Bố Thuận rất hãnh diện về cậu con. Hễ có dịp là mang cậu con ra khoe. “Ông xứng đáng để hãnh diện” bạn bè ông bảo thế. Ngày nay Thuận có biệt tài về banh đá. Đó là do công lao khuyến khích của bố anh và cũng do anh thích môn banh đá nữa. Hầu như không trận đấu nào có Thuận mà lại vắng mặt bố chàng. Bố Thuận rất tự hào về tài nghệ của con. Ong cũng tự hào về cách giáo dục mới mà ông khám phá ra.

Nhớ lại hồi còn nhỏ, Thuận là đứa trẻ nhút nhát, không có vẻ nhanh nhẹn. Trận banh đá đầu tiên do nhà trường tổ chức, Thuận thất bại nặng nề. Vì nhút nhát, nên mỗi lần banh đến gần là chàng né tránh, vì né tránh như thế nên anh mới bị nạn. Lúc gần chấm dứt hiệp một của trận đấu, trái banh trờ tới chỗ chàng đứng, Thuận né sang một bên; không may đúng lúc đó, người bạn khác chạy tới từ phía sau xô cả hai té nhào, Thuận bị đè nên đau điếng. Chàng lồm cồm đứng dậy, bụm mặt khóc bước ra khỏi sân. Bố Thuận vừa quê với con, vừa thương hại con đau, thấy chú bán cà rem đứng gần, ông mua ngay hai cây trao cho Thuận. Cái vị ngọt cà rem hoà lẫn với đau đớn trôi tuột xuống bụng. Biện xong hai cây cà rem, vẻ mặt chàng tỉnh hẳn. Thấy thế, ông bố vừa trấn an con, vừa dụ ngọt:

“Này nhé, cứ mỗi lần con đá trúng trái banh, bố sẽ thưởng một cây cà rem.”

Thuận gật gật đầu, khẽ liếc mắt nhìn bố, rồi lại liếc nhìn trái banh đang nằm chơ vơ trên sân cỏ. Bỗng chàng vụt chạy ôm trái banh, rồi hăm hở đưa đến chỗ bố, vừa thở vừa nói:

“Bố nhớ nhé, mỗi lần con đá trúng là một cây cà rem”,

Ông bố ừ, rồi nhìn con mỉm cười. Còi báo hiệp nhì bắt đầu, Thuận ôm trái banh chạy ra sân. Sau khi định xong vị trí, trận đấu tiếp tục. Thuận hai chân dang rộng, hai tay khuỳnh khuỳnh, cặp mắt cú vọ dán chặt vào trái banh. Chờ mãi cơ hội mới đến. Khi trái banh trờ tới phía bên trái, chàng dơ chân trái định đá, nhưng ngượng quá vội đổi chân phải đá mạnh. Cú đá mạnh vào không khí khiến chàng mất trớn té nhào. Chàng vội vã đứng dậy nháo nhác tìm trái banh thì thấy nó đã nằm ở phía đầu kia của sân banh tự hồi nào.

Thuận đổi thế đứng, đúng lúc trái banh lăn về phía chàng, chàng chạy xông tới nhắm mắt đá rầm. Trái banh bay bổng ra khỏi vạch vôi. Ông bố trông thấy vỗ tay tán thưởng con kịch liệt. Sau cú đá, Thuận đứng thẳng, tay nắm chặt dơ cao khỏi đầu, vẫy vẫy tay điểm với giọng quả quyết:

“Một cây cà rem”.

