Những hỏa mù do người Thệ Phản trong 500 qua tung ra về Đức Mẹ nhiều khi che mất cả những nhận định thực sự của Luther và Calvin trong lãnh vực này. Nhân tháng Mân Côi, thiển nghĩ ta nên tìm hiểu xem thực ra Luther đã viết gì về Đức Mẹ.

Thánh mẫu học của Luther được khai triển từ lòng sùng kính sâu đậm và bàng bạc của Kitô Giáo Trung Cổ đối với Đức Mẹ, một lòng sùng kính ông vốn được nuôi dưỡng và sau này minh giải như một phần trong nền thần học qui Kitô chín chắn của ông.

Về phương diện tín lý, Luther khẳng định điều được ông coi là tín lý có căn bản vững chãi trong Thánh Kinh, như chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Mẹ, còn về việc trọn đời đồng trinh và vô nhiễm thai của ngài thì được ông coi như ý kiến đạo đức nên tuân giữ với điều kiện không làm giảm con người và công trình của Chúa Giêsu Kitô. Ông luôn nhấn mạnh tới sự kiện Đức Mẹ chỉ là người tiếp nhận tình yêu và ơn huệ của Thiên Chúa. Riêng tước hiệu đấng trung gian bầu cử và cứu chuộc của Đức Mẹ thì bị ông chống đối vì theo ông, công trạng của các thánh nói chung không thêm gì vào công nghiệp cứu rỗi nhân loại của Chúa Giêsu Kitô.

Cái nhìn tổng quát

Bất chấp việc Luther tỏ ra hết sức công kích người Công Giáo trong các vấn đề liên quan tới Đức Mẹ và các thánh, phần lớn các nhà thần học đồng ý rằng Luther vẫn tuân theo các sắc lệnh về Đức Mẹ của các công đồng chung và tín điều của Giáo Hội. Ông gắn bó với tín điều Đức Mẹ trọn đời đồng trinh và nhìn nhận ngài là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Người ta đặc biệt chú ý tới việc Luther vững tin vào mầu nhiệm Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai, dù lúc đó, tín điều này chưa được chính thức công bố. Việc công bố này chỉ diễn ra 300 năm sau bởi Đức Piô IX vào năm 1854. Nhưng cũng có người cho rằng vào cuối đời, Luther đã thay đổi quan điểm của ông về Vô Nhiễm Thai, một điều lúc đó chưa được Giáo Hội Công Giáo chính thức phán quyết. Tuy thế, ông vẫn tin vào sự vô tội suốt đời của Đức Mẹ. Còn về việc Mông Triệu của Đức Maria, ông cho rằng Thánh Kinh không nói gì về việc ấy cả. Điều quan trọng đối với ông là tin rằng Đức Mẹ cũng như các thánh đều tiếp tục sống sau khi chết.

Công trình chính cho thấy quan điểm của Luther về Đức Mẹ là cuốn Chú Giải Về Kinh Ngợi Khen năm 1521 của ông, trong đó, ông ca ngợi sự hậu hĩnh ơn thánh mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ cũng như sản nghiệp riêng của Đức Mẹ đối với giáo huấn và gương sáng Kitô Giáo, diễn tả trong bài ca ngợi này. Suốt gần 500 năm qua, bài ca ngợi này luôn giữ một vị thế quan trọng trong nền phụng vụ của phái Luthêrô.

Mẹ Thiên Chúa

Người Luthêrô tin rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Con, Ngôi Thứ Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã nhập thể làm người trong lòng mẹ của Người là Maria, và vì Người “sinh ra bởi Trinh Nữ Maria” trong tư cách một ngôi vị, nên người Luthêrô luôn tin rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Theotokos.

