Bài phát biểu trong Hội nghị Rerum Novarum năm 2011của Đức Giám Mục Vinh-sơn Nguyễn văn Long OFM

Dưới đây là bài phát biểu của Đức Giám Mục Vinh-sơn Nguyễn văn Long OFMConv trong Hội nghị ‘Rerum Novarum’ năm 2011về đề tài ‘Người Tầm Trú: Có một giải pháp đúng đắn không?’ tại Hội trường Trung tâm, trường Đại học Công Giáo Úc tại Melbourne ngày thứ Ba 11 tháng 10 năm 2011.

Thưa các bạn,

Thật là một vinh dự lớn cho tôi, một “đứa trẻ mới vào nghề”, được phát biểu trong hội nghị năm 2011, do Ủy ban Công lý và Hòa bình Melbourne tổ chức, kết hợp với trường Đại học Công giáo Úc và Ủy ban Công Giáo về Di Dân và Tị Nạn Melbourne. Đối với những ai chưa biết về hội nghị thường niên này, nó được lấy cảm hứng từ Tông thư hay “bức thư ngỏ” được gọi là Rerum Novarum có nghĩa là ‘Những Điều Mới’ của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1891. Bằng cách đối mặt với các vấn đề khẩn cấp của thời đại và kêu gọi Nhà nước bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân, Rerum Novarum đã đặt nền móng cho giáo huấn hiện đại về xã hội của Giáo hội Công giáo. Trong thực tế, nó thể hiện quan điểm cho rằng người nghèo có một tình trạng đặc biệt trong việc xem xét các vấn đề xã hội bởi vì Thiên Chúa ở về phía người nghèo. Các Đức Giáo Hoàng kế vị đã noi theo hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Lêô và tiếp tục lên tiếng về các vấn đề công bằng xã hội. Ví dụ, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã lên tiếng mạnh mẽ trong Tông huấn đầu tiên của ngài Deus Caritas Est khi ngài tuyên bố “Giáo Hội không thể và không được phép ở bên lề trong cuộc chiến cho công lý. Giáo hội phải thủ vai của mình thông qua các tranh luận hợp lý và khơi dậy năng lực tinh thần, nếu không thì công lý, điều luôn luôn đòi hỏi sự hy sinh, không thể thành công và phát triển.”

Tối nay, tôi nói chuyện với các bạn trên cương vị một giám mục. Tôi có ý tuyên bố một cách không xấu hổ rằng Giáo Hội đứng về phía người nghèo, cũng như Thiên Chúa luôn đứng về phía họ. Nhưng trên tất cả, tôi nói chuyện với các bạn như một người mà bản thân đã từng là người tị nạn và tầm trú. Bằng cách chia sẻ cuộc hành trình cá nhân của tôi, tôi hy vọng sẽ tạo ra một bầu khí hiểu biết và tình liên đới với những người ra đi kém may mắn khác mà hành trình cuộc sống của họ cũng xứng đáng không kém chúng ta là được tôn trọng và có nhân phẩm.

Người ta thường nói lịch sử hay lặp đi lặp lại. Tôi thấy rằng những câu chuyện của nhiều người tị nạn muốn tìm nơi trú ẩn tại Úc hiện nay tương tự như của chúng tôi, những người tị nạn Việt Nam trốn thoát khỏi gông cùm và sự khủng bố của chủ nghĩa Cộng sản trong các thập niên 1970 và 80. Chia sẻ câu chuyện của tôi với các bạn, tôi muốn tạo cho họ một tiếng nói; bởi vì với vị trí của tôi, tôi coi đó là một quyền lợi và nghĩa vụ đạo đức để vươn tới với những người đồng cảnh ngộ tị nạn đang tìm kiếm tự do và các giá trị nhân bản.

Tôi xin phép được đưa các bạn trở lại với một chút ký ức – ít nhất là cho những người lớn tuổi đủ để nhớ lại. Chiến tranh Việt Nam: vâng, một cuộc chiến hiện thực, đầy bạo lực và kéo dài nhất và đồng thời cũng là cuộc chiến gây tranh cãi và chia rẽ nhất còn khắc ghi sâu đậm trong tâm trí chúng ta. Ai có thể quên được những hình ảnh kinh hoàng của cuộc chiến đó đã được chuyển tiếp tới màn ảnh truyền hình của chúng ta mỗi ngày? Ai có thể quên được các cuộc biểu tình trên đường phố trong các thành phố và tại các cơ sở của các trường đại học của chúng ta? Đó là một cuộc chiến mà chúng ta không thể đương đầu, thậm chí sau nhiều năm tiến hành và chiến đấu, cuối cùng bị bỏ rơi và sau đó là sự thất bại bi thảm. Đáng tiếc là những người lính Úc của chúng ta đã mang những vết sẹo về thể lý và tâm lý cả trong và sau cuộc chiến. Trong nhiều trường hợp, họ đã trở về không phải chỉ là không được công nhận một cách xứng đáng mà còn nhận được sự sỉ nhục họ không đáng phải chịu.

