Trong bài phóng sự đặc biệt này chúng tôi xin giới thiệu vài nét về cuộc họp của các nhà lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô 10 để xét xem liệu họ có muốn quay lại với Giáo Hội Công Giáo hay không; và những phản ứng của anh chị em Tin Lành tại Đức đối với chuyến viếng thăm nước này của Đức Thánh Cha hồi gần đây.

Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12 tháng 10

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12 tháng 10 Đức Thánh Cha đã quảng diễn Thánh Vịnh 126 là bài hoan ca tạ ơn của dân Israel vì Thiên Chúa luôn trung tín với lời giao ước của Ngài và đã đưa dân Ngài thoát cảnh lưu đầy tại Babylon để về miền Đất Hứa. Trong gian truân, bắt bớ, tù đầy, cơ cực ta hãy vui lên vì “Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt giữa hân hoan”.

Ngài nói:

“Anh chị em thân mến – Tiếp tục loạt bài giáo lý về lời nguyện của các Kitô hữu, giờ đây chúng ta hãy hướng đến Thánh Vịnh 126. Đây là lời hân hoan tạ ơn vì Thiên Chúa luôn trung tín giữ tròn lời hứa của Ngài khi mang dân Do Thái trở về sau thời Lưu Đầy tại Babylon. “Chúa đã làm cho ta những điều kỳ diệu, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan.”

Một tinh thần vui tươi với tâm tình tạ ơn như thế cũng phải được thể hiện trong các lời nguyện cầu của chúng ta khi chúng ta nhớ đến lòng từ ái của Chúa trên chúng ta trong những biến cố của cuộc đời, cả trong những lúc gian truân và đen tối. Vịnh gia đã khẩn cầu Thiên Chúa tiếp tục ban ơn trợ giúp dân Israel: “Xin cho những ai gieo trong lệ sầu được gặt trong hân hoan”.


Huynh Đoàn Thánh Piô 10

28 nhà lãnh đạo trong Huynh Đoàn Thánh Piô 10 đã bắt đầu nhóm họp tại Albano, một thị trấn trên một quả đồi bên ngoài thành Rôma để xem xét liệu họ có quay về hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội hay không. Cho đến khi chúng tôi phát hình chương trình này chỉ có một thông báo ngắn ngủi được huynh đoàn đưa ra theo đó “các tham dự viên đã bày tỏ một sự hiệp nhất sâu xa trong ý chí muốn duy trì đức tin cách trọn vẹn và trung tín theo những gì Đức Tổng Giám Mục Mạc Sen Lơ Phe Brơ để lại cho họ, và đến lượt họ, họ cũng muốn để lại cho thế hệ tương lai những gì họ đã nhận được”

Các nhà lãnh đạo của Huynh Đoàn Thánh Piô 10 đang họp tại miền Nam nước Ý để quyết định xem liệu họ có muốn hòa giải với Giáo Hội hay không.

Hôm 14/9, Đức Hồng Y Willam Levada đã tổ chức một cuộc họp báo cho biết Huynh Đoàn Thánh Piô 10 có thời hạn vài tháng để chấp nhận hay bác bỏ những điều kiện mà Tòa Thánh đưa ra. Quan trọng nhất là Huynh Đoàn phải chấp nhận “những tiền đề đạo lý” nhằm bảo đảm sự trung thành với Huấn quyền của Hội Thánh và cảm thức cùng Giáo Hội (sentire cum Ecclesia).

Nếu Huynh Đoàn chấp nhận tuyên ngôn về đạo lý thì có thể bắt đầu nói về vấn đề cơ cấu pháp lý để hội nhập Huynh Đoàn này vào Giáo Hội Công Giáo. Theo cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, giải pháp cho vấn đề cơ cấu và pháp lý, có thể là Đức Thánh Cha sẽ thành lập một Giám hạt tòng nhân và quốc tế, tựa như Giám hạt Opus Dei.

Những phản ứng ban đầu cho thấy Huynh Đoàn đã tỏ ra lạnh lùng với đề nghị của Tòa Thánh và tiếp tục đưa ra các khiêu khích. Điển hình nhất là các nhà lãnh đạo Huynh Đoàn đã kêu gọi tổ chức hàng ngàn thánh lễ trên thế giới để chống lại buổi cầu nguyện liên tôn tại Assisi giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo của các tôn giáo bạn diễn ra ngày 27 tháng 10 tới đây.

