Nhiều nhóm Thệ Phản ngày nay vẫn tiếp tục chỉ trích nặng nề việc sùng kính Đức Mẹ của người Công Giáo. Trong đó có nhóm Lutheran Church Missouri Synod, một nhánh Luthêrô của Mỹ hiện có khoảng 2 triệu 4 tín hữu. Đại diện cho nhóm này, Tiến Sĩ Richard P. Bucher vừa đây, trên trang mạng www.orlutheran.com, đã lên tiếng chỉ trích “luận điệu” cho rằng “lòng sùng kính Đức Maria dẫn ta tới Con của ngài, chứ không ra xa Người Con ấy”.

Điều đáng nói, “luận điệu” trên lại là phát biểu của một mục sư, Tiến Sĩ Charles Dickson, Ph.D., đăng trên tờ Marian Helpers Bulletin. Theo mục sư Dickson, dù được giáo dục từ nhỏ rằng lòng sùng kính Đức Maria của người Công Giáo Rôma khiến ta không chú ý tới tính trung tâm của Chúa Kitô, nhưng 30 năm thi hành thừa tác vụ cấp giáo xứ đã cho ông thấy điều ngược hẳn lại. Càng đề cao tầm quan trọng của Trinh Nữ rất thánh, người Công Giáo càng nhận ra tầm quan trọng của Chúa Kitô, và “khi ngưng không tập chú vào Đức Maria, Giáo Hội sẽ đánh mất tập chú vào Chúa Kitô”.

Mục sư Dickson trưng dẫn Erasmus, nhà nhân chủng vĩ đại thế kỷ 16 của Hòa Lan, để chứng minh cho luận điểm của mình. Erasmus vốn là người đồng thời với Luther, rất được phái Luthêrô biết đến vì bị Luthêrô đả kích trong khảo luận Ách Nô Lệ Của Ý Chí. Dickson tin rằng Erasmus quan trọng đối với phái Luthêrô vì ông từng cảnh cáo Luther và Zwingli đừng “hạ giá” Đức Maria, vì ông sợ rằng hạ giá như thế là bước đầu dẫn tới việc bác bỏ Chúa Kitô. Dickson cho rằng đó chính là điều phái Thệ Phản tự do ngày nay đang làm: họ bác bỏ Chúa Kitô của Thánh Kinh. Bởi vì khi không tôn kính Đức Maria, người ta liều mình đánh mất chiều kích nhập thể và việc sinh đồng trinh; mất hai điều đó là mất Chúa Kitô. Theo Dickson, cử hành các ngày lễ Đức Mẹ chỉ là một trong các cách để Giáo Hội cử hành biến cố Đức Kitô. Đức Maria đáng được chúng ta ca tụng vì Thiên Chúa đã chọn ngài làm phương thế trình bày với ta hồng ơn vĩ đại nhất của lịch sử.
Evà Mới

Trên bán nguyệt san “Queen of All Hearts” do Montfort Missionaries, Bay Shore, NY, xuất bản (July-August 1998, tr.10-11), Tiến sĩ Dickson có bài về Mô Hình Evà Mới nơi Đức Maria. Ông trích dẫn thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Thánh Phaolô: “Nơi Adong, mọi người phải chết thế nào, thì nơi Chúa Kitô, mọi người sẽ được sống như thế” (15:22). Ở đây, Thánh Phaolô muốn đặt một sự tương phản rõ nét giữa Adong, người mang chết chóc đến, và Chúa Kitô, người mang sự sống đến. Mô hình Maria như Evà Mới cũng sẽ theo cùng một dòng tư tưởng ấy, chỉ trừ một điểm: Đức Maria không có thiên tính mà chỉ là người cưu mang Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể. Việc phân biệt này rất cần nếu ta muốn thuyết phục cộng đồng Kitô Giáo thế giới chấp nhận rằng việc xưng tụng Trinh Nữ Rất Thánh Maria như Evà Mới là điều có căn bản hợp lý.

