Cả làng ai cũng biết là ông Ba thích bụi tre. Nơi nào đông người ông cũng kể chuyện về bụi tre, ông kể tỉ mỉ, cặn kẽ khiến người nghe phát chán. Nhất là lối kể chuyện của ông. Ông hay ngừng ở giữa câu văn như là để suy nghĩ nhớ lại chi tiết, hay tìm chữ thích hợp để diễn tả, hay có khi ngưng để người nghe thấm những chi tiết ông vừa kể.

Ông kể tỉ mỉ từ việc mỗi ngày ông chắm sóc bụi tre làm sao, tỉa cành vào lúc nào, nhổ cỏ ra sao, tưới nước như thế nào, giờ nào mới đúng cách và chi tiết hơn nữa ông còn kể cả việc ông nói chuyện với bụi tre trong lúc chăm sóc nó. Tất nhiên những điều ông kể trên chẳng theo sách vở nào, nó chỉ là kinh nghiệm làm vườn riêng của ông và ông tin chắc là cách đúng nhất. Tuy nhiên có một điều ông giữ bí mật mà không ai hỏi được đó là tại sao ông lại thích bụi tre đến thế.

Ông có một khu vườn khá rộng, trồng đủ thứ cây, từ cây ăn trái đến rau cỏ, và cả hoa nữa, nhưng bụi tre vẫn là câu chuyện đầu môi chóp lưỡi của ông. Ai hỏi đến lý do ông thích bụi tre, ông chỉ trả lời một cách bí mật “rồi sau này ông, bà sẽ hiểu. Thật ra bụi tre có một lịch sử khá kỳ quặc. Nó là một gốc tre già bị bỏ rơi, bị ai đó quăng ngoài bụi cỏ đầu làng. Ông nhặt nó và lẽo đẽo vác về chăm sóc. Ông định trồng ở góc vườn phía trái căn nhà, nhưng thấy bụi tre bị nắng thiêu gần chết nên ông mang đặt gần bờ ao chờ nó đâm rễ rồi mới mang dâm. Hơn hai tuần lễ chờ chực, gốc tre bắt đầu bén rễ và chẳng bao lâu sau măng mọc, ông gọi đó là cây măng tiên khởi. Cây măng gặp đất tốt, nước non đầy đủ, mọc nhanh thấy rõ. Hy vọng và tình yêu của ông Ba cũng mọc theo cây măng tiên khởi.

