Lá Thư Canada : SƠN HÀ NGUY BIẾN

Hàng năm, cứ vào cuối thu, khi lá vàng phủ ngập đường, Canada cử hành lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Đúng như tên gọi, Remembrance Day là ngày mọi người nhớ tới các chiến sĩ đã nằm xuống. Từ thủ đô Ottawa tới các thành phố, khắp nước đều tổ chức rất trọng thể lễ này.

Tại Toronto, thủ phủ của bang Ontario, lễ được tổ chức tại Đài Chiến Sĩ Trận Vong ở ngã tư đường Bay và Queen. Trong các vòng hoa tôi thấy có vòng hoa mang cờ vàng VNCH. Thật ý nghĩa và cảm động qúa. Các cựu chiến binh Canada được mời ngồi ở hàng ghế danh dự. Nhiều vị đã gìà lụ khụ . Đây là những vị đã sống sót trong Đệ Nhị Thế Chiến. Khi nghe tiếng kèn mặc niệm, nhiều cụ gìa đã khóc. Chắc các cụ đang nhớ tới bạn đồng ngũ năm xưa. Trong đoàn người đến dự lễ có nhiều học sinh và các em bé. Một phụ huynh trả lời báo chí : Tôi đưa các cháu đến đây mong các cháu biết đến công ơn của cha và ông các cháu đã bỏ mình để bảo vệ quốc gia thân yêu này cũng như thế giới tự do. Đặc biệt năm nay, trước ngày lễ, có mấy cụ chiến sĩ đã đến trường mẹ để nói chuyện cho các học sinh. Gọi là trường mẹ vì ngày xưa các cụ đã học những trường này, nay các cụ đến vừa để thăm trường cũ vừa để kể cho các học sinh hàng cháu hàng chắt nghe chuyện của chính các cụ khi xưa lúc tham dự các trận đánh bên Âu Châu năm 1945, 1946.

Canada đã chuẩn bị lễ này rất cẩn thận và chu đáo. Hai tuần trước ngày lễ, các cựu chiến binh đã có mặt khắp các ngả đường để mời mọi người cài hoa Poppy trên ve áo. Các bạn biết hoa poppy chứ. Hoa 5 cánh mầu đỏ, nó là hoa cây thuốc phiện. Canada chọn hoa này để làm biểu tượng vì sau Thế Chiến Thứ Hai, ở nghĩa trang bên Âu Châu người ta đã thấy rất nhiều bông hoa này mọc quanh mộ các chiến binh. Đúng ngày lễ, lúc 11 giờ trưa, các xe bus và xe điện đều ngưng chạy 2 phút để mọi người tưởng niệm các chiến sĩ đã nằm xuống . Các cựu chiến binh, nếu mặc quân phục và đeo huy chương, thì được đi xe miễn phí.

Tháng 11 này dân làng tôi nhớ tới nhiều người đã khuất lắm. Ông ODP vừa đọc cho chúng tôi nghe một đoạn báo nói về nỗi lòng hai bà mẹ ở ngoài Bắc khóc thương các con đã bị bắt đi bộ đội và đã bỏ xác ở Miền Nam, như thế này :

…Một bà có 3 người con trai tử trận vì ‘đi giải phóng Miền nam’. Khi miền Nam vừa bị chiếm thì bà được phép vào trong Nam thăm anh em, bà chứng kiến thực cảnh ở Miền Nam, bà về lại quê và phát bệnh rồi chết. Bà phát bệnh vì bà thương tiếc con, và trách mình mê lầm đã để cho các con chết oan.

Một bà khác có 4 con trai và một con rể cũng bị bắt lính và cùng chết trong trận Mậu Thân. Khi gần mất, cô đơn một mình, bà đã khóc mấy ngày đêm. Khi lâm chung bà thốt ra những lời đã giấu kín trong lòng mấy chục năm : Vì tôi ngu nên đã để người ta lừa đem hết các con tôi vào chỗ chết…

Kể đến đây xong ông ODP kết luận : hai bà già ở ngoài Bắc, sau 1975 hai bà vào Nam thấy mình bị lừa và con mình bị chết oan, đã uất lên mà chết. Giống y như bà nhà văn Dương Thu Hương. Lúc đó chiến sĩ gái hăm hở vào giải phóng miền Nam, đến khi thấy rõ miền Nam trù phú và no ấm, chiến sĩ gái biết mình bị lừa. Chiến sĩ cũng đã uất lên nhưng bà không chết. Bà bảo bà phải sống để làm chứng sự gian dối và tàn ác của CSVN, bà sẽ làm chứng bằng sách báo.