Theo Tiến Sĩ Dickson, dù đại đa số tư liệu Thánh Kinh về Đức Maria nằm trong Tân Ước, nhưng các ám chỉ nguyên thủy về ngài đã có trong Cựu Ước. Ám chỉ đầu tiên chính là Sáng Thế 3:15: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người đàn bà và giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người đàn bà; dòng dõi ấy sẽ đạp đầu ngươi và ngươi sẽ cắn gót chân nó”.

Đối với các soạn giả Cựu Ước, Evà đóng vai chủ chốt trong Giao Ước Đầu Tiên. Trong các biến cố nguyên sơ bao quanh cuộc sa ngã khiến tội lỗi bước vào trần gian, bà giữ một vai có tính cấu thành. Qua sự hợp tác tích cực, trực diện và đích thân, bà đã góp phần tạo ra các biến cố ấy. Bởi thế, Đức Hồng Y Newman từng viết: “Như lịch sử đã chứng minh, bà là một nguyên nhân tích cực, không có không được (sine-qua-non), của sự sa ngã kia”

Cho nên, để nhân loại được cứu thoát khỏi các hậu quả của cuộc sa phạm đầu tiên, cần phải có một Adong mới và một Evà mới. Dòng dõi người đàn bà chính là Ngôi Lời Nhập Thể và người đàn bà mà Ngôi Lời Nhập Thể là dòng dõi chính là mẹ của Người, Đức Maria. Chính trên căn bản này, Giáo Hội luôn coi Trinh Nữ Maria là Evà Thứ Hai.

Thực vậy, các giáo phụ đầu tiên chứng minh cho ta thấy viễn ảnh coi Đức Maria như Evà Mới bén rễ rất sâu trong Kitô Giáo cổ thời. Thánh Justinô Tử Đạo (120-165) tương phản việc sa phạm của Evà với sự vâng lời của Đức Maria; Tertulianô (160-240) thì viết rằng: từ Evà, một trinh nữ, đã phát sinh ra lời đem chết chóc tới thế nào, thì nơi một trinh nữ khác, Lời Thiên Chúa cũng đã được dẫn vào như thế để xây đắp sự sống. Thánh Irênê (120-200) tiếp diễn mô hình này bằng cách cho rằng: cái nút thắt do sự bất tuân của Evà gây ra đã được sự vâng lời của Đức Maria tháo cởi; điều Evà, một trinh nữ, cột buộc vì bất tín, đã được Maria, một trinh nữ, tháo cởi nhờ đức tin.

Điều đáng lưu ý ở đây là các trước tác trên cũng như nhiều trước tác khác thuộc thời sơ khai nói tới Đức Maria không chỉ như dụng cụ thể lý của Nhập Thể, mà là nguyên nhân có ý thức trách nhiệm của nó.

Cuối thế kỷ thứ tư, Thánh Xirilô thành Giêrusalem (315-386) tương phản hai người đàn bà đầu tiên của Cựu và Tân Ước như sau: qua Evà, một trinh nữ, hay đúng hơn từ một trinh nữ, sự sống đã xuất hiện nhưng rồi bị con rắn lừa đảo thế nào, thì từ một trinh nữ khác, thần sứ Gabrien đã mang tin mừng đến. Còn Thánh Êphrem (300?-378) thì viết cho cộng đồng Syria và đông phương lân cận như sau: vì Evà, vinh quang tươi đẹp và đáng ước ao của con người đã bị dập tắt; nhưng nó được phục hoạt nhờ Đức Maria”. Đến thời Thánh Giêrôm (331-420), thì sự tương phản giữa Evà và Đức Maria đã gần trở thành ngạn ngữ, thường được phát biểu đại khái như sau: “Chết bởi Evà, sống bởi Maria”.