Martin Luther từng viết rằng: “Ngài trở thành Mẹ Thiên Chúa, do vinh dự này biết bao công trình và biết bao điều cao trọng đã được ban cho ngài vượt quá sự hiểu biết của con người. Vì từ vinh dự này mà phát sinh ra mọi vinh dự, mọi chúc phúc, và địa vị độc nhất của ngài trong toàn thể nhân loại. Giữa nhân loại ấy, ngài không có kẻ ngang hàng, vì ngài có con bởi Cha trên trời, và người Con đó… Bởi thế, con người đã tóm gọn mọi vinh dự của ngài vào một chữ, xưng tụng ngài là Mẹ Thiên Chúa… Không ai có thể nói về ngài hay công bố cho ngài những điều lớn hơn thế, dù người này có nhiều miệng lưỡi như địa cầu có nhiều hoa lá cỏ cây, có tầng trời, sao sa, có biển khơi có cát hằng hà sa số. Người ta đành chỉ còn biết suy niệm ở trong lòng mới hiểu làm Mẹ Thiên Chúa nghĩa là gì” (1)

Niềm tin trên đã được phái Luthêrô chính thức tuyên xưng trong Công Thức Thỏa Thuận (Formula of Concord) ở điều VIII.24: “Về việc kết hợp ngôi vị và hiệp thông các bản tính này, Đức Maria, Đấng Đồng Trinh diễm phúc hơn hết, không chỉ mang thai một hữu thể nhân bản bình thường, mà là một hữu thể nhân bản vốn thực sự là Con Thiên Chúa tối cao, như thiên thần đã làm chứng. Người tỏ sự uy nghi thần thánh của Người ngay trong lòng mẹ Người bằng cách sinh bởi một trinh nữ mà không làm hại tới sự đồng trinh của của ngài. Bởi thế, ngài thực sự là mẹ Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh” (2).

Trọn đời đồng trinh

Một số người thuộc phái Luthêrô tin rằng Đức Maria không có con cái nào khác, và cũng không có bất cứ quan hệ vợ chồng nào với Thánh Giuse, vì họ cho rằng các người được nhắc tới như là anh em của Chúa Giêsu thực ra là anh em họ của Người (3). Điều này nhất quán với việc Luther suốt đời chấp nhận ý tưởng trọn đời đồng trinh của Đức Mẹ (4), và Hartmann Grisar, một người Công Giáo viết tiểu sử về Luther, cũng cho rằng: “Luther luôn luôn tin vào sự đồng trinh của Đức Maria, ngay cả sau khi đã sinh con (post partum), như Kinh Tin Kính Các Tông Đồ vẫn quả quyết, dù sau này, ông bác bỏ quyền cầu bầu của ngài, cũng như quyền cầu bầu của các thánh nói chung, vì dựa vào các giải thích sai lầm, và đã chống lại việc tôn sùng đặc biệt, bị ông coi là cực đoan và ngoại đạo, mà Giáo Hội Công Giáo dành cho Đức Maria” (5).

Chính vì thế, ngay học giả thủ cựu nhất của phái này là Franz Pieper (1852-1931) cũng từ khước không theo khuynh hướng chung cho rằng Đức Maria và Thánh Giuse có quan hệ vợ chồng với nhau và có con sau khi Chúa Giêsu sinh ra. Trong cuốn Christian Dogmatics của mình, tác giả này ngầm cho rằng niềm tin vào sự trọn đời đồng trinh của Đức Mẹ là quan điểm xưa hơn và có tính truyền thống của phái Luthêrô (6).

Hiện nay, một số nhóm thuộc phái Luthêrô ở Mỹ như Lutheran Church–Missouri Synod (2.4 thành viên) hay Evangelical Lutheran Church in America (hơn 4.5 triệu thành viên) không tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, và có nhiều con với Thánh Giuse.

