BỐN BÀI GIẢNG CỦA CHA RANIERO CANTALAMESSA, OFMCAP.
CHO GIÁO TRIỀU VATICAN MÙA VỌNG NĂM 2011,
VỀ NHỮNG NỖ LỰC TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI HÔM QUA VÀ HÔM NAY


Với mong muốn đáp ứng phần nào lời mời gọi của Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI về nỗ lực Truyền giáo và Tái truyền giáo của Giáo Hội hiện nay, xin trân trọng gửi đến quí vị độc giả bản dịch 4 bài giảng của linh mục Raniero Cantalamessa, ofmcap., giảng cho Giáo triều Vatican trong Mùa Vọng 2011 vừa qua:

BÀI III: “ĐẾN TẬN MÚT CÙNG TRÁI ĐẤT”

Lục địa châu Mỹ lần đầu tiên được loan báo tin mừng

I- Niềm tin kitô vượt qua Đại dương

Cách đây 4 ngày, ngày 12 tháng 12, lục địa châu Mỹ vừa mới long trọng cử hành lễ Đức Bà GUADALUPE, cũng là ngày lễ buộc ở Mexique. Đây là một sự trùng hợp hết sức may mắn để, trong bài suy niệm nầy, nói về đợt sóng lớn thứ ba loan báo tin mừng. Trong lịch sử của Giáo Hội, đợt sóng thứ ba nầy diễn ra tiếp theo ngay sau cuộc khám phá ra tân thế giới.

Chúng ta hãy nhắc lại đây những đường nét lớn của công cuộc mạo hiểm truyền giáo nầy. Nhưng, trước hết, là một ghi nhận. Khi xâm nhập vào lục địa mới nầy, trong cùng lúc châu Âu kitô vừa mang vào đấy niềm tin của mình và cả những chia rẽ của mình. Vào cuối đợt sóng lớn truyền giáo nầy, lục địa châu Mỹ cho thấy đã có cũng cùng một tình trạng chia rẽ như nó hiện đang là ở châu Âu lúc đó : một miền Nam phần lớn là công giáo và một miền Bắc phần lớn là tin lành. Ở đây, mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là hướng về nỗ lực loan báo tin mừng cho châu Mỹ Latinh, chỉ bởi một lý do là vì nó đã diễn ra trước tiên, ngay sau khi khám phá ra tân thế giới.

Kể từ khi Christophe Colomb, năm 1492, trở về từ chuyến hành trình của mình và loan tin có những vùng đất mới (mà lúc đó người ta vẫn cứ tưởng là thuộc Ấn độ), Tây ban nha công giáo đã đưa ra hai quyết định : mang niềm tin kitô đến cho các dân mới nầy, và mở rộng quyền bính chính trị của mình trên các sắc dân nầy. Để làm được điều đó, Tây ban nha cần phải có được sự chuẩn thuận của Đức Giáo hoàng Alexandre VI thừa nhận các quyền của họ trên tất cả vùng đất mới nầy, 100 dặm bên kia Açores (quần đảo thuộc Bồ đào nha), và cho Bồ đào nha các vùng đất nằm bên nầy ranh giới. Làn ranh mà sau nầy chuyển dịch có lợi cho Bồ đào nha, nhằm hợp pháp hóa quyền sở hữu Brésil cho Bồ đào nha. Những đường biên mới của lục địa châu Mỹ Latinh tương lai, cả về mặt ngôn ngữ, như vậy, kể từ đó, đã bắt đầu được định hình.

Trước cỗng vào mỗi làng, quân lính treo các mệnh lệnh ghi rõ ràng (requerimiento) là các dân cư trong làng phải gia nhập kitô-giáo và thừa nhận quyền bính tối cao của Tây ban nha.

Chỉ một vài đầu óc lớn, đứng đầu là các tu sĩ dòng Đaminh như Antonio de Montesino và Bartholomée de Las Casas, đã có can đảm lên tiếng chống lại những lạm dụng của những kẻ xâm lược nầy, và bênh vực cho quyền tự trị của các thổ dân ở đây. Sau khoảng gần hơn 50 năm một chút, vừa vì sức yếu, vừa vì có sự chia rẽ giữa các vương quốc địa phương với nhau, lục địa nầy phải cúi mình chịu ách thống trị của Tây ban nha và trở thành kitô, chí ít là trên danh nghĩa.