Bố Thuận thường than phiền về tính nhút nhát của con. Trận đấu đợt hai chiều nay khiến ông thay đổi thái độ. Thuận không phải là đưa bé nhát đảm, cũng không đến nỗi quá vụng về. Ông thừa hiểu rằng, chiều nay Thuận bạo dạn như thế, lanh lẹ như thế, quên đau đớn, mệt nhọc như thế cũng chỉ vì cây cà rem. Nghĩ đến đây, ông tự trách mình, chưa bao giờ mình khen con lấy một câu, chưa bao giờ mình khuyến khích nó học, chưa bao giờ mình nói chuyện với nó trong tình cha con, còn nhiều cái chưa bao giờ lắm. Từ trước đến nay, càng thấy Thuận nhút nhát, ông càng muốn xa lánh con. Đến gần nói chuyện hay dẫn đi đâu chỉ thêm bực mình. Càng nghĩ càng thấy sai. Than trách trời đất cho mình một đứa con ngu càng sai hơn. Cái tư tưởng sanh con ra, lo cho nó đủ cơm ăn, áo mặc, gởi nó đến trường là xong nhiệm vụ. Ngày nay, ông không tán đồng tư tưởng đó nữa. Nói đúng hơn, có sanh phải có dưỡng, có dưỡng phải có dục. Trong ba vấn đề: sanh, dưỡng và dục, theo ông thì dục đòi hỏi nhiều công lao hơn cả. Người con sau này nên người hay không là do dục. Giáo dục một đứa trẻ cần nhiều thời gian và kiên nhẫn. Nhà trường giúp về trí dục nhiều hơn là đức dục. Nhà trường mở mang trí tuệ con em mình, sinh hoạt các đoàn thể cũng vậy. Vấn đề trí dục họ cố gắng làm; thành công hay thất bại phần lớn là ở sự tiếp tay của của phụ huynh.

Phần khuyến khích con cái nắm một yếu tố tối quan trọng. Khám phá mới đó bố Thuận vừa tìm ra. Đối với nhiều người thì nó không mới lạ gì. Riêng với bố Thuận thì nó mới. Đối với con trẻ, vấn đề khuyến khích chúng học thật là cần thiết. Trẻ con thường ham chơi, chóng quên, chúng thích được khen, được tặng thưởng. Nói gì trẻ con, người lớn cũng thích những điều đó. Người già mấy cũng vẫn còn chút trẻ con trong người.

Nghĩ về đời mình, bố Thuận không nhớ được bất cứ một lời khen nào của cha mẹ. Lần duy nhất trong đời ông đoạt giải chạy đua một ngàn thước, ông hăm hở khoe mẹ, bà mẹ mĩm cười nói:

“Đúng là mèo mù vớ cá rán.”

Chán quá, đợi đến tối chờ bố về, ông khoe về thành quả chạy đua sáng nay. Không ai bảo ai, nhưng ông bố cùng giọng điệu như mẹ:

“Chạy với chọt, chúng mày đúng là ăn lắm rững mỡ.”

Bố Thuận nhớ lại cái ngày hôm ấy, sao khóc nó ngon thế, nước mắt cứ tuông ra như muốn rửa sạch bụi chân. Rửa sạch đi những điều không làm đẹp lòng cha mẹ. Mặc dù điều đó không có gì trái quấy. Khóc chán rồi nấc. Làm sao để nguôi đi nỗi buồn, để cái ghen tức không được khen chìm xuống. Để quên phứt cuộc chạy đua sáng nay. Không có mày thì đã không khổ.

Buổi sáng trước giờ thi, không một người thân nâng đỡ. Nhìn dăm đứa bạn đứng cạnh bố mẹ tụi nó thấy thèm. Nhìn lại mình không thấy ai. Trong lòng thì run sợ vu vơ. Vừa lo, vừa hồi hộp. Lo vì sợ không giật được giải. Sợ một sơ xuất nhỏ nào đó làm vỡ mộng. Sợ ngay cả đến nói dại, lỡ có trúng gió thì mất đua. Bên cạnh cái lo sợ, cũng có cái bồn chồn, háo hức. Giờ đua càng gần càng thấy lòng bồn chồn. Rồi bao nhiêu ý đẹp vẽ lên trong đầu. Nào là đám khán giả vỗ tay khen thưởng, nào là đám bạn bè chỉ trỏ, trầm trồ khen, ngưỡng mộ, nào là món giải thưởng thật đồ sộ nằm hiên ngang trên chiếc bàn trải khăn đỏ giữa sân. Cái màu giấy bóng kiếng đỏ nhấp nhánh làm choá hai tròng mắt; nào là tưởng tượng ra cảnh bố mẹ vò đầu khen, không ngớt lời ca tụng. Những hình ảnh đó mê hoặc chàng thiếu niên trẻ, có nước da bánh mật, có bắp thịt nở nang, vạm vỡ, có đôi chân dòn cứng lanh lẹ.