Đó là chuyện ngoài Bắc. Bây giờ xin kể chuyện trong làng.

Ngay đầu tháng, ngày 2 tháng 11, làng tôi đã đi dự lễ giỗ Tổng Thống Diệm. Ông ODP không kể tội những người đã nhúng tay trực tiếp hay gián tiếp hạ sát Cụ Diệm, nhưng đã kể lại lời các lãnh tụ trên thế giới nói về cái chết của Cụ, như sau:

- Tại Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã nói : “ Chính quyền Kennedy hạ ông Ngô Đình Diệm là một thất sách, một sai lầm rõ rệt.”

- Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh đã nói : “Ông Diệm là một nhà yêu nước theo lối của ông ấy.”

- Tại Pakistan, Tổng Thống Ayub Khan đã nói : “ Việc Tổng Thống Diệm bị giết có 3 ý nghĩa với người Á Đông : Làm bạn với Hoa Kỳ là việc nguy hiểm, trung lập thì tốt hơn và là kẻ thù của Hoa Kỳ còn tốt hơn nữa”.

- Tại Paris, De Gaulle tuyên bố : “Sau Diệm không phải là một khoảng trống mà là một khoảng quá đầy”. De Gaulle muốn nói Miền Nam sẽ lạm phát lãnh tụ, sẽ trở thành một giỏ cua hay một hý trường tranh giành địa vị.

- Học giả uy tín Úc Đại Lợi, ông Denis Warner đã gọi Cụ Diệm là ‘ The Last Confucian’, một nhà hiền triết Khổng Tử cuối cùng.

Ông ODP từng là quân nhân dưới thời Cụ Diệm làm tổng thống. Ông là người mê Cụ hết sức. Ông bảo người Ấn Độ hãnh diện vì có Thánh Gandhi, Hoa Kỳ hãnh diện vì Tổng Thống George Washington, Pháp hãnh diện vì Tướng De Gaulle, Anh hãnh diện về Thủ Tướng Winston Churchill, Phi Luật Tân hãnh diện vì Tổng Thống Magsaysay, người Việt Nam chúng ta hãnh diện vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thật tiếc thương thay cho Thánh Gandhi của Ấn Độ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Viêt Nam, hai vị thánh đã bị người ta hạ sát. Nếu hai vị còn sống thì cục diện Á Châu có thể đã khác.

Cả làng tôi ngồi im nghe bàn về cái chết oan khiên của vị lãnh tụ Đệ Nhất VNCH. Không khí ấy đã kéo dài một lúc lâu. Mãi rồi cụ Chánh mới lên tiếng : Nhân tháng 11, nhân làng đang nói về sự chết, tôi xin bàn sang chuyện ra đi của một văn nhân VN mới bỏ chúng ta vào cuối tháng 10 vừa qua. Đó là nhà thơ Hà Thượng Nhân Pham Xuân Ninh. Ông là một nhân vật lớn trong ngành Vô Tuyến Truyền Thanh ở Miền Nam, và là một thi sĩ nổi tiếng của Miền Nam. Ông sống những năm cuối đời ẩn dật ở San Jose miền bắc California, ông vui thú cùng bút giấy và bằng hữu . Một trong những điều làm cho ông hạnh phúc nhất lúc cuối đời là ông đã nhập đạo Công Giáo năm 2009. Ông đã tin vào Chúa. Ông đã viết thế này :

......................................

Còn có nỗi vui nào hơn :

- Niềm tin bùng vỡ
Từ đâu đó trái tim tôi nức nở
Bước chân trở về mà hồn rưng rưng muốn khóc
Con dâng những lời thơ vụng dại
Xin biến lòng tin của con thành tình thương bất diệt
Amen.


Cô Cao Xuân không hiểu bốn chữ ‘ bước chân trở về’. Ông đã đi đâu mà nay nói trở về? Ông ODP giảng nghĩa ngay : Theo tôi hiểu thì mọi người chúng ta đều là con cái Chúa, nhưng nhiều người đã không tin Chúa, đã sống như những người con đi lạc đường. Nay ông như tìm ra đường về nhà, ông mới nói bước trở về là thế.

