Suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường niên 2011
Câu trả lời của Đức Kitô cho nhóm người thuộc phái Pharisiêu và Hêrôđê trong sách Matthêu từ hai ngàn năm nay trở nên câu nói thời danh cũng là câu nói cửa miệng của nhiều khuynh hướng, nhiều phe phái khác nhau, xem nó như điều luật được trích dẫn trong hành trình đi tìm chân lý, tìm sự công bằng luôn vốn là khát vọng muôn thuở của nhân loại : "Của César trả cho César, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa – quae sunt Caesaris , Caesari; et quae sunt Dei, Deo".(Mt 22,21).
Trước yêu cầu cho biết ý kiến : "Có được phép nộp thuế cho César hay không ?" ( Mt 22,17), một yêu cầu mà theo Tin Mừng là GÀI BẨY Đức Kitô (Mt 22,15). Để khỏi dính bẩy, ngoài sự khéo léo, Ngài đã gặp may.
May vì người ta không hỏi chuyện quốc gia đại sự mà chỉ hỏi chuyện thuế má, phố phường.
May vì nhờ đồng tiền có hình César, Ngài đã lách mình cách ngoạn mục.
May vì đây là lần đầu tiên La Mã có đồng tiền kiểu này. Nếu César không cho đúc hình chính mình, lấy đâu để Đức Kitô hỏi : "Hình và danh hiệu này là của ai ?" (Mt 22/17).
Và may vì người đặt câu hỏi cho Ngài không là quan tòa nơi pháp đình để Ngài có thể trả lời không theo ý người hỏi mà không bị nhắc nhở.
Đúng. Trong cái khó, Ngài đã gặp may. Sau khi cho xem đồng bạc, Ngài chỉ cần trả lời : "Phải nạp thuế cho César" – Chấm hết ; giữa câu hỏi và câu trả lời ăn khớp, đủ nghĩa...Nhưng không, bên cạnh đáp án vừa có, Ngài vượt qua cái hay cũng như cái hên theo lẽ thường tình để nhân đây Ngài xác định lại một lần nữa trước sức mạnh, trước hào quang quá lớn của nhà nước Rôma, Ngài đặt vấn đề Tôn giáo bằng câu nói thêm, tưởng như dư thừa, không cần thiết : “Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.”
Hơn ai hết Đức Ki tô hiểu rằng nạp thuế cho César, tùng phục nhà cầm quyền đương thời là bổn phận, dẫu cho "Á tế á ca" có lên án việc nạp thuế thời Pháp thuộc thì hôm nay chúng ta vẫn phải nạp thuế. Chuyện nạp thuế là chuyện đương nhiên của công dân một nước dẫu thuộc địa hay độc lập ; nhưng Ngài muốn nhắc nhở một điều khác, quan trọng hơn, đó là : César không phải là CHÚA, nhà nước La Mã, Đế Chế La Mã không phải là Chúa. Họ ngạc nhiên vì cách trả lời thoát hiểm ngoài dự tính và có thể cũng đã ngạc nhiên trước đòi hỏi trả lại vị trí đúng tầm của Thiên Chúa.
Họ đã giật mình. Còn Chúa nào khác ngoài César để họ PHẢI TRẢ ? César được Viện Nguyên Lão La Mã thần hóa, xem ông là một trong những vị thần của đất nước, hình ảnh đế quốc Rôma là vô địch ; việc trả lại cho Thiên Chúa ngoài hoàng đế La Mã là một thách thức chính quyền, là đe dọa sự bền vững của chế độ. Nhưng với Ngài : César không là Chúa. Đó là sự thật. Đó là điều trước đây họ chưa từng nghe, hôm nay phải được nghe. Từ đây cái chết của Đức Kitô gần thêm chút nữa, vì con người không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để trừ khử những ai mà họ nghĩ rằng đang manh nha làm lung lay ngai vàng hoàng đế. Não trạng làm Chúa ăn sâu vào những ai có chút quyền lực để họ luôn xem mình là người có quyền tuyệt đối. “Ông không biết Ta có quyền tha cho Ông sao ?” ( Ga 19,10). Không ! Cho dù trước mặt là gươm giáo sáng lòa, Đức Ki tô vẫn trả lời dứt khoát : “Ông không có quyền gì” (Ga 19,11). Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa.
Hãy trả lại đúng vị trí của từng nhân vật – César cứ là César nhưng đừng làm Chúa và không nhân danh Chúa để làm những việc thấp hèn. Đừng vì biết rằng : “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa…” (Mt 22,16) theo cung giọng của nhóm biệt phái, để thực hiện những toan tính nhỏ nhoi.
