TỈNH ĐỂ BUÔNG...

Lần nọ, tôi có cơ hội hiện diện trước giường bệnh của một ông cụ đang hấp hối. Trước khi cụ nhắm mắt, cụ lấy hết sức mình với tay để chụp lấy tay tôi, nhưng chưa kịp chạm vào tay tôi thì cụ đã buông xuống và tắt thở.

Vâng! Con người nào từ khi được sinh ra trên cõi trần này cũng đều có khuynh hướng bám víu và giữ lại. Trẻ thơ vừa lọt lòng mẹ, thì xuất hiện những tiếng gào thét cùng với hai bàn tay đều nắm chặt như ai đó lấy đi cái gì đó của bé vậy! Ông cụ ở trên cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Có thể suốt quãng đời làm người trên trần gian này, chúng ta đã vất vả tìm kiếm và chất đầy vào hành trang cuộc đời chúng ta vô số những thứ linh tinh, và có thể thậm chí xem ra rất trẻ con khi chúng ta có dịp rà soát lại kho chứa của mình. Khi nhìn lại kho dự trữ ấy, chúng ta sẽ không khỏi bàng hoàng vì nhà kho của mình to lớn bằng cả một quốc gia! Vậy mà... bao lâu nay chúng ta khệnh khạng mang vác. Vất vả. Nặng nề. Đuối sức. Hụt hơi. Nếu có nghiệm ra được, thì cũng không có can đảm buông xuống và rời bỏ, "bỏ thì thương, vương thì tội." Vẫn có những giáo sư nổi danh trong nhà có cả một thư viện, đồ đạc trong phòng như là một đống ve chai hỗn độn và lỉnh kỉnh. Có những quyển tập quyển sách đã từ lâu lắm rồi vẫn còn đó, chưa từng đọc lại một lần, nhưng không thể bỏ cuốn nào đi được, vì hình như, bỏ một cuốn sách quyển vở hay một thứ gì đó như là bị một vết thương đau nảy sinh trong tâm hồn. Vì những gì đã từng đi theo chúng ta trở nên thắm thiết và gần gụi lắm, vì từng món đồ nhỏ ấy như gợi lại bao kỷ niệm quá khứ.

Thêm vào đó, con người đang sống trong thế giới của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc, càng làm cho con người thời đại chất vào hành trang mình thêm khối lượng khổng lồ. Những thông tin ồ ạt trên truyền hình, qua Internet, qua báo chí, quảng cáo..., là những tích trữ của những gánh nặng vô hình trên bộ não và con tim thật nhỏ bé và mong manh của con người.

Khi người ta bẫy khỉ, rất dễ dàng vì chỉ cần có trái dừa mà thôi. Đục một lỗ nhỏ nơi trái dừa, làm sao chỉ vừa đủ cho bàn tay khỉ đưa vào. Khi thấy mùi thơm của trái dừa toát ra ngoài, khỉ bèn đưa tay vào, nắm lấy thức ăn, thế nhưng khỉ sẽ không làm sao rút tay ra được. Khỉ càng sợ hãi, càng cuống quýt, thì bàn tay khỉ càng nắm chặt. Người ta chỉ còn việc đến để bắt.

Chẳng ai giữ chú khỉ trong cái bẫy ấy cả. Chỉ có lòng tham của chính chú khỉ mới nắm giữ chú lại mà thôi. Chú muốn thoát thân, chú chỉ cần buông bỏ tay ra. Chú muốn thoát thân, chú chỉ cần can đảm để lại tất cả những thức ăn bên trong trái dừa. Nhưng thật đáng thương thay, chú lại xem thức ăn trong trái dừa quan trọng hơn xác thân của chú.

Ai ai cũng cho rằng, khi từ bỏ thì sẽ đớn đau. Nhưng thật ra, khi đã có kinh nghiệm của sự buông bỏ, thì chúng ta sẽ thấy được hạnh phúc thực sự trong thẳm sâu tâm hồn.

