Cuộc đời của nhiều văn nghệ sĩ được mô tả là có hai mặt. Gọi là hai mặt vì lối sống, cách cư xử và tình cảm người nghệ sĩ thay đổi. Không phải thay đổi chút ít mà thay đổi thấy rõ, hoặc ngay cả đổi ngược lại khi người nghệ sĩ đứng trên sân khấu và khi đứng sau hội trường. Đứng trước sân khấu với số khán giả đông nghẹt hội trường, người nghệ sĩ cảm thấy nguồn hạnh phúc dạt dào, nguồn vui dâng cao, cuộc đời đầy ý nghĩa. Nhịp sống của người nghệ sĩ dường như hoà nhịp với niềm vui của khán thính giả. Đoàn người ca múa, nhảy nhót, tay đan tay dìu kéo nhau tạo nên một thế liên hoàn đầy vui nhộn, náo nhiệt. Đoàn người quyện lấy nhau, dường như quên đi thời gian, quên mệt mỏi và nhất là quên mọi âu lo trong cuộc sống. Mọi người dường như bình đẳng, không còn giai cấp, giầu nghèo. Mọi người ai cũng như ai vui hưởng nhảy múa theo tiếng nhạc xập xình, như mời gọi, reo vang, tiếp nối sau tiếp nối, khôn nguôi. Người nghệ sĩ cảm thấy mình quan trọng như chiếc đầu tầu xe hoả, kéo theo bao nhiêu toa hàng hoá khác nhau. Đầu tầu di động toàn tầu di động, đầu tầu chậm lại cả tầu theo sau. Điều này tạo cho người nghệ sĩ cảm nhận vai trò quan trọng của người lãnh đạo, hướng dẫn đám đông yêu nghệ thuật. Họ đâu có ngờ ngày nào đó tài của họ không còn ưa chuộng nữa họ sẽ ‘lãnh đạn’ thay vì lãnh đạo. Thực ra không phải chờ lâu đến thế. Chỉ cần sau khi đám đông giải tán họ thấy cuộc đời trống vắng.

Sau buổi đại nhạc hội người nghệ sĩ trở về nhà, phía sau hội trường, họ trở thành con người, thiếu năng động, cuộc đời nhàm chán, tương lai đầy bi quan và ngày mai là gánh nặng. Vì sao? Vì người nghệ sĩ sống vui, thở không khí sinh động nhờ vào tiếng vỗ tay, hoan hô, tiếng hát, tiếng nhạc. Nguồn vui của người nghệ sĩ đến từ bên ngoài, từ tiếng hoan hô, vỗ tay, khán giả ban tặng. Khi khán giả tan hàng, ai về nhà đó người nghệ sĩ như bị cắt đứt các mối giây liên hệ với khán giả, nguồn vui khán giả mang đến rồi mang theo để lại cho người nghệ sĩ một nỗi buồn sâu thẳm. Một cõi lòng nếu không tan tác cũng trống rỗng. Khi bước lên sân khấu trình diễn, người nghệ sĩ cảm nhận niềm vui. Họ là người mang lại niềm vui cho người khác nhưng chính họ hưởng cái vui lây của đại chúng. Lúc nào người nghệ sĩ sống thật với con người mình quả khó biết. Lúc trên sân khấu hay sau hội trường.

Trên sân khấu người nghệ sĩ sống thật với cảm xúc mình. Trên sâu khấu họ là con người của đại chúng, con người của đám đông nên họ hành xử, vui cùng đám đông. Về đến nhà, dời đám đông người nghệ sĩ sống thật với lòng mình. Một cõi lòng trống vắng. Cõi lòng trống vắng gắn liền với cô đơn, phiền muộn, sầu khổ. Phải chăng khi không có khán giả người nghệ sĩ ước mơ được sống thực như trên sân khấu để rồi sân khấu là nơi họ thực hiện ước mơ thêu dệt lúc sống sau hội trường. Khác với đạo diễn phim ảnh. Những tài tử phim ảnh đóng lại cuộc đời thực của một số nhân vật hay cuộc đời tưởng tượng của một số tiểu thuyết gia. Người nghệ sĩ sân khấu không làm vai trò đó nhưng hành động theo cảm xúc. Vì thế mà có những bất ngờ xảy ra nơi sân khấu. Chính những bất ngờ này đưa người nghệ sĩ lên đỉnh cao nghệ thuật hoặc cũng có thể dìm họ xuống vực thẳm.