Không riêng gì hôm nay mà từ ngàn xưa, con người muốn xây dựng một xã hội công bình, công lý ; nhưng công lý thế nào được khi thế giới thiếu vắng tình yêu. Công lý ,công bình đâu chỉ là chia đều nhưng còn là yêu nhiều. Câu chuyện cậu bé viết hóa đơn đòi tiền công mẹ mình, nào là:
Chẻ củi giúp mẹ : 5 đồng
Quét nhà giúp mẹ : 3 đồng
Rửa bát cho cả nhà : 3 đồng
Mang thức ăn cho ngoại : 4 đồng v..v…
Đọc được hóa đơn đòi nợ công bằng của con, người mẹ viết lại:
Sữa nuôi con : 0 đồng
Ru con ngủ : 0 đồng
Thức suốt đêm khi con đau ốm : 0 đồng
Dắt con đến trường : 0 đồng
Đóng học phí cho con : 0 đồng.v…v…
Cộng tất cả những gì mẹ làm cho con : 0 đồng ; nhưng mẹ không hề thấy bất công.
Thế giới Tình yêu là thế giới không có cảnh “Chất lên người ta gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới” (Lc11,46);
Thế giới tình yêu cũng không có tình trạng ích kỷ, hưởng thụ đặc quyền, “Cất dấu chìa khóa sự hiểu biết ; các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào,các ngươi lại ngăn cấm” (Lc 12,52)
Thế giới tình yêu không có chuyện 1% người giàu chiếm giữ 99% tài sản của cả xã hội, một bất công không thể chấp nhận (Chiếm lấy phố Wall nước Mỹ, biểu tượng của sự giàu có trong mấy tuần nay)
Thế giới tình yêu không có cảnh : thiếu niên cầm súng phục vụ cho nhóm đặc quyền khai thác tài nguyên tại Sierra Leone, đến nỗi có người đã nói, Thiên Chúa đang khóc trên quốc gia nhỏ bé này, người ta đã không trả lại tuổi thơ vốn là tài sản quý nhất của các em.
Thế giới tình yêu sao lại còn chuyện : bị tù vì giữ sách Kinh thánh và chuổi Mân côi (như trường hợp của ngươì giáo viên Ân Độ ở Maldives) hay vì có xăm hình Chúa trên người (như cầu thủ bóng đá Juan Pablo Pino ở Saudi Arabia …)
César đã băng hà hơn 2000 năm ; Đế quốc Rôma cũng không còn. Nhưng không có nghĩa là không có những César mới khát khao thâu tóm quyền hành, chẳng những không trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa mà còn trơ trẻn thu gom cả những gì của Thiên Chúa làm của riêng mình ; coi Thiên Chúa như không hề có mặt, Thiên Chúa đang vắng bóng.
Hãy trả cho Thiên Chúa những gì là của Ngài. Tại sao lòng tin lại phải xin phép ? Tại sao khi tuyên xưng niềm tin tôn giáo thì bị ghét bỏ, thậm chí bị giết chết như 117 vị Thánh tử đạo Việt Nam cùng nhiều tín hữu khác nữa ? Chúng ta trả lời thế nào khi chúng ta không trả những gì của Chúa cho Chúa. Tại sao sự sống lại được định đoạt bỡi con người khi con người không thể cưỡng lại cái chết ? Phải chăng Cesar luôn luôn đúng ? Ai đó đã từng buồn lòng khi tài sản của mình bị chiếm lấy bởi kẻ có quyền rằng : CỦA của ANH LÀ CỦA của TA và người yếu thế chỉ biết đáp lại : Vâng, quá đúng, CỦA của TÔI LÀ CỦA của NGÀI.
CỦA (viết hoa) đâu chỉ là nhà cửa, ruộng vườn bị chiếm lấy mà còn cả mạng sống, cả máu đào đổ ra. Và như thế :
Công bằng chính là :
Lấy tình yêu đáp lại tình yêu
Đem mạng sống đáp đền mạng sống (Anrê Phú yên)
Công bằng chính là nhận biết mình chỉ là thụ tạo nhỏ nhoi.
Công bằng chính là biết mình được tạo dựng từ hư không.
Công bình chính là khi ôm chầm lấy mẹ mình để nói với mẹ rằng : Xin lỗi mẹ về lòng tham của con. Con biết, Mẹ yêu con nhiều lắm.
Công bình được xây trên nền đá khiêm tốn, yêu thương thì đó là thứ công bình bền vững đầy tính nhân văn và gần với nước trời hơn hết .
Trần Tuy Hòa