Câu chuyện ly giáo đã bắt đầu vào năm 1969 khi Đức Tổng Giám Mục Pháp Marcel Lefebvre thành lập Huynh Đoàn Thánh Piô 10 bao gồm các linh mục và giáo dân gắn bó với Phụng Vụ truyền thống, và chống lại những cải cách về Phụng Vụ và đối thoại đại kết của Công Đồng Vatican II.

Quan hệ giữa Huynh Đoàn và Vatican luôn luôn đầy khó khăn. Tình hình trở nên nghiêm trọng nhất là vào tháng 6 năm 1988 khi Đức Tổng Giám Mục Lefebvre dự định tấn phong Giám Mục cho 4 linh mục mà không được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phê chuẩn.

Đức đương kim Giáo Hoàng lúc ấy là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Lefebvre nhưng không đạt được thỏa thuận nào.

Ngày 30/6/1988 cùng với Giám Mục về hưu Antônio de Castro Mayer của giáo phận Campos Ba Tây, Đức Tổng Giám Mục Lefebvre đã tiến hành việc tấn phong Giám Mục trái phép. Một ngày sau đó, Tòa Thánh công bố vạ tuyệt thông dành cho cả 6 người.

Ngày 2/7/1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Ủy Ban Ecclesia Dei tạm dịch là Công Hội Chúa để giải quyết các vấn đề liên quan đến Huynh Đoàn. Nhờ các nỗ lực của ủy ban này, nhiều linh mục và anh chị em giáo dân đã quay về với Giáo Hội.

Ngày 24/1/2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 ra quyết định giải vạ tuyệt thông cho 4 Giám Mục thuộc Huynh Đoàn thánh Piô 10 và cho mở cuộc đối thoại về tín lý với Huynh Đoàn. Một Ủy ban hỗn hợp gồm các chuyên gia của Bộ Giáo Lý Đức Tin và của Huynh Đoàn đã được thành lập và đã nhóm họp 8 lần tại Roma trong thời gian từ tháng 10-2009 đến tháng 4 năm 2011. Các cuộc đối thoại này có mục đích trình bày và đào sâu những khó khăn lớn về đạo lý liên hệ tới những vấn đề tranh luận. Các cuộc hội thảo đó đã đạt mục đích là làm sáng tỏ lập trường và lý lẽ của hai bên.

Huynh Đoàn hiện có khoảng 551 linh mục, 239 chủng sinh, hàng tră tu sĩ và khoảng 100 ngàn tín hữu.

Phản ứng của các tín hữu Tin Lành về chuyến viếng thăm Đức quốc của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 gần đây

Một số tín hữu Tin Lành đã tỏ ra không hài lòng về khiá cạnh đại kết trong chuyến viếng thăm Đức quốc của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 gần đây. Họ đã chờ mong Đức Thánh Cha cho phép các tín hữu Tin Lành và Công Giáo rước lễ chung, cũng như giải vạ tuyệt thông cho Martin Luther. Nhưng các điều ấy đã không xảy ra. Hai nhật báo Suedeutsche Zeitung và Frankfurter Rundschau thuộc khuynh hướng cấp tiến đã cho biết như trên.

Tuy nhiên, hai tờ báo này ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng công giáo đã cử hành một buổi phụng vụ đại kết trong nhà nguyện tu viện nơi Martin Luther đã được đào tạo.

Còn nhật báo Koelner Stadt Anzeiger thì khẳng định rằng sau gần 500 năm lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng Công Giáo đã tái lượng định trên bình diện thần học con người biểu tượng của sự Cải cách trên vùng đất nơi phát sinh ra Giáo Hội Tin Lành.