So với ngày xưa, các sử gia ngày nay có khuynh hướng nhìn hành động của các nhà truyền giáo ít đen tối hơn. Trước hết, người ta lưu ý rằng trái ngược với những gì xẫy ra nơi các bộ lạc “dân bản xứ” (“indiennes”) miền Bắc châu Mỹ, phần lớn các dân tộc bản xứ ở châu Mỹ Latinh, cho dù có bị tàn sát hàng loạt, vẫn còn sống sót được với ngôn ngữ và với lãnh thổ riêng của mình, cho đến lúc sau đó lấy lại được và tái khẳng định lại được căn tính và sự độc lập của mình. Nhưng cũng còn phải lưu ý đến điều kiện mà trong đó các nhà truyền giáo nầy đã phải khom mình lụy phục, đó là nền tảng thần học mà họ đã được đào tạo trước đó. Theo sát mặt chữ và theo một cách hiểu cứng nhắc, châm ngôn “Extra Ecclesiam nulla salus” (“Bên ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ”), những nhà truyền giáo nầy vốn đã xác tín rằng, để bảo đảm ơn cứu độ, cần phải rửa tội cho các sắc dân bản xứ nầy các nhiều bao nhiêu có thể và trong một thời gian càng ngắn bao nhiêu có thể.

Châm ngôn nầy vốn như một cái ách đè nặng lên trên nỗ lực loan báo tin mừng và, vì thế, đáng để chúng ta dành cho nó một khoảng thời gian tìm hiểu. Đây là một câu châm ngôn đã được định thức từ thế kỷ III bởi Origène, nhưng nhất là bởi thánh Cyprien. Lúc đầu, không can dự gì tới sự cứu độ những người ngoài kitô, mà chỉ liên quan đến những kitô-hữu mà thôi. Thật vậy, châm ngôn nầy hoàn toàn chỉ nhắm tới những người lạc giáo và những kẻ ly giáo trong thời đó mà thôi, nhằm nhắc nhỡ họ là một khi tách lìa khỏi Giáo Hội, họ đã phạm phải một lỗi rất nặng nề, khiến họ tự loại trừ mình ra khỏi ơn cứu độ. Vì thế, điều đó nhằm chống lại những ai tự mình tách ra khỏi Giáo Hội, chứ không phải chống lại những ai từ chối gia nhập vào.

Chỉ trong giai đoạn hai, khi kitô-giáo đã trở thành quốc giáo, châm ngôn nầy mới bắt đầu được đem áp dụng cho những người ngoại giáo, và cả những người Do thái, trên cơ sở xác tín chung lúc bấy giờ (cho dẫu khách quan mà nói đó là sai) rằng sứ điệp kể từ đây kể như ai cũng biết cả rồi, và rằng vì thế từ chối sứ điệp đó có nghĩa tự chuôc vào mình thân phận kẻ có tội và đáng phải bị kết án.

Chính sau khi khám phá ra tân thế giới mà các giới hạn địa lý cũ nầy, đúng vậy, mới bị phá đổ cách không thương tiếc. Việc khám phá ra toàn thể các sắc dân sống bên ngoài mọi tiếp xúc với Giáo Hội buộc phải nhìn lại lối giải thích câu châm ngôn cách quá cứng ngắc nầy. Các nhà thần học dòng Đaminh ở Salamanque và, sau đó, các tu sĩ dòng Tên, bắt đầu chọn lựa cho mình một lập trường phê phán, khi thừa nhận rằng người ta có thể ở bên ngoài Giáo Hội mà chẳng nhất thiết là có lỗi và vì thế phải bị loại ra ngoài khỏi ơn cứu độ. Còn nữa, đối diện với cách thức và những phương pháp không thể nào chấp nhận được mà Tin Mừng đôi khi đã được loan báo cho các thổ dân, lần đầu tiên, có người đã đặt vấn đề là cần tra cứu thử xem liệu có đúng hay không khi đi coi là có lỗi tất cả những ai, hoàn toàn biết đến việc loan báo tin mừng, nhưng vẫn không gia nhập đạo.

II- Các tu sĩ, những diễn viên chính

Đã hẳn, đây không phải là nơi thích hợp để đem ra một phê phán lịch sử về công cuộc loan báo tin mừng đầu tiên cho châu Mỹ Latinh. Trong dịp kỷ niệm ngũ bách chu niên, tháng 5 năm 1992, vấn đề nầy đã là đối tượng của một hội nghị chuyên đề của các sử gia, ngay tại Roma đây. Trong diễn từ ngõ với các tham dự viên, Đức Thánh Cha Jean-Paul II đã nói : “Trong công cuộc loan báo tin mừng nầy, cũng như trong bất cứ công trình nào của con người, đã hẳn, có những thành công và những sai lầm, có những bóng tối và những ánh sáng; nhưng, ánh sáng thì nhiều hơn bóng tối, khi xét đến những thành quả mà chúng ta thấy được sau 500 năm : đó là cả một Giáo Hội sống động và năng động mà ngày nay đang tiêu biểu cho một phần quan trọng của Giáo Hội toàn cầu”.