Bây giờ, than ôi! Tất cả đã tan biến. Giải thưởng đã đạt được. Lời khen cũng đã có, nhưng có ai ngờ lời khen lại là “rững mỡ” với “mèo mù vớ cá rán”. Nó nản làm sao? Lời khen hay lời phê bình! Cái hình ảnh khệ nệ, vênh váo ôm phần thưởng về nhà khoe bố mẹ đã biến mất, thay vào đó là hình ảnh của một thiếu niên lù đù, hai con mắt buồn so, xụp xuống, cái môi dưới trề xuống trông thảm hại. Càng nghĩ nước mắt càng chảy ra, càng khóc càng thấy tủi. Khóc khô nước mắt đến nấc cục. Nỗi khổ tâm nhất của đời người là leo đến đỉnh núi mới lở chân té xuống. Đời người xây mộng đẹp, gặp được mộng mới thấy mộng khác đời, xa rời thực tế.

Nằm nghe tức đến ngất đi được vì bà mẹ cứ khen lấy, khen để cái đồng hồ quả lắc hiệu KIM NHẬT. Nào là cái con số nó xinh, cái kim nó mảnh mai dễ thương, cái vỏ nó gọn gàng, ôi thôi đủ không thiếu chỗ nào là không khen. Ngó xuôi nó đẹp, ngó ngược nó cũng đẹp, Liếc bên phải cũng hài lòng, liếc ngó bên trái cũng hả dạ, sao mà nó khéo làm sao ? Ong bố cũng trầm trồ chêm vào:

“Ừ, cái hiệu này nó uy tín lắm, nổi tiếng nhất tỉnh đấy bà ạ”,

Bà vội thêm:

“Đúng rồi, nó phải là đồ quý. Một miếng thịt làng bằng sàng thịt chợ. Ông bà nói có sai đâu.”

Dưới ánh đèn dầu, ánh sáng lấp lánh của những con số, của cây kim, của quả lắc hớp hồn hai ông bà. Hai người không ngớt mồm khen. Họ có biết đâu, sau bức liếp kia con họ đang ghen lồng lộn lên. Họ khen một thì người con tức hai ba, tức đến nỗi phải thầm rủa tiệm đồng hồ

“Thằng Kim Nhật, nó có chạy đua, nó có được thưởng đâu mà cứ khen nó mãi “.

Hết chỗ khen, hai ông bà tính chỗ treo nó. Đôi bên bàn luận hồi lâu khiến ông phát cáu. Thấy thế, bà nhịn làm lành. Ông quyết định treo nó ở giữa gian cho nó bảnh. Cho mọi khách ra vào đều biết nhà này có đồng hồ quả lắc. Treo ở đó để cả nhà đều được thưởng thức tiếng kính coong ngân vang mỗi khi nó điểm giờ.

Cái ngày xưa ấy tưởng chừng đã đi vào dĩ vãng. Ngờ đâu nó được khơi lại. Bài học đau đớn của ba mươi năm về trước cho đến ngày hôm nay mới tìm được câu giải đáp. Hồi ấy mình bực bội, giận dỗi vì không được khen. Cái lòng tự mãn bị coi rẻ. Quả thực, mình xứng đáng được khen chứ. Có bao giờ mình nghĩ đến khuyến khích đâu. Nếu được cha mẹ khuyến khích biết đâu mình đã thành tài, mình đã không bỏ cuộc. Mình cũng không trách cha mẹ. Có lẽ các ngài không biết điều ấy. Mình là nạn nhân và ngay cả con mình cũng là nạn nhân từ bấy lâu nay. Trách ai bây giờ? Mỗi bài học chỉ học một lần, giờ đã biết nhất định không thể để thằng Thuận bị thiệt thòi. Phải khuyến khích nó, phải tìm ra tài năng của nó để giúp nó phát triển. Cứ nhìn thái độ tự đắc khi nó đá trúng trái banh thì đủ biết. Chắc chắn nó cần nâng đỡ, cần có người tán dương nó. Cần có người đi kèm bên. Tâm lý trẻ con là vậy. Nếu có người lớn đi kèm, nó thêm can đảm. Nó có ngờ đâu đôi khi người lớn cũng run như nó, có khi run sợ hơn nữa là khác. Tuy nhiên, với nó người lớn lúc nào cũng như tấm bình phong che chở mỗi khi nó bị sóng gió, nó tuyệt đối tin như thế. Người nó tin hơn cả là bố mẹ, là khuôn vàng thước ngọc, là túi khôn để mỗi khi không biết nó hỏi. Ngay cả khi bố mẹ nó trả lời “không biết”; nó cũng hài lòng với cái không biết ấy. Bố mình mà còn không biết thì ai biết được. Chỉ có bố nó biết rằng, nếu bố nó không biết thì có người khác biết, nhưng có bao giờ bố nó nói điều đó với nó đâu.

