BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG: CHIẾC “TÀU SÂN BAY” ĐẦU TIÊN CỦA TRUNG QUỐC

Các HKMH Enterprise (Mỹ) và Charles de Gaulle (Pháp)

Cách đây mấy hôm, hãng thông tấn AFP đã cho biết hàng không mẫu hạm (HKMH) Shi Lang (hay Thi Lang đọc theo âm Hán Việt) sẽ được cho chạy thử vào ngày 1 tháng 7, 2011; để đánh dấu 90 năm ngày thành lập đảng cộng sản Trung Quốc (TQ). Tờ Hong Kong Commercial Daily còn nhấn mạnh lời viên chức tiết lộ tin này rằng: “Hy vọng nó sẽ thể hiện sức mạnh của hải quân TQ, để răn đe các quốc gia đang nhòm ngó biển Hoa Nam (Biển Đông của Việt Nam) nhằm làm dịu căng thẳng.” Nhưng hôm 30/6, cũng tờ HKCD lại loan báo rằng việc chạy thử tàu Thi Lang đã được đình hoãn vì còn thiếu một số phụ tùng (linh kiện). Hoãn chạy thử đến bao lâu thì nguồn tin không nói rõ.

Dư luận giữa những người TQ với nhau về con tàu này cũng có các ý kiến đối nghịch. Một bên thì rất “hồ hởi” như là họ đã nắm được thế giới trong tay, họ mong muốn có HKMH càng sớm càng tốt, “dù chưa xong cũng được” (BBC) và, “tàu này có thể không sánh được với tàu sân bay nguyên tử của Mỹ, nhưng so với HKMH Charles de Gaulle của Pháp thì đâu có kém cạnh gì và có thể trở thành nỗi kinh sợ của lũ du thủ du thực” (ibid). Trong khi phía bên kia thì có vẻ dè dặt và thực tế hơn, chuẩn đô đốc (phó đô đốc, 3 sao?) Doãn Trác của hải quân TQ đã viết trên diễn đàn của tờ Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo chính thức của đảng cộng sản TQ, rằng, “tàu varyag chưa bao giờ được mang ra xử dụng và chúng ta nhận nó khi đã hoàn tất tới 70% thiết kế ban đầu” (ibid). Ông nói đúng, nhưng phải hiểu là tàu này đã bị tháo gỡ đến độ chỉ còn cái… vỏ, trước khi nó được bán cho TQ và đã được trang bị hoàn toàn bằng những sản phẩm “nội hóa.” Vì vậy ông tiếp, “Có thể nó chẳng phải lừa, mà cũng không phải ngựa… một dạng như con la vậy” (ibid).

Con tàu này xuất xứ từ đâu? Tại sao nó lại “lọt” vào tay người TQ? Sức mạnh thật sự của nó ra sao? Nó có “răn đe” được ai không? Chúng ta sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi đó.

LỊCH SỬ CỦA TÀU THI LANG

Chiếc tàu Thi Lang, tên cũ là Varyag, do cựu Soviet sản xuất; cùng lớp (class) với chiếc “Đô Đốc Kuznetsov” của Nga hiện nay, là một loại tàu sân bay đa dụng (multiroles). Thoạt tiên, năm 1985, nó có tên Riga ở xưởng đóng tàu 444, sau này có tên mới là “Nam Nikolayev.” Tàu Riga được hạ thủy năm 1988, đến năm 1990 thì nó được đổi tên là Varyag, đặt theo chiếc tuần dương hạm (cruiser) nổi tiếng của Nga.

Năm 1992 công việc đóng tàu bị bỏ dở vì những thay đổi của thời thế, Liên Bang Soviet sụp đổ v.v…, chiếc Varyag lúc đó chưa có hệ thống điện, được chuyển giao cho nước Ukraine, một nước mới được độc lập từ Soviet, nằm bên bờ “Hắc Hải” hay “Biển Đen” (Black Sea). Bị bỏ hoang một thời gian, sau đó lại bị tháo gỡ nhiều trang bị, đến đầu năm 1998 thì nó không còn máy, bánh lái, và hệ thống điều khiển, cuối cùng thì nó được rao bán.