Nhưng sự thật có thói quen tiết lộ chính nó trong một nhận thức muộn màng. Khi vào cuối cuộc chiến, chính xác là ngày 30 tháng Tư năm 1975, hàng triệu người tị nạn Việt Nam đã đổ xô ra biển để trốn thoát khỏi chế độ cộng sản, người ta bắt đầu hiểu lý do tại sao cuộc chiến đó đã phải được chiến đấu và kháng cự. Người Việt Nam là một dân tộc rất tự hào. Chúng tôi tự hào về di sản của chúng tôi có hơn 4.000 năm lịch sử tích lũy, chúng tôi tự hào về đất và biển của chúng tôi là một trong những nơi ngoạn mục nhất ở Á châu. Những ai trong các bạn đã từng đến Việt Nam sẽ đồng ý với tôi. Cuộc sống và số phận của chúng tôi được bén rễ sâu trong mảnh đất của chính chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ được biết đến như là những người du canh du cư hoặc di dân. Chưa bao giờ trong lịch sử thăng trầm lâu dài của chúng tôi đã có một cuộc di tản hàng loạt như vậy ra khỏi mảnh đất của chính mình. Chưa bao giờ, ngay cả khi chúng tôi bị Trung Quốc xâm chiếm và đặt ách nô lệ trong một ngàn năm, ngay cả khi người Pháp đô hộ chúng tôi hàng trăm năm hoặc ngay cả khi người Nhật gây ra nạn đói làm hàng ngàn người chết trong đệ nhị thế chiến. Chế độ cộng sản đã vượt trên tất cả các chế độ đó với sự cai trị bằng khủng bố, đó là lý do lớn nhất, bi thảm nhất với cuộc di tản chưa từng có trong lịch sử của chúng tôi.

Tôi không ở đây để xem xét lại tất cả các điều tệ hại của chủ nghĩa cộng sản. Nó đủ để nói rằng cuộc di tản là một minh chứng cho mong muốn bất khuất được sống trong tự do và nhân phẩm trong mỗi con người. Chúng tôi, những người tị nạn Việt Nam và là những kẻ sống sót sau sự kiện bi thảm đó là nhân chứng sống cho tự do và các giá trị cơ bản của con người mà chúng tôi đã bị từ chối ngay trên đất nước của chúng tôi. Thưa các bạn, đó là lý do chúng tôi chấp nhận nguy cơ bị các lính canh cộng sản bắn giết, bị đói khát nhiều ngày, bị hải tặc cướp và hãm hiếp, và cuối cùng phải bỏ mạng trên đường vượt biển tìm tự do như hàng trăm ngàn đồng bào của chúng tôi. Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng tự do thật đáng giá để tranh đấu. Chúng tôi muốn bộc lộ sự ngây thơ và gian dối của một điều không tưởng về cộng sản mà nó chỉ có thể tồn tại trong lý thuyết hay trong một thế giới cả tin, nhưng đã là một địa ngục thực sự cho chúng tôi trong thế giới hiện thực. Chúng tôi muốn thừa nhận sự hy sinh và dũng cảm của các chiến sĩ của chúng tôi. Các cuộc chiến tranh luôn luôn gây tranh cãi và chia rẽ, nhưng như những gì chúng ta đang quan tâm, không có gì đáng kính hơn so với sự đấu tranh cho người dân Việt Nam, cho tương lai của họ thoát khỏi chế độ độc tài, cho công lý và tự do. Cuộc chiến đó trước đây và hiện nay không bao giờ là vô ích.

Cá nhân tôi là một người tị nạn thế hệ thứ hai. Tôi nói thế vì cha mẹ tôi đã từng là người tị nạn trước tôi. Năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva chia đôi Việt Nam theo hai ý thức hệ đối kháng, cha mẹ tôi – một cặp vợ chồng trẻ ở độ tuổi đôi mươi với một đứa con nhỏ, đó là người chị cả của tôi lúc đó mới 2 tuổi, – nhổ gốc từ ngôi nhà của mình ở gần Hà Nội và mạo hiểm về phía nam. Họ trốn thoát bằng một chiếc ghe nhỏ và ra đi đến phần đất mà họ chưa từng biết đến trên đất nước. Tại sao họ, và hơn một triệu người Việt Nam từ miền Bắc như họ, thực hiện một cuộc hành trình đầy nguy hiểm về một nơi không rõ ở phía nam? Câu trả lời rất đơn giản: họ đã nhìn thấy những tội ác của chế độ mới khởi đầu trong các sự kiện thảm khốc như cái gọi là cải cách ruộng đất, cưỡng bách các nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, sự đàn áp có hệ thống đối với Kitô giáo, đấu tố và xử tử công khai hàng ngàn người. Họ đã sống trong sợ hãi và khủng bố. Trong một bầu khí như vậy, họ đã sẵn sàng đánh đổi mọi sự để có cơ hội sống trong tự do.