Vô Nhiễm Thai

Khi còn sinh thời, Martin Luther đưa ra nhiều tuyên bố trái ngược nhau về việc Đức Mẹ vô nhiễm thai. Thí dụ, năm 1532, Luther nói rằng Đức Maria được tượng thai trong tội lỗi. Nhưng năm 1544, ông lại bảo rằng: “Thiên Chúa đã tạo nên linh hồn và thân xác Trinh Nữ Maria đầy Chúa Thánh Thần, đến nỗi ngài không có bất cứ tội lỗi nào, vì ngài đã thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu” (7). Và ở chỗ này nữa: “Trừ Đức Maria, mọi người đều vấy bẩn bởi tội nguyên tổ” (8). Điều này cho thấy: khi nhấn mạnh tới chức vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, Luther không ngần ngại nhìn nhận hành động đặc biệt của Thiên Chúa khi đem Đức Maria vào đời, nhưng khi nhấn mạnh tới tính phổ quát có tội của loài người, ông lại bao gồm Đức Mẹ vào hàng ngũ bình thường của mọi phàm nhân khác. Ông viết: “Mẹ Maria, giống như ta, đã sinh ra trong tội lỗi từ cha mẹ tội lỗi, nhưng Chúa Thánh Thần đã bao phủ ngài, thánh hóa và thanh tẩy ngài đến nỗi con trẻ này tuy sinh ra từ nhục huyết nhưng không có nhục huyết tội lỗi. Chúa Thánh Thần đã cho phép Trinh Nữ Maria ở trong trạng thái một hữu thể nhân bản thực sự, tự nhiên có nhục có huyết, giống hệt như ta. Tuy nhiên, Người đã xua đuổi mọi tội lỗi khỏi nhục huyết ngài để ngài trở nên mẹ của hài nhi trong trắng, không bị độc hại bởi tội lỗi như ta. Vì lúc thụ thai, ngài là một người mẹ thánh thiện đầy Chúa Thánh Thần và hoa quả của ngài là hoa quả thánh thiện trắng trong, vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật, trong một ngôi vị” (9).

Nữ vương thiên đàng

Suốt đời, Luther vẫn tin rằng Đức Maria là “Nữ Vương Thiên Đàng” và thường nhắc đến ngài dưới tước hiệu này. Có người còn nhắc tới việc ông thực hành chuỗi mân côi hàng ngày cho tới lúc qua đời. Mà đã suy niệm các mầu nhiệm mân côi, thì hẳn ông chấp nhận ngắm thứ 5 mùa mừng nói về việc Thiên Chúa trao vương miện cho Đức Mẹ. Tuy nhiên, ông khuyên người ta không nên sử dụng thái quá tước hiệu này (10).

Đấng trung gian

Trước năm 1516, niềm tin của Luther vào việc Đức Maria là đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi của ông đối với một Chúa Giêsu thẩm phán chí công (11). “Trinh Nữ Maria đứng giữa Chúa Kitô và nhân loại. Vì chính lúc Người được tượng thai và sống, Người đã đầy ơn thánh. Mọi con người nhân bản khác đều không có ơn thánh, cả trong lúc được thụ thai lần đầu lẫn lần thứ hai… Trong khi mọi con người nhân bản khác được tượng thai trong tội lỗi, và Chúa Kitô được tượng thai mà không có tội lỗi nào trong linh hồn và trong thân xác, thì Trinh Nữ Maria khi được tượng thai, thân xác không có ơn thánh nhưng linh hồn thì đầy ơn thánh” (12).

Việc tôn kính

Luther sáng tác nhiều bài thơ tôn kính Đức Mẹ, tập trung vào đức đồng trinh của ngài. Ông cũng dịch nhiều ca khúc xưa bằng tiếng La Tinh về Đức Mẹ sang tiếng Đức. Các bài thơ và ca khúc này miêu tả việc nhập thể của Thiên Chúa qua một trinh nhữ:

Thân xác đồng trinh thụ thai, nhưng vẫn còn trong trắng
Từ đây xuất hiện Đấng cứu vớt muôn dân
Ơn thánh Chúa từ trời trùm phủ trinh nữ và nhiều người khác
(13).