Một thương lái ở Hồng Kông đã mua chiếc Varyag với giá 20 triệu đô-la, người này hứa là sẽ biến nó thành một trung tâm giải trí ở Macao (một khu đặc quyền, giống như Hồng Kông vậy) với khách sạn, sòng bạc, nhà hàng v.v.. Tuy vậy, Ukraine vẫn bắt thương lái đó phải ký giấy cam kết sẽ không dùng nó vào việc quân sự; hơn thế nữa, trước khi giao tàu, Ukraine đã tháo bỏ tất cả những trang thiết bị còn lại, vì họ ngại rằng người TQ sẽ biến nó thành một tàu chiến.

Năm 2002, thay vì đưa chiếc Varyag về Macao, như đã hứa, người TQ đã kéo nó về xưởng đóng tàu Dalian (Đại Liên), giao cho hải quân TQ (PLAN) để, như mọi người đã biết, “nhái” nó thành chiếc Thi Lang, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc. Người đời nên gọi hành động tráo trở này là gì? Thi Lang là tên một đô đốc thời Minh-Thanh, từng chỉ huy hải quân đánh chiếm đảo Đài Loan năm 1681.

THỰC CHẤT CỦA CHIẾC THI LANG

Mặc dù được các nước Tây phương gọi là hàng không mẫu hạm, chiếc Thi Lang, thoạt tiên đã được cựu Soviet gọi là “Tuần dương hạm hạng nặng có chở theo máy bay” (heavy aircraft-carrying cruiser), dùng để yểm trợ và bảo vệ các tàu ngầm, tàu chiến và phi cơ chiến đấu của hạm đội Soviet. Người cộng sản Soviet đã đặt tên cho tàu này như vậy để tránh sự ngăn cấm của chính phủ Turkey là không cho bất cứ HKMH nào từ Địa Trung Hải đi qua eo biển của họ để vào Biển Đen hay ngược lại. Rõ ràng là một sự lừa bịp của cựu Soviet đối với Turkey và cả thế giới. Nhìn chiếc tàu, ai dám bảo nó là “tuần dương hạm?”

Các nhà quân sự ở Mỹ đã đánh giá chiếc Thi Lang theo đúng tầm vóc của nó, như đô đốc Robert Willard, tư lệnh quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương, đã nói rằng việc TQ dựng lại tàu sân bay từ thời Soviet không phải là một mối lo (cho Mỹ, đương nhiên.) Đối với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, tuy quan tâm, nhưng cũng không nên “thần thánh hóa” nó quá, như các cơ sở truyền thông của nhà nước cộng sản TQ đã tuyên truyền. Mặc dù chính họ cũng nói rằng chỉ dùng Thi Lang cho mục đích huấn luyện và không hoạt động xa bờ. Điều đó có đáng tin hay không lại là chuyện khác.

Thứ nhất, xét về bộ máy của Thi Lang. Vì không có bộ máy nguyên thủy, nên có tin cho biết TQ đã lắp vào đó hai máy nhỏ, loại dùng cho tàu khu trục của họ. Vì vậy, tàu sẽ rất yếu và chỉ có thể đạt vận tốc tối đa là 20 hải lý một giờ, (hải lý/knot: khoảng1833m), trong khi các chiến hạm của Mỹ đều có tốc độ trên 30 hl/giờ. Cũng có tin họ đã mua được máy “gin” của Ukraine? Khó tin, nhưng cứ cho điều này là đúng đi, các cỗ máy đó vẫn rất yếu kém. Chiếc HKMH “đô đốc Kuznetsov” của Nga, đàn chị của Thi Lang, đã dùng cùng những loại máy nói trên; nhưng nó đã phải “nằm bến” gần hết cuộc đời của nó, trong suốt 30 năm qua. Mỗi khi người Nga buộc lòng phải cho “đô đốc Kuznetsov” ra khơi, thì lại phải có một chiếc tàu kéo, kè kè theo sau, phòng khi nó bị hỏng!

Thứ hai, về tàu hộ tống. Hiện nay TQ chỉ có thể xử dụng hai tàu khu trục loại (type) 052C có hệ thống hỏa tiễn phòng thủ giống như loại Aegis của Mỹ, để hộ tống tàu sân bay của họ. Tuy nhiên những chiếc tàu hộ tống này rất yếu về cả phẩm lẫn lượng so với các tàu khu trục Aegis của Mỹ.