Một đàng, có một số người, nhân dịp kỷ niệm ngũ bách chu niên nầy, nói về nhu cầu cần phải có một nỗ lực “bóc gỡ đi tầng lớp văn hóa” (“déculturation”) và “giải thể đi hậu quả của nỗ lực tin mừng hóa” (“dé-évangélisation”), cho người ta có ấn tượng như vậy là so với điều đã từng xẫy ra theo cái cách thức như đã từng được biết, người ta sẽ thích hơn nếu như nỗ lực tin mừng hóa lục địa nầy đã không xẫy ra. Với tất cả niềm kính trọng đòi phải có đối với tình yêu mà các tác giả nầy đã từng có đối với các dân tộc châu Mỹ Latinh nầy, dầu vậy, tôi tin rằng một quan niệm như thế, cách mạnh mẽ, cần phải được loại bỏ.

Thay vì một thế giới vắng bóng tội lỗi nhưng không có Đức Giêsu-Kitô, thần học đã chứng tỏ cho thấy rằng thà có một thế giới với tội lỗi nhưng có Đức Giêsu-Kitô vẫn hơn. ‘Ôi ! tội hồng phúc ! Tội mà đã mang lại cho chúng ta một Đấng Cứu Chuộc vĩ đại như vậy !’, phụng vụ đêm Phục Sinh đã thốt lên như vậy. Chúng ta lại chẳng phải cũng có thể nói lên cũng cùng một điều tương tự về nỗ lực loan báo tin mừng cho hai vùng Bắc Mỹ và Nam Mỹ hay sao ? Ai lại chẳng thích hơn một lục địa với những bóng tối, nhưng lại có Đức Kitô, so với một lục địa không có “bóng tối và sai lầm”, những điều vẫn luôn có thể đi kèm theo sau những nỗ lực loan báo tin mừng, nhưng lại không có Đức Kitô kia chứ ? Người kitô-hữu nào, thuộc cánh hữu hay cánh tả (nhất là nếu đó lại là linh mục hay tu sĩ) lại có thể nói điều ngược lại, mà không áy náy như vậy là mình đang thiếu đức tin hay sao ?

Tôi đã đọc được ở đâu đó xác quyết nầy và tôi hoàn toàn đồng tình với nó : “Điều vĩ đại nhất đã xẫy ra năm 1492, không phải là chuyện Christophe Colomb đã khám phá ra châu Mỹ, mà là châu Mỹ đã khám phá ra được Đức Giêsu-Kitô”. Quả thật, đó không phải Đức Kitô trọn vẹn của Tin Mừng, Đấng mà đối với Ngài tự do mới chính là điều kiện của niềm tin, nhưng ai là kẻ có thể tự hào mình đang mang một Đức Kitô hoàn toàn không vướng víu gì đến bụi trần của lịch sử ? Những kẻ đang đề xuất một Đức Kitô cách mạng, chống lại những cơ cấu, chính họ cũng vậy, lại chẳng đang quên một điều gì đó của Đức Kitô, thí dụ như khẳng định của Ngài : “Nước Ta không thuộc về thế gian nầy” chẳng hạn ?

Nếu trong đợt sóng loan báo tin mừng đầu tiên, những diễn viên chính là các giám mục và trong đợt sóng thứ hai là các đan sĩ, thì trong đợt sóng thứ ba nầy, các diễn viên chính mà không ai có thể tranh cãi đó là các anh em, hoặc là các tu sĩ thuộc các dòng khất thực, trước tiên là anh em dòng thánh Phanxicô Assisi, các anh em dòng thánh Đaminh, các anh em dòng thánh Augustin, rồi trong thời kỳ thứ hai, các anh em dòng Tên. Các sử gia của Giáo Hội vẫn thừa nhận rằng ở châu Mỹ Latinh “các thành phần thuộc các dòng tu đã đóng một vai trò có tính quyết định trong lịch sử truyền giáo và Giáo Hội”.

Đánh giá của Đức Thánh Cha Jean-Paul II – “ánh sáng thì nhiều hơn là bóng tối” - mà chúng tôi đã có nói tới, có giá trị nhất là đối với các tu sĩ nầy. Sẽ không lương thiện nếu coi thường sự hy sinh xả kỷ và tính chất anh hùng của biết bao người trong số những nhà truyền giáo nầy. Những kẻ đi xâm lược thì được kích thích bởi tinh thần mạo hiểm và nỗi thèm khát chiến thắng, nhưng còn những vị tu sĩ nầy ? Họ có thể chờ đợi gì, khi từ bỏ quê hương và các nhà dòng của họ ? Họ không ra đi để mà chiếm đoạt, mà là để cho đi; họ muốn chinh phục các linh hồn về cho Đức Kitô, chứ không phải những tôi tớ về cho vua Tây ban nha, ngay như không phủ nhận là họ cũng có bị ảnh hưởng đôi chút tâm tình ái quốc nào đó của thời đại mình đang sống.

