Những lý tưởng phát biểu trên diễn đàn 'Occupy Wall Street' (OWS) (Chiếm lấy thị trường Wall Street) nghe ra có vẻ giống như những đòi hỏi của các Giám Mục Hoa Kỳ trong những năm gần đây, NẾU...Nếu trong đám những người biểu tình đã không có sự xâm nhập của những thành phần 'bất hảo' (theo tiêu chuẩn truyền thông Mỹ), nào là bọn cộng Sản, những tên vô loại, những bầy ăn hại, những kẻ lưu manh, lũ chống đạo (mọi thứ đạo), đám vô thần, tụi vô chính phủ...

Nhưng mà, nhìn lại mọi phong trào tranh đấu từ trước đến nay, thử hỏi có phong trào nào mà không có ít hay nhiều những thành phần như thế?

OWS rỏ ràng là một phong trào xã hội đang trên đà lan rộng, không chỉ trong nước Mỹ, mà lan ra cả toàn cầu. Có người đã so sánh OWS với SOL ("Summer of Love") là một trào lưu 'muôn hoa đua nở' dùng hình ảnh hoa lá rực rỡ muôn màu muôn sắc, làm tiền thân cho phong trào Hippie trong những thập niên 60 của thế kỷ trước.

Nhìn vào OWS, người ta thấy đại diện cho mọi thành phần trong xã hội. Đặc biệt có nhiều bộ mặt trẻ và học thức. Người ta cũng thấy một số Kitô hữu chân thành.

Mặc dù giới truyền thông thích khai thác các hình ảnh gây 'xốc' dựa vào một thiểu số bất hảo, lôi thôi lếch thếch, làm trò 'khỉ' trên đường phố, nhưng sự thực thì số đông những người biểu tình là thành phần có giáo dục, lịch sự, và có chủ đích.

Nhưng chủ đích của họ là gì?

Trước hết, họ phản đối một hiện trạng xã hội bất quân bình. Một tầng lớp thiểu số giàu có đang kiểm soát hầu hết mọi tài sản và tài nguyên của quốc gia. Họ cho rằng thiểu số này đã thường xuyên sử dụng các mánh mung của hệ thống ngân hàng và của các tổ chức tài chính khác để mưu lợi và duy trì sự giàu có của mình.

Tuy nhiên, vấn đề chính không chỉ đơn giản là sự 'giàu có'.

'Đóng thuế người giàu' là một chiêu bài thường xuyên được đảng Dân chủ khai thác. Nhưng chiêu bài 'xã hội bất quân bình' này tiềm ẩn một nguy cơ có thể dẫn tới 'đấu tranh giai cấp' cho nên, trong khi một số ít đảng viên Dân chủ lén lút dựa vào phong trào OWS để trục lợi, phần đông phe Dân chủ vẫn giữ một thái độ im lặng và chờ xem.

Về phía Cộng hòa, tuy nhiều luận điệu của OWS nghe na ná như là những luận điệu của phe 'Tea Party', nhưng phần đông Cộng Hòa coi phong trào là một âm mưu của các công đoàn lao động, của Cộng sản, của bọn theo xã hội chủ nghĩa, vô chính phủ, chống Mỹ, chống tự do và vô thần.

Nhưng chính nền móng chính trị dựa vào lợi ích hẹp hòi đảng phái như trên lại là những gì mà OWS phản đối.

Những người biểu tình cho rằng những tay chính trị chóp bu chủ yếu vẫn là những tay sai phục vụ cho tầng lớp giàu có.

Sự nghiệp của các chính trị gia thành bại là tùy có tái đắc cử hay không. Nhưng việc ra tranh cử không phải là rẻ, cho nên họ cần tiền bạc của người giàu. Mà khi làm tay sai cho thiểu số này, họ sẽ có thể hy sinh nhu cầu của tầng lớp trung lưu và tầng lớp nghèo, là thành phần đa số của dân Mỹ.

