1. Quan hệ giữa Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu và Thánh Lễ

Kính thưa quý vị và anh chị em, tiếp tục loạt bài về các kinh nguyện Kitô Giáo, trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đề cập đến mối quan hệ giữa Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu và Thánh Lễ vẫn đang tiếp tục được cử hành liên tục khắp nơi trên thế giới. Ngài nói:

“Trong bí tích Thánh Thể, Giáo Hội đáp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: ‘Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy’ trong kinh nguyện Thánh Thể và với những lời này bánh và rượu hoá thành Mình và Máu Chúa Kitô”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh vì bánh và rượu được thánh hiến trong Thánh Lễ đã trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, việc rước lễ tăng cường sức mạnh cho các tín hữu. Ngài nói tiếp:

“Xin cho việc cử hành bí tích Thánh Thể, theo lệnh truyền của Chúa Kitô, hiệp nhất chúng ta sâu xa hơn với lời cầu của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly và cho phép chúng ta, trong sự hiệp thông với Ngài, dâng hiến đời ta trọn vẹn hơn trong hy tế dâng lên Chúa Cha”.

Trong buổi triều yết chung, 120 nghệ nhân của một đoàn xiếc đã trình diễn trên hàng ghế đầu của Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.

Một điểm đặc biệt nữa là một con cá sấu Cuba cũng được cho ra mắt Đức Thánh Cha. Con cá sấu này hiện nay dài 38 cm và sẽ sớm được đưa trở lại Cuba.

2. Ý nghĩa của bí tích Rửa Tội

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin cuối cùng của Mùa Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã khích lệ các tín hữu Công Giáo thể hiện đức tin bằng lời nói và việc làm.

Trước một số đông đảo các tín hữu đứng chật quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã giải thích ý nghĩa biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa đối với những ai đã chịu bí tích Thánh Tẩy. Ngài nói:

“Phép Rửa là một sự tái sinh mới dọn đường cho các hoạt động của chúng ta. Nhờ đức tin chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Kitô, nhưng chỉ có Ngài mới có thể biến chúng ta trở nên các Kitô hữu, và ban cho ý chí và lòng ao ước của chúng ta câu trả lời, phẩm giá và quyền năng trở thành con cái Thiên Chúa”.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin cuối cùng của Mùa Giáng Sinh, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các tín hữu Công Giáo, là những người đã chịu phép Rửa cần thể hiện ra cho mọi người thấy chúng ta là ai qua lời nói và việc làm.

“Với Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Mẹ Chúa Kitô và tất cả những ai tin cậy nơi Ngài, chúng ta cầu xin ơn phù trợ để chúng ta sống đúng nghĩa là con cái Thiên Chúa không chi qua lời nói nhưng còn qua việc làm”.

Các tín hữu hành hương đã có một cơ hội đặc biệt để quây quần quanh cây thông Giáng Sinh cao đến 30 m. Cây thông này sẽ được dọn đi trong vài ngày sắp tới.

3. Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Sáng ngày 9 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh gồm 182 vị đại sứ đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.

Sau lời chào mừng của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Ông Alejandro Lalladares Lanza /a lei jan dro lal la da: riz lan dza/, Đại sứ của Honduras; Đại Sứ Jean-Claude Michel /Jawn kload mi tsel/ của Tiểu vương quốc Monaco là phó niên trưởng đã nói đến những biến cố nổi bật trong năm vừa qua, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh, các thiên tai và khát vọng tự do của nhiều dân tộc, cũng như sự di cư của hàng triệu người lớn và trẻ em.

Trong lời đáp từ của ngài, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi những thay đổi trong công pháp quốc tế nhằm bảo đảm cho mọi người trên thế giới có cơ hội được sống đúng với phẩm giá của mình, được phát triển tài năng cho thiện ích của cộng đồng. Sau đó, Đức Thánh Cha đã liệt kê những thách đố trong năm 2012 bao gồm làn sóng bài Kitô Giáo, chủ nghĩa khủng bố và bạo lực chống lại các tín hữu Kitô tại vùng Trung Đông.

4. Đức Thánh Cha rửa tội cho 16 trẻ sơ sinh tại nguyện đường Sistina

Được vây quanh bởi các phù điêu đẹp nhất trên thế giới, hôm 8 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đích thân rửa tội cho 16 trẻ sơ sinh trong nhà nguyện Sistina của Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha đã sử dụng giếng nước rửa tội mới thay cho giếng nước đã được dùng từ năm 1996.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha đã kêu gọi các bậc phụ huynh hãy nhận lãnh trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái mình.