Ông ODP này có một trí nhớ thật là tốt. Ông bảo nhiều văn nhân cuối đời cũng như tỉnh ngộ, tìm ra chính đạo, đã lên đường trở về với Chúa, như thi sĩ Bàng Bá Lân, như thi sĩ Nguyên Sa…

Rồi ông nhìn dân làng giọng phân phô : Tôi không có ý giảng đạo nha. Nhân tháng 11 tháng nhớ tới các anh hùng tử sĩ nên tôi nói thêm một vài chuyện nhỏ mà thôi. Tôi xin trả diễn đàn cho cả làng.

Chị Ba bèn nói sang chuyện khác. Chị tiếc cái ngày đặc biệt 100 năm mới có một lần mà dân làng đã không đi mua vé số. Phải 100 năm nha bà con thì mới có ngày 11.11.11, ngày mang 6 chữ nhất. Một nhất đã là hên lắm, đây những 6 cái nhất. Giá bữa đó làng ta góp tiền đi mua số, lại chọn đúng vào giờ thiêng, lúc 11 giờ, 11 phút, 11 giây thì dám đã trúng lớn rồi. Phe các bà nghe đến đây đều gật gù. Còn cụ Chánh thì cụ bảo : Lão được sống ở đất nước Canada này thì mãn nguyện lắm rồi, vẫn coi mình đã trúng số độc đắc. Bộ Di Trú vừa cho biết hiện còn một triệu lá đơn xin nhập Canada mà Canada chưa có giờ xét đến, một triệu người muốn di cư đến Canada nha, thưa cả làng.

Anh John xin tiếp lời ngay: Vì còn những một triệu người đã làm đơn chưa được xét tới nên mấy tuần lễ vừa qua có hiện tượng một số người Hung Gia Lợi khôn ngoan đã chạy lối tắt. Các ông bà này mua vé đi du lịch Canada, rồi khi vừa tới sân bay thì họ xin tỵ nạn chính trị. Họ đã đặt Canada vào thế kẹt. Muốn đuổi họ đi thì khó lắm. Phải mang họ ra tòa. Thời gian chờ tòa ra phán quyết thì họ được hưởng trọn vẹn quy chế người xin tỵ nạn. Họ được hưởng trợ cấp xã hội, trợ cấp thuốc men, con cái được đi học. Mỗi tháng, một người độc thân được lãnh sơ sơ khoảng 600 đồng, hai vợ chồng sơ sơ 900, cha mẹ và một đứa con cũng sơ sơ 1200 đồng. Chắc các ông bà Hung này đã được người chỉ cho những khe hở nhân đạo của luật di trú miền đất thiên đàng này.

Canada đúng là một anh nhà giàu hào phóng có tâm Phật. Nói gì đâu xa, hiện nay Nhóm G.20 gồm những nước giầu có nhất thế giới, thế mà theo sổ sách của CIDA tức cơ quan phát triển quốc tế thì Canada đã giúp cho nhóm này những 141 triệu trong năm 2010 vừa qua. Chả hiểu giúp về việc gì, mà Canada cho Ấn Độ 30 triệu, Trung Hoa 36 triệu, South Africa 20 triệu… Lạ qúa chứ. Riêng về Chương trình lương thực thế giới, mấy năm qua Canada đã góp 350 triệu đồng.

Cụ Chánh nghe nói tới đây rồi cười. Cụ bảo : Theo tôi nghĩ thì những đồng tiền bác ái này đã mua về cho Canada bao nhiêu là phước lành. Chỉ có Canada thôi nghe, chứ đa số các nước giàu có thì ác lắm. Báo chí quốc tế cho biết : hiện nay nhiều nước tay phải làm việc thiện mà tay trái thì cầm giao giết người. Đó là những nước sản xuất vũ khí và bán khí giới. Mỗi năm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga thu về không biết bao nhiêu là tiền bán khí giới. Rõ ràng bán khí giới để các nước khác giết nhau! Miệng thì hô hào hòa bình mà tay thì xui chém giết. Miệng Phật mà tâm xà. Canada không như thế. Canada không hề bán khí giới nha. Canada khẩu Phật mà tâm cũng Phật luôn, có đúng không cơ, thưa các bạn ?

