HOA KỲ CÓ THỂ BỊ ‘PHÁ SẢN’ ?

Hoa kỳ, cường quốc kinh tế số một thế giới, đang lâm vào tình trạng có thể bị ‘vỡ nợ’ về kỹ thuật (không còn quyền đi vay tiền để trả nợ) vì Lập pháp Hoa kỳ không (hay chưa) chấp thuận tăng mức trần vay nợ (debt ceiling). Đây là hậu quả của việc bội chi ngân sách gia tăng từ nhiều năm qua nên, từ năm 1962 đến nay, Quốc hội Mỹ đã biểu quyết nâng mức trần vay nợ lên 74 lần. Sở dĩ, lần này, cuộc biểu quyết ồn ào như vậy là vì mùa bầu cử năm 2012 đã gần kề, các chính trị gia muốn kễ lễ sự quan tâm của mình đối với cử tri để đồng bào nhớ đặt lá phiếu mang tên họ vào thùng phiếu trong ngày bầu cử 06.11.2012.

1.- HOA KỲ LÀ MỘT QUỐC GIA DÂN CHỦ.

Không ai có thể phủ nhận đặc tính dân chủ của Hợp chúng quốc Hoa kỳ. Nơi đó, quyền làm chủ của người dân Mỹ được thể hiện qua Hiến pháp duy nhất ngày 17.09.1787. Bộ luật tối cao này, dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, về ngân sách, trao cho Quốc hội (Lập pháp, quyền đánh thuế và thu thuế, vay mượn,…) và Tổng thống (Hành pháp, thực thi Luật Ngân sách hàng năm).

Mỗi năm, Chánh phủ lập Dự luật Ngân sách gởi sang Quốc hội để thảo luận và biểu quyết. Khi hoàn tất trong hạn định, Dự luật được chuyển đến Tổng thống để ký ban hành Luật Ngân sách áp dụng cho Tài khóa bắt đầu vào ngày 01.10 hàng năm.

Tổng thống cũng như Dân biểu hay Thượng nghị sĩ đều là những người do dân trực tiếp bầu, nên mỗi ứng cử viên phải tranh cử ráo riết để thuyết phục cử tri đặt tín nhiệm nơi mình bằng đặt vào thùng lá phiếu có ghi tên chính mình. Để được vậy, ứng cử viên tranh cử lần đầu phải hứa hẹn những gì mình sẽ làm nếu được đắc cử. Trái lại, các ứng cử viên tái tranh cử cần thuyết phục cử tri bằng các thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ sắp hoàn tất.

Chính vì vậy, Tổng thống và Dân biểu hay Nghị sĩ đang dùng vấn đề Ngân sách (tăng mức trần vay nợ, tăng hay giảm thuế…) để mở màn mùa tranh cử 2012 khi người Mỹ sẽ bầu lại Tổng thống, toàn thể 453 Dân biểu Hạ nghị viện và một phần ba Nghị sĩ Thượng nghị viện. Thật vậy, như bất cứ cử tri một quốc gia dân chủ nào, công dân Hoa kỳ khi sử dụng lá phiếu vẫn căn cứ vào : ai cũng muốn tăng thuế cho người khác mà không muốn giảm chi các khoản phúc lợi xã hội cho mình.

2.- NGÂN SÁCH LIÊN BANG.

Cũng như từng gia đình hay xí nghiệp, mỗi quốc gia cũng có những nguồn thu dùng để trả các khoản chi. Khi nguồn thu không đủ để thanh toán các khoản chi thì phải đi vay để tài trợ số thiếu đó. Tuy nhiên, đối với một quốc gia, vấn đề có phần khác vì chủ đất nước là người dân giao quyền thực thi và kiểm soát cho những viên chức dân cử với nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ, họ không bị sa thải, nên người dân chỉ có thể cảnh cáo bởi các cuộc biểu tình. Những quyền hiến định này không thể thực hiện được tại các quốc gia có nhà nước độc tài như Việt Nam. Ngoài ra, tại các nước tự do, các cơ quan ngôn luận (được đồng hóa như đệ tứ quyền) cũng tham gia thông tin, bình luận để giúp người dân thông suốt các vấn đề của Đất Nước. Thí dụ, tại Hoa kỳ, công chi ngày càng gia tăng và số thu ngân sách không theo kịp khiến số khiếm hụt (thu trừ chi) hay bội chi ngày càng tăng cao, đưa số nợ vay lên cao, từ kỷ lục này sang kỷ lục khác.

