Nghi thức an táng gồm có các phần:

Viếng Xác, Canh Thức, Nghi Thức Nhập Quan, Nghi Thức Động Quan, Rước Linh Cửu đến nhà thờ, Thánh Lễ An Táng, Tiễn Biệt và Di Quan, và Nghi Thức Làm Phép Huyệt. Chúng ta đi vào chi tiết từng phần. Viếng Xác Khởi sự bằng kinh Lậy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh. Sau đó đọc lời nguyện kết thúc.

Canh Thức và cầu nguyện

Canh thức và cầu nguyện thường có thói quen tổ chức tại nhà tang dưới sự hướng dẫn của linh mục hoặc giáo dân. Sau phần chào đón thân nhân và thân hữu người chủ sự đọc lời nguyện. Sau đó đọc thánh vịnh và một đoạn Kinh Thánh liên quan đến sự Sống Lại và Phục Sinh của Chúa. Sau Sách thánh là lời nguyện giáo dân và lời nguyện kết.

Nhập quan

Nghi thức nhập quan gồm có phần thánh vịnh 129 hoặc 22 hoặc 113. Sau thánh vịnh là một đoạn Kinh thánh tiếp theo sau là phần lời nguyện giáo dân. Có thể đọc thêm lời nguyện khi đậy nắp thiên. Thay vì nghi thức nhập quan và đậy nắp thiên một vài trường hợp linh mục dâng thánh lễ tại nhà quàn hay tại nhà nguyện tại nghĩa trang. Bộ Phụng Tự khuyến khích không nên dâng lễ tại nhà quàn hay tại nhà nguyện tại nghĩa trang. Nghi Thức An Táng do nhóm phụng vụ các giờ kinh soạn năm 2002 trang 20 có ghi như sau: ”Trong những hoàn cảnh đặc biệt, Đấng Bản Quyền (Giám Mục địa phương) có thể cho phép cử hành thánh lễ an táng tại nhà tang. Trường hợp khác trong những ngày để thi hài tại gia, Đấng Bản quyền có thể cho phép cử hành thánh lễ tại gia cầu cho người quá cố. Như thế cả hai trường hợp cần có phép Giám Mục địa phương cho phép mới được dâng thánh lễ tại nhà quàn hay tư gia.” Order of Christians Funerals xuất bản năm 1998 phân biệt khác nhau giữa Nghi Thức và Thánh Lễ an táng.

Nghi thức an táng

Không có Thánh Lễ. Phụng vụ Lời Chúa có thể cử hành tại nhà thờ, nhà nguyện nơi nghĩa trang, nhà nguyện của nhà quàn hay tại tư gia. Sách đã dẫn điều số 55.

Thánh lễ an táng

Được cử hành tại nhà thờ. Trong trường hợp đặc biệt có thể cử hành tại nhà nguyện nhà quàn hay tư gia nhưng phải có phép của Đức Giám Mục địa phương. Sách đã dẫn điều 155. Thơ của cha Tom Elich, trưởng ban phụng vụ Giáo Phận Brisbane Úc Châu, viết ngày 10/10/05 xác nhận Đức Tổng Giám Mục Brisbane chưa bao giờ cho phép linh mục nào dâng lễ an táng ngoài thánh đường hay tại bất cứ nhà nguyện nào của nhà quàn, nhà thiêu, nhà nguyện nghĩa trang. Hội Đồng Giám Mục Úc Châu nhóm năm 1992 cũng ra thông cáo chung không cho phép dâng lễ an táng tại nhà nguyện của nhà quàn hay nhà thiêu.

Di quan

Nghi thức di quan liên quan đến việc căn nhà tạm chúng ta đang cư ngụ được thay thế bằng căn nhà vĩnh cửu trên thiên quốc. Bắt đầu bằng việc đọc đoạn kinh thánh Mathew 11, 8 nhắc nhở mọi người căn nhà chúng ta ở trần gian bị hủy đi thì chúng ta có căn nhà vĩnh viễn trên trời do Thiên Chúa dựng nên. Sau lời nguyện, kết bằng thánh vịnh 22 hoặc 162.

Tại nhà thờ

Tại cuối nhà thờ không có rảy nước phép. Nghi thức rảy nước phép tại cuối nhà thờ khi chưa cử hành thánh lễ an táng ngay. Khi tiến vào nhà thờ thường có bài ca nhập lễ.

Đặt quan tài

Quan tài được đặt theo vị trí tham dự thánh lễ của người quá cố. Khi sinh tiền tham dự thánh lễ quay lên thì đặt quay mặt về phía bàn thờ. Nếu tham dự thánh lễ quay xuống thì đặt quay mặt xuống. Nghĩa là giáo dân thì để quay mặt về phía bàn thờ, người có chức thánh thì để quay mặt về phía giáo dân.

Nến Phục Sinh

Sau lời chào mọi người linh mục chủ sự thắp nến PHỤC SINH phía đầu người quá cố, để làm nổi bật ý nghĩa ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ PHỤC SINH. Đây cũng là dấu chỉ nhắc nhở bí tích rửa tội người đó đã nhận nến thắp sáng từ nến Phục Sinh, dấu chỉ sự sáng. Chúa Kitô Phục Sinh.

Biểu tượng

Đặt hoặc là thánh giá trên quan tài, kinh thánh hoặc áo trắng.

Thánh lễ có phần sám hối như thường lệ. Tiếp đó là lời nguyện nhập lễ. Bài đọc, thánh vịnh, phúc âm và giảng vắn tắt. Nếu có thói quen rước của lễ thì nên giản dị và không nên kéo dài vì ý nghĩa việc dâng lễ vật là tích cực góp phần vào lễ tế tạ ơn.

Tiễn biệt

Nghi thức tiễn biệt nên cử hành tại nhà thờ (không nên cử hành tại phần mộ) trước khi đem xác đi chôn. Trọng tâm của nghi thức này là bài ca cộng đòan hát lên để tiễn biệt người quá cố. Sau lời nguyện hiệp lễ linh mục đứng quay mặt về phía giáo dân đọc lời nguyện tiễn biệt. Mọi người thinh lặng cầu nguyện. Linh mục chủ sự rảy nước thánh và xông hương lên quan tài. (Nếu đã xông hương đầu lễ không cần lập lại nghi thức này nữa). Hát bài ca tiễn biệt hoặc lời cầu. Có thể dùng bài ‘Xin các thánh trên trời phù giúp’. Không nên dùng đáp ca: ‘Lậy Chúa, xin cứu con khỏi chết muôn đời’. Sau đó chủ sự đọc lời nguyện kết thúc.

Làm phép huyệt

Chủ sự đọc lời nguyện xong rảy nước thánh trên huyệt và xông hương. Kết bằng lời nguyện ca tụng tình thương của Chúa.

Lm Vũđình Tường

Tháng 10 năm 2005, Inala, Australia

TiengChuong.org