Rốt cục thì người Mỹ không có sự lựa chọn thực sự trong những cuộc bầu cử. Thường xuyên, đó chỉ là những sự lựa chọn giữa hai cái xấu. Nói cách khác, người dân không có tiếng nói trong chính phủ, trừ khi tiếng nói đó đồng điệu với tiếng nói của những người giàu có.

Những người OWS muốn xã hội thay đổi một cách có ý nghĩa hơn. Họ muốn giá cả của dịch vụ y tế giáo dục rẻ hơn, và thị trường chứng khoán bớt thay đổi bất thường và được kiểm soát tốt hơn.

Mới nghe qua thì những đòi hỏi trên có vẻ 'xã hội chủ nghĩa,' nhưng thực ra, Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần kêu gọi giảm bớt gánh nặng tài chánh cho gia đình về y tế và giáo dục và phản đối tinh thần của nền thị trường 'duy lợi nhuận' tự do.

Thực ra đó chỉ là một thứ chủ nghĩa 'vì dân'.

Họ không hoàn toàn chống lại thị trường tự do. Nhưng họ tin rằng một số nhu cầu thiết yếu cơ bản của con người, chẳng hạn như giáo dục và y tế, thì không nên vì đó mà làm cho người ta phải bị 'phá sản', hoặc đó là đặc quyền riêng của một tầng lớp giàu có. Thực tế đáng buồn là, hai nhu cầu thiết yếu rất cơ bản đó đang trở nên đắt đỏ mỗi ngày, và vuột ra khỏi tầm tay của số đông người Mỹ.

Giấc mơ 'Đời sống Mỹ' trở nên khó đạt được. Mặc dù giá nhà đã hạ thấp vì sự sự sụp đổ thị trường địa ốc, nhưng sở hữu một căn nhà không phải là dễ. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, nhiều người không có việc làm - mà việc làm là một cái gì đó cần thiết không chỉ là để có tài chính mà thôi, nhưng còn vì lợi ích của tâm hồn.

Nhiều người tham gia phong trào OWS tin rằng một thị trường không được kiểm soát đã cho phép ngân hàng và các chính trị gia thông đồng với nhau để gian lận. Những cố gắng "cải cách" thường làm trầm trọng thêm vấn đề. Ví dụ, cải cách ngân hàng dường như chỉ làm cho các ngân hàng giàu thêm.

Cải cách chăm sóc sức khỏe cũng vậy, cho đến nay dường như chủ yếu chỉ đem lại lợi ích cho những tổ chức y tế có thế lực, người công dân trung bình đang phải trả nhiều tiền hơn cho những dịch vụ y tế so với bất kỳ quốc gia công nghiệp nào khác trên thế giới.

Kết quả là, một số cảm thấy chúng ta không nên mong đợi gì ở chính phủ hoặc ở những cơ quan tài chánh, là nơi đã làm nẩy sinh ra những vấn đề nói trên.

Các cuộc biểu tình đang bắt đầu lây lan đến những thị trấn nhỏ. Bắt đầu phong trào có thể đã được khởi sự từ giới trẻ, nhưng dần dà đang được nước Mỹ chấp nhận. Đây là một cái gì độc đáo chưa xảy ra trong bất kỳ thời điểm nào của lịch sử Mỹ gần đây.

Chắc chắn phong trào này sẽ còn tồn tại lâu dài. Trong khi phong trào đang trên đà phát triển, câu hỏi được đặt ra là các Kitô hữu có nhìn thấy những lý tưởng Kitô giáo tiềm ẩn trong đó không và biết sử dụng cơ hội này để phát huy những lý tưởng Kitô giáo về 'nhân phẩm', về 'cơ hội bình đẳng', và về đức 'bác ái'.

Một cơ hội tuyệt vời. Nếu phong trào được hướng dẫn vào những lý tưởng đích thực của con người và xã hội, và tránh được những cạm bẫy quyến rũ của chủ nghĩa thế tục đã tạo ra rất nhiều vấn đề nan giải cho xã hội ngày nay.