Im lặng và Lời: Con Đường Truyền Giáo

[Chủ Nhật ngày 20 Tháng 5, 2012]

Anh chị em thân mến,

Gần đến Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2012, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy tư liên quan đến một khía cạnh của tiến trình giao tiếp giữa con người, mặc dù tầm quan trọng của nó thường bị coi thường và, ở thời điểm này, nó có vẻ cần phải được đặc biệt nhắc lại. Suy tư này liên quan đến sự quan hệ giữa im lặng và lời nói: hai khía cạnh của truyền thông cần phải được giữ cân bằng, luân phiên nhau và hợp nhất với nhau nếu muốn đạt được một cuộc đối thoại đích thực và sự gần gũi sâu xa