Thứ ba, các tàu ngầm bảo vệ tàu sân bay của TQ cũng không khá hơn. Hiện TQ chỉ có 2 tàu ngầm loại 093 là có đủ khả năng hoạt động tầm xa, đi theo bảo vệ HKMH của họ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của họ là việc liên lạc vô tuyến giữa tàu ngầm ở dưới sâu và HKMH cũng như các tàu chiến bên trên mặt biển. Họ không có hệ thống liên lạc tối tân như của Mỹ, do đó hiệu quả và tầm hoạt động của họ cũng rất giới hạn. Các nhà quân sự đã kết luận rằng tàu Thi Lang không thể dựa vào những tàu ngầm của họ để được bảo vệ, chống lại tàu ngầm của đối phương. Giáo sư Bernard Cole thuộc học viện quốc phòng Mỹ đã châm biếm rằng, “tôi thích thấy họ (TQ) xây dựng một hạm đội HKMH càng ngày càng trở thành mục tiêu dễ dàng cho các tàu ngầm.” (Đất Việt).

Thứ tư, về các máy bay chiến đấu. TQ đang chuẩn bị để đưa lên tàu Thi Lang ít nhất một phi đội J-15, một loại hàng nhái từ chiếc Su-33 của Nga. Tuy nhiên các quan sát viên ở Ngũ Giác Đài (lầu năm góc, nơi có bộ quốc phòng và bộ tổng tham mưu của quân đội Mỹ) đã phỏng đoán rằng phải đến năm 2015, các phi cơ J-15 đó mới thực sự có khả năng chiến đấu và bảo vệ tàu. Đó mới là thời gian chính thức mà Thi Lang có thể được coi như một tàu sân bay của TQ. Tin cũng cho biết thêm, bộ quốc phòng TQ đang dự tính đóng thêm nhiều tàu sân bay khác, theo “mẫu” chiếc Thi Lang này.

NHỮNG YẾU ĐIỂM CỦA CÁC HKMH

Kẻ thù số một của những HKMH trên thế giới, không phải là các hạm đội của địch quân, nhưng là… thời tiết. Đúng vậy, khi thời tiết xấu, biển động mạnh, thì không phi cơ nào có thể cất cánh từ các tàu sân bay. Đây cũng là khoảng thời gian mà các HKMH trở thành yếu đuối nhất trước những tàu ngầm của đối phương, vì các tàu ngầm tương đối ít bị chi phối bởi thời tiết, vả lại lúc đó họ cũng không sợ bị các máy bay trên HKMH đánh phá.

Thứ hai, nếu bị trúng thủy lôi, hay bất cứ vì một lý do nào khác, khiến tàu sân bay bị nghiêng khoảng 20 độ, thì các phi cơ cũng không thể đáp được. Quí độc giả hẳn còn nhớ trận hải chiến Midway (xin đọc thêm bài “Nhân vụ Biển Đông: Tìm hiểu lực lượng hải quân của TQ”, cùng tác giả), theo đó, khi chiếc HKMH Nhật, Hiryu, thoát được cuộc tấn công đợt đầu của các máy bay chiến đấu, cất cánh từ những HKMH Mỹ; họ đã phản công và các phi cơ của họ đã đánh “bị thương” chiếc HKMH Yorktown. Chiếc tàu sân bay này đã trúng thủy lôi của Nhật và bị nghiêng 26 độ, những máy bay còn sót lại của Yorktown đã không thể đáp được và buộc lòng phải xin “đáp nhờ” trên một KHMH khác, chiếc Enterprise, đang ở cách đó không xa. Chiếc Yorktown đành thúc thủ, chỉ còn chờ cho quân Nhật đến đánh đợt thứ hai, trước khi chìm xuống lòng đại dương.

Thứ ba, một trong những “tử huyệt” của tàu sân bay, hay đúng hơn, của tất cả các đại chiến hạm trên thế giới, là khu vực bánh lái và “chân vịt” (cánh quạt) của nó. Trong đệ nhị thế chiến, quân Đức Quốc Xã đã có chiếc “thiết giáp hạm” lừng danh Bismarck (battleship, gọi là thiết giáp hạm vì loại tàu này có lớp vỏ bằng thép dày như vỏ xe tăng, một loại chiến hạm “vua”, trước khi hải quân có HKMH). Sức mạnh của chiếc Bismarck phải được kể là tương đương với chiếc thiết giáp hạm (TGH) “lớn và mạnh nhất trong hải sử thế giới”: Yamato, của hải quân Nhật.