Khi đọc lại các lịch sử liên quan đến nỗ lực loan báo tin mừng nơi một vùng đất, người ta thấy quả thật là bất công và xa rời thực tế biết bao những đánh giá chung chung của một số tác giả. Điều đó đã đến với chính bản thân tôi, khi tôi được đọc, ngay tại chỗ, biên niên sử ghi lại buổi đầu của công cuộc truyền giáo ở Guatemala và nơi những vùng lân cận. Đó là những lịch sử về những hy sinh và về những diễn biến đột ngột không thể nào kể ra được. Trong số 20 anh em dòng Đaminh ra đi hướng về tân thế giới và Philippines, thì đã có đến 18 anh em hy sinh trong khi đang hành trình. Năm 1974, đã diễn ra Nghị hội bàn “về nỗ lực loan báo tin mừng trên thế giới hiện nay”. Trong những ghi chú viết tay, được thêm vào nơi tài liệu cuối cùng, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết :

“Điều đã được nói đến trong tài liệu về các tu sĩ liệu đã đủ chưa ? Liệu chẳng phải nên thêm vào đấy một từ về đặc tính tự nguyện, dám nghĩ dám làm, đại độ trong nỗ lực loan báo tin mừng của các tu sĩ nam và nữ hay chăng ? Đã đành việc loan báo tin mừng của họ phải tùy thuộc vào thẩm quyền nhà dòng và phải làm sao phối hợp nhịp nhàng được với thẩm quyền đó, nhưng cần ca ngợi họ về tính chất độc đáo, thiên tài, lòng tận tụy, vì họ thường phải nằm trong đám quân tiền phong đầu sóng đầu gió và luôn hứng hết mọi gian nguy, thậm chí cả hy sinh tính mạng”.

Các tu sĩ đã loan báo tin mừng cho châu Mỹ Latinh hoàn toàn xứng đáng với sự thừa nhận nầy. Cũng đã đủ, khi nghĩ đến một số trong những điều mà các tu sĩ nầy đã thực hiện được ở đây, như “những khu tự trị nhỏ” (“réductions”) nỗi tiếng của các anh em dòng Tên ở Paraguay, đó là những ngôi làng mà trong đó các anh em “Thổ dân” kitô, trốn tránh khỏi sự lạm dụng của quyền bính dân sự, có thể tìm hiểu đức tin và khai thác những tài năng của mình, như là những con người.

III- Các vấn đề hiện nay

Bây giờ, như thường lệ, chúng ta hãy cố gắng quay trở về lại với thời hiện tại, và xem xem lịch sử đó nói với chúng ta điều gì, khởi đi từ kinh nghiệm truyền giáo của Giáo Hội mà cách đại thể chúng ta vừa mới phác họa lại. Những điều kiện xã hội và tôn giáo của lục địa nầy đã thay đổi cách sâu xa, đến nỗi có lẽ tốt hơn thay vì nhấn mạnh đến điều chúng ta có thể học được hay không nên học từ thời kỳ nầy, thì nên suy tư về công việc loan báo tin mừng hiện nay trên lục địa châu Mỹ Latinh nầy.

Về vấn đề nầy, đã có và hiện vẫn luôn có vô vàn vô số những suy tư và những tài liệu đến từ Tòa Thánh, từ CELAM và từ từng mỗi Giáo Hội địa phương, đến nỗi tôi sẽ trở thành kẻ huyênh hoang, nếu như nghĩ mình có thể thêm thắt được vào đấy một cái gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cũng có thể đóng góp được một chút gì đó vào một vài suy tư đã có, từ chính kinh nghiệm của bản thân mình trong lĩnh vực nầy, nhờ đã có dịp thuyết giảng trong các kỳ tĩnh tâm của các hội đồng giám mục, của hàng giáo sĩ và của dân chúng trong hầu hết các nước thuộc châu Mỹ Latinh, mà trong đó có một số nước tôi đã thuyết giảng nhiều lần. Ở châu Mỹ Latinh, trong lãnh vực nầy, những vấn đề càng được đặt ra nhiều bao nhiêu thì cũng chẳng khác gì mấy nơi phần còn lại của Giáo Hội.