Các môn đệ Chúa Giêsu đang vất vả lo toan cuộc sống mưu sinh. Vậy mà, khi Chúa gọi, các ông bỏ lại tất cả và bước theo Ngài! Các ông không những bỏ sự nghiệp, bỏ công việc sinh nhai, nhưng hơn thế, các ông còn rời khỏi gia đình thân thương ruột thịt. ... "Lập tức các ông bỏ lưới theo Người... Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người." (Mc 1,19-20)

Các môn đệ theo Chúa, không phải vô trách nhiệm, hay ích kỷ khi bỏ lại tất cả. Nghĩa "buông bỏ", "xóa mình", hay "hy sinh" theo thần học Kitô giáo, không phải là rũ bỏ tất cả, khinh thường tất cả những hạn thể để lên đường đi tìm hạnh phúc thiên giới cho bản thân. Theo thần học thánh Phaolô, buông bỏ có nghĩa là chết đi cho chính mình, là kenosis, là xóa mình như Chúa Giêsu đã thực hiện trong suốt quãng đời rao giảng của Ngài, và đỉnh cao của sự buông bỏ của Ngài là cái chết nhục nhã và cô quạnh trên Thánh Giá của đồi Calvê. Sự buông bỏ của Chúa Giêsu là sự buông bỏ mang tính cứu độ. Ngài hy sinh hạn thể trong mầu nhiệm làm người để đưa tất cả vào trong vô hạn thể, là cung lòng của Chúa Cha Tình Thương. Các môn đệ rời bỏ gia đình, không phải vô trách nhiệm với bổn phận làm cha, làm con, làm anh em..., nhưng thực sự, các ông đã sống trọn vẹn cho tha nhân hơn nữa trong cái nhìn của đức tin Kitô giáo. Khi các ông chọn đi theo Chúa, có nghĩa là các ông xem Chúa là mục đích tối hậu của đời mình. Khi đã múc lấy được nguồn mạch ân sủng và Thần Khí, các ông đã trở thành công cụ máng chuyển để mang những ơn ích đó cho nhân loại, trong đó có gia đình và bạn hữu thân quen của mình, "...Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người như lưới cá." (Mc 1,17) Từ sự nghiệp chài lưới bắt cá, các ông theo Chúa được thăng hoa và thêm sức mạnh để trở thành ngư phủ thâu lượm con người về với Chúa, cội nguồn an lạc và yêu thương.

Trong hoàn cảnh giáo hội Công giáo ngày nay, việc buông bỏ cần thiết hơn lúc nào hết. Hơn bao giờ hết, con người thời đại luôn luôn bị bao vây bởi biết bao những thứ làm cho con người thời đại thêm đau khổ, nặng nề, nhọc nhằn. Khi xưa, con người biết thời gian qua sự quan sát trời trăng mây gió, nhưng ngày nay từ khi đồng hồ tiện lợi ra đời, con người không còn được thảnh thơi nữa. Mọi người tất bật, vội vã, không kịp ăn, không kịp uống... Có lẽ không lạ gì khi ngày nay nhiều người than vãn vì bận quá, vì không có thời giờ, vì thế này vì thế khác... Thật thế, hình như từ khi có sự ra đời và phát triển của Internet, của điện thoại di động, của những bộ máy truyền hình, của những quả táo khuyết... đáng lẽ ra đời sống cống người trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn, thế mà nhìn lại thấy rằng con người hôm nay càng khó gần nhau, càng khó có thời gian cho nhau, và càng khó chạm đến tâm hồn của nhau hơn. Hơn thế, cho dù con người có ngồi bên nhau, nhưng các ông chủ vô hồn của khoa học kỹ thuật ấy đã chứng tỏ quyền lực và sự hấp dẫn của mình: con người thời đại giờ đây vừa trò chuyện vừa bấm điện thoại, vừa bên nhau vừa bận bịu với Ipad... Họ sống trong thế giới ảo nhiều hơn là thế giới thật của thiên nhiên, của những sức sống vi diệu và tràn ngập sinh hồn như cỏ cây, ong bướm, hoa lá, giọt sương,... Hậu quả dẫn đến sẽ là, con người thời đại sẽ càng ngày mất đi chất nhạy bén với thế giới thiên nhiên và con người. Sự nhẫn tâm, dửng dưng, và ác độc sẽ từ đó mà xuất hiện mỗi lúc nhiều hơn.

Ngày nay, con người biết quá nhiều thứ, tưởng chừng như có thể nắm cả thế giới trong bàn tay mình, nhưng đó chỉ là ảo tưởng vì ngay nơi chính bản thân còn không hiểu nổi thì làm sao có thể điều phục được đối tượng khác. Và càng giam mình vào những điều kiện tiện nghi ta càng trở nên biếng nhác, yếu đuối. Đến nỗi cần đi ngủ sớm hay đi bộ ngoài thiên nhiên cho tinh thần được dễ chịu hơn cũng trở thành một điều không thể thực hiện được, khó hơn cả việc làm ra tiền hay làm đẹp lòng kẻ khác.