“Giáo dục là một sứ vụ cấp bách; đôi khi còn rất khó khăn vì khả năng con người luôn hạn chế của chúng ta. Nhưng giáo dục cũng là một sứ vụ tuyệt vời vì nó được thực hiện trong sự cộng tác với Thiên Chúa, Đấng là nhà giáo dục đầu tiên và chân thật của mỗi con người”.

Theo Đức Thánh Cha, cách tốt nhất để giáo dục con trẻ là qua những gương sáng, qua lời cầu nguyện và các phép Bí Tích.

“Cha mẹ phải trao ban rất nhiều nhưng để có thể cho, trước hết họ phải lãnh nhận. Nếu không, họ trở nên trống rỗng và khô khan”.

Để thực sự giáo dục con trẻ, theo Đức Thánh Cha, các phụ huynh phải học biết cách dạy dỗ và cả cách thức làm sao đứng qua một bên.

“Một thầy giáo đích thực không gông cùm người khác vào với mình, không sở hữu họ.Trái lại, người thầy ấy phải làm sao cho con trẻ và môn sinh của mình học được chân lý và thiết lập một mối liên hệ cá vị với chân lý.”

Theo thông lệ hàng năm, Đức Thánh Cha đều đích thân rửa tội cho một số trẻ em trong Chúa Nhật ngay sau Lễ Hiển Linh là Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Ngày lễ này đánh dấu việc kết thúc Mùa Giáng Sinh.

5. Đức Thánh Cha được kể là một trong 10 nhân vật được ưa chuộng nhất tại Hoa Kỳ.

Theo một cuộc nghiên cứu của viện Gallup và tờ USA Today, Đức Thánh Cha là một trong 10 nhân vật được dân chúng Hoa Kỳ ngưỡng mộ nhất. Điểm đặc biệt là trong danh sách này, Đức Thánh Cha là người duy nhất không phải là công dân Hoa Kỳ.

6. Tài Liệu Mục Vụ với những chỉ dẫn và đề nghị cụ thể về việc cử hành Năm Đức Tin

Hôm 7 tháng Giêng, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố Tài Liệu Mục Vụ với những chỉ dẫn và đề nghị cụ thể về việc cử hành Năm Đức Tin bắt đầu từ ngày 11 tháng 10 năm nay, trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và sẽ kết thúc vào ngày lễ Chúa Kitô Vua 24 tháng 11 năm tới, 2013.

Mục tiêu của sáng kiến này theo Tông Thư Porta Fidei, nghĩa là Cánh Cửa Đức Tin, là nhằm đề cao sự hoán cải và canh tân trong cộng đoàn dân Chúa, đồng thời tái khám phá đức tin và biến các thành phần trong Giáo Hội trở nên những chứng nhân khả tín cho Tin Mừng.

Tài Liệu Mục Vụ này được Bộ Giáo Lý Đức Tin soạn thảo với sự cộng tác của một số cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số Hồng Y, và Giám Mục tại các nước.

Tông Thư Porta Fidei đề nghị việc cử hành được thực hiện trên 4 bình diện khác nhau.

Trên bình diện Giáo Hội Hoàn Vũ, Văn kiện Tòa Thánh khuyến khích tổ chức các cuộc hành hương quốc tế của các tín hữu và các cuộc tụ tập trên quy mô thế giới như ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janerio.

Trên bình diện quốc gia, Bộ Giáo Lý Đức Tin khích lệ việc tổ chức học hỏi đức tin, tái bản các văn kiện Công Đồng, sách Giáo Lý chung, cũng như cuốn toát yếu giáo lý Công Giáo, sử dụng các ngôn ngữ mới mẻ trong lãnh vực truyền thông, phim ảnh để phổ biến đức tin, soạn thảo các tài liệu có tính chất hộ giáo.

Trên bình diện giáo phận, Văn kiện Tòa Thánh cổ võ việc cử hành các buổi lễ nhân dịp khai mạc và bế mạc Năm Đức Tin; tổ chức ngày giáo phận học hỏi về Sách Giáo Lý chung; khuyến khích các đấng bản quyền công bố thư mục tử về đề tài đức tin; và tổ chức những buổi cử hành thống hối trong mùa Chay để xin Chúa tha thứ về những tội chống lại đức tin.

Trên bình diện giáo xứ, hội đoàn và phong trào, Văn Kiện Mục Vụ của Bộ Giáo Lý Đức Tin mời gọi các tín hữu đọc và suy gẫm Tông thư “Cánh Cửa Đức Tin” của Đức Thánh Cha về ý nghĩa và việc cử hành năm đức tin; phân phát Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo hoặc các tài liệu khác thích hợp với các gia đình, là những Giáo hội tại gia đích thực và là những nơi đầu tiên để thông truyền đức tin.

Văn kiện Tòa Thánh đặc biệt cổ võ tổ chức các tuần đại phúc và các sáng kiến khác trong giáo xứ, tại nơi làm việc, để giúp các tín hữu tái khám phá hồng ân đức tin qua phép rửa tội và trách nhiệm làm chứng tá đức tin, với ý thức rằng ơn gọi Kitô, tự bản chất, cũng là ơn gọi làm việc tông đồ.

7. 600 năm ngày sinh của Thánh Jeanne d'Arc

600 năm trước đây vào ngày 6 tháng Giêng năm 1412, thánh nữ Jeanne d'Arc đã chào đời giữa các thực tại thê thảm của Giáo Hội và thế giới thời đó. Giáo Hội thời đó sống cuộc khủng hoảng ly giáo kéo dài 40 năm với một Giáo Hoàng và hai Ngụy Giáo Hoàng. Cùng với cảnh Giáo Hội bị xé rách đó là các cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa các quốc gia kitô, thê thảm nhất là cuộc chiến kéo dài 100 năm giữa Pháp và Anh.

Vào đầu năm 1429 Jeanne bắt đầu công trình giải phóng nước Pháp. Các chứng nhân đều cho biết thiếu nữ 17 tuổi này là một người rất mạnh mẽ, cương quyết và có khả năng thuyết phục những người lưỡng lự và thất đảm nhất. Chị vượt thắng mọi chướng ngại và gặp hoàng tử Pháp là vua Charles VII tương lai tại Poitiers.

Ngày 22 tháng 3 năm 1429 Jeanne đọc cho người ta viết một lá thư cho vua và quân binh nước Anh đang bao vây thành phố Orléans, đề nghị giải pháp hòa bình trong công lý giữa hai dân tộc nhân danh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Lời đề nghị bị từ chối, khiến cho nàng phải dấn thân chiến đấu và giải phóng thành Orléans ngày mùng 8 tháng 5 năm đó. Jeane cũng tham dự lễ đăng quang của vua Chalres VII tại Reims ngày 17 tháng 7 năm 1429. Trong một năm Jeanne sống giữa quân lính và rao giảng Tin Mừng cho họ. Các chứng nhân đều công nhận lòng tốt, sự can đảm và trong sạch ngoại thường của nàng và mọi người đều gọi nàng là trinh nữ.

Cuộc khổ nạn của Jeanne bắt đầu ngày 23 tháng 5 năm 1430, khi nàng bị bắt làm tù binh. Ngày 23 tháng 12 nàng được dẫn tới thành Rouen để bị xét xử, bị kết án và bị thiêu sống ngày 30 tháng 5 năm 1431.

Năm 1920 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV đã phong thánh cho chị Jeanne d'Arc.

8. Ba Vua là ai?

Chủ đề của Đại Hội Giới Trẻ 2005 là “Chúng tôi đến thờ lậy Ngài”. Đó là câu Kinh Thánh trong Phúc Âm thánh Mátthêu trong trình thuật về Ba Vua đến thờ lậy Chúa Giêsu trong máng cỏ.

Cũng vì ý nghĩa của chủ đề này mà Đức Thánh Cha Bênêđictô 16 khi vừa đến Cologne (Köln đọc là /kơn/) đã đến Vương Cung Thánh Đường thành phố này để kính viếng di hài ba vị mà chúng ta hay gọi là Ba Vua, hay Ba Nhà Đạo Sĩ, hay Ba Nhà Chiêm Tinh.

Theo tục truyền thì xương cốt ba vua đã được lưu trữ tại Cologne từ năm 1164. Theo chuyện kể ba vua chết ở Ba Tư. Nhưng vào thế kỷ thứ 4, thánh Helen đã đưa di hài ba Ngài về Constantinople. Sau đó di cốt lại được đưa về Milan Ý.