Một suy tư cần có về nhu cầu cần phải vượt qua một tình trạng cực đoan phải chọn lựa “hoặc cái nầy hoặc cái kia”, vốn đang hiện diện khắp nơi trong Giáo Hội, nhưng, đặc biệt gay gắt ở châu Mỹ Latinh, nhất là trong những năm vừa qua : sự phân cực cực đoan giữa tâm hồn hành động và tâm hồn chiêm niệm, giữa Giáo Hội dân thân trong lãnh vực xã hội vì những người nghèo và Giáo Hội loan báo niềm tin. Trước tình trạng phân cực đó, theo bản năng, chúng ta thường hay bị cám dỗ chọn cho mình một chiến tuyến, ca ngợi bên nầy và mạ lỵ bên kia. Giáo lý về các đặc sủng không cho phép chúng ta tạo ra một cuộc đối đầu như vậy. Ân huệ của Giáo Hội công giáo, đúng vậy, là công giáo, hay nói cách khác, là cởi mở ra với những ân huệ phong phú đa dạng khác nữa, vì vốn xuất phát từ cũng cùng một Thần Khí mà thôi.

Lịch sử các dòng tu, đã dấn thân trên những nẻo đường khác nhau, và đôi khi trái ngược nhau, chứng tỏ cho thấy điều đó : hội nhập vào trong thế gian hay trốn tránh thế gian, làm việc tông đồ giữa những người trí thức, như các anh em dòng Tên, và làm việc tông đồ giữa đám quần chúng, như các anh em dòng capucins. Luôn có chỗ cho tất cả mọi người, cả loại hình nầy, cả loại hình kia. Còn nữa, tất cả chúng ta đều cần lẫn nhau, bởi vì chẳng có ai có khả năng một mình mà có thể thực hiện được tin mừng cách trọn vẹn và có thể biểu hiện được Đức Kitô và cuộc sống của Ngài, dưới tất cả mọi hình thái mà Ngài đã biểu lộ. Vì thế, mỗi người phải vui mừng vì anh em khác đã làm được điều mà chính mình không thể nào làm được : kẻ đang vun trồng đời sống thuộc linh và loan báo Lời hãy biết rằng còn có những anh em khác đang dâng hiến đời mình để bảo vệ công lý và thăng tiến xã hội, và ngược lại. Lời cảnh báo của Tông đồ Phaolô vẫn còn nguyên giá trị của nó : “Một lần thay cho tất cả, chúng ta hãy thôi đi đừng phê phán lẫn nhau !” (x. Rm 14, 13).

Một ghi nhận thứ hai liên quan đến vấn đề những người công giáo tử bỏ Giáo Hội để đi đến với các truyên xưng kitô khác. Trước tiên, chúng ta cần nhớ rằng người ta không được đánh đồng coi tất cả mọi tuyên xưng của các “giáo phái” đều như nhau. Với một vài trong số các tuyên xưng đó, ở đây phải kể các anh em “ngũ tuần”, Giáo Hội công giáo bao năm qua vẫn giữ một cuộc đối thoại đại kết chính thức với họ, và điều nầy chứng tỏ Giáo Hội không coi những tuyên xưng đó như những giáo phái tầm thường.

Sự cổ vũ đối thoại nầy, cả ở qui mô địa phương nữa, vốn có cái lợi là giải độc cho bầu khí được lành mạnh hơn, cô lập hóa được những giáo phái hiếu chiến nhất và làm nản lòng những nỗ lực muốn lôi kéo. Cách đây vài năm, ở Buenos Aires, đã diễn ra một buổi gặp gỡ đại kết, cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau chia sẻ lời, trong đó có sự tham gia của Đức Tổng Giám mục công giáo và các vị lãnh đạo của các Giáo Hội khác, cùng với sự hiện diện của 7000 người. Người ta thấy rõ ràng khả năng có thể có một tương quan mới giữa các kitô-hữu, mang tính xây dựng hơn có lợi cho niềm tin và nỗ lực loan báo tin mừng.

Trong một trong những tài liệu của mình, Đức Thánh Cha Jean-Paul II đã khẳng định rằng việc lan tràn các giáo phái bắt buộc người ta phải tự hỏi tại sao lại thế, cái gì đã thiếu sót trong công tác mục vụ của chúng ta. Trên cơ sở kinh nghiệm của mình – và không chỉ ở châu Mỹ Latinh – tôi xác tín rằng : điều lôi kéo người ta ra khỏi Giáo Hội chắc hẳn không phải là những hình thức đạo đức bình dân có thể xoay chiều bất cứ hướng nào mà phần lớn các Giáo Hội khác và các giáo phái, trái lại, vẫn tìm cách tống khứ và đánh bại. Cho dù phiến diện, nhưng lại mang tính dứt khoát, đó vẫn là một loan báo về ân sủng của Thiên Chúa, có thể sống Đức Giêsu như Đức Chúa và như Đấng Cứu Thế, mang hình hài một nhân vị hẳn hoi, có thể tham gia vào một nhóm quan tâm đến những nhu cầu riêng tư của bạn, cầu nguyện cho bạn trong cơn bệnh hoạn, khi mà y học đã đành chịu bó tay.