Anh H.O. xin góp thêm một ý. Rằng nhân bàn tới tình hình thế giới thì ta không nên quên lời đe dọa mới đây của DoThái. Do Thái bảo họ có thể tấn công phá lò nguyên tử của Iran, vì Iran đang chế bom nguyên tử để tận diệt Do Thái. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Do thái làm thật? Anh H.O. bảo rằng anh và bạn bè anh ghét Do thái vì Do Thái ít nhiều cũng đã làm hại VN trong qúa khứ. Chứng cớ ư? Năm 1954, hiệp định Geneve chia cắt VN là do thủ tướng Pháp Mendes France chủ xướng. Mendes France là người gốc Do Thái. Năm 1973 hiệp đinh Paris giao VNCH cho CS là do Henry Kissinger. Ông này gốc Do Thái rõ ràng. Năm 1975, tiền viện trợ Hoa Kỳ định cho VNCH, Do Thái đã xin Hoa Kỳ trao số tiền này cho họ.

Cụ B.95 nghe mãi chuyện chính trị thì phát ngán. Cụ xin những chuyện vui. Anh H.O. kể liền. Anh bảo lần trước anh kể chuyện ông Ấn Độ 67 tuổi có 39 bà vợ. Anh cứ nghĩ ông Ấn Độ này là số một, nay ông bảo một ông Ấn Độ khác còn siêu hơn. Theo báo Times of India thì cụ Hazi Abdul Noor, đã 120 tuổi mà vừa cưới một bà vợ thứ hai. Cụ đã gìa khú đế mà chưa hết gân, nay nghĩ mình còn ngon lành lắm nên mới lấy thêm một vợ nữa. Cụ tuyên bố cụ 120 tuổi thiệt, không phải 116 tuổi như trên giấy tờ. Cụ ông hơn cụ bà 60 tuổi. Chắc Cụ này sẽ vào sách kỷ lục thế giới. Báo kể có hơn 500 thực khách đã tới dự tiệc cưới. Nước Ấn Độ nhiều sự lạ qúa ha.

Rồi Cụ B.95 xin anh John kể chuyện khác. Anh John kể ngay. Chuyện đầu tiên là chuyện con hải ly beaver. Từ năm 1975, nó được Canada chọn làm con vật biểu trưng Canada vì đức tính chăm chỉ làm việc liên tục, nó biết cắt cây ngăn hồ làm tổ và làm kho chứa thức ăn cùng hồ nước ngọt, cũng như bộ lông của nó là một nguồn thu nhập đáng kể cho kinh tế đất nước. Thế nhưng năm nay, 2011, chính quyền đang có ý chọn con gấu trắng bắc cực, polar bear, thay thế con hải ly. Lý do : Con hải ly cắt cây phá rừng và ngăn đập không có lợi và không đẹp mắt bằng con gấu trắng. Ai cũng ngạc nhiên về chuyện định thay đổi này.

Các bà các cô trong làng còn đang ngơ ngác thì chị Ba Biên Hòa nói nhỏ vào tai cô Cao Xuân, rồi cô Cao Xuân nói nhỏ vào tai Cô Tôn Nữ, cứ thế chuyện bí mật được chuyền đi khắp vòng , rồi phe các bà lăn ra cười rũ rượi. Việc này làm phe đàn ông chúng tôi ngơ ngác. Gì thế này? Cuối cùng thì anh John mới lên tiếng : Thôi để tôi giải mật, xin nói rõ, không dấu diếm gì nữa. Theo tôi được biết lý do thầm kín mà Canada sẽ chọn con gấu trắng thay thế con hải ly là vì tên con hải ly, tiếng Anh là beaver mà beaver còn có nghĩa thứ hai là ‘tòa thiên thai’ của đàn bà !

Ông ODP nghe xong, cũng phá ra cười sặc sụa rồi nói : Hèn chi ! Chắc đây là cái nghĩa mới của tiếng beaver, vì chả lẽ hồi năm 1975 Canada không biết đến cái nghĩa ‘tòa thiên thai’ này sao! Kỳ ha, phải không các cụ.

Chuyện nóng sốt tiếp theo là chuyện thành phố Toronto vừa quyết định cấm mua bán vây cá mập. Các cơ sở buôn bán có một năm để thanh tóan cho xong các kho vây cá. Hiệp hội các nhà buôn và các nhà hàng Trung Hoa đã lên tiếng phản đối và tuyên bố sẽ mang việc này ra tòa. Coi bộ chuyện vây cá này sẽ vừa dài vừa vui đây các cụ ạ.

Anh H.O. liền góp ý: Không có vi cá thì sẽ không có súp vi cá trong các bữa tiệc.