Với thời gian, các quan điểm của Luther về việc tôn kính Đức Maria đã được giải thích rất khác nhau tùy theo các thần học gia. Chủ yếu là lời chú giải của ông về Kinh Ngợi Khen của ngài. Một số thần học gia coi lời chú giải ấy như tàn tích Công Giáo nơi Luther, nhưng một số thần học gia khác lại cho đó là bằng chứng của việc ông tiếp tục tôn kính Đức Mẹ (14). Trong tác phẩm này, Luther viết rằng ta nên cầu nguyện cùng Đức Maria; Thiên Chúa, qua ngài, sẽ ban cho ta điều ta cầu xin. Nhưng ông viết thêm: chỉ một mình Thiên Chúa ban ơn mà thôi (15). Cũng có nhà thần học coi lời chú giải Kinh Ngợi Khen như lời khẩn cầu cá nhân, chứ không phải là lời cầu xin làm trung gian. Một dấu mốc quan trọng cho thấy quan điểm tôn kính Đức Mẹ của Luther không phải chỉ là các trước tác của ông mà còn là các thực hành được phái Luthêrô chấp hành lúc ông còn sống. Việc hát kinh Ngợi Khen bằng tiếng La Tinh vẫn được duy trì trong nhiều cộng đoàn Luthêrô của Đức. Hiến Chế Giáo Hội (Kirchenordnung) tại các bang Brandenburg, Bugenhagen, Braunschweig và nhiều tỉnh huyện khác vẫn duy trì 3 ngày lễ kính Đức Mẹ, coi chúng là những ngày nghỉ công cộng (15). Ai cũng biết chính Luther chấp thuận việc đó. Ông cũng chấp thuận duy trì các tranh và tượng Đức Mẹ trong các nhà thờ (16). Tuy nhiên, Luther viết rằng “Đức Maria cầu xin cho giáo hội” (17). Ông cũng khuyến khích việc đọc phần đầu Kinh Kính Mừng (tức các câu: Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà, gồm phúc lạ” để tỏ lòng tôn kính và sùng mộ Đức Nữ Trinh (18).

So sánh với quan điểm Công Giáo

Luther công kích người Công Giáo đã làm mờ nhạt sự phân biệt giữa việc ca ngợi ơn thánh Chúa và việc ca ngợi những con người nhân bản vốn chỉ là tạo vật. Trong một số trường hợp, ông còn coi việc người Công Giáo xin sự cầu bầu của Đức Mẹ và các thánh là thờ ngẫu tượng (19): “Ngoài ra, bạn làm sao chịu đựng nổi những việc thờ ngẫu thần khủng khiếp [của người theo phái Rôma]? Việc họ tôn kính các thánh và ca tụng Chúa trong các thánh không đủ, vì thực ra họ biến các ngài thành các vị thần. Họ đặt đứa con cao quí này, tức mẹ Maria, vào địa vị của Chúa Kitô. Họ biến Chúa Kitô thành một quan tòa, và do đó, vẽ Người thành một bạo chúa cho các lương tâm bất an, để mọi an ủi vỗ về và mọi tín thác đều được chuyển dịch từ Chúa Kitô qua Đức Maria, và sau đó, ai cũng quay lưng lại với Chúa Kitô để chỉ chạy theo vị thánh đặc thù của họ. Có ai chối được điều đó không? Điều đó há không trúng sao” (20).

Sự phân biệt trên đã phân rẽ quan điểm của Luther với thánh mẫu học Công Giáo. Điểm có ý nghĩa nữa là theo người Công Giáo, các nhà thệ phản hiện đại đã đi sai Thánh Mẫu Học của Luther. Tuy nhiên có nhận định cho rằng người Công Giáo và phái Luthêrô tuy có nhiều điểm tương tự trong quan điểm về Đức Maria, nhưng đối với Luther, đó là một thánh mẫu học “thụ động”, còn đối với người Công Giáo, đây là một thánh mẫu học “năng động” theo nghĩa họ sùng kính ngài cách đặc biệt (hyperdulia) và cầu xin sự cầu bầu của ngài. Câu hỏi được đặt ra là liệu các quan điểm trên đây của Martin Luther có làm cho các Kitô hữu đang phân rẽ được gần lại với nhau hơn không. Điều này bị nhiều người nghi ngờ, từ cả hai phía (21). Cuộc đối thoại lần thứ 8 giữa Công Giáo và phái Luthêrô đang đề cập tới các vấn đề này.

