Giám mục Nguyễn Thái Hợp: "Lật đổ một chính phủ để làm một chính phủ khác, chuyện đó của các ông các bà, chuyện của người khác, của giáo dân chứ không phải của giáo hội".

Chiều Chủ Nhật 19-6 Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và cũng là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có buổi gặp gỡ người Việt vùng San Jose nhân chuyến đi Hoa Kỳ công tác mục vụ.

Buổi đón tiếp Đức cha được Hội Ái hữu Giáo phận Vinh Bắc California tổ chức tại nhà hàng Thành Được với 300 người tham dự. Ban tổ chức nhận các câu hỏi từ khách, Đức cha gom lại theo các chủ đề và đã trả lời như sau đây.


1. Tương quan giữa giáo hội và nhà nước

Trước năm 1975 tại Việt Nam chia làm hai phe và không có đối thoại mà chỉ có đối thụi, không bằng tay chân mà bằng súng ống.

Trong hoàn cảnh như vậy, Công đồng Vatican II đưa ra nguyên tắc mới là giáo hội của Chúa Kitô không được đồng hoá với một nền kinh tế, một thể chế chính trị nào. Đường hướng của giáo hội là sống và loan báo Tin Mừng trong tất cả mọi nền chính trị, mọi hệ thống kinh tế và mọi nền văn hoá.

Chính vì vậy vấn đề đối thoại được đặt ra. Kể từ thời Đức Gioan-Phaolô II thì đối thoại thẳng thắn, cộng tác chân thành là hướng mục vụ và Đức Bêniđictô XVI đã coi đó là một đường hướng mà Giáo hội Việt Nam nên theo.

Nguyên tắc là vậy, còn thực tế rất khó vì xưa nay trong hàng giáo phẩm Việt Nam thực tế người cộng tác thì không đối thoại thành thật và người đối thoại thẳng thắn lên tiếng chỉ trích thì không cộng tác. Cây cầu đối thoại thẳng thắn, cộng tác chân thành thật sự chưa có vì còn mới quá.

Có người cho rằng Hội đồng Giám mục Việt Nam chỉ im lặng. Thời bao cấp thì im lặng là vàng. Nói hay chê là tù ngục nên giáo hội cứ tiếp tục như thế. Có lẽ phải chờ một thời gian nữa những người cộng tác sẽ là những người đối thoại thẳng thắn. Làm sao nối được cây cầu đối thoại, nhưng cũng phải làm sao nói lên được tiếng nói của công lí, tiếng nói của lẽ phải khi nhà nước làm không phù hợp với nhân quyền, không bảo vệ nhân phẩm. Xin quí vị cầu nguyện cho giáo hội dần dần đi theo bước đó.

2. Nhà đất và tài sản giáo hội

Tranh tụng về nhà đất chiếm đến 70% những vụ khiếu kiện. Những vụ đó không phải là của giáo hội. Người khiếu kiện hôm nay đa số là mẹ anh hùng, là những người có công với cách mạng. Điều này nằm ở sự bất cập của luật nhà đất hiện tại. Chưa đổi luật nhà đất thì vẫn còn khiếu kiện.

Luật nhà đất hiện nay cũng là nguồn của sự tham nhũng vì xã, huyện là những cơ quan quyết định đất thuộc về ai, ai có quyền bán đất, nhượng đất. Giáo hội cũng nằm trong bối cảnh đó nên đề nghị của chúng tôi là phải cải tiến và đổi luật nhà đất. Vấn đề như Tam Toà, Thái Hà, Dòng Chúa Cứu thế hay các nơi khác chỉ là những hậu quả. Việt Nam đã đi vào kinh tế thị trường, còn luật nhà đất vẫn là luật thời bao cấp.