Từ các chứng cớ trên cũng như các chứng cớ khác hoặc đồng thời hoặc sau đó, mô hình Maria như Evà Mới quả đã bén rễ rất sâu trong truyền thống Kitô Giáo cổ thời. Cho nên, dù một số người trong thế giới Kitô Giáo không muốn nhìn nhận vị thứ trên của Đức Maria, các học giả và các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm vẫn trình bày căn bản có tính lịch sử, thánh kinh và thần học của nó tại các diễn đàn đối thoại đại kết. Họ không thể bỏ qua được mô hình này, không những vì đây là một mô hình đã có từ cổ xưa mà còn cần thiết để hiểu Kitô học nữa. Trái tim và linh hồn sứ điệp Kitô Giáo vẫn là một dù là ở thế kỷ thứ nhất hay ở thế kỷ 21 hiện nay. Đức Maria, Evà Mới, là dụng cụ đầy ý thức và vâng lời của Nhập Thể; và Nhập Thể vẫn là niềm hy vọng của nhân loại, cả như một mầu nhiệm lẫn một sự kiện.

Đấng trung gian

Ta biết các ông tổ của Thệ Phản, ai cũng phản đối tước hiệu đấng trung gian của Đức Mẹ. Tuy Giáo Hội Công Giáo chưa chính thức xác định tước hiệu đó bằng một tín điều, nhưng hiện nay, đang có phong trào rầm rộ gồm tới hơn 7 triệu chữ ký nhằm vận động Tòa Thánh làm việc đó. Dù không hẳn nhất trí với phong trào này, nhưng Tiến Sĩ Dickson có một cái nhìn tích cực đối với nó. Trong một bài trả lời cho phong trào, ông đã nói ra quan điểm của mình.

Theo ông, viễn ảnh một sắc lệnh của giáo hoàng nhằm công bố Đức Maria là đấng trung gian, đồng công cứu chuộc và đấng bào chữa không thích hợp bao nhiêu đối với giai đoạn đại kết hiện nay. Ít nhất thì đó cũng là phản ứng của nhiều thần học gia Thệ Phản và cả thần học gia Công Giáo nữa. Ông trưng dẫn phản ứng của Giáo Sư Tiến Sĩ Joseph Seifert, Viện Trưởng Viện Hàm Lâm Triết Học Quốc Tế tại Liechtenstein và là một giáo sư Công Giáo nổi danh.

Thứ nhất, vị giáo sư trên cho rằng lý thuyết này chỉ là một niềm tin bên lề do sự kiện chỉ có một Đấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô. Thứ hai, công bố một tín điều như thế là việc không đúng lúc trong khi ta phải đương đầu với nhiều vấn đề lớn lao hơn đang đe dọa ta từ nền móng. Thứ ba, một tín điều như thế xem ra ít có gốc rễ trong Thánh Kinh, mà chỉ căn cứ vào thánh truyền có tính truyền miệng.

Tuy nhiên, Tiến Sĩ Dickson cho rằng người chủ xướng việc tuyên bố Đức Maria như Đấng Trung Gian vốn là một giáo sư thần học tại Đại Học Phanxicô ở Steubenville, Ohio, và là nhà lãnh đạo của phong trào Công Giáo quốc tế có tên là Vox Populi Mariae Mediatrici, Tiến Sĩ Mark Miravalle. Các cố gắng của vị này được sự ủng hộ của những nhân vật như Mẹ Têrêxa, người từng viết: “Việc Đức Giáo Hoàng định nghĩa Đức Maria như đấng đồng công cứu chuộc, đấng trung gian và đấng bào chữa sẽ mang lại ơn phúc lớn lao cho Giáo Hội”, và Đức Hồng Y John O’Connor, Tổng Giám Mục New York, người từng viết: “Rõ ràng, một định nghĩa chính thức của Đức Giáo Hoàng sẽ được công bố bằng một thứ từ ngữ chính xác sao đó để các Kitô hữu khác khỏi lo âu là chúng ta không chịu phân biệt giữa việc Đức Maria có liên hệ một cách độc đáo với ơn cứu chuộc và quyền năng cứu chuộc do một mình Chúa Kitô thực hiện”.

