủ chiên và đàn chiên. Chiên của chủ nghe tiếng chủ. Con người không hiểu tiếng chiên nói với nhau nhưng cứ nhìn cung cách chúng đáp trả tiếng chủ. Quan sát cách chúng nghe tiếng chủ người ta nhận biết chiên một lòng tin tưởng chủ chiên luôn chăm sóc, yêu quí, vỗ về từng con. Chúng không hề ghen tị chủ thương con này hơn con kia; chúng không so sánh chủ vỗ về con này hơn con nọ; chúng không tranh giành đứng bên phải hay bên trái chủ. Chúng không tranh nhau tìm cách gây cảm tình, tìm cách lấy lòng chủ để được yêu thương hơn; trái lại chúng luôn một lòng mến chủ và sẵn sàng nghe và bước theo chân chủ. Chủ rất thích đàn chiên, yêu mến từng con một và thường dành tình thương đặc biệt cho chiên đau yếu, bệnh tật. Khi có con chiên lạc đàn chủ sẵn sàng tìm kiếm. Tìm được chủ không trừng phạt nhưng âu yếm bồng về đàn.

Người chủ chiên đó chính là Đức Kitô Người tự nhận mình là chủ đàn chiên. Người chủ chiên này thương mến thương hết mực, thương hơn cả chính mạng sống mình. Chủ chiên Kitô thương chiên đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống cho chiên được an toàn, sẵn sàng thí mạng sống mình vì chiên, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chiên. Chủ chiên Kitô quan niệm chiên sống vì chiên nhận sự sống chủ ban. Chiên nào lìa đàn sớm muộn gì chiên đó cũng bị diệt vong. Đó là nỗi buồn làm tan nát lòng chủ. Dẫu buồn, dẫu có đủ quyền hành bắt chiên đó qui phục dưới chân nhưng chủ chiên Kitô tôn trọng chọn lựa riêng của từng chiên con mà không dùng quyền bính trong tay khắc phục, chế ngự chúng, nhưng mong chúng học khôn từ lầm lẫn. Mong chúng sớm nhận biết mình khờ dại, học để trở nên khôn.

Cách học biết mình khờ dại chính là cầu nguyện. Tâm tình cầu nguyện chân thành giúp chiên nhìn lại đời sống mình. Nhìn vào đời sống nội tâm, nhìn vào ngày vui đã qua để biết nhận ra ân phúc chủ chiên ban cho, tình yêu chủ chiên thực hiện và sự an toàn chủ chiên bao bọc. Trung thành với chủ chiên đòi hỏi hy sinh. Một trong những hy sinh đó là hy sinh tính ích kỉ, kiêu ngạo và tự do giả tạo để được hưởng tự do đích thật lớn hơn bội phần.

Chiên nào không nghe tiếng chủ không phải chủ ghét bỏ nó nhưng tự nó tách khỏi đàn chiên, tự nó chọn lựa lìa bỏ chủ. Tự nó ngăn cách mình với chủ. Ngăn cách dưới hình thức từ chối bước qua cửa chuồng chiên mà vào. Từ chối dưới hình thức tự nguyện chọn sống ngoài hoang địa. Chọn lối sống đó chiên tự cho mình là khôn hơn các chiên khác; chiên tự nhận mình tài hơn các chiên khác; chiên tự tin vào khả năng tồn tại của mình. Tất cả đều do ảnh hưởng của đám cỏ non mời mọc, của lí luận tự do quyến rũ và của bản tính kiêu ngạo chiều theo ý riêng mình.

Khi chọn lối sống như thế chiên luôn tìm cách bào chữa cho lập trường riêng chiên tự chọn. Một là đổ thừa do hoàn cảnh. Hai là đổ thừa vì bất mãn, ghen tị với tình yêu chủ. Tệ nhất là thái độ phản bội. Hoặc là không tin vào tình yêu chủ dành cho hoặc là muốn đặt mình vào vị trí chủ chiên. Khi tự nhận mình chức vụ chủ chiên. Người chủ đầy tham vọng này tìm cách tiêu diệt những ý tưởng khác với mình. Chung tư tưởng thì kết bè, kết phái. Nghịch tư tưởng thì tìm cách lung lạc hoặc tiêu huỷ. Lang sói, nanh vuốt phát sinh từ tham vọng

Dù lí luận thế nào thì chiên cũng không thể nào chối bỏ được tinh thần li khai, cách biệt, chia lìa. Chọn sống tách biệt, chia lìa chính là chọn tạo lập một đàn chiên li khai. Đàn chiên li khai khỏi lối sống, cách suy nghĩ và tình bác ái Kitô hữu. Nói cách khác chọn lối sống mà căn bản yêu thương, bác ái do trí óc con người tưởng tượng ra để định nghĩa, giải thích, lí luận bảo vệ lối sống ấy. Bản chất của con người là bất toàn nên mọi suy nghĩ của họ dù hợp lí đến đâu cũng tiềm ẩn điều bất toàn. Đặt đời sống trên một căn bản bất toàn chắc chắn sẽ không thể có đời sống vẹn toàn. Bất đồng trong tư tưởng hành động đúng ra giúp làm cho cuộc sống giầu hơn, phong phú hơn, chúng lại trở thành đố kị, chia rẽ. Chính bất toàn trên được nhận diện là khác biệt chính kiến và nhóm mạnh hơn sẵn sàng trở thành bầy lang sói ngày đêm rình rập cắn giết đàn chiên li khai.

TiengChuong.org