Đó là một điểm xoay của số phận mà sau này tôi cũng theo bước chân của họ, chỉ có điều là sau này nó là một cuộc hành trình xa hơn và nhiều rủi ro hơn. Chúng tôi là một gia đình có bảy người con. Một điều thực tế phổ biến cho các bậc cha mẹ là để bảo đảm sự an toàn cho các con trai trưởng thành của mình khỏi bị bắt tham gia vào quân đội Cộng sản Việt Nam lúc đó đang can dự vào hai cuộc chiến tranh biên giới đồng thời: Trung Quốc ở phía bắc và Khmer Đỏ ở phía nam. Hai anh trai của tôi thoát đi đầu tiên và định cư tại Hòa Lan. Tôi trốn thoát bằng thuyền vào năm 1980 với chị dâu của tôi và hai đứa con nhỏ của chị – một bé trai 18 tháng và một bé gái chưa đầy 6 tháng. Tôi phải ẵm đứa cháu gái ấy hầu như suốt cuộc hành trình. Đó là kinh nghiệm đau buồn nhất tôi từng trải qua. Và tôi không nói về việc thiếu lương thực, nước uống, và phơi mình trong nắng gió. Nhưng là việc nhìn xem một đứa trẻ bị đau đớn khốn khổ mà mình hoàn toàn bất lực để làm bất cứ điều gì cho nó. Nhưng kinh nghiệm của tôi là còn nhẹ so với rất nhiều thuyền nhân khác mà tiếng khóc của họ có thể xuyên thủng bầu trời. Họ là những người đã bị bắn và giết chết bởi những người lính biên phòng cộng sản; họ là những người đã bỏ mình trên biển cả mà không để lại một dấu vết; họ là những người đã bị bọn hải tặc cướp, hãm hiếp, đánh đập hoặc giết chết. Một số còn sống sót để kể lại những câu chuyện kinh hoàng của họ, nhưng hàng ngàn hàng vạn người khác thì không có cơ may. Một nghiên cứu ước tính rằng có đến 500 ngàn trong số 2 triệu người tị nạn Việt Nam chết trên đường đi tìm tự do. Không có gì phải nghi ngờ, đây quả là khúc phim đen tối nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Đó là một điều mà chúng tôi sẽ không bao giờ quên.

Về điều này, tôi đã ghi lại trong huy hiệu Giám mục của tôi, hình ảnh của cuộc hành trình đi tìm tự do. Nó tượng trưng cho cả hai điều, cuộc xuất hành trong tinh thần mà tôi là một Kitô-hữu được mời gọi thực hiện, và cuộc ra đi tìm kiếm tự do thật đau đớn mà tôi và vô số các “thuyền nhân” đã thực hiện. Khẩu hiệu “Duc in Altum” có nghĩa là “hãy ra chỗ nước sâu” có một phần là để tôn vinh việc tưởng nhớ tới đồng bào tôi những người đã chịu đau khổ và bỏ mình trong cuộc ra đi tìm kiếm giấc mơ tự do và nhân phẩm. Theo như tôi biết, tôi là giám mục gốc Việt Nam duy nhất có huy hiệu kết hợp lá cờ của miền Nam Việt Nam và di sản tị nạn của tôi. Bằng cách làm như vậy, đó không phải là mong muốn của tôi để tham gia vào chính trị của quốc gia gốc của tôi hoặc có vấn đề với nhà cầm quyền cộng sản hiện tại ở đó. Đấy chỉ đơn giản là mong muốn của tôi để làm chứng cho sự thật về lý do tại sao chúng tôi vượt thoát và tại sao chúng tôi đang ở đây trước mặt các bạn hôm nay.