Con trẻ thích khen, thích nói ngọt đã đành. Chúng còn thích khen thưởng nữa. Món quà thưởng làm lấp mắt chúng. Chỉ một cây cà rem, một gói kẹo nhỏ, một cái áo mới hay một vé xi-nê đủ làm chúng háo hức. Đối với con nít, cho ngay, nó không quý. Cho ngay, nó ăn xong rồi nó quên. Hứa với nó, nó sẽ nhớ, nó mong cái ngày đó đến. Thời gian đối với chúng hầu như vô nghĩa. Nó mong cái lời hứa được thực hiện chứ nó không mong thời gian qua mau. Người lớn thích ngạc nhiên, thích việc nào ra việc nấy, họ không thích hứa suông vì đã nhiều lần kinh nghiệm. Lời hứa chính là nói KHÔNG. Trẻ con thích lời hứa. Có hứa là coi như xong, coi như đã nắm chắc trong tay. Nó thích chí đi khoe bạn bè. Nó mơ tưởng vẻ vời hình dáng món quà cho bạn nó nghe, rồi hai đứa cùng cười. Nó hãnh diện vì bố mẹ nó thương nó. Con trẻ đánh giá trị tình thương bằng những cái nhỏ mọn và cụ thể. Đối với nó, nuôi nó ăn, học là trách nhiệm của bố mẹ. Cho quà, tặng quà, vỗ về, khuyến khích, đó mới là tình thương. Thế giới của nó là như vậy. Thích cụ thể, thích vật hữu hình. Thích những cái nhỏ nhặt, thích được chiều chuộng, thích khoe khoang. Nó thích ngay cả được sai bảo nữa, vì sau khi làm việc thế nào chẳng được khen là ngoan, là giỏi. Chúng lại hay tò mò, điều gì đối với chúng cũng lạ. Không biết ngại ngùng là gì cả. Lúc nào chúng cũng ham học hỏi. Gặp điều gì không hiểu là hỏi liền. Thấy ai làm, chỉ tìm dịp bắt chước.

Sau khi suy nghĩ như thế, bố Thuận vạch ra một chương trình khuyến khích và hướng dẫn Thuận. Cái khó của ông là văn hoá. Đọc sách thì không thông, nói chi đến tính toán. Ông vo đầu suy nghĩ tính kế. Kế vẽ ra trong đầu thì nhiều, nhưng kết quả thì không bảo đảm. Chỉ sợ lỡ kế hoạch sai thì hại đời thằng Thuận. Ong đếm trên đầu ngón tay, kiểm điểm lại những cái trẻ con thích. Ông nhẩm đi nhẩm lại cho thuộc. Ông cũng để ý xem Thuận thế nào. Suốt một tuần lễ lén theo dõi con, không có điểm nào đặc sắc cả. Tệ quá, thằng con này tệ quá, chẳng có tài cán gì cả. Mình tuy mù chữ nhưng còn nhanh nhẹn. Còn thằng Thuận thì lù đù. Làm sao để giúp nó, để biến nó thành con người mới. Chẳng lẽ bắt đầu từ chỗ hai cây cà rem. Hôm đó mình dùng cà rem để lấp miệng nó, để cho nó khỏi khóc. Mình cũng dụ ngọt nó một tí. Nó đã can đảm hơn trong hiệp nhì. Thôi thì bắt đầu từ đây vậy. Bắt đầu bằng khuyến khích nó, hướng dẫn nó, đi kèm bên nó. Không chửi mắng, la ó nó nữa, nhưng dùng lời ngọt ngào yêu thương để nó nói. Ngay cả khi nó làm điều sai, ngay cả khi cấm cản nó cũng dùng lời ngọt để nó tin rằng mình thương nó. Để nó luôn nghĩ rằng, nó học, nó chơi không phải cho nó, nhưng là cho bố nó.

Bố Thuận đã thành công. Thành công từ cái tầm thường nhất. Cái đơn giản nhất mà bất cứ bố mẹ nào cũng có thể thực hiện được.

Lm Vũđình Tường (viết năm 1987)

TiengChuong.org