Tại sao sau những giờ trình diễn người nghệ sĩ thường lao vào các cuộc ăn chơi xả láng. Vì họ không còn cách nào làm cho lòng bớt vơi nên các thú vui bất kể tốt xấu, miễn là những thú ăn chơi đó mang lại cho họ niềm vui, giúp họ tìm được chút bình an, đong cho bớt cô đơn là họ sẵn sàng lao vào, bất chấp hậu quả tốt xấu. Có mấy người nghệ sĩ lừng danh mà không là đệ tử trung thành của các cuộc ăn chơi trác táng. Họ đều là đệ tử trung thành của khói thuốc lung linh, của các cơn ghiền. Không phải vì họ nhiều tiền nên tiêu pha một cách phung phí. Thực tế họ dùng tiền để mong đong cho đầy cõi lòng trống vắng, cô đơn, buồn nản. Nỗi khổ chung của các nghệ sĩ là như thế. Trước đại chúng họ là những người mua vui cho đời để chính họ được hưởng niềm vui. Về đến nhà họ là con người cô đơn, chán sống nhờ hoá chất đè nén cái buồn mênh mang.

Nguồn vui nội tâm

Nguồn vui nội tâm không đến từ bên ngoài, từ đại chúng, từ sân khấu cuộc đời. Niềm vui nội tâm phát xuất từ trong lòng, phát toả ra bên ngoài làm cho cuộc đời người đó tràn đầy sức sống. Người có nguồn vui nội tâm là người có tâm hồn trong sáng, thanh cao. Họ mang an vui, hạnh phúc, bình an cho đời mà không đòi cuộc đời phải cung cấp cho họ. Nguồn vui nội tâm có được khi người đó có một hướng đi, chủ đích cao đẹp trong đời. Hướng đi của họ không phải là tìm danh vọng, địa vị, tiền bạc cho cá nhân mình, cho phe nhóm hay cho một thiểu số ủng hộ, hoan hô, hỗ trợ họ. Người có nguồn vui nội tâm phục vụ vô vị lợi đời sống đại chúng. Mong đại chúng sống phong phú. Mong mang lại bình an cho cuộc sống và mong cho mọi người sống thảnh thơi.

Làm sao để có được nguồn vui nội tâm bất tận ban cho mọi người. Không ai có thể làm được điều đó nếu cá nhân đó chỉ biết ban phát mà không biết nhận lãnh. Bởi vì ban phát mãi nguồn sống đó sẽ khô cạn, nếu không khô cạn thì cũng làm cho đại chúng nhàm chán vì nhận đi nhận lại cùng một thứ. Để có thể ban phát mà không sợ khô cạn cần phải hứng múc từ nguồn sống không bao giờ cạn, nguồn suối không bao giờ hết. Nguồn suối đó chính là tình yêu Thiên Chúa. Vì thế chúng ta thấy Đức Kitô luôn dậy các tông đồ của Ngài tìm nơi thanh vắng sau những lần trao ban nguồn vui cho đời. Không phải chỉ các tông đồ làm điều đó mà chính Đức Kitô cũng làm điều đó. Thường sau khi giải tán dân chúng Đức Kitô lên núi một mình cầu nguyện cùng Chúa Cha, kín múc thêm nguồn vui trước khi đến với các môn đệ.

Khi dân chúng tôn Ngài làm vua, Ngài liền rẽ ra cửa khác trốn đi vì Ngài biết nguồn vui của Ngài không phải do đại chúng, khán thính giả ban tặng mà chính là Chúa Cha.

Đức Kitô có nguồn vui nội tâm. Nguồn vui đến từ Cha Ngài vì thế sau những lần đầy tiếng hoan hô, ca ngợi Ngài luôn tìm chỗ yên tĩnh, thanh vắng để hưởng giây phút yên lặng bên Cha Ngài.

Như thế chúng ta tin chắc nguồn vui thực, nguồn vui nội tâm không đến từ bên ngoài, từ tiếng vỗ tay tán thưởng, từ tràng pháo nổ dòn hay từ số lượng hàng hoá bán được. Niềm vui thực sự, vui lâu dài bắt nguồn từ thinh lặng, trong cầu nguyện, phát sinh từ suối nguồn tình yêu mà Đức Kitô có lần nói với người phụ nữ thành Samarita là nước Ngài ban sẽ lên như mạch nước hằng sống sâu thẳm trong cõi lòng con người. Chỉ có mạch nước này mới giúp con người tìm được nguồn vui nội tâm thực sự. Muốn khơi nguồn nguồn nước này cần phải thinh lặng trong cầu nguyện, liên kết với Đức Kitô vì Ngài là suối nguồn yêu thương. Nguồn suối không bao giờ cạn. Chỉ có liên kết với Ngài qua cầu nguyện với niềm tin mới tìm được suối nguồn hằng sống, suối nguồn yêu thương.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org