Có điều suốt đời ông, Luther luôn xưng tụng Đức Maria bằng tước hiệu Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) (22), nhưng lại từ khước không tích cực cầu cùng ngài như kiều mẫu của Kinh Kính Mừng (23). Phong trào Thệ Phản thường theo các nhà cải cách trong việc bác bỏ thói quen trực tiếp ngỏ lời với Đức Maria và các thánh trong các lời cầu nguyện tán tụng và khẩn cầu, một việc họ chỉ dành để thờ phương Thiên Chúa (24).

Điều cũng cần nhấn mạnh là: dù theo Luther, vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa gồm tóm mọi vinh dự khác, nhưng ông lại tỏ ra lúng túng khi bàn tới các vinh dự “nhỏ hơn” của Đức Mẹ. Thật vậy, nếu xét theo khía cạnh ngẫu thần, thì vinh dự “Mẹ Thiên Chúa” có nguy cơ được kể vào hàng đầu “ngẫu thần”, nhưng ông không ngần ngại chấp nhận vinh dự thâu tóm mọi vinh dự ấy, vì không có nó, nhân tính Chúa Kitô sẽ xụp đổ (đúng như thế), còn những vinh dự thâu tóm trong đó, thì ông lại cái nhận cái không.

Ghi chú

(1) Martin Luther, Luther's Works, The American Edition, Jaroslav J. Pelikan & Helmut Lehmann, eds., 55 vols., [St. Louis & Philadelphia: CPH & Fortress Press, 1955-1986], 21:326, cf. 21:346.
(2) Theodore G. Tappert, The Book of Concord: The Confessions of the Evangelical Lutheran Church, [Philadelphia: Fortress Press, 1959], 595.
(3) Luther's Works, 22:23
(4) Luther's Works, 22:214-215
(5) Martin Luther, E.M. Lamond, trans., Luigi Cappadelta, ed., 6 vols., [St. Louis: B. Herder Book Co., 1915], 210
(6) Francis Pieper, Christian Dogmatics, 4 vols., (St. Louis: CPH, 1950-53), 2:308-09
(7) Martin Luther, D. Martin Luthers Werke, Kritische Gesamtausgabe, 61 vols., [Weimar: Verlag Hermann Böhlaus Nochfolger, 1883-1983], 52:39
(8) Martin Luther, D. Martin Luthers Werke, Kritische Gesamtausgabe, 61 vols., [Weimar: Verlag Hermann Böhlaus Nochfolger, 1883-1983], 39, II:107
(9) Sermons of Martin Luther, 291
(10) Luther's Works 7:573
(11) Martin Brecht, Martin Luther, James Schaaf, trans., 3 vols., [Philadelphia: Fortress Press, 1985-1993], 1:76-77
(12) H. George Anderson, J. Francis Stafford, Joseph A. Burgess, eds, The One Mediator, The Saints, and Mary, Lutherans and Roman Catholic in Dialogue VIII, [Minneapolis: Augsburg Fortress, 1992], 238
(13) Remigius Bäumer, Marienlexikon, Gesamtausgabe, Leo Scheffczyk, ed., [Regensburg: Institutum Marianum, 1994], 190
(14) Remigius Bäumer, Marienlexikon, Gesamtausgabe, Leo Scheffczyk, ed., [Regensburg: Institutum Marianum, 1994], 191
(15) Sách vừa dẫn
(16) Sách vừa dẫn, tr.190
(17) Apology of the Augsburg Confession, XXI 27
(18) Luther's Works, 10 II, 407–409
(19) Augsburg Confession XXI 2
(20) Luther's Works, 47:45
(21) H Düfel, Luthers Stellung zur Marienverehrung, 1968
(22) Luther's Works, 21:346
(23) James White, Mary Another Redeemer, (Minneapolis: Bethany House Publishers, 1998), 113
(24) David Wright, ed., Chosen By God: Mary in Evangelical Perspective, (London: Marshall Pickering, 1989