Người Công giáo chúng ta thường nói “Thiên Chúa làm việc theo những cách bí ẩn” và điều này là chắc chắn đúng trong trường hợp của ‘thuyền nhân’ Việt Nam. Khoảng ba mươi năm trước đây, chúng tôi đến đất nước này với một vài giấy tờ mà chúng tôi được UNHCR (Ủy Hội Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc) cấp trong các trại rải rác trên các vùng xa xôi của các quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi đã mất tinh thần, bị lạc hướng và không có gì chắc chắn về triển vọng của mình trong một đất nước mới. Trong con mắt của nhiều người Úc, chúng tôi là một gánh nặng, một sự xâm lấn, một nỗi ô nhục và thậm chí là một mối đe dọa đối với nước Úc mà họ muốn duy trì. Tôi muốn nhanh chóng cân bằng lại thái độ này với lòng thiện chí, sự hào phóng, hiếu khách và cảm nhận về sự công bằng mà chúng tôi đã trải nghiệm từ đa số người dân Úc. Ở đây với chúng ta có sự hiện diện của cựu Thủ tướng chính phủ, ngài Malcolm Fraser, ông là người góp phần chính trong việc đưa những người tị nạn Việt Nam ồ ạt đến Úc. Ước chi tôi đã là “một con ruồi đậu trên vách” trong các buổi họp của các đảng phái ở quốc hội hoặc trong vô số các cuộc tranh luận về vấn đề này giữa các đồng nghiệp của ông về cả hai phía chính trị vào thời điểm đó. Không cần biết điều gì đã từng được tuyên bố và tranh luận, nước Úc đã đón tiếp chúng tôi và hậu quả là đã chôn vùi Chính Sách Nước Úc Da Trắng, ít nhất có thể nói đó là một quốc gia can đảm. Nước Úc không còn giống như xưa sau khi chúng tôi đến, quả vậy, quốc gia này đã trở nên tốt hơn trước hoặc tồi tệ hơn trước, thì đây các bạn có thể đổ cho ông Fraser!

Nói về những thay đổi mang lại do chính sách đa văn hóa và đặc biệt về sự xuất hiện của người tị nạn Việt Nam và Đông Nam Á, các bạn có thể xác minh cho chính mình khi ghé thăm các vùng như Footscray và Springvale ở Melbourne và Cabramatta ở Sydney. Khi tôi đến Springvale 30 năm trước đây, nó là một nơi khá ảm đạm và buồn tẻ. Trung tâm mua sắm chỉ giới hạn trong khu vực quanh Springvale Road, khá bình thường để ít nhất có thể nói vậy. Bây giờ nó là một trong những vùng năng động nhất ở Melbourne. Vì vậy, bây giờ nhiều người Úc không phải gốc Á châu đến đó mua sắm để được giá rẻ và đặc biệt là để thưởng thức các món ăn ngon. Thành phố Greater Dandenong thậm chí còn thảo luận về khả năng có một chiếc xe buýt du lịch cho vùng này với hương vị độc đáo của nó và có lẽ với một sưu tập lớn nhất về các ngôi chùa Phật giáo hơn bất kỳ vùng nào ở Úc. Tại Sydney, các sáng kiến tương tự cho Cabramatta đang được chính phủ xem xét. Các vùng ngoại ô này và các trung tâm khác của người Việt trên khắp nước Úc chắc chắn đã đi một chặng đường dài. Có một dạo người ta sợ đến những nơi này bởi vì có những vấn đề liên quan đến ma túy. Nhưng sự nghi ngại như vậy bây giờ chỉ còn trong ký ức xa xôi, và những nơi này đã chuyển mình thành những nơi sinh động, các trung tâm an toàn và đầy màu sắc và là những thí dụ nổi bật của một nước Úc đa văn hóa.

