Chúa nhật 29 thường niên, năm A

Mt 22, 15-21


Xức dầu trong Kinh Thánh là xức dầu thánh hiến. Xức dầu thánh hiến cho vật nào là làm cho vật đó, vật thông thường trở nên đặc biệt, khác với các vật thông thường khác. Vật thông thường được chọn lựa, được nâng lên hàng quan trọng cần phải tôn kính vì đã được xức dầu thánh hiến. Vật đó vẫn còn ở trần gian nhưng không còn thuộc về trần gian như trước nữa vì đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Vật đó từ nay thuộc về Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh hiến theo nghĩa đó là mang tính từ bỏ những gì thuộc về trần thế để dâng hiến cho Thiên Chúa. Thánh hiến theo nghĩa trên cũng có nghĩa là hy sinh.

Xức dầu thánh hiến cho người nào là làm cho người đó đang từ cuộc sống bình thường trở nên đặc biệt. Đây là hành động tự nguyện, tự hiến để được thánh hiến. Họ cũng phải trải qua thời kì học hỏi và thử thách, học biết trách nhiệm về việc thánh hiến. Sau khi thánh hiến họ tiếp tục sống nơi trần thế nhưng thuộc về Thiên Chúa. Sống nơi trần gian không cho riêng họ mà là tiếp nối công việc của Đức Kitô. Nối tiếp bằng cách rao giảng Lời Chúa; sống thực thi điều rao giảng và tin vào điều rao giảng. Đây chính là một phần lời nguyện cầu trong ngày lễ truyền chức thánh, lúc thi hành nghi thức xức dầu thánh hiến.

Vì thế nghi thức đặt tay và xức dầu trong ngày lễ truyền chức linh mục được hiểu là người đó từ nay thuộc về Thiên Chúa, sống để thực hiện ý Chúa. Họ có chức thánh trong người qua việc đặt tay và xức dầu thánh hiến. Bản tính xác thịt yếu đuối nơi người đó vẫn còn nhưng không vì thế mà được phép lạm dụng giải thích, bào chữa cho việc làm sai trái. Trái lại cần luôn í thức, và hoàn toàn tin tưởng, lệ thuộc vào sự hướng dẫn, chỉ bảo của Thần Linh Chúa trong lời nói, hành động, tư tưởng. Nhờ liên kết với Thánh Thần Chúa mà cuộc sống họ trở nên hữu ích hơn cho xã hội và trung thành hơn trong việc làm chứng nhân cho Chúa giữa đời. Người nào được thánh hiến cũng cố gắng sống đời thánh thiện. Nói là cố gắng vì không phải cố gắng nào cũng thành công, cũng toại nguyện. Họ cần sức mạnh lời cầu nguyện của chính mình và của người khác cầu thêm cho, mới mong hoàn thành điều hứa ngày thánh hiến. Nếu không gương xấu gây đau thương, tai tiếng chung cho Giáo Hội là điều khó tránh.

Người thuộc về Chúa thì cần biết Chúa là đủ vì ơn khôn ngoan Chúa ban dư thừa giúp ta sống cuộc sống trần thế. Có Chúa là có tất cả vì ân sủng Chúa có sức mạnh tạo nên nguồn vui bất tận trong tâm hồn. Một khi cảm thấy đầy đủ thì không còn ước mong sự gì sốt.

Người trần gian cả đời mong gầy dựng một sản nghiệp là vật chất trần thế mà hầu hết cả đời vẫn chưa thoả mãn. Kẻ thánh hiến một khi vững lòng cậy trông vào Chúa sẽ có được ba sản nghiệp. Đó là sản nghiệp của lòng tin, lòng bác ái và lòng mến Chúa. Có được ba sản nghiệp đó thì còn thiếu thốn gì. Muốn đạt được ba sản nghiệp đó thì cần tích trữ những gì thuộc về Chúa. Tích trữ trong Kinh Thánh có nghĩa trái nghịch với trần thế. Nơi trần thế tích trữ là thu góp, gom góp, bóp chắt. Tích trữ theo nghĩa Kinh Thánh là cho đi, từ bỏ. Càng cho đi nhiều, càng từ bỏ nhiều càng nhận lại nhiều những gì thuộc về Thiên Chúa. Cho đi nhiều nhất là cho đi chính mình. Càng nhiều những gì thuộc về Chúa càng coi thường những gì thuộc về trần thế. Thước đo sản nghiệp nước trời chính xác nhất là lòng mến những gì thuộc về trời.

Thánh hiến là thuộc về Chúa cho nên Đức Kitô đã trả lời kẻ thử Người là những gì thuộc về trần thế thì thuộc về trần thế; những gì thuộc về Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa. Mt 22,21. Không thể dùng của Chúa là của thánh để ban cho thế gian cũng như không thể dùng của thế gian để dân lên Thiên Chúa. Lễ phẩm chúng ta dâng Chúa theo nghi thức dâng lễ vật là những vật được chọn lựa với lòng chân thành, với tâm tình cảm mến dâng lên Chúa vì thế lễ phẩm đó không đơn thuần là bông hoa, tấm bánh mà chính là tấm lòng chân thành, yêu mến lại được thánh hoá qua lời Chúa do tay linh mục đại diện cộng đoàn dâng lên Chúa.

Chính vì thế mà ngay đầu thánh lễ có phần xin Chúa xót thương đón nhận tâm tình thống hối ăn năn, xin Chúa xót thương đón nhận lời cầu xin. Xin Chúa thương đón nhận lễ vật do bàn tay lao tác và là sản phẩm, hoa mầu ruộng đất Chúa tạo thành. Những điều này được dâng lên nhờ Thánh Thần Chúa thánh hoá biến chúng thành lễ vật dâng Chúa. Chúng không còn đơn thuần là của cải trần thế nhưng là lễ vật được chọn lựa do tự nguyện, do lòng thành, lòng mến cộng với tâm tình tạ ơn. Mặc dầu không được xức dầu thánh hiến nhưng chúng được thánh hiến qua lòng thành, biết ơn và cảm tạ cho nên chúng thuộc về Thiên Chúa.

Lễ vật hiến dâng theo tinh thần đó sẽ được Chúa đón nhận. Chúng ta cầu xin ơn chân thành hiến dâng trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org