Chả sao. Mà không chừng cũng là điều may. Xưa nay Trung Quốc là nước cung cấp vi cá cho các nhà buôn. Bây giờ người ta khám phá ra hàng của Trung Quốc đa số đều là đồ giả, xưa nay chúng ta ăm súp vi cá, chắc gì chúng ta đã được ăn ví cá thực, biết đâu nó là vi cá giả thì sao? Ngoài ra, bây giờ chúng ta phải chống Tàu, chống kinh tế của Tàu, tẩy chay luôn vi cá của Tàu cho nó sợ.

Cô Cao Xuân lên tiếng ngay: Nhưng miệng chúng ta quen súp vi cá qúa rồi. Nay không có súp này thì biết lấy gì thay thế?

Anh H.O. đáp ngay : Thiếu gì món thay thế, Món yến sào chẳng hạn. Nó còn ngon và qúy hơn món súp vi cá gấp bội.

Nghe đến đây thì làng tôi ồ lên một tiếng. Ừ nhỉ, có món Yến Sào thay thế. Ngon gấp bội và trân qúy gấp bội chứ bộ.

Rồi tự nhiên làng tôi bước vào một trận cãi nhau vì cái tên : Yến Sào hay Yến

Xào ? Sào hay Xào đây? Cụ B.95 thì cười hì hì rồi cho rằng Yến Xào là đúng vì xào đây chỉ một cách nấu, xào khác với kho, khác với rang, khác với rán, khác với canh. Anh H.O. thì không đồng ý. Anh bảo phải nói Yến Sào mới đúng vì sào chỉ cái cây dài ta thường dùng để chống thuyền hay cột thuyền. Đi lấy tổ yến người ta phài chống thuyền bằng cái sào mà đi, ra tới nơi người ta dùng chính cái sào này mà gỡ cái tổ của con chim yến. Vậy yến sào là tổ yến lấy được nhờ cái sào.

Làng tôi nghe đến đây thì vẫn còn phân vân, ai nói nghe cũng có lý nhưng cái lý đó chưa có tính chất thuyết phục. Dân làng liền quay vào bồ chữ ODP. Ông này bèn trình bầy như sau : Theo tôi thì nói Yến Sào là đúng, nhưng sào đây không phải là cây sào như anh H.O. vừa nói, mà sào đây là tiếng Hán, sào có nghĩa là cái tổ như ta nói sào huyệt. Yến Sào là cái tổ con chim yến. Ăn món Yến Sào không phải ta ăn thịt con chim yến nhưng là ta ăn cái tổ của nó. Mà cái tổ của con chim yến do nó làm bằng chính nước bọt của nó. Chim yến bay từng đàn, chúng ăn những côn trùng đang bay giữa trời, và uống những giọt sương đọng trên lá. Chim yến làm tổ không phải bằng lá khô cành khô mà bằng chính nước bọt của mình quệt vào vách đá. Nước bọt của chim yến là tổng hợp những tinh hoa của trời đất, do vậy ta ăn tổ yến là ta ăn những tinh hoa qúy báu này.

Nghe đến đây thì mọi người như được mở mắt, mọi người đều ồ lên một tiếng thán phục sự thông thái của ông ODP rồi mọi người vỗ tay râm ran. Nghe được qúa, phải không các cụ.

Chị Ba nghe xong, vỗ tay xong bèn nóí lớn :

- Có lý qúa hén.

Ông ODP xưa nay vốn khiêm tốn, vẫn không muốn ai khen, nên nghe xong lời Chi Ba ông liền bắt ngay lấy để chuyển hướng câu chuyện. Ông bảo :

- Tôi thích tiếng ‘hén’ của Chị qúa. Nó đặc sệt tính Nam Kỳ. Tôi ở Miền Nam gần 20 năm, mê tiếng nói miền Nam vô cùng. Không biết anh John khi mới quen chị và học tiếng Việt thì anh John có thấy được những cái hay của tiếng Nam không. Anh John đáp ngay :

- Ngôn ngữ đầu tiên của tôi là tiếng Nam. Có lẽ tôi nóí nó hàng ngày với vợ, nên không thấy cái hay của nó. Sau này khi tiếp xúc với người Bắc, học nói tiếng Bắc thì tôi lại thấy tiếng Bắc cũng hay đặc biệt.