Thiên Chúa thậm chí còn thực hiện nhiều điều kỳ bí hơn khi xét tới vai trò của người Công giáo Việt Nam trong Giáo Hội Úc. Tha thứ cho tôi nếu tôi nói có vẻ hơi khoe khoang. Nhưng có bằng chứng rõ ràng rằng những người Công giáo Việt Nam là một trong các nhóm sinh động nhất mà Giáo hội Công giáo tại đất nước này đã từng chứng kiến. Trong lễ thụ phong Giám mục của tôi, tôi đã nhận xét một cách hóm hỉnh rằng chúng tôi là “Ái-nhĩ-lan Mới” và tôi nghĩ rằng điều đó đúng về nhiều mặt. Trong một thời gian dài, Ái-nhĩ-lan đã có số linh mục thặng dư và nhiều người trong số họ đã đến đây để lấp đầy số thiếu hụt ở Úc. Bây giờ, thay vào đó là người Việt Nam đã giúp làm giảm bớt tình trạng thiếu giáo sĩ và làm thay đổi bộ mặt của Giáo Hội Công Giáo ở đây. Các con số nói lên điều đó. Hiện có đến 150 linh mục Việt Nam tại Úc – một con số cao bất cân xứng so với tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn nhiều của người Công giáo Việt Nam ở đây. Tương tự như vậy, các chủng viện và các dòng tu trên khắp đất nước cũng thường có kinh nghiệm về hiện tượng tương tự. Cả những giáo dân Công giáo Việt Nam bình thường cũng đang làm cho sự hiện diện của họ dễ nhận ra. Không phải là họ chỉ hoạt động tại các trung tâm của họ rải rác khắp đất nước, người Công giáo Việt Nam tham gia trong tất cả mọi cách khác nhau vì lợi ích của Giáo Hội. Bất cứ nơi nào họ hiện diện, đều có sự tham gia tích cực và năng động hơn các nhóm khác. Tôi đoán là các bạn cũng có thể nói như vậy về người Phi Luật Tân, Mau-ri, Đông Timor và các nhóm khác, những người được biết đến vì lòng đạo đức của họ. Điều nổi bật nhất của những người Công giáo Việt Nam là kinh nghiệm về việc họ bị buộc phải rời khỏi đất nước của họ trong một trạng huống rất đau buồn.

Với sự tôn trọng dành cho người Do Thái, tôi muốn nhấn mạnh để vẽ ra sự tương ứng giữa kinh nghiệm của họ về lưu vong và kinh nghiệm của người tị nạn chúng tôi. Giống như họ, chúng tôi có kinh nghiệm kinh hoàng và đáng xấu hổ về việc tách khỏi cội nguồn. Cũng như họ, chúng tôi khao khát việc giải phóng và khôi phục lại đất nước chúng tôi. Giống như họ, chúng tôi khẳng định việc xây dựng lại cuộc sống của chúng tôi và cảm nhận của chúng tôi về bản sắc của mình. Và cuối cùng cũng như họ, chúng tôi có một ý thức trách nhiệm liên quan đến vị trí của chúng tôi trong xã hội mới và giáo hội địa phương. Nhiệm vụ đó bao gồm trong việc làm nhân chứng của chúng tôi cho tự do, đức tin và các giá trị cốt lõi của con người. Một câu thánh vịnh thật có ý nghĩa đối với chúng tôi: “Tảng đá bị thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá tảng góc tường.” Cuộc hành trình của chúng tôi đi từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ ngục tù đến tự do, từ tình trạng bị bứng gốc đến chỗ có cảm giác thuộc về mới mẻ, từ bên lề đến hội nhập. Chúng tôi có thể chưa hoàn thành đầy đủ cuộc hành trình này. Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng tôi cho chúng tôi một sự đánh giá độc đáo về các giá trị và các cơ hội mà những người khác chỉ phỏng đoán. Thật vậy, sự khởi đầu khiêm tốn của chúng tôi đã trở thành gia sản của chúng tôi. “Tảng đá bị loại bỏ” đã trở thành “đá tảng góc tường”. Điều này không phải là để nói rằng chúng tôi có một cảm giác về bản sắc và sứ mệnh cao quý. Không phải vậy. Chúng tôi không đặc biệt hơn bất cứ ai khác. Thay vào đó, chúng tôi tin rằng Thiên Chúa sử dụng chúng tôi với kinh nghiệm độc đáo của chúng tôi cho mục đích riêng của Ngài trong Giáo Hội và trong xã hội mà chúng tôi đang sống. Chúng tôi hy vọng sống trọn theo sứ mệnh mà Chúa đã trao phó cho chúng tôi.

Từ đầu đến giờ, như các bạn thấy, tôi đã không nói bất cứ điều gì cụ thể về vấn đề người tầm trú mà đó lại là chủ đề chính của cuộc thảo luận của chúng ta tối nay. Đấy mới chỉ là việc “đập quanh bụi rậm” mà các bạn có thể không đồng ý. Nhưng tôi đã cố đóng khung lý luận của tôi theo cách này. Những gì tôi đã minh chứng từ đầu đến đây đó là những người dễ bị tổn thương muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và con cái của họ không nên bị nhìn một cách đơn giản là một gánh nặng và trách nhiệm đối với xã hội của chúng ta. Họ có thể trở thành những người đóng góp và kiến tạo vĩ đại cho quốc gia này. Kinh nghiệm của những người tị nạn Việt Nam là bằng chứng rõ ràng rằng thậm chí nhóm bị tổn thương nhất và nghèo nhất cũng có thể được hội nhập trong xã hội đa văn hóa của chúng ta và có thể tạo ra những đóng góp tích cực. Nỗi sợ hãi rằng sự gắn kết xã hội của chúng ta có thể bị suy yếu hoặc là trong tương lai chúng ta có thể bị tổn hại vì một “cuộc xâm lăng của Á châu” – cụm từ về sự sợ hãi phổ biến được rao truyền – đã được chứng minh là vô căn cứ. Hôm nay, những người Úc gốc Á châu đã tham gia cùng với nhóm chính mạch trong mọi khía cạnh của xã hội chúng ta. Ngay cả những người hoài nghi về chính sách đa văn hóa cũng thừa nhận rằng nước Úc đã phát triển để trở thành một nơi năng động, đa dạng và thú vị hơn nhiều.

Việc tranh cãi vẫn có thể có, sự xuất hiện của người tị nạn Việt Nam hoặc di dân Á châu chỉ là một phần của tấm thảm đa dạng về kết cấu của quốc gia chúng ta. Họ không phải là nhóm duy nhất đã phải đấu tranh khó khăn cho việc được chấp nhận và hội nhập. Mỗi thế hệ kế tiếp của người di dân đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới tại Úc. Những người tị nạn sau chiến tranh và những di dân từ châu Âu – đặc biệt là những người có ngôn ngữ gốc không phải là tiếng Anh – đã chịu đau khổ không kém vì những khó khăn, nghịch cảnh và thậm chí bị phân biệt đối xử. Họ là những lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, thường làm việc cho các dự án to lớn về cơ sở hạ tầng cung cấp nền tảng cho một nước Úc thịnh vượng mà chúng ta thừa hưởng ngày hôm nay. Cùng một tinh thần quyết tâm và làm việc chăm chỉ là đặc trưng cho các thế hệ di dân trước đây. Họ đã và đang tiếp tục đóng góp vào nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Chắc hẳn rằng mỗi nhóm đưa ra thách thức riêng của mình cho nước Úc và quốc gia này đã liên tục trỗi dậy đương đầu với thách thức và kết quả là đã trở nên phong phú hơn. Tôi cho rằng chúng ta sẽ không sống đúng truyền thống của chúng ta và tự làm nghèo đi chính mình khi chúng ta áp dụng chính sách khắc nghiệt và sai nguyên tắc đối với người tị nạn.

Là một cựu thuyền nhân, tôi co rúm và rùng mình với nỗi kinh hoàng mỗi khi tôi nghe câu thần chú “Chận đứng thuyền ghe!” Như thể chúng ta sẽ bị tràn ngập bởi những phần tử không mong muốn này, những người sẽ lấy mất việc làm của chúng ta, đe dọa nền an ninh của chúng ta và đặt tương lai của chúng ta trước nguy cơ. Chúng tôi, những người tị nạn Việt Nam đã nghe nói tất cả những điều này trước đây và chúng tôi đã chứng minh cho mọi người dân Úc rằng câu thần chú ấy đơn giản chỉ là sự sợ hãi được rao truyền và đang hạ thấp phẩm giá quốc gia vĩ đại của chúng ta. Các bạn có biết là một nhóm người trong chúng tôi đã đến Darwin sau khi Sài Gòn sụp đổ không? Một người tị nạn có tên Lê văn Hiếu đã ở trên một trong những chiếc ghe đầu tiên đó. Sau một sự nghiệp thành công về tài chính, bao gồm cả thời gian làm thanh tra và giám đốc cho ASIC (Australian Securities and Investments Commission, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc), ông Hiếu đã trở thành Phó Toàn Quyền (Lieutenant Governor) Tiểu bang Nam Úc và là Chủ tịch Ủy ban Đa Văn hóa và Sắc tộc Sự vụ Nam Úc. Và dĩ nhiên, ông không phải là người cựu thuyền nhân duy nhất đã vươn lên một cách nổi bật khi phải chống chọi với muôn vàn khó khăn. Nước Úc đã tạo ra vô số những cá nhân như vậy với những câu chuyện thành công hiếm có của họ, đã được biết đến hoặc trong âm thầm, từ gần như mọi thế hệ, mọi nhóm sắc tộc và mọi lĩnh vực của sự nỗ lực. Sao lại có thể như thế được khi mà toàn bộ nước Úc hiện đại đã được hình thành như là một thuộc địa cho tù hình sự? Anh chị em Thổ dân của chúng ta biết rõ điều đó hơn đó là nước Úc đã được coi như chỉ thích hợp cho những người bị án tù. Họ đến đây bằng các tàu chở hàng và không phải để biến đổi bộ mặt của đất nước này. Hiếm có quốc gia nào có thể tự hào với sự khởi đầu bất thường như vậy. Kể từ kỷ nguyên của những người tù và có lẽ kể từ thời hồng hoang của Thổ dân, lịch sử của đất nước này là về sự chiến thắng của người bị áp bức, sự khải hoàn của tinh thần con người. Tôi tin rằng nước Úc được như ngày hôm nay là vì đất nước chúng ta dám chào đón những kẻ không được đón chào; chúng ta dám tạo cơ hội cho những người kém may mắn và một “sự công bằng cho kẻ yếu thế”. Chúng ta đã làm cho câu nói này trở thành đúng nghĩa đối với nhiều người đã đến bến bờ của chúng ta tương tự như ông Hiếu: “Kẻ yếu thế hôm qua lại là nhà vô địch hôm nay”.