Ông Robert Spaemann, nguyên giáo sư triết tại đại học Muenchen nhận định rằng: “Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 ca ngợi con đường đối thoại đã đạt được cho tới nay, và ngài đã mời gọi tiếp tục cuộc đối thoại với các sáng kiến hiệp nhất trong lãnh vực cầu nguyện và hoạt động xã hội của cả hai Giáo Hội. Nhưng việc cùng cử hành Thánh Thể là điều vẫn chưa thể làm được, xét vì các anh em Tin Lành không nhìn nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại với Giáo Hội cải cách đang gặp khó khăn không thuộc trật tự thần học. Tôi có ý nói rằng các anh em thuộc Giáo Hội Luther đã đầu hàng trước tiến trình tục hóa liên quan tới các vấn đề như lỵ dị, phá thai, trợ tử và các đề tài luân lý đạo đức lớn. Như thế họ đang xa rời truyền thống kitô. Và đây là một vấn đề rất lớn cần phải giải quyết giữa họ với nhau, chứ không phải với các tín hữu Công Giáo.

Ba Lan đăng cai ngày quốc tế giới trẻ 2015

Theo báo chí Ba Lan, Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, từng là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2015 được tổ chức tại Krakow. Hiện nay đã có 2 nước xin đăng cai ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2015 là Lithuania và Mễ Tây Cơ.

Tuy nhiên, quê hương của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lẽ có nhiều cơ may nhất vì năm 2015 là đánh dấu 10 năm sự qua đi của Đức Giáo Hoàng Karol Wojtyla. Đức Tổng Giám Mục Krakow /Kra-kô-vi-a/ đã mời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đến khánh thành Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa.

Vẫn phải đợi đến năm 2013 khi kết thúc ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio de Janeiro Ba Tây thì mới biết chắc chắn nơi sẽ xảy ra ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2015.

Phá thai có phải là một nhân quyền đã được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận?

Một nhóm các chuyên gia về quốc tế công pháp, quan hệ quốc tế và y tế công cộng đã tường trình rằng nhiều cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một lời nói láo trắng trợn khi cho rằng Liên Hiệp Quốc đã nhìn nhận phá thai là một nhân quyền.

Ông Grover Joseph Rees Nguyên Đại Sứ Hoa Kỳ tại Đông Timor cho biết: “Liên Hiệp Quốc không hề có quan điểm chính thức về vấn đề này. Chính những ủy ban như CEDAW hay như UNFPA đôi khi đã nhấn mạnh, hoặc đưa ra những tuyên bố ở cấp có thẩm quyền có lợi cho những thương vụ của các tổ chức phá thai.”

Ông Austin Ruse thuộc cơ quan Gia Đình Công Giáo và Nhân Quyền cho biết thêm: “Các nhân viên Liên Hiệp Quốc, các luật sư nhân quyền và một số người khác nữa trên thế giới thường nói rằng đã có một bộ luật quốc tế về phá thai. Chuyện đó diễn ra trong nhiều năm qua, bây giờ vẫn tiếp tục và còn có xu hướng phổ biến hơn nữa. Gần đây nhất là trong phúc trình đặc biệt về y tế, một báo cáo nói rằng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn điều đó”.

Thậm chí, nhiều nước trên thế giới như Colombia đã cho phép phá thai với lý luận rằng đó là nhân quyền đã được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng chính Liên Hiệp Quốc qua tuyên ngôn tại San Jose ở Costa Rica đã nhìn nhận quyền được sống và chào đời của các thai nhi.

Theo Ông Robert George McCormick thuộc chương trình James Madison, của đại học Princeton: “Nhân quyền là quyền chúng ta thụ hưởng không phải vì mình là thành viên của một nhóm nào, hay thuộc một giai cấp nào, một chủng tộc, một tầng lớp xã hội có đặc quyền nào. Trái lại, đó là quyền chúng ta có đơn giản vì chúng ta là con người. Và không có cái quyền nào căn bản hơn là quyền được sống”.

Carl Anderson trong tổ chức Knights of Columbus, Lord David Alton bên Anh, và bà Anna Zaborska thuộc Quốc Hội Âu Châu là các tác giả đã mạnh mẽ chống lại lập luận cho rằng phá thai là một nhân quyền.

Tin mới nhất liên quan đến những bổ nhiệm trong Giáo Hội là việc Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bổ nhiệm Đức Cha Luis Antonio Tagle, Giám Mục giáo phận Imus, làm Tổng giám mục thủ đô Manila. Cùng với hai Giám mục phụ tá, Tân Tổng giám mục 54 tuổi sẽ coi sóc gần ba triệu người Công Giáo của Tổng Giáo Phận Manila.