Cuối tháng 5 năm 1941, vài ngày sau khi chiếc Bismarck và một số tàu chiến của Đức tiến vào Đại Tây Dương, nó đã đánh chìm chiếc TGH Hood-51 của Anh Quốc, trong trận hải chiến mang tên “Eo biển Denmark”, chỉ trong vòng 6 phút, sau khi lâm trận! Một trong những viên đại bác (đường kính 400 mm) từ Bismarck bắn ra, đã xuyên thẳng vào hầm chứa đạn của chiếc Hood, làm cho tàu này nổ tung. 1415 sĩ quan và thủy thủ trên tàu thiệt mạng tức khắc, chỉ có 3 người tuy bị văng xuống biển nhưng vẫn sống sót. Đây là một đại tang của hải quân hoàng gia Anh Quốc, một nước đã được coi là đại cường về hàng hải trong thế kỷ thứ XIX. Hơn nữa, chiếc Hood đã từng là TGH lớn nhất thế giới trong suốt 20 năm, và từng là soái hạm (flagship, tàu chỉ huy) của hải quân Anh Quốc. Người Anh đã thề nhất quyết phải đánh chìm chiếc Bismarck với bất cứ giá nào.

Anh Quốc đã dùng toàn lực hải và không quân trong vùng để lùng kiếm chiếc Bismarck; khi đã gặp, họ tấn công liên tục, bằng cả tàu chiến lẫn phi cơ trên các HKMH của họ. Đức Quốc đã không đặt nặng tầm quan trọng vào HKMH, nên họ đã không có chiếc nào; ngược lại họ có một đội tàu ngầm (các U-Boats), đã làm điên đảo phe Đồng Minh trong nhiều năm trên mặt trận Đại Tây Dương. Thoạt tiên, chiếc Bismarck đã bị trúng một vài quả đạn đại bác và cả thủy lôi nữa, nhưng vỏ tàu của họ quá dày và cứng, hầu như không có thiệt hại nào đáng kể. Cho đến khi những chiếc máy bay thuộc loại “cổ lỗ sĩ” Swordfish, từ HKMH Ark Royal đến đánh bằng thủy lôi, chiều ngày 26 tháng 5. Thật may mắn cho quân Anh, một quả thủy lôi, đã đánh trúng vùng bánh lái của chiếc Bismarck, khiến cả hai bánh lái của tàu này đều bị kẹt.

Các thủy thủ trên chiếc Bismarck đã tìm hết cách để sửa chữa các bánh lái, nhưng tất cả nỗ lực của họ đều vô hiệu, họ không còn điều khiển được chiếc tàu nữa, không thể đưa tàu về vùng biển an toàn lúc bấy giờ (vùng biển của Pháp mà quân Đức đang chiếm đóng), trong khi quân Anh vẫn tiếp tục tấn công. Sáng sớm ngày 27 tháng 5, đề đốc Lutjens, tư lệnh hạm đội Đức đã đánh điện về bộ chỉ huy và bá cáo rằng: “Tàu không còn khiển dụng được nữa. Chúng tôi sẽ đánh đến viên đạn cuối cùng.” (Bismarck.com). Sau đó ít lâu, hạm trưởng Lindemann đã ra lệnh tự đánh đắm tàu (scuttled), để tránh việc Bismarck rơi vào tay quân Anh, đồng thời ông cũng ra lệnh cho các thủy thủ bỏ tàu (abandon ship!). Tuy nhiên, phải hơn một tiếng đồng hồ sau Bismarck mới thực sự chìm, dưới cơn mưa pháo và thủy lôi của các chiến hạm Anh. Trong 2200 sĩ quan và thủy thủ trên tàu, chỉ có 115 người sống sót. Lính Đức chết nhiều như vậy là vì các tàu của Anh đã cố tình không vớt họ? Một điều mà cho đến nay vẫn còn trong vòng tranh luận.