Cụ Chánh thấy hai vị này cùng khen tiếng Việt bèn đề nghị :

- Hai bác đã nói như vậy thì xin mỗi bác nói về cái hay mà qúy bác đã nhìn thấy cho chúng tôi nghe đi. Xin Ông ODP nói trước, nói về cái hay của tiếng Nam.

Ông ODP nói ngay, nói một hơi dài, như lấy trong kho đã có sẵn từ lâu:

- Tôi thích mấy tiếng bình dân nói hàng ngày của người Nam, như những câu này. Tui dìa nghen .
. Ừ, dzậy anh dzià hen
. Hay hén mậy !
. Dzui dữ hen !
. Ngon làm thử coi
. Sao rồi ta
, Sao kỳ vậy ta

Rồi ông xin hết, và ông xin anh John nói về tiếng Bắc Kỳ. Anh John cũng đáp ngay :

Bây giờ tôi mới để ý tới những tiếng đặc sệt Nam kỳ ‘nghen, hen, hén…’Khi tôi học đến văn chương VN, đọan nói về ca dao tục ngữ, tôi thích nhất hai tiếng. Nó không đứng một mình. Nó đứng một mình thì không hề hay, nhưng khi nó đứng vào trong một ngữ cảnh hay thì tôi thấy nó hay tuyệt vời. Tôi xin đọc bài ca dao sau đây rồi xin các bác đoán thử xem tôi mê tiếng nào nhất :

Đương khi lửa tắt cơm sôi
Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem
Bây giờ lửa đã nhóm lên
Lợn no con nín, tòm tem thì tòm


Cả làng nói ngay : Đó là tiếng ‘tòm tem’. Anh John bảo làng chí nói đúng có một nửa. Anh bảo anh thích bài thơ này lắm. Nó chỉ có 4 câu mà tả được hết mọi tình tiết hấp hẫn và sống động. Này nha, khung cảnh là một chái bếp ở miền quê ngoài Bắc, cái bếp này một nửa để nấu ăn, một nửa để nuôi lợn. Thời gian là vào khoảng trưa, thời gian cho lợn ăn cũng là thời gian nấu cơm trưa cho chồng sắp từ ngoài đồng về. Nhân vật chính là một cô vợ trẻ, mới đẻ một con, mà gái một con trông mòn con mắt. Anh chồng từ ngoài đồng về ăn trưa đã nhìn thấy nhan sắc vợ, lúc đó bên bếp lửa chắc má vợ đỏ hây hây, vợ cho con bú thì bộ ngực nây nẩy lộ ra. Máu nóng trong người chồng sôi lên, chàng đòi yêu vợ ngay tại chỗ. Tác gỉả bài thơ không dùng tiếng ‘yêu vợ’ hay tiếng ‘làm tình’, mà dùng tiếng ‘tòm tem’, tiếng này đắc địa qúa. Nhưng tòm tem ở câu giữa không hay bằng tiếng tòm ở cuối cùng, chỉ một tiếng tòm mà thôi. Nó nóí lên hết cử chỉ âu yếm, hành động và âm thanh của cuộc tình.

Đúng vậy, chỉ một tiếng tòm cuối bài, nó hay cực kỳ, phải không cơ?

Rồi anh John nói về chữ thứ hai mà anh thích. Anh cũng đọc một bài thơ. Thực ra thì không phải một bài mà chỉ là hai câu thơ. Hai câu này cực tả nỗi lòng của một anh không lấy được người yêu. Chắc đây là cảnh bố mẹ cô gái nhà nghèo, vì tham giàu mà bố mẹ đã phải gả con gái cho một gia đình phú hộ. Chồng là một cậu bé tí tì ti, chưa biết cuộc đời là gì. Dù có biết cũng chả nên cơm cháo gì :

Anh tiếc thay hạt mưa trong rơi xuống đống bùn
Anh tiếc thay tờ giấy trắng để thằng bé cỏn còn con nó vẽ xằng.


Ôi, chữ xằng này đáng giá 100 lạng vàng. Xằng đây là bậy bạ, láo lếu, vô phép, sai trái, không đúng cách.

Các cụ đã thấy cái anh John trong làng tôi giỏi chưa. Anh nói, anh đọc và anh đã suy nghĩ kỹ thì anh mới nhìn ra cái hay tuyệt vời của chữ nghĩa VN chứ.