Vẫn biết mình rất mệt mỏi và đuối sức nhưng chúng ta lại không đủ can đảm để tắt bớt ti vi, điện thoại, máy vi tính hay tạm gác kế hoạch dự án sang một bên. Rồi một hôm nào đó, trong một điều kiện bắt buộc, ta lái xe ra khỏi thành phố ồn náo và đầy bụi bặm để về với miền thôn quê yên ả, sống chung với côn trùng, ong dế thì ta mới chợt thấy mình như được sống lại. Thời gian qua ta đã sống như một kẻ mộng du, cứ nhào tới phía trước để nắm bắt cái này cái nọ chứ không ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Cảm giác bỏ lại sau lưng những thứ nhọc nhằn phiền toái thật vô cùng dễ chịu, ta thấy mình thật tự do.

Giã từ thế giới hiện đại đúng lúc không những giải cứu ta ra khỏi cơn khủng hoảng bế tắc, mà nó còn trả tâm hồn ta trở về với con người chân chất hồn nhiên năm xưa, chuyển tâm thức ta sang những cung bậc cao hơn, đưa cuộc đời ta sang một khúc quanh khác sáng đẹp hơn. Nếu ta là kẻ trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời, ta sẽ có khuynh hướng dành nhiều thời gian và năng lực để bồi dưỡng những giá trị bình an và hạnh phúc trong tâm hồn, chứ không còn hăng hái như những người trẻ luôn sẵn sàng lao theo những trận bão điên nông nổi để giành lấy những thứ hấp dẫn lực bên ngoài. Vì khi nằm trên giường bệnh hay đối mặt với tử thần, ta sẽ không nắm được gì cả ngoài tâm hồn bé nhỏ đáng tội nghiệp của mình.

Hãy thức tỉnh lúc này! Không muộn đâu. Khi tỉnh thức, thì những thứ tiện nghi kia bỗng trở nên thừa thãi đến vô nghĩa và ta dễ dàng vất nó sang một bên. Ngay cả sự ngưỡng mộ, kính trọng, ngợi khen, vỗ tay, chúng ta cũng không cần nữa, sẽ thấy chúng thật nực cười. Lúc ấy ta đã khẳng khái tuyên bố những thứ ấy chỉ là những phương tiện tạm bợ thôi, một cõi lòng bình yên và tình thương chân thật mới là thứ quý giá và đáng gìn giữ nhất trên đời. Kinh nghiệm ấy đã giúp ta đã ý thức được hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào cõi sâu thẳm lòng ta. Nếu ta không tin vào lòng mình, hãy cứ lang thang đi tìm những điều kiện bên ngoài, ta sẽ mãi là kẻ trắng tay và không bao giờ thấy được phúc lạc bình an.

Những nhà tâm linh chuyên chính, họ chấp nhận buông xả mọi tiện nghi đáng được thừa hưởng của con người để đổi lấy một tâm hồn trong suốt và tràn đầy hạnh phúc. Trạng thái hạnh phúc ấy khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ. Lẽ dĩ nhiên là họ cũng cần chút đỉnh tiện nghi bên ngoài, nhưng tất cả thời gian và năng lực của họ là dành để mài giũa cái hiểu biết sâu sắc bên trong. Một người có hiểu biết lớn là một người có tình thương lớn, còn gì tuyệt hảo cho bằng khi ta sống giữa cõi đời tương đối này mà có thể yêu thương mọi vạn thể vũ trụ.

Con người từ xa xưa đã từng có đời sống tâm linh, có nghĩa là hướng đến thần thánh, khi họ bắt đầu đối diện với những thiên tai, nghèo khổ, bệnh tật, sự sống và cái chết. Vì con người bất lực trước những vấn đề không thể nào giải thích được, khi mà khoa học chưa ra đời và phát triển để giải đáp ý nghĩa, mục đích của vũ trụ vạn thể như sự hiện hữu, ý nghĩa sống/chết, cái lý của sự vận hành đất trời, nên con người cho rằng, chắc chắn phải có những tha lực nào đó ngoài cõi nhân sinh điều khiển và chi phối, chẳng hạn như đó là Thượng Đế, thần thánh, ma quỷ… của văn hóa truyền thống Đông cũng như Tây phương. Dần dần, bắt đầu xuất hiện những triết gia, tư tưởng gia rất lỗi lạc từ Đông sang Tây, cố gắng đưa ra những lý giải cho những vấn đề nảy sinh trong cõi nhân sinh vạn thể bằng cách phân tách, lý luận, tổng hợp, cảm nghiệm... mà hình như cuối cùng vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn chớ không thể kiểm chứng và thuyết phục đại đồng được. Các trường phái mỗi lúc được ra đời với nhiều quan niệm đơn giản đến phức tạp. Cũng có những trường phái đối lập hoàn toàn, cũng có những trường phái bổ xung lẫn nhau, hoặc có những trường phái phát triển nhờ được gợi ý hay dựa trên nền của trường phái khác. [1]