Trong cuộc tranh luận hiện nay về bội chi ngân sách quá cao giữa một bên, gồm Tổng thống (Dân chủ) và Thượng nghị viện (đảng Dân chủ chiếm đa số), và bên kia, là Hạ nghị viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Một cách đơn giản, việc giảm bội chi ngân sách chỉ thực hiện được bằng bớt công chi hay tăng số thu tức thuế, nhưng đây không là biện pháp tốt trong năm có bầu cử. Do đó, đảng Cộng hòa đề nghị giảm công chi và phe Dân chủ chủ trương tăng thuế. Nhưng, nếu giảm chi thì nền kinh tế Mỹ đang èo uột sẽ càng suy trầm và nếu tăng thuế thì kinh tế đang bị suy trầm với số người thất nghiệp cao càng làm cho giới đầu tư sẽ ngần ngại mở mang cơ sở và tuyển thêm nhân viên. Lập luận đôi bên đều có đều có vẻ hợp lý thì làm sao cử tri biết nên tín nhiệm ai?

3.- TẠI SAO HOA KỲ CÓ MỨC CÔNG CHI CAO NHƯ VẬY ?

Ngân sách Hoa kỳ có ba khoản công chi lớn :

a./ An sinh xã hội (Social Security) và Y tế cho người Cao niên (Medicare), có tính cách bắt buộc và rất khó giảm, hiện hiện 33,50% tổng số công chi ;

b./ Quốc phòng và chiến tranh. Sau vụ khủng bố ngày 11.09.2001, Hoa kỳ bước vào thời kỳ chiến tranh với chi phí quốc phòng và bảo vệ an ninh nội địa gia tăng. Ngân sách quốc phòng từ 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP Gross Domestic Product) vào năm 2001 đã tăng lên tới 4,8% GDP hiện nay và chiếm một phần năm số tổng chi, tức 20%.

Ngoài ra, Chính quyền Bush và đảng Cộng hoà cho đến năm 2006 đã không tăng thuế để tài trợ chiến phí và còn tăng nhiều khoản công chi khác trong thời chiến như tiến hành cải cách chế độ phân phối dược phẩm cho người cao niên.

c./ Kích thích kinh tế và cứu trợ xã hội. Năm 2008 khi kinh tế Hoa kỳ bị suy trầm do cuộc khủng hoảng tài chính sau vụ bể bóng tín dụng gia cư thứ cấp khiến nhu cầu kích thích kinh tế và cứu trợ xã hội đòi hỏi phải đẩy mức công chi lên những kỷ lục mới. Lúc đó, chính phủ G. Bush (con) rồi chính quyền B. Obama đã quyết định tăng chi, với gói kích cầu trị giá hơn 180 tỷ mỹ kim của ông Bush vào đầu năm 2008 và gần 800 tỷ vào đầu nhiệm kỳ ông Obama năm 2009.

Trong tài khóa 2011, sẽ kết thúc ngày 30.09.2011, tổng số công chi ngân sách liên bang được dự trù sẽ ở mức 24,1% GDP, được cải thiện hơn bách phân chi 25% trong tài khóa 2009, mức cao nhất kể từ năm 1945.

4.- SỐ THU NGÂN SÁCH MỸ QUỐC.

Mức số thuế thu vào cho ngân sách chỉ là 14,9% GDP trong hai năm 2009 và 2010 và có thể còn sụt đến mức 14,8% trong tài khóa năm 2011. Tại sao ?

Khi kinh tế bị suy trầm từ năm 2001 thì sản xuất giảm và số thu các sắc thuế bị giảm theo và, trong hai nhiệm kỳ với tám năm cầm quyền, Chính quyền Bush đã phải giảm thuế, trong hai tài khóa 2001 và 2003, để kích thích sản xuất, với hy vọng là sản xuất phục hồi sẽ nâng được mức thu, với sự bỏ phiếu chấp nhận của Quốc hội trong tay cả hai đảng Cộng hoà rồi Dân chủ.