Anh H.O. liền giơ tay xin góp thêm ý : Nhân nghe anh nói chữ tòm tem và chữ tòm, tôi sực nhớ tới một câu chuyện của Phương Triều đăng trong báo Xuân Mậu Dần. Tác giả cũng nhắc tới chữ tòm tem nhưng trong một hoàn cảnh khác. Chuyện này đối với tôi hay qúa nên dù đã mấy năm, tôi vẫn còn nhớ. Chuyện kể rằng tác giả đi tù cải tạo10 năm, từ trong Nam ra tới ngoài Bắc. Khi ra tù thì anh chỉ còn xác ve. Anh yếu qúa sức, chỉ còn giúp được vợ một việc là thổi cơm. Rồi với thời gian, được vợ chăm sóc, anh lấy lại được chút sức lực. Chợt cái máu liền ông nó nổi dậy. Lời của tác giả như sau :

… Lâu lâu tôi cười mơn, xin vợ cho được tòm tem, bằng cách nói bóng gió:

-Sao ta muốn … oánh kiếm qúa

Vợ cười :

-Cây kiếm của ông lâu ngày không oánh, giờ chắc oánh không nổi đâu.

Thôi, cứ thủng thẳng đã, có gì đâu mà gấp.

- Thử thì biết, tôi trợn mắt.

Thử rồi mới biết, vợ nói đúng. Thói thường văn ôn võ luyện. Văn thì từ lâu đã bẻ bút. Võ thì rửa tay gác kiếm đã hơn mười năm. Kiếm pháp gia truyền bỗng dưng rối loạn. ‘Kẻ địch’ cười khinh dể :

- Thiếp cũng đã hơn chục năm không oánh kiếm. Nhưng kiếm pháp của đại huynh sao giống đồ giả, ngộ vậy? Chẳng có chút công lực nào hết!

Từ đó tôi rắp tâm luyện tập. Cũng may, kiếm pháp chưa đến nỗi thất truyền.

Vợ vẫn chưa hết lo lắng:

- Ráng qúa coi chừng bị tẩu hỏa nhập ma !

Anh H.O. ngưng, xin hết. Cả làng phá ra cười. Chà, cái chuyện chữ Tòm này coi bộ vui đây. Làng xin anh John kể tiếp chuyện tòm tem. Anh giơ hai tay lên xin hàng. Anh bảo cái kho văn chương của anh hôm nay chĩ nghĩ ra được có thế. Xin hẹn lần sau sẽ tìm thêm và kể thêm.

Phe các bà lại quay vào ông ODP xin ông kể chuyện thời sự VN. Mọi khi, nói đến chuyện thời sự là nói tới anh John, nhưng lần này ông ODP kể ngay. Rằng ông vừa được xem cuốn DVD Asia mang chủ đề ‘Hùng Ca Sử Việt’ mới phát hành tháng Mười. Ông giơ hai tay lên mà nói : Chưa bao giờ có cuộn băng nào hay như thế. Nó hay cả hình thức cả nội dung. Nó đánh thức lòng yêu nước của mọi người. Những ai dù mũ ni che tai cố tình ngủ, xem cuốn này xong cũng thấy lòng mình nóng lên và mắt sáng lên. Xin bái phục ông bàu nhạc sĩ Trúc Hồ. Xin bái phục lời dẫn chương trình của Nam Lộc, Việt Dũng, Ngọc Đan Thanh, Thùy Dung. Xin bái phục ca đoàn Ngàn Khơi. Nghe các MC nói và nghe các ca sĩ hát, ta thấy như tất cả đều đang hét lên : Giặc Tàu đang chiếm đất, giặc Tàu đang chiếm rừng, giặc Tàu đang chiếm biển, bà con ta tính sao đây?

Nghe ông ODP ca ngợi cuốn DVD hết lời làm vậy, làng tôi ai cũng hẹn nhau đi phố mua ngay cuốn này. Chi Ba nói rất lớn và rất mạnh mẽ : Nhất định tôi sẽ mua cho mình xem và lưu trữ. Và mua để mừng tuổi cho con. Và mua để gửi về tặng bạn bè trong nước.

Cụ Chánh nói lời kết : Lâu nay lão có một ý mà không biết thực hiện ra sao, là lão muốn nói với giới bộ đội ở VN câu này : Các bạn ơi, quân đội là để bảo vệ giang sơn lãnh thổ tổ quốc chứ không phải để bảo vệ đảng. Nay quân Tàu đang sang chiếm đất chiếm rừng chiếm biển, các bạn cầm súng trong tay mà sao các bạn đứng ngây ra như gỗ cả vậy?

TRÀ LŨ