Cây măng lớn lên tươi xanh với những lá xanh óng ả và theo tự nhiên, những măng con bắt đầu nảy nở. Ý định trồng bụi tre ở góc trái vườn không còn nữa và ông Ba không muốn di chuyển nó. Hơn nữa ông nghĩ cạnh bờ ao là chỗ lý tưởng cho bụi tre. Từ một gốc tre già bị bỏ rơi, dưới bàn tay chăm sóc của ông Ba, gốc tre già trở thành bụi tre lớn nhất nhì trong làng. Quả vậy, từ ngày trồng bụi tre đến nay, ông chưa bao giờ cầm dao chặt lấy một cây, tỉa cành thì có, chứ chặt tre, chặt măng thì ông chưa bao giờ. Ông cũng rắc thuốc kiến xa xa quanh bụi tre để kiến khỏi làm tổ nơi thân tre. Ông biết rõ một khi bụi tre bị kiến làm tổ thì thịt tre sẽ dòn và trở nên vô dụng. Bụi tre cũng là nhà hội của lũ chim trời, từ sáng sớm cho đến chiều tối, lúc nào cũng có tiếng chim ríu rít ca vui từ bụi tre. Đây cũng là chỗ mà ông Ba nếu có giờ rảnh sẽ đến nghỉ nghơi. Ông mắc chiếc võng vào hai thân tre và ngự trên đó hàng giờ, nằm thưởng thức tiếng chim ca đồng thời nói chuyện với bụi tre. Dĩ nhiên ông biết rõ là bụi tre chẳng bao giờ nói lại, nhưng ông luôn tin tưởng là bụi tre hiểu được ông và biết là ông yêu nó dường bao. Nếu bụi tre mang lại cho ông Ba bao niềm vui thì bụi tre cũng là cớ cho thiên hạ làm phiền ông. Đó là mỗi khi có ai tới hỏi mua tre. Ai nhìn thấy bụi tre “xuân thì” cũng muốn mua mấy cây về dùng. Người ta hỏi mua mãi khiến ông phát cáu đề bảng “Tre không bán, đừng hỏi tốn công”. Dẫu làm thế, nhưng vẫn có người đến hỏi. Câu chuyện đề bảng không bán tre một dạo trở thành truyện trong làng. Trong đám tiệc tùng, người ta thách đố nhau nếu ai mua được một cây tre của ông Ba thì sẽ được thưởng nhất là mấy anh thanh niên trẻ, sau một vài ly rượu, anh nào cũng nghĩ là mình có đủ uy tín để ông Ba nể phải bán cho một cây tre khoe tài với anh em. Tất cả đều bị ông Ba nhã nhặn trả lời khôn khéo để những chàng kia lần lượt đi không rồi lại cũng về không. Đám thanh niên thất bại kéo nhau đến thách các cụ già. Mới đầu các cụ bỏ ngoài tai cho là chuyện trẻ con, hăng tiết vịt chứ được ích gì. Bị nói xiên, nói xỏ mãi các cụ cũng xiêu lòng nên cũng có mấy cụ tình nguyện đi làm công tác mua tre. Cái uy tín mỗi người tự gán cho mình đều trở thành uy tín hão. Bụi tre ông Ba vẫn còn nguyên vẹn chẳng mất mát một cây nào.

Gia đình ông Ba, nhất là các con chỉ cầu mong làm sao cho ông bán phức bụi tre đi cho xong chuyện. Để chẳng thấy sinh ích lợi bao nhiêu mà chỉ thấy phiền nhiễu, đúng là tổ tội ở bụi tre mà ra. Ở ngoài thì bà Ba và các con nghe chuyện bụi tre đến phát nhàm tai. Về nhà lại cũng chuyện bụi tre từ miệng ông Ba; đã xong đâu, lũ con cái ông Ba thì khổ sở về mỗi sáng dọn lá tre. Chuột hàng đêm lùa bắt chim trên bụi tre, sau đó còn cắn đọt tre nên sáng nào cũng phải thu dọn. Nghe tiếng chim hót thì thích tai, nhưng dọn cứt chim thì không sung sướng gì. Chính ông Ba cũng có cái kinh nghiệm đó. Bao lần đang thiu thiu giấc mộng bỗng giật nảy mình vì con chim trên cành chơi tồi, phang xuống một bãi, khi thì ngay mặt, lúc lại bả vai.Cứt chim ngày thì ướt, ngày lại dẻo, tuỳ thuộc vào thức ăn trong ngày.

Ông Ba biết bụi tre gây phiền toái cho gia đình vợ con thế nhưng ông vẫn thích bụi tre và vẫn yêu quý nó. Gia đình ông Ba không sao hiểu được tại sao ông quý bụi tre như vậy và cũng chẳng ai thèm hỏi ông. Có một điều mà cả nhà đặt niềm tin nơi ông là mọi việc ông làm đều có mục đích. Ông tính toán cẩn thận mọi điều rồi mới làm, ông kiên nhẫn chờ đợi kết quả của việc ông làm và nếu ông đã quyết định thì khó ai có thể lay chuyển được ý ông. Trong những việc ông làm, có việc thì cả nhà nhìn thấy ý ông, có việc thì phải chờ cho công việc chấm dứt mới nhìn thấy kết quả, có việc thì ông phải giải thích gia đình mới hiểu được ý ông. Chuyện bụi tre sớm muộn gì ông cũng giải thích cho nghe nhưng bây giờ chưa phải lúc để hỏi.