Về phía Thệ Phản, Dickson cho hay phản ứng khởi đầu dĩ nhiên là lo âu. Há đây không phải là một cản trở đối với tiến bộ đáng kể đã thực hiện được trong hơn một phần tư thế kỷ đối thoại giữa các cộng đồng Kitô Giáo đó sao? Tuy nhiên, theo Dickson, câu trả lời không nhất thiết phải là có. Ông bảo: các nhà lãnh đạo Kitô Giáo thế giới nên nghiên cứu trong cầu nguyện và lượng giá sự thật thần học hàm chứa trong các tuyên bố như thế về địa vị của Đức Maria trong đức tin Kitô Giáo của ta, và cả các hệ luận của một công bố như thế vào thời điểm này của lịch sử.

Có lẽ người ta nên yêu cầu phong trào Vox Populi Mariae Mediatrici minh giải vấn đề để loại bỏ bất cứ sự mơ hồ nào quanh việc phân biệt rõ một bên là công trình cứu chuộc của Chúa Kitô vá cách thế hoàn toàn có tính nhân bản của việc Đức Maria tham dự vào công trình cứu chuộc kia và trở thành đấng đồng công cứu chuộc. Nếu có được sự thận trọng như thế trong ngôn từ, thì Dickson cho rằng không có lý do gì khiến người Thệ Phản phải phản đối. Một minh giải như thế sẽ có hai hiệu quả tích cực lớn lao đối với cuộc đối thoại Kitô Giáo hoàn cầu. Thứ nhất, nó trình bày dứt khoát giáo huấn đúng đắn của Công Giáo về tính trung tâm của Chúa Kitô và công trình cứu chuộc để cứu vớt nhân loại của Người. Thứ hai, nó giúp người ta chú tâm tới tầm quan trọng của Mẹ Chúa Giêsu, một tầm quan trọng thường bị bị sao lãng từ trước đến nay: khi trở nên con người nhân bản bằng lòng cưu mang Thiên Chúa Nhập Thể, ngài quả đã tham dự vào hành động cứu vớt loài người của Con mình.

Theo Dickson, người Thệ Phản cần hiểu rằng các hạn từ đấng trung gian, và đấng đồng công cứu chuộc không hề có nghĩa là bình đẳng. Dù có lòng sùng kính cao độ đối với Mẹ Chúa chúng ta, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vẫn đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ngài luôn luôn hiểu việc cứu vớt loài người là hành động do một mình Chúa Kitô thực hiện. Lời lẽ và chứng tá của Đức Giáo Hoàng không nên làm người Thệ Phản nghi ngại. John Macquarrie, nhà thần học Anh Giáo, nhận định rằng dù có nhiều lạm dụng về hạn từ Maria-Đấng Trung Gian trong các thực hành của giáo hội trước đây, qua đó, những người quá sốt sắng nhưng thiếu suy nghĩ từng nâng Đức Maria lên địa vị gần như ngang hàng với Chúa Kitô, nhưng những lạm dụng này không đại diện cho giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo cũng như nhiều quan điểm hay thực hành cực đoan trong các giáo hội Kitô Giáo khác không đại diện cho giáo huấn chính thức của các giáo hội này.

Macquarrie công nhận: “mọi nhà thần học có trách nhiệm đều đồng ý rằng vai trò đồng công cứu chuộc của Đức Maria tùy thuộc và phụ thuộc vai trò trung tâm của Chúa Kitô. Nhưng nếu quả ngài có vai trò đó, thì ta càng hiểu biết nó càng tốt”.

Dickson nhận định rằng: trong diễn trình này, rõ ràng ta cần có đối thoại. Vì chỉ trong bầu khí đối thoại cho và nhận như thế, các Kitô hữu mới học hỏi lẫn nhau, và khi học hỏi như thế, sẽ biết cách đánh giá tính độc đáo của từng đáp ứng của nhau đối với hành động của một Thiên Chúa yêu thương trong lịch sử nhân bản. Người ta cũng hy vọng rằng bất cứ tuyên phán nào của giáo hoàng về tín điều Maria-Đấng Trung Gian cũng có sự tham khảo và đóng góp của người Chính Thống, Anh Giáo và Thệ Phản. Trong tinh thần ấy, Dickson bảo tại sao không tiến hành?