Năm 2006, đảng Dân chủ chiếm đa số tại lưỡng viện Lập pháp và rồi từ năm 2008, cả Hành pháp vẫn tiếp tục giảm thuế dưới hình thức hạ mức dóng góp cho các quỹ An sinh xã hội và Y tế giúp cho 46,50% các đơn vị thọ thuế, đáp ứng quyết định về kinh tế chính trị.

Đến năm 2010, qua cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Cộng hoà kiểm soát Hạ nghị viện và đảng Dân chủ tiếp tục giữ Thượng nghị viện và Hành pháp nên Hoa kỳ đang gặp tình trạng bất đồng chính trị đang gây ấn tượng xấu cho các thị trường tài chánh và chứng khoán.

5.- BỘI CHI HAY KHIẾM HỤT NGÂN SÁCH.

Bội chi ngân sách của một quốc gia khi công chi vượt hơn mức công thu của quốc gia đó. Trong trường hợp Hoa kỳ, năm 2009, số bách phân công chi so với GDP là 25% và số bách phân công thu chỉ là 15% (tính tròn từ 14,90%), thì ngân sách liên bang đã bị bội chi khoảng 10% GDP, tức một con số thật lớn.

Hoa kỳ, từ thời lập quốc đến nay hay trong 235 năm qua, vẫn thường bị bội chi ngân sách, phần lớn do chi phí chiến tranh, từ cuộc chiến giành độc lập cho và Nội chiến đến các cuộc tham chiến tại hải ngoại sau đó. Năm 1944, lúc tham dự Đệ nhị Thế chiến, Hoa kỳ đã bị bội chi đến quá 30% GDP. Trong thời bình và kinh tế tăng trưởng nên mức bội chi giảm bớt. Chúng ta đừng quên : từ 10 năm nay, Hoa kỳ đang ở trong thời chiến.

6.- CÔNG NỢ VÀ MỨC TRẦN VAY NỢ.

a./ Thủ tục ‘dung hoà ngân sách’. Khi ngân sách bị bội chi như hiện nay, các lãnh đạo dân cử Hành pháp và Lập pháp phải áp dụng thủ tục pháp lý này để hoà giải các mâu thuẫn bằng phải giảm công chi hay tăng thuế. Trong 30 năm qua, giới hữu trách Hoa kỳ đã áp dụng thành công thủ tục này 23 lần.

b./ Công nợ. Trong khi chờ dung hoà ngân sách, chính quyền phải đi vay để chi trả mức bội chi đó. Dự trù đến cuối tháng 6/2011, tổng số nợ vay của Hoa kỳ sẽ là 14.460 tỷ mỹ kim, tức 93% GDP, khiến Hoa kỳ đứng hàng thứ 12 các nước mắc nợ nhiều nhất thế giới, theo sắp xếp của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, số nợ đó bao gồm cả các khoản nợ mà các cơ quan liên bang vay mượn nhau. Nếu chỉ tính số nợ mà Hoa kỳ vay từ công chúng ở trong và ngoài nước thì gánh nặng gọi là ‘công trái’ ấy chỉ là 69% GDP.

c./ Mức trần vay nợ. Chính quyền Hoa kỳ chỉ được phép vay trong giới hạn do Quốc hội ấn định gọi là ‘mức trần vay nợ’ hay ‘định mức đi vay’. Mức này có hiệu lực cho đến ngày 02.08.2011 là 14.460 tỷ mỹ kim. Do đó, Tổng thống Obama đang chờ Quốc hội chuẩn chi mức trần vay nợ mới để chánh phủ có thể vay thêm. Nếu không, Hoa kỳ sẽ lâm vào tình trạng có thể bị ‘vỡ nợ’ về kỹ thuật.

Chúa nhật ngày 31.07.2011, Thượng nghị viện, do đảng Dân chủ kiểm soát, đã bác bỏ một dự án tăng mức trần vay nợ với 50 phiếu chống và 49 thuận, xa với số phiếu thuận bắt buộc là 60.

Hà Minh Thảo