Khi Hoàng Đế Frederick I (Barbarosa) của Đức đánh chiếm Milan vào năm 1162 thì Hoàng Đế đã ra lệnh cho vị Tổng Giám Mục Cologne đem di hài ba vua về để ở Cologne. Và từ đó đến nay, người ta vẫn tin rằng đó là di hài của ba vua được lưu trữ tại Vương Cung Thánh Đường Cologne. Dân chúng ở đây rất sùng kính di hài ba Vua. Từ sự sùng kính này, nên Đức có phong tục hát Ba Vua mà không nước nào có.

Trong dịp này Đức Thánh Cha đã giải thích về Ba Vua như sau:

“Tại sao các nhà Đạo Sĩ lại lên đường đến Bethlehem từ nơi rất xa? Câu trả lời có liên quan đến mầu nhiệm của “ngôi sao” mà họ đã thấy từ “Phương Đông” là ngôi sao mà họ nhận ra là ngôi sao của “Vua dân Do Thái”, nghĩa là ngôi sao ấy là dấu chỉ sự Giáng Sinh của Đấng Messiah.

Vì thế hành trình của họ được linh hứng bởi một niềm hy vọng mạnh mẽ, được thêm sức mạnh và được dẫn dắt bởi ánh sao đưa họ đến với Vua dân Do Thái, đến với vương quyền của chính Thiên Chúa. Đây là ý nghĩa thâm hậu của cuộc hành trình của chúng ta: để phục vụ cho vương quyền của Thiên Chúa trên thế gian.

Các nhà Đạo Sĩ lên đường vì ước muốn thâm sâu thúc giục họ bỏ lại sau lưng mọi thứ và bắt đầu cuộc hành trình. Như thể họ đã mong chờ ánh sao này từ lâu. Như thể cuộc hành trình này là một phần đã được tiền định trong đời họ, và cuối cùng đã đến lúc thực hiện.

Các con thân mến,

Đây là mầu nhiệm tiếng Chúa gọi ta, là mầu nhiệm của ơn gọi.

Đó là một phần đời của mọi tín hữu Kitô, nhưng đó đặc biệt tỏ tường nơi những ai mà Chúa Kitô đã kêu gọi bỏ lại mọi thứ để theo Ngài mật thiết hơn. Người chủng sinh cảm nghiệm vẻ đẹp của ơn gọi này trong một thời điểm ân sủng nói được như là lúc “bước vào yêu”.

Tâm hồn người chủng sinh ấy ngập tràn kinh ngạc, khiến người ấy thốt lên trong lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, sao lại là con?” Nhưng tình yêu không có chữ tại sao; đó là một món qùa cho đi mà ta đáp lại bằng cách cho đi chính mình.

9. Giáo Hội hiện diện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông

Hơn 2 triệu người đã tìm thấy những câu trả lời về cuộc đời của Chúa Giêsu nhờ sáng kiến của các giáo sư Sử Học và Thần Học của Đại Học Navarra của Tây Ban Nha.

Trong khi đó, một web site khác có tên là Arguments tại địa chỉ www.arguments.es mở một chương trình dạy giáo lý cho trẻ em qua hàng loạt những tranh hoạt hình.

10. Một cuốn sách của một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế người Việt được phát hành rộng rãi trên thế giới.

Pauline Publications vừa cho tái bản cuốn "Advancing The Culture Of Death: Euthanasia And Physician Assisted Suicide." dịch sang Tiếng Việt là: "Phát Triển Nền Văn Hóa Sự Chết: An Tử Và Trợ Tử.” tại 17 nước trên thế giới trong đó có Macau, Singapore, Thái Lan, Hương Cảng, Mã Lai Á, Namibia, Nairobi, Tanzania, Nam Phi, Uganda, Zambia, Đài Loan, Malta, Sudan, Nigeria, và Phi Luật Tân. Cuốn sách của linh mục tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng được Freedom Publishing cho xuất bản lần đầu tại Úc vào năm 2006. Thần Học Gia hàng đầu của Úc Châu, Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, nhận định rằng cuốn sách của cha Hùng “bàn đến một trong những thách đố gai góc nhất trong xã hội đương đại”.

11. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng vừa tròn 80 hôm 13 tháng Giêng.

Hồng Y Đoàn do đó chỉ còn 107 vị có quyền bầu Giáo Hoàng. Ngày 18 tháng 2 tới đây Đức Thánh Cha sẽ tấn phong Hồng Y cho 22 vị trong đó có Đức Giám Mục Gioan Thang Hán của Hương Cảng năm nay 73 tuổi.