Một ngày kia ông Ba tuyên bố chặt bụi tre, đó là một ngày vào tháng hạ, tiết trời oi ả, bầu trời trong sáng không một vẩn mây, ông Ba sau những lần than vắn thở dài đã đi đến quyết định. Ông biết chặt tre vào tháng hè là không đúng vì nó có hại cho những măng tre non. Người ta theo thói quen chặt tre vào mùa đông để những măng gặp khí hậu mát mẻ sẽ mọc nhanh. Còn ông Ba thì nhất định chặt tre vào tháng hè. Ông tính toán đủ, do dự đủ và bây giờ là quyết định bắt tay vào việc. Gia đình thì không biết nên buồn hay nên vui. Chặt bụi tre thì con cái nhàn hạ đi nhưng chắc gì xóm ngõ đã để yên hay họ lại bàn ra tán vào nhiều hơn. Còn ông Ba nữa, bụi tre là niềm vui của ông, nếu chặt bụi tre thì sự việc sẽ ra sao?

Việc phải đến sẽ đến, cả làng ai cũng ngạc nhiên, không hiểu nguyên nhân tại sao. Đúng như lời bà Ba dự đoán. Người bàn ra tán vào về chuyện bụi tre. Người thì giải thích để thanh minh cho cái “nhục” mua tre hụt, kẻ khác thì đâm ra thương hại ông Ba, kẻ khác coi đó như chuyện tầm thường khi nghe tin ông Ba chặt bụi tre. Tất cả những lời giải thích trên đều sai, đều là những phỏng đoán mù mờ. Chỉ có lũ trẻ con trong xóm là hiểu rõ chuyện hơn cả.

Ông Ba chặt bụi tre không phải vì tức có nhiều người hỏi mua, không phải là đốn tre để tránh phiền muộn, cũng không phải cần tiền phải đốn bụi tre mua gạo. Ông Ba chặt bụi tre là vì tình thương, tình thương của ông đối với bụi tre trước sau như một, hay phỏng đoán một tí thì tình thương đó lớn theo chiều kích của bụi tre. Từ lúc nhặt gốc tre bỏ rơi ông Ba đã có một mục đích, cái mục đích đó đã được ông kiên trì chờ đợi cho đến ngày hôm nay.

Bụi tre được chặt, róc cành lá cẩn thận, xong đâu đó, ông bổ tre làm hai tạo thành những máng dẫn nước tưới nước cho cả khu vườn, nhờ những ống nước này mà khu vườn của ông Ba được chăm sóc chu đáo hơn. Lúc này dân làng mới vở lẽ tại sao ông Ba không bán tre và họ hiểu tại sao ông Ba chặt tre. Giả sử như cây tre hiểu được ý ông Ba thì chắc là cây tre cũng không buồn khi bị chặt vì nó không phải là vật hy sinh hão mà nó được dùng để mang nguồn sinh lực là lượng nước hàng ngày nó chuyên chở đến cho những bụi cây khác trong vườn. Lũ chim non cũng mất một chỗ để vui ca múa hát. Lũ chim non phải hy sinh chỗ tụ tập nhưng ngược lại sự hy sinh đó có ý nghĩa vì đời sống của những cây trong vườn quan trọng hơn nhiều lần chỗ lũ chim tụ tập. Ông Ba hẳn không vui gì khi phải đốn bụi tre, nhưng nhìn thấy khu vườn bị nắng cháy vì thiếu nước thì việc chặt bụi tre chính là ông chia sẻ tình thương của ông tới những cây khác trong vườn.

Ý định của ông Ba là trồng tre để sau này làm máng tưới nước cho cả vườn. Thiên Chúa tạo dựng tôi, chắc chắn Ngài cũng cho tôi một mục đích.

Lm Vũđình Tường (viết ngày 7/10/1988)

TiengChuong.org