Sau đó, khoa học không chấp nhận những lối giải thích không hợp lý và không thuyết phục, nên họ tách rời khoa học khỏi tôn giáo, khỏi triết học mà tự tìm cho mình một con đường mới để đưa ra những lý giải cụ thể cho những hiện tượng nhân sinh vũ trụ. [2] Tuy rằng khoa học càng ngày càng phát triển sau hậu bán thế kỷ XX, nhưng hình như để tìm câu trả lời làm thỏa mãn sự khát khao kiếm tìm lẽ sống-chết cho con người vẫn còn xa lắm. Mục đích của khoa học là giúp con người thấu hiểu nhân sinh và vũ trụ hơn. Những nghiên cứu và phát minh không ngoài mục đích đem lại hạnh phúc cho con người như làm cho đời sống tiện nghi, xã hội thêm sung túc hơn, nhưng chẳng may mặt bên kia của những thành quả khoa học ấy lại khuyến khích và làm tăng thêm lòng dục của con người là tham-sân-si. Từ đó, lẽ ra con người thêm hạnh phúc nhưng ngược lại, mỗi lúc con người vẫn không ngừng điên đảo khổ đau. Khoa học gia rất nổi tiếng người Anh, là Arthur Eddington, người đã khám phá phương cách chứng minh thuyết vật lý của Einstein, đã cho biết: “Khoa học không có khả năng dẫn dắt con người đến chân lý, mà khoa học chỉ có thể dẫn con người đến cái bóng của những ký hiệu”.

Đến đây, sẽ có một câu hỏi hiện ra cho chúng ta: "Liệu rằng con người ngày hôm nay sẽ đi về đâu vào ngày mai? hay vẫn chấp nhận vui vẻ để trú ngụ trong thế giới tiện nghi mà lòng vẫn không sao thoát khỏi tiếng mời gọi thầm lặng nhưng da diết cho lời giải đáp cốt lõi của cõi nhân sinh vạn thể?"

Dẫu sao, từ khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhất là vào thời đại hôm nay, con người đã thoả mãn phần nào cho thắc mắc cốt lõi trên cho dù không trọn vẹn. Con người đã thấy quá rõ những hậu quả theo sau sự phá hoại môi sinh, những quy luật vũ trụ trời đất trăng sao... Những căn nguyên bệnh tật và những phương thuốc chữa trị ngày càng chứng tỏ cho nhân loại thấy rõ bàn tay con người tuyệt vời như thế nào. Vì thế, cũng là "bình thường thôi" khi con người có nguy cơ đi từ tự hào cho đến tự phụ với tất cả thành quả khoa học đang có. Vâng! thế giới hôm nay là thế giới của "quả táo khuyết" như đang có vẻ khỏa lấp mọi hụt hẫng trong sâu thẳm lòng người. Thế nhưng quả táo ấy không thể nào trọn vẹn vì chính Steve Jobs cũng không thoát khỏi chân lý là sinh ký tử qui!

Cho dù khoa học có tiến bộ đến mức nào, nhưng sao con người vẫn thời đại hôm nay có cảm giác bất ổn hơn bao giờ hết! Giáo sư đại học y khoa Harvard và cũng là vị sáng lập Viện Y học Tâm thể ở Boston, là Herbert Benson, cho biết rằng, khoảng 80% số lượng bệnh nhân đến khám ở các phòng mạch đều có liên quan đến Stress. Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì nhân công càng bị đào thải nhiều hơn vì hệ thống máy móc hiện đại đã thay thế vào và còn được chứng minh chính xác và hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, giá cả thực phẩm và đồ dùng gia dụng cứ tăng mãi mà thu nhập vẫn dậm chân tại chỗ. Con người thời đại mãi vật lộn để sinh tồn không ngơi nghỉ. Họ không còn thời

gian để chiêm ngắm huyền nhiệm của thiên nhiên vũ trụ. Họ không thể thưởng thức được trọn vẹn thức ăn mà họ đang nuốt vào. Tâm trí họ chìm ngập trong muôn vàn ý tưởng hỗn loạn và tính toán nhiều việc cho cơm áo gạo tiền ngày mai. Xã hội tân tiến này làm cho họ thấy việc gì cũng cần làm và đến một lúc nào đó cả con người họ như là một rôbô đang bị chạm mạch và không còn tự điều khiển theo như ý mình muốn nữa. Tự do biến mất: Càm nhàm, cãi vã, nóng nảy, điên loạn, đánh đấm, giết hại...

Vâng! Các ngôi thánh đường, các tu viện vẫn được bảo vệ và củng cố. Điều đó rất tốt, thế nhưng khi các vị mục tử chỉ trọng tâm và lo lắng những nơi thờ phượng hay chốn để tu tập trong vai trò của những ông giám đốc hay quản lý của cải trần gian thì sẽ không còn thu hút con người thời đại nữa. Nhà Phật có câu khá hay: "Sùng Phật sát Phật." Thờ Phật thì phải biết vượt qua những bức tượng gỗ hay bằng vàng bằng đồng thì mới có thể siêu thoát được. Phật tử nhìn ngón tay Phật để hướng đến mặt trăng, chứ ngón tay không phải là mục đích hướng đến. Nếu không tỉnh thức, thì những chức sắc trong các giáo hội, hay những mục tử của đàn chiên Chúa vẫn đang bám chặt vào cơ sở vật chất như thánh đường, và tu viện... Nhầm lẫn phương tiện và mục đích. Họ xây dựng và củng cố cơ sở vật chất hơn là xây dựng những con chiên thánh thiện, hơn là cứu độ các linh hồn. Có thể các mục tử sống khó nghèo qua vật chất, nhưng lại không khó nghèo qua cung cách ứng xử. Thế giới của quả táo khuyết cũng đang làm cho mục tử mất sự bén nhạy trước nỗi đau của đoàn chiên. Sống chết mặc bay. Biết bao đàn chiên thấy khó gần các mục tử quá, không còn thấy mục tử còn chất trong suốt và chân tình nữa, mà thay vào đó là thái độ quan liêu và phân biệt giai cấp, giàu nghèo... Chính vì con người mục tử không còn toát ra được chất nhập thể và thánh thiện nên càng ngày giới trẻ vốn rất trí thức ngày nay sẽ không muốn tiếp cận.

Tạm kết

Vâng! Thế giới ngày nay đang làm cho mỗi người phải mang vác cả một nhà kho dự trữ càng khổng lồ càng tốt, và không ai chịu liều mình buông bỏ nhà kho ấy. Thế giới này như đang nói với con người hôm nay: "Nguy đấy, bạn đừng dại dột mà làm thế!", hay "bạn phải chất nhiều thứ hơn nữa vào kho của bạn, không thì bạn sẽ chết đấy, sẽ bị quăng ra khỏi thế giới này đấy!" Và, bây giờ, ngay cả trẻ thơ cũng phải bước vào vòng xoay chóng mặt của nền "văn minh" này: học sáng học tối, học chữ, học nhạc, học vẽ, học bơi, học Ipad... Có lẽ "văn võ song toàn" ngày nay khác ngày xưa nhiều lắm!

Con người ngày hôm nay tưởng rằng những phương tiện ấy sẽ đưa đến mục đích mong muốn là hạnh phúc và an bình. Nhưng nhìn lại, xã hội ngày nay lại rơi vào đau khổ nhiều hơn. Hiện trạng trong gia đình mỗi ngày thêm thê thảm khi đọc những trang báo về sự ly dị và bạo lực. Tình thầy trò thì chỉ còn trên trang giấy cũ rách nát, thay vào đó là thái độ bội thầy phản bạn.

Lạy Chúa Giêsu, con đang gánh vác quá nặng nề, xin cho con can đảm dám buông bỏ tất cả những gì cản bước chân con khi theo Chúa, dù những điều đó thuộc tâm linh đi nữa, nhưng khi con đã có tâm thức bám víu và củng cố trên trần gian này, cũng làm cản bước con đến với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, hãy chỉ bảo cho con khi con thấy mình đang mệt mỏi và chán chường là con đang mang vác quá nhiều đồ dự trữ vô ích làm xiêu vẹo, thậm chí làm lệch bước chân con đến với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lắng nghe khi con mải mê quay cuồng đang tìm kiếm và chất thêm những món đồ vô bổ trong con, để nhận rõ đâu là hạnh phúc đích thực đời con.

Lạy Chúa, con sẽ rất sung sướng khi được thấy Chúa, nguồn mạch an lạc và ân sủng. Và cho đến khi con ngoái nhìn lại, thì ôi chao! con chỉ còn thấy hai bàn chân trần và đôi bàn tay trắng của con. Amen.