3. Giáo hội và giáo dục

Tình trạng giáo dục Việt Nam không nói mọi người cũng đã rõ là chưa bao giờ xuống cấp như bây giờ. Điều này tôi nói công khai dù có công an ở đây tôi vẫn nói. Tôi biết có thể có vài công an ở đây [nhiều người cười]. Nhưng không sao cả vì ngày xưa họ nói thế này, trong tu đức công giáo nói khi hai người gặp nhau là có Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần ở giữa. Nhưng giữa chế độ chúng tôi đang sống, khi hai người nói chuyện với nhau thì phải ý tứ vì có thể công an nghe lóm [vỗ tay].

Nền giáo dục Việt Nam bi thảm như ngày nay và lỗi đó là lỗi ở cấu trúc. Trước đến nay Việt Nam đào tạo theo mô hình Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, lúc đó bắt buộc Việt Nam một là phá đi làm lại hay cơi nới. Mà họ không phá đi hoàn toàn mà chỉ cơi nới. Càng cơi nới nó càng dị dạng.

Nó hỏng không phải vì ở giáo trình mà hỏng ở triết trí giáo dục. Đào tạo con người để làm gì và đào tạo con người như thế nào thì triết lí giáo dục đó không có. Tất cả đều chạy theo phong trào, chạy theo nhu cầu, chạy theo thành tích. Hỏng chỗ đó.

Vấn đề là làm sao bây giờ. Một số người nói rằng phải thay đổi cả cơ chế, cả cơ cấu. Có lẽ một số người ở đây cũng nghĩ vậy. Nhưng mà làm sao thay đổi được cơ cấu giáo dục nếu không thay đổi chính trị? Làm sao thay đổi cơ cấu chính trị thì chuyện đó không thuộc về giáo hội. Vấn đề đặt ra là khi cơ cấu chưa thay đổi và trong môi trường ô nhiễm như vậy có cách nào để làm cho giới trẻ bớt bị tác hại ô nhiễm không?

Có thể được. Đó là làm tốt hơn những khâu nhỏ. Khi khâu nhỏ làm tốt hơn sẽ có tác động ngược lại đến cơ cấu. Vấn đề nằm ở đó và rất là nan giải. Chính vì vậy giáo hội luôn luôn lên tiếng và chính chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng là không thể chấp nhận được trong lúc nhà nước cho những cơ quan, tổ chức ngoại quốc đến Việt Nam để mở trường và dạy chương trình ngoại quốc mà không cho các tôn giáo là những người có tâm huyết với nền giáo dục, với quê hương được mở trường. Đó là vấn đề phải giải quyết trong tương lai. Tôi hi vọng nếu các tôn giáo được hiện diện trong các trường thì hệ thống giáo dục tương đối sẽ đỡ hơn.

Cho đến nay rất nhiều người cộng sản cũng nghĩ rằng nền giáo dục chúng ta đang bị băng hoại. Chẳng hạn như Giáo sư Hoàng Tụy, như nhóm IDS hay một số chuyên viên kinh tế cũng đang nghĩ đến vấn đề đó.

4. Toạ đàm biển Đông và ra mắt Ủy ban Công lý và Hoà bình

Tháng 9 năm 2009 có toạ đàm về biển Đông do Câu lạc bộ Nguyễn Văn Bình phối hợp cùng vài nhà xuất bản tổ chức. Lúc đầu có một số giáo sư, có dân biểu Dương Trung Quốc đăng kí phát biểu. Nhà nước áp lực dẹp bỏ cuộc toạ đàm bằng nhiều cách. Công an đưa lí do không bảo đảm được an ninh. Tôi hỏi tại sao không bảo đảm được an ninh thì anh ta nói chúng tôi được tin có 5, 6 trăm sinh viên đang tụ tập và sẽ kéo đến để hô hào khẩu hiệu chống Trung Quốc và lợi dụng cơ hội để chống chính quyền, như vậy linh mục có bảo đảm được không? Tôi nói, tôi trách nhiệm trong nhà tôi, ngoài đường là của các ông. Sau đó họ lại áp lực những người phụ tá của tôi.

Cuối cùng, tháng 9.2009 chúng tôi đã làm cuộc toạ đàm đó và sau được cả nước công nhận là cuộc toạ đàm dân sự đầu tiên để quốc tế hoá vấn đề biển Đông. Tôi nhớ trong cuộc toạ đàm có một phóng viên ở Thủ đô Washington hỏi tôi có biết tàu lạ vào biển Đông là tàu gì không? Tôi nói đáng lẽ ông phải hỏi công an hay bộ đội biên phòng chứ còn tôi chỉ là một linh mục làm sao tôi biết mà trả lời. Nhưng anh đã hỏi thì tôi xin phép được trả lời là: “Đối với chúng tôi, tàu mới hay tàu cũ, tàu lạ hay tàu quen, tàu to hay tàu nhỏ đều là tàu cả.” [vỗ tay]. Từ đó câu nói trên đã thành câu nói tếu và trở thành sự thật.

Tháng 5 vừa qua chúng tôi ra mắt Ủy ban Công lý và Hoà bình thì lại một lần nữa bị áp lực. Lần này khác hơn vì tôi là giám mục rồi. Có công an bộ đến đưa quà tặng tôi và xin nói chuyện về việc tổ chức lễ ra mắt. Tôi nói tôi bảo đảm, tôi nắm vững được tình hình. Họ nói không phải Đức cha nắm vững tình hình nhưng sợ rằng trong những bài tham luận có vấn đề. Tôi nói tôi đưa cho đọc, chỗ nào có vấn đề thì cho tôi biết. Anh ta nói không phải nội dung mà là có một số người có vấn đề. Chuyện đó tôi không chấp nhận vì quan điểm giáo huấn giáo hội công giáo là không loại trừ ai vì con người đó thuộc giai cấp đó, tôn giáo đó, vì thuộc chủng tộc đó. Mà nếu ai có quan điểm không phù hợp hay có lỗi gì thì nhân danh pháp luật xử lí họ chứ không thể loại trừ tiên thiên. Chiều hôm trước đó tôi vẫn còn bị áp lực, nhưng sau mọi sự đều xong xuôi. Đức Hồng y của Tổng Giáo phận Sài Gòn [Gioan-Baotixita Phạm Minh Mẫn] cũng đồng ý với tôi. Ngài nói công lý hoà bình là đúng, ngài cũng ủng hộ. Cuối cùng chúng tôi làm lễ ra mắt ủy ban một cách kết quả.

5. Ủy ban làm được gì

Ủy ban Công lí và Hoà bình chỉ là một ủy ban nhỏ trong Hội đồng Giám mục Việt Nam và chỉ làm được việc khi có sự tiếp tay của các giám mục sở tại. Chẳng hạn một chuyện xảy ra ở một điạ phận thì giám mục sở tại sẽ cộng tác với ủy ban để tìm cách giải quyết chứ chúng tôi không thể thay thế giám mục điạ phương.

Nhiệm vụ căn bản của chúng tôi là phổ biến giáo huấn xã hội công giáo đến các tầng lớp dân chúng, nhất là người công giáo để họ ý thức hơn sứ vụ và vai trò của mình. Đó mới là điểm căn bản. Rồi tổ chức những hệ thống mạng lưới từ trung ương đến giáo phận, giáo hạt cũng như giáo xứ, từ đó như mầm gieo lên để người công giáo ý thức vấn đề.

Trong khi giáo hội tự bản chất không làm chính trị, không tham gia chính trị đảng phái nào, không đồng hoá với bất cứ nền chính trị nào. Nhưng đòi hỏi giáo hội phải có quan điểm về chính trị, có nhận thức về chính trị thì ủy ban giúp để có nhận thức, có quan điểm chính trị. Còn lật đổ một chính phủ để làm một chính phủ khác, chuyện đó của các ông các bà, chuyện của người khác, của giáo dân chứ không phải của giáo hội.

Sau Công đồng Vatican II, giáo hội yêu cầu các linh mục và tu sĩ không tham gia trực tiếp hoạt động chính trị. Ai tham gia phải có phép của Hội đồng Giám mục. Chính vì vậy phải hiểu có khi đòi hỏi người ta đẩy chỗ này, có khi lôi kéo người ta đi chỗ khác.

6. Về những linh mục ra ứng cử

Sau năm 1975 có những linh mục ra ứng cử. Theo giáo luật, những trường hợp đó phải có phép ngậm hay phép công khai của giám mục. Ngậm là làm sao? Ngậm là ai đó hỏi thì nói ừ đi đi, không có văn bản. Công khai thì có văn bản tôi cho phép. Còn ngậm thì ông hỏi tôi tôi bảo ừ.

Sau 1975 đa số là có phép ngậm. Nhưng tôi nghĩ trong tương lai khi tình hình tương giao giữa Vatican và Việt Nam được thể hiện thì giáo hội Việt Nam cũng nên áp dụng những biện pháp, những khoản giáo luật đã được công bố cho tất cả các nước trên thế giới, vì từ 1975 cho đến bây giờ chúng ta hiểu ngầm chúng ta là một trường hợp đặc biệt cùng áp dụng một cách đặc biệt. Trong tương lai hi vọng những chuyện đó sẽ càng ngày càng ít hơn.

7. Việc được phong giám mục

Tôi ra khỏi Việt Nam từ năm 1972 và trở lại năm 2003, như vậy mới có 8 năm sống trong nước. Có người hỏi tại sao tôi được làm giám mục mà không phải người trong nước? Câu hỏi này xin gửi sang cho Đức Bênidictô XVI chắc ngài trả lời dễ hơn tôi.

Tôi mất hai năm rưỡi từ lúc Toà Thánh phong chức đến khi được làm giám mục vì là lần đầu tiên một người ở nước ngoài về được làm giám mục. Chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều linh mục ở nước ngoài về làm giám mục và thời gian sẽ ngắn hơn thời gian chờ đợi của tôi.

8. Những dự án của Giáo phận Vinh

Chương trình xây đại chủng viện và trung tâm mục vụ chi phí khoảng 4 triệu Mỹ kim. Giáo dân Vinh cũng như những người trong nước có lòng đóng góp một phần ba. Một phần ba do các cơ quan, tổ chức của Toà Thánh ở Châu Âu. Còn một phần ba nữa chúng tôi đi xin những ân nhân. Quí vị quan tâm hãy mua con heo về để dành tiền, khi cần chúng tôi sẽ gõ cửa.

9. Những điều thích và những khó khăn

Sau 10 tháng làm giám mục, nhiều khi có cái lúc đầu mình nghĩ là vui nhất thì lại là khó nhất. Còn cái mình nghĩ là khó nhất lại là vui nhất.

Chẳng hạn tôi thấy bức xúc khó chịu nhất là những đám rước dài, trống chiêng rước linh mục. Ngày tôi thụ phong giám mục, sáng hôm sau từ trước cửa vào đến sân toà giám mục có hơn 20 xe đậu sẵn với cờ quạt. Một xe đầu có hình to, xe sau có loa. Tôi nhìn kĩ lại hoá ra là hình tôi. Lúc đầu tôi thấy buồn cười vì nghĩ sao có chuyện kì cục vậy. Đến khi tôi thấy rõ, tôi xuống la đuổi họ về vì sợ rằng nếu đi đâu cũng được rước như vậy sau này mình lại thấy thèm tiếng kèn, tiếng trống, đi đâu mà họ không rước thì mình nghĩ rằng họ khô đạo. Hoá ra họ chuẩn bị để rước tôi về làng quê của tôi để làm lễ tạ ơn. Như vậy trên 13, 14 cây số. Họ cũng ghi băng, ghi nhạc đàng hoàng để phát thanh, cũng như ở Nghệ An vẫn rước ảnh Hồ Chủ tịch đi từng làng [nhiều tiếng cười]. Vì thế tôi xuống đuổi họ về, sợ là mình sẽ nghiện tiếng kèn tiếng trống. Họ cũng vâng lời họ về. Nhưng họ vẫn nấp trên đường. Một tiếng sau tôi mới đi, khi gần đến làng họ ùa ra đón tiếp. Nhưng tấm hình và loa phát thanh thì không có nữa.

Khi vào Quảng Bình hay Hà Tĩnh họ cũng đón rước tôi nhiều khi dài cả 5, 6 cây số. Lần kia ở Quảng Bình họ đến và nói thế này: Đức cha phải hiểu ở đây suốt bao nhiêu năm nhiều khi giáo dân không dám cắm cờ ra khỏi khuôn viên nhà thờ vì công an, vì địa phương họ cấm. Bây giờ xin cho để cắm thoải mái. Như thế họ lại có lí do khác. Tôi lại thấy vui. Thành ra cái buồn hôm trước có thể thành cái vui hôm nay.

Còn buồn nhất là không có giờ để viết sách, đọc báo. Thỉnh thoảng đọc phải đi nơi khác đọc. Tôi lúc đầu cũng ra chương trình mỗi tuần lấy một ngày nghỉ là thứ Tư, nhưng đến nay cũng chưa có được. Cái nữa là ngày xưa tôi hay đi với sinh viên có khi uống cà-phê bên đường, có khi ở khách sạn 5 sao, nên chúng tôi làm quán Lam Hồng là quán cà phê duy nhất trong một toà giám mục. Khi nào các cha, quí vị có dịp ghé thăm, xin mời đến quán cà phê của chúng tôi.

10. Chương trình giúp đỡ giáo xứ nghèo

Trận lụt vừa qua có nhiều giáo xứ bị lụt coi như tan hoang. Tôi đã di dời hẳn ba giáo xứ từ vùng ven sông lên ngọn đồi. Một số giáo xứ không có đất để di dời thì chúng tôi làm nhà vượt lũ. Trong tương lai tiếp tục di dời một số giáo xứ nữa và cũng xây lại nhà cửa cho một số nạn nhân trong trận bão lụt vừa rồi.

Còn giáo xứ nào nghèo thì Vinh nghèo lắm: “Quê tôi gạt sỏi tìm cơm. Hết mưa thôi hạn lại cơn bão gần”. Cho đến hôm nay Vinh vẫn là vùng đất nghèo. Nếu quí vị nào về tôi sẽ đưa điạ chỉ rõ rệt, nơi nào nghèo, nơi nào giầu. Nhiều tiền tôi đưa đến nhiều giáo xứ.

*

Các buổi tiếp xúc giữa chức sắc công giáo trong nước ra thăm giáo dân hải ngoại thường có không khí trang nghiêm. Nhưng cuộc gặp gỡ với Giám mục Nguyễn Thái Hợp khác hẳn vì tính tình cởi mở, không nghi thức trong cách trả lời và nhiều lúc Đức cha còn nói vui làm mọi người cười vang.

Một người đưa câu hỏi Đức cha có dự định đi chơi Las Vegas ông sẽ bao mọi thứ, câu trả lời dí dỏm của Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã tạo nên nhiều tiếng cười, rồi ngài cho biết sẽ đi Las Vegas, nhưng không phải đi chơi mà thăm một người cháu ruột sống ở đó.

Với tinh thần cởi mở và chủ trương dấn thân, đem đạo vào đời để thể hiện Phúc âm như đã được nhấn mạnh trong sách: “Một cái nhìn về giáo huấn xã hội Công giáo” [Nxb Phương Đông 2010] của ngài, nhiều người hi vọng Đức cha sẽ đem đến cho giáo hội nói riêng và đất nước nói chung những sinh động.

(Ảnh trong bài của Bùi Văn Phú)