Nếu, một đàng, người ta có thể vui mừng vì những người nầy đã gặp gỡ được Đức Kitô và sám hối quay trở lại, đàng khác, điều đáng buồn là để làm điều đó những người nầy đã cảm thấy nhu cầu cần phải từ bỏ Giáo Hội của mình. Trong phần lớn các Giáo Hội mà những anh em nầy đến, tất cả đều xoay quanh cuộc trở lại thứ nhất và việc đón nhận Đức Giêsu như là Đức Chúa. Trong Giáo Hội công giáo, nhờ các bí tích, nhờ thẩm quyền Giáo hội, nhờ một nền linh đạo rất phong phú, đó là điều thuận lợi để người ta không phải chỉ dừng lại nơi giai đoạn sơ khởi ban đầu, mà còn phải đạt tới sự sống kitô viên mãn và hoàn hảo. Các vị thánh là những chứng cứ cho thấy điều đó. Nhưng, điều cần thiết là khởi đầu nầy phải thực sự phát xuất từ một hành vi có ý thức và từ nguyện vọng riêng tư của đương sự và, nơi điều đó, thách đố của các cộng đoàn tin mừng và ngũ tuần đối với chúng ta như vậy lại là liều thuốc kích thích cho chúng ta.

Nơi điều đó, hơn bao giờ hết, nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Paul VI, Phong trào Canh tân nhờ đặc sủng chứng tỏ cho thấy “là một cơ may cho Giáo Hội”. Ở châu Mỹ Latinh, các vị mục tử của Giáo Hội đang bắt đầu hiểu rằng Phong trào canh tân nhờ đặc sủng không phải (như một số người tin là thế lúc ban đầu) là “một phần của vấn đề” khiến những người công giáo ra khỏi Giáo Hội, mà đúng hơn là một phần giúp giải quyết vấn đề. Các thống kê chưa bao giờ để lộ cho thấy có bao nhiêu người vẫn trung thành với Giáo Hội, nhờ nhận thấy trong Phong trào Canh tân nhờ đặc sủng điều mà những người khác lại đi tìm kiếm ở nơi khác. Có nhiều cộng đoàn, vốn xuất thân từ Phong trào canh tân nhờ đặc sủng, mặc dầu vẫn còn một vài hạn chế nào đó và thậm chí đôi khi còn một vài lệch lạc nào đó nữa, là những đạo quân tiên phong trong nỗ lực phục vụ Giáo Hội và loan báo tin mừng.

IV- Vai trò của các tu sĩ trong nỗ lực tân tin mừng hóa

Tôi đã nói rằng tôi không muốn dừng lại nơi nỗ lực loan báo tin mừng đầu tiên trên lục địa nầy. Tuy nhiên, có một điều đáng cho chúng ta quan tâm : đó là tầm quan trọng của các dòng tu truyền thống trong nỗ lực loan báo tin mừng. Chính là dành cho họ mà Chân Phước Giáo hoàng Jean-Paul II, nhân dịp kỷ niệm 500 năm biến cố loan báo tin mừng lần đầu tiên cho lục địa nầy, đã viết Bức Tông Thư, với tựa đề nguyên gốc của nó là “Los caminos del Evangelio”. “Các tu sĩ – ngài viết – mà vốn đã là những sứ giả loan báo tin mừng đầu tiên và mà, cách hiển nhiên, đã đóng góp nhiều trong việc làm cho đức tin sống được trên lục địa nầy, hẳn không thể vắng mặt trong lời hiệu triệu nầy của Giáo Hội, nhằm tham gia vào một nỗ lực loan báo tin mừng mới. Những đặc sủng khác nhau của đời sống tận hiến sẽ giữ gìn cho sứ điệp của Đức Giêsu luôn hiện diện và hiện hành mọi thời và mọi nơi.”