Cũng xin mở dấu ngoặc để kể nốt câu chuyện về số phận của đô đốc Isoroku Yamamoto cũng như của chiếc TGH Yamato, của Nhật. Sau khi thất trận ở Midway (6/1942), đô đốc Yamamoto vẫn tiếp tục chỉ huy hải quân Nhật. Tháng 4 năm 1943, không đầy một năm sau trận Midway, trong chuyến đi thị sát các căn cứ của Nhật ở quần đảo Solomon, trên Thái Bình Dương, máy bay của ông đã bị các phi cơ chiến đấu của Mỹ bắn hạ, và ông đã tử trận. Người Mỹ một lần nữa đã phá được mật mã của quân đội Nhật và biết trước chuyến đi của Yamamoto.

Sau trận Midway, chiếc thiết giáp hạm Yamato đã trở lại Nhật và không tham dự trận đánh nào. Đầu năm 1943, chiếc TGH Musashi, cùng class với Yamato, đã được dùng làm soái hạm, thay thế chiếc Yamato. Tháng 10 năm 1944, Yamato tham dự trận Leyte Gulf, khi quân Mỹ và Đồng Minh đổ bộ tái chiếm Philippines. Tháng 4 năm 1945, trong một nỗ lực được kể như chuyến đi tự sát, hải quân Nhật đã đưa Yamato và một đoàn tàu, không có HKMH, không có máy bay chiến đấu bảo vệ, đi cứu đảo Okinawa; nơi quân Mỹ đang tấn công đánh chiếm. Đoàn tàu này đã bị phát hiện và các máy bay từ HKMH Mỹ đã đánh chìm chiếc Yamato cùng nhiều tàu chiến khác vào ngày 7 tháng 4, 1945; khoảng 4 tháng trước khi hai quả bom nguyên tử được thả xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki. Sau đó, Nhật đã đầu hàng Mỹ, vô điều kiện.

CHIẾC THI LANG CÓ RĂN ĐE ĐƯỢC AI?

Tàu Thi Lang, ở xưởng Đại Liên, TQ.

Với những khuyết điểm và yếu điểm của chiếc Thi Lang đã được kể ở trên, người ta dễ dàng nhận thấy điều “nói vậy mà không phải vậy” trong bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc. Còn việc so sánh Thi Lang với chiếc HKMH Charles de Gaulle của Pháp? Chiếc tàu đó đang chạy bằng máy nguyên tử! Trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước có HKMH chạy bằng năng lượng nguyên tử (nuclear propulsion), đó là Mỹ và Pháp. Người ta đã không hiểu hay cố tình không hiểu? Thực ra, Thi Lang chỉ là loại tàu sân bay… cấp ba (cấp một là mạnh nhất), so với các HKMH khác trên thế giới. Hơn nữa, để đạt được “đẳng cấp” hạng chót đó, Thi Lang cần phải có tất cả các trang thiết bị hoàn toàn bằng hàng… thật.

Trong tương lai, có thể Thi Lang sẽ “đi lên đi xuống” theo hướng Bắc Nam ở Biển Đông; nhưng nếu vào trường hợp TQ và Việt Nam có tương tranh quân sự, Thi Lang sẽ luôn luôn phải đi cách bờ biển Việt Nam ít nhất là 300 cây số. Nếu không, nó sẽ làm mồi cho hỏa tiễn từ trong đất liền bắn ra và bom đạn từ những phi cơ chiến đấu, hiện diện trên suốt chiều dài hơn 2000 cây số bờ biển, của dải đất hình cong chữ S này. Nếu Philippines cũng cương quyết như Việt Nam, giữ vững vùng biển của họ và đồng lòng diệt giặc, thì Thi Lang hay bất cứ “hạm đội” nào của TQ cũng sẽ không còn đất sống trên Biển Đông. Phó đô đốc Doãn Trác của hải quân TQ đã gọi chiếc Thi Lang là con La cũng không có gì quá đáng.

(Bài tuần tới: “Thử đề nghị kế giữ Biển Đông.”)

(Tài liệu tham khảo từ: U.S. Naval War College, U.S. Navy League, Jane’s Defence Weekly, Sinodefence, BBC, Wikipedia, Bismarck.com, Đất Việt v.v…)

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng