Hiến pháp hiện hành Cộng hòa Pháp trao quyền Lập pháp cho Nghị viện (Parlement) gồm hai Viện : Thượng nghị viện (hay Thượng viện, Sénat) và Quốc hội (Assemblée Nationale) (Điều 24).

Chúa nhật ngày 25.09.2011, 71.9510 đại cử tri được mời tham gia bầu bắt buộc để chọn 170 Nghị sĩ (hay Thượng nghị sĩ) cho nhiệm kỳ 2011-2017, mang tính cách đại diện cho các Đơn vị hành chính địa phương (collectivités territoriales. ‘territoriales’ đúng ra phải dịch là ‘lãnh thổ’, nhưng ‘địa phương’ được dùng để trái ngược với ‘trung ương’ nghe đúng hơn).

I.- CUỘC BẦU CỬ NGÀY 25.09.2011.

A. Số Nghị sĩ phải bầu lần này và nhiệm kỳ.

Các luật ngày 30.07.2003 và 21.02.2007 qui định nhiệm kỳ của Nghị sĩ từ 9 còn 6 năm. Số ghế tại Thượng nghị viện tăng từ 331 trong năm 2004, 343 trong năm 2008 và tới 348 trong năm 2011, bao gồm 12 Nghị sĩ đại diện cho người Pháp định cư ở hải ngoại. Từ năm 2008, các Nghị sĩ được bầu 6 năm, và từ năm 2011, bầu lại phân nửa Thượng nghị viện thay vì một phần ba như trước.

Tuổi để được trở thành Nghị sĩ phải có ít nhất là 35 năm.

B. Thể thức đầu phiếu.

Đơn vị bầu cử là Tỉnh (Département).

Đây là một cuộc bầu cử gián tiếp bởi các đại cử tri (grand électeur) gồm các Dân biểu (Député), Nghị viên Vùng (Conseillers régionaux) thuộc Đơn vị bầu cử, Nghị viên Tỉnh (Conseillers généraux) và Đại biểu các Hội đồng Thành phố (Délégués des conseils municipaux).

Số Đại diện các Hội đồng Thành phố được quyền bầu như sau :
- Thành phố có dưới 9.000 dân được cử từ 1 đến 5 đại cử tri ;
- Thành phố có từ 9.001 đến 30.000 dân thì toàn thể Nghị viên đều là đại cử tri ;
- Thành phố có trên 30.000 dân thì toàn thể Nghị viên đều là đại cử tri cộng thêm 1 đại cử tri cho mỗi lần số 1.000 dân.

112 Nghị sĩ được bầu theo đại diện tỷ lệ liên danh (représentation proportionnelle par liste) tại 18 Đơn vị bầu cử có ít nhất 4 Nghị sĩ và tại hãi ngoại) và 58 Nghị sĩ được bầu theo đầu phiếu đa số 2 vòng tại 26 Đơn vị bầu cử có từ 1 đến 3 Nghị sĩ.

II. NHIỆM VỤ THƯỢNG NGHỊ VIỆN.

A. Thảo luận và Biểu quyết Ngân sách cùng Luật.

Các Nghị sĩ có nhiệm vụ bỏ phiếu các Dự án luật (Projet de Loi) do Chính phủ đệ trình hay Đề nghị luật (Proposition de Loi) do Dân biểu hay Nghị sĩ đệ nạp. Chức vụ Nghị sĩ là không phù hợp với chức năng Tổng trưởng hay Bộ trưởng. Nghị sĩ vừa đắc cử có một tháng để chọn ở lại Chính phủ (Hành pháp) hay ở lại Thượng nghị viện (Lập pháp) được bầu có một khoảng thời gian một tháng để lựa chọn giữa các nhiệm vụ và chức năng. Trong thời gian này, các Tổng, Bộ trưởng không thể tham gia bỏ phiếu tại Thượng viện.

B. Xử lý thường vụ chức vụ Tổng Thống.

Hiến pháp 1958 qui định Chủ tịch Thượng nghị viện là nhân vật thứ hai trong nước. Do đó, vị này sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống khi Tổng thống từ chức, tử vong hay mất khả năng. Chủ tịch Alain Poher đã hai lần đến Điện Elysée để xử lý thường vụ chức vụ Tổng Thống : năm 1969, sau khi Tổng thống Charles de Gaulle từ chức và năm 1974, sau khi Tổng thống Georges Pompidou từ trần.

C. Tu chính Hiến pháp.

Điều 89 Hiến pháp 1958 qui định việc tu chính Hiến pháp bằng một trong hai cách:

- bởi hai viện Quốc hội và Thượng nghị viện mà đa số chấp thuận của mỗi viện về Dự án luật hay Đề nghị luật bằng những từ giống nhau và, sau đó, phải được chấp thuận bởi quốc dân qua trưng cầu dân ý.
- Nghị viện (Parlement, Quốc hội và Thượng nghị viện họp chung) thông qua với đa số đặc biệt 3/5 số phiếu bầu.

III. NHỮNG THAY ĐỔI CÓ THỂ.

Đây là cuộc bầu cử cuối cùng trước tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu và trực tiếp chọn Tổng thống vào mùa Xuân 2012. Trong đó, người ta chờ :

A. Thượng nghị viện thay đổi đa số.

Hiện nay, thành phần Thượng nghị viện gồm :
- Phe đa số (hữu phái) có 179 Nghị sĩ (52,2%), trong đó 147 vị thuộc Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP, Union pour un Mouvement Populaire);
- Phe thiểu số (tả phái) có 152 Nghị sĩ (44,3%), trong đó 115 vị thuộc đảng Xã hội (PS, Parti Socialiste) ;
- Các đảng khác và độc lập có 10 Nghị sĩ (2,9%) và 2 ghế trống (0,6%).

95% trong số 71.951 đại cử tri là các Đại biểu hay chính các Thị trưởng (Maire) và Nghị viên Thành phố mà nhiều vị là những dân cử độc lập hay đảng phái nhỏ, nên khó đoán họ đầu phiếu cho ứng cử viên màu sắc chính trị nào. Tuy nhiên, dựa vào kết quả các cuộc bầu cử các Hội đồng Vùng, Tỉnh và Thành phố mà tả phái đều thắng (kết quả toàn quốc), nên người ta đoán là Thượng nghị viện có thể, lần đầu tiên trong nền Đệ Ngũ Cộng hoà, do phe này lãnh đạo.

B. Cải tổ Chính phủ.

Ba thành viên Chính phủ (hai ông Gérard Longuet, Quốc phòng, Maurice Leroy, Thành phố, và bà Chantal Jouanno, Thể thao) là những ứng cử viên có nhiều triển vọng đắc cử. Để được sử dụng quyền bầu phiếu cử Chủ tịch Thượng nghị viện cho vị đương kiêm Gérard Larcher (UMP), ba tân Nghị sĩ này phải từ chức Tổng trưởng trong Chánh phủ Fillon. Do đó, cần phải có một cuộc cải tổ Chánh phủ.