Chính đời sống cộng đoàn, nhờ có một sự điều hành tập trung và những trung tâm đào tạo trình độ cao, mà ngày xưa đã cho phép các dòng tu lăn xã được vào trong một công việc truyền giáo bao la như vậy. Nhưng, ngày nay, liệu có còn được sức mạnh đó chăng ? Trong tư cách một người trong cuộc, vốn thuộc về một trong những hội dòng xưa cũ nầy, tôi có thể dám trình bày cách thoải mái hơn. Việc giảm sút ơn gọi cách nhanh chóng trong các xứ sở phương Tây đã tạo ra một tình thế nguy hiểm : đó là việc người ta dành gần như toàn bộ sức lực của mình để làm sao thỏa mãn được những nhu cầu nội bộ bên trong của gia đình dòng tu của mình (đào tạo giới trẻ, tìm cách bảo tồn các cơ cấu và các công trình), mà chẳng có mấy quan tâm và sức lực dành cho nỗ lực hòa mình vào trong quĩ đạo rộng lớn hơn của Giáo Hội. Vì thế, có tình trạng người ta chỉ co cụm lại với chính mình mà thôi. Ở châu Âu, các dòng tu truyền thống bị bắt buộc phải hợp nhất nhiều tỉnh dòng lại làm một và, đau đớn thay cả việc cứ liên tục đóng cửa hết nhà này sang nhà nọ.

Đã hẳn, sự tục hóa là một trong những nguyên nhân của tình trạng giảm sút ơn gọi nầy, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Vẫn có những cộng đoàn dòng tu mới đang cuốn hút cả một đám đông các bạn trẻ. Trong Bức Tông Thư mà tôi vừa mới nhắc tới, Đức Thánh Cha Jean-Paul II khuyên các nam nữ tu sĩ châu Mỹ Latinh hãy “loan báo tin mừng khởi đi từ chính kinh nghiệm sâu xa của mình về Thiên Chúa”. Đó mới chính là điểm trọng yếu : “Một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa”. Chính cái đó mới hấp dẫn để có được những ơn gọi và tạo ra được những hoa trái đầu mùa cho một đợt sóng loan báo tin mừng mới có hiệu quả. Trong lãnh vực nầy, câu ngạn ngữ “nemo dat quod non habet”, không ai có thể cho điều mà mình không có, tỏ ra có giá trị hơn bao giờ hết.

Bề trên giám tỉnh của các anh em dòng Capucins des Marches, vốn cũng là bề trên của tôi, nhân dịp Mùa Vọng nầy, đã viết một Bức Thư gửi tất cả anh em trong dòng. Ngài đã đưa ra một thách thức mà tôi tin là tất cả mọi cộng đoàn dòng tu truyền thống đều có thể lắng nghe được :

“Bạn, người đang đọc những giòng nầy, bạn phải tưởng tượng rằng ‘bạn là Thánh Thần’ (“tu es l’Esprit Saint”). Phải, chắc bạn hiểu rõ điều đó : rằng bạn không chỉ tràn ngập Thánh Thần, mà bạn còn là chính Thánh Thần, Ngôi Ba của Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi. Và, dưới hình thức nầy, bạn hãy nghĩ rằng bạn có quyền mời gọi và sai một người trẻ đi vào con đường vốn sẽ giúp cho anh ta đạt được tình trạng hoàn hảo của Đức Ái, sống được đời sống dòng tu, nếu muốn nói cách nôm na. Liệu bạn có có can đảm để gửi anh bạn trẻ đó vào trong huynh đoàn của bạn, với niềm xác tín bảo đảm là huynh đoàn của bạn có thể là nơi chốn cách nghiêm túc sẽ giúp cho anh bạn trẻ nầy thực sự đạt đến được tình trạng hoàn hảo của Đức Ái trong mọi ngày của đời sống ? Nói cách khác : nếu như một người trẻ nào đó đến sống vài ngày hay vài tháng trong huynh đoàn của bạn, chia sẻ kinh nguyện, đời sống huynh đệ, công việc tông đồ…liệu anh ta có mê say được đời sống của chúng ta chăng ?”

Khi các dòng khất thực, đaminh và franciscains xuất hiện, vào đầu thế kỷ XIII, các dòng đan sĩ cũng đã được hưởng lợi không ít, đó là các đan sĩ được mời gọi để sống đời sống khó nghèo và có tính tin mừng hơn, trong khi mỗi bên vẫn hoàn toàn giữ được đặc sủng của riêng mình. Liệu chúng ta, các dòng tu truyền thống, ngày hôm nay, trong tương quan với các hình thức mới mẻ sống đời sống tận hiến đang được khêu gợi lên trong Giáo Hội, lại chẳng làm được như vậy hay sao ?