Ngoài những khẩu hiệu chính trị mà tôi đã bình luận ở trên, tôi không dám chắc rằng cả giọng điệu lẫn nội dung của các cuộc tranh luận hiện nay về người tầm trú lại thích hợp với tinh thần của đất nước vĩ đại này của chúng ta. Nhiều lập luận được đưa ra để từ chối cho người tị nạn có cơ hội được bảo vệ mà họ đáng được hưởng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn – trong đó nước Úc là một bên ký kết. Gần đây quyết định của Tòa án Tối cao liên quan đến điều gọi là thỏa thuận trao đổi người tị nạn với Mã-lai không những cho thấy sự yếu kém trong chính sách của chính phủ nhưng cũng tạo ra một sự kêu gọi đối với chúng ta trên phương diện một quốc gia phải tôn trọng nghĩa vụ pháp lý và đạo đức của mình. Thư chung Ngày Chúa nhật về Công bằng Xã hội năm 2007 của Hội đồng Giám mục Công giáo Úc đã kêu gọi chính phủ từ bỏ “giải pháp Thái Bình Dương”. Gần đây, Hội đồng Giám mục lại lặp lại lời kêu gọi thanh lọc tại chỗ để tạo cho người tầm trú một cơ hội được sống một cuộc sống xứng với phẩm giá trong khi tình trạng tị nạn của họ đang được xét duyệt.

Tôi không có ý định nhận xét về những lập luận này ở đây. Đủ hiểu để nói rằng vấn đề người tầm trú và tị nạn là một vấn đề lâu dài và phức tạp, và không thể có một giải pháp dễ dàng trong bối cảnh xã hội hiện thời của chúng ta và hơn thế nữa là vai trò của chúng ta trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, những gì tôi muốn kêu gọi các bạn là chúng ta cần tiếp cận vấn đề từ một hướng nhìn tích cực mà không phải là từ một tâm lý hẹp hòi và tiêu cực làm hạ phẩm cách mọi người dân Úc. Tất cả chúng ta đều nhớ sự cố Tampa và nó đã làm hại thanh danh của chúng ta thế nào trên trường quốc tế – thậm chí nếu nó có thể bị chính trị hóa trong nước. Đáng buồn thay, thế giới sau ngày 11 tháng 9 (2001), khi việc bảo vệ biên giới và an ninh quốc gia trở thành quan trọng về mặt chính trị và xã hội, thì các quyền của người tầm trú trở thành thứ yếu và thậm chí là không được màng tới. Tampa và chuyện “quăng con xuống biển” sau đó là những ví dụ, và thực sự là hình ảnh thu nhỏ của câu chuyện tiêu cực và nền chính trị thiếu đạo đức đã làm nhiễm độc các cuộc tranh luận. Bất kể chúng ta đứng chỗ nào trong vấn đề này, nó làm hạ phẩm cách của chúng ta khi đồng loại của chúng ta bị cho là thấp kém hơn con người và nguy hiểm. Chắc chắn rằng, những người dám đánh đổi mạng sống của họ để mong tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và con cái mình, xứng đáng được đối xử tốt hơn. Chắc chắn rằng, một quốc gia di dân văn minh như chúng ta có thể tự cải thiện cho tốt hơn ngay cả đối với một vấn đề rất phức tạp.

Trong tâm trí của tôi, chúng ta không thể tiếp cận vấn đề của người tầm trú mà không quan tâm tới một bối cảnh rộng lớn hơn về công lý và tình liên đới. Nước Úc là và sẽ tiếp tục là một nam châm cuốn hút người tầm trú cho đến khi nào vẫn còn một vực thẳm ngăn cách vị trí của chúng ta và vị trí của họ trên cán cân chính trị và kinh tế-xã hội. Một giải pháp tích cực phải bao gồm việc giải quyết vấn đề chủ yếu là vấn đề nhân đạo và công lý, chứ không phải chỉ đơn thuần là một vấn đề chính trị. Với phân tích sau cùng, người tầm trú thách thức chúng ta xem xét lại hoàn cảnh khó khăn của họ và sự bất bình đẳng toàn cầu trên một mặt, và mặt khác, đặc quyền của chúng ta được hưởng một số các điều kiện sống tốt nhất trên hành tinh. Có thể nào chúng ta cứ bảo vệ lối sống của chúng ta mà lại ít quan tâm hoặc đếm xỉa tới các anh chị em kém may mắn của chúng ta? Có thể nào chúng ta cứ tiếp tục bảo vệ đặc quyền của chúng ta như là một “độc quyền” của riêng mình mà không cần đối mặt với sự bất công có ảnh hưởng tới chính chúng ta? Có thể nào chúng ta cứ áp dụng các biện pháp trong việc đối xử bất công và vô nhân đạo chống lại con người đồng loại của chúng ta để biện minh cho thái độ của chúng ta? Đối với tôi dường như chúng ta không thể tránh khỏi những câu hỏi này và những câu hỏi gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức ẩn nấp đằng sau vấn đề người tầm trú.

Để kết luận, tôi muốn nói điều này với toàn thể nhân dân Úc: chúng ta có thể làm toàn bộ tốt hơn nhiều so với việc cho phép nền chính trị gây sợ hãi và tiêu cực cướp mất cuộc tranh luận của chúng ta và định hướng phản ứng của chúng ta; chúng ta có thể ngăn chặn việc hạ thấp phẩm giá của đất nước xinh đẹp của chúng ta bằng cách quay về với các giá trị Kitô giáo của mình như là quan tâm đặc biệt đến người nghèo, truyền thống công-bằng-cho-mọi-người và huyền thoại của mình về việc trợ giúp những người yếu kém. Nước Úc đã trỗi dậy để đương đầu với những thách thức trong quá khứ với lòng quảng đại bảo bọc những người tầm trú, di dân và người tị nạn. Quốc gia này đã tự chứng minh mình can đảm một cách đặc biệt trước làn sóng người Đông Dương bỏ nước ra đi và đã chấp nhận một số lượng lớn chưa từng có những người tị nạn Á châu lần đầu tiên trong lịch sử của mình. Thế giới đã không đi đến chỗ tận mạt như một số người đã có thể lo sợ. Ngược lại, nước Úc đã biến đổi để trở nên tốt hơn vì nó luôn luôn xảy ra như vậy với từng làn sóng kế tiếp của những người mới đến. Nước Úc được như ngày hôm nay là vì tình yêu của họ đối với tự do và các giá trị cơ bản của con người. Nước Úc được như ngày hôm nay là vì niềm xác tín và chí hướng của họ cho một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta vinh danh di sản của quốc gia vĩ đại này không phải bằng chính sách phong tỏa quá mức, tự cách ly và bảo vệ đặc quyền của chúng ta bằng mọi giá. Thay vào đó, chúng ta có thể làm cho nó thành vĩ đại hơn khi chúng ta quan tâm và chăm sóc người tầm trú trong tinh thần bao dung và liên đới là những điều đã ghi lại dấu ấn trong lịch sử của đất nước chúng ta ngay từ lúc khởi đầu. Tôi kết thúc ở đây với thông điệp của các Giám Mục Công Giáo Úc về người tị nạn và tầm trú vào tháng 5 năm 2004: “Nước Úc có cơ hội để khôi phục lại thanh danh của mình như là một quốc gia nhân đạo gương mẫu nơi mà người tị nạn có thể xây dựng lại cuộc sống tan vỡ của họ và là nơi, như một quốc gia, chúng ta có thể hát mà không sợ xấu hổ rằng ‘những ai vượt biển ngang đây, hãy vào chia sẻ bình nguyên bạt ngàn.’”

Cám ơn các bạn đã lắng nghe!

Giám mục Vinh-sơn Nguyễn văn Long OFM

Giám Mục phụ tá, Tổng Giáo Phận Công Giáo Melbourne,

Đặc trách khu vực miền Tây,

Giám Mục hiệu tòa Tala.

(Hoàng Nguyễn dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

Ghi chú: Bài phát biểu này được trình bày cho cử tọa người Úc. Độc giả có thể đọc nguyên văn Anh ngữ và xem video clip toàn bài phát biểu theo link:

http://www.cam.org.au/melbourne-news/bishop-vincent-long-gives-rerum-novarum-oration-2011-video.html

Cả hội trường đứng dậy trong khi Ca đoàn Việt nam Melbourne hát bài ‘Bước chân Việt nam’ của Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng (ảnh Ashoka Peiris T.H. và Harippriya Peiris T.H.)