Ân sủng tạo ra các thực tại mới mẻ nầy thì nhiều và đa dạng, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung, đó là Thánh Thần, “Lễ Ngũ Tuần mới”. Sau Công đồng, hầu như tất cả các dòng tu đã tồn tại trước đó đều đã rà soát lại và canh tân các bản hiến chương của mình, nhưng ngay từ năm 1981, Chân phước Jean-Paul II đã cảnh báo : “Mọi công việc canh tân đổi mới Giáo Hội mà Công đồng Vatican II, nhờ ơn quan phòng của Thiên Chúa, đã đề xướng và đã khởi đầu…chỉ có thể thực hiện được trong Thánh Thần, tức là với sự trợ giúp của ánh sáng của Ngài và quyền năng của Ngài mà thôi.”
“Thánh Thần – thánh Bonaventure đã nói – đi đến nơi “mà Ngài được yêu mến, nơi mà Ngài được mời, nơi mà Ngài được chờ đợi.” Chúng ta cần phải mở toang các cộng đoàn của chúng ta ra cho hơi thở của Thần Khí, Đấng sẽ đổi mới kinh nguyện, đời sống huynh đệ, tình yêu đối với Đức Kitô, và cùng với Ngài nhiệt tình truyền giáo. Nhìn lui lại đàng sau, những cội nguồn riêng của chúng ta, đấng sáng lập riêng của chúng ta, đã hẳn, nhưng còn phải nhìn vế phía trước nữa.

Khi nhìn vào hoàn cảnh hiện nay của các dòng tu trong thế giới phương Tây, câu hỏi mà ngôn sứ Ezékiel đã nghe vang vọng lên bên trên thung lũng các bộ xương khô, cách tự nhiên lại đến với tâm trí chúng ta : “Những bộ xương khô nầy liệu có thể sống lại chăng ?” Những bộ xương cứng cỏi mà người ta nói đến trong bản văn không phải là của những người chết mà là của những người sống; chính dân Israel đang trong hoàn cảnh lưu đày đã nói : “Những bộ xương của chúng con đã khô cằn, niềm hy vọng của chúng con đã can kiệt, chúng con đã tiêu vong !” Những tâm tình nầy đôi khi cũng lộ ra nơi chúng ta, những phần tử của những dòng tu xưa cũ.

Chúng ta hẳn biết câu trả lời, tràn đầy niềm hy vọng, mà Thiên Chúa đã tỏ bày : “Ta sẽ đặt thần khí của Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ được sống; Ta sẽ định cư các ngươi trên mãnh đất của các ngươi, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức Chúa : Ta nói và Ta sẽ làm”, đó là lời của Đức Chúa. Chúng ta cần phải tin và hy vọng rằng cũng sẽ xãy ra cho chúng ta, và cho toàn thể Giáo Hội, điều mà lời ngôn sứ đã nói : “Thần Khí đã xâm nhập vào họ; họ khôi phục lại được sự sống, và đứng vững được với đôi chân của mình : đó là một đạo quân đông vố số kể” (xem Ed 37, 1-14).

Cách đây 4 ngày, như tôi đã nói ngay từ đầu, châu Mỹ Latinh đã cử hành Lễ Đức Bà Guadalupe. Người ta đã tranh luận nhiều về tính chất lịch sử của những sự kiện vốn nằm ở nơi cội nguồn của việc sùng kính nầy. Chúng ta cần phải thống nhất với nhau về điều mà người ta hiểu là sự kiện lịch sử. Có nhiều sự kiện thực sự đã xãy ra, nhưng không tạo nên lịch sử, bởi vì điều “tạo nên lịch sử”, theo ý nghĩa đặc thù của nó, không phải là tất cả gì đã xẫy ra, mà duy chỉ có điều mà, còn hơn cả đã được xẫy ra, đã có một tầm ảnh hưởng lên trên đời sống của một dân tộc, đã tạo ra được một sự gì đó mới mẻ, đã để lại được một dấu vết nào đó bên trong lịch sử. Và dấu vết mà Đức Nữ Trinh Guadalupe đã để lại trong lịch sử của dân tộc Mexique và cả châu Mỹ Latinh quả thực sâu sắc biết bao, làm sao có thể hình dung ra được đây !

Sự kiện hình ảnh Đức Maria, ngay từ khi lục địa châu Mỹ mới bắt đầu được loan báo tin mừng, năm 1531, thấy được in ấn trên chiếc áo choàng (tilma) của thánh Diego, dưới những đường nét của một cô gái trẻ pha trộn da màu, đúng như cái tên của ngài là “Morenita”, trên đồi Tepeyac, mạn Bắc Mexico, vốn mang một ý nghĩa tượng trưng rất cao. Người ta không thể có được cách nói nào đầy gợi ý hơn thế, rằng Giáo Hội, ở châu Mỹ Latinh, như vậy là được mời gọi – và Giáo Hội ở đây vẫn muốn làm như thế - để làm người bản xứ với những người bản xứ, để làm người da trắng lai với những người da trắng lai, là tất cả cho tất cả mọi người.

[Nguyên tác Ý ngữ; Bản Pháp ngữ của Zenit (Isabelle Cousturié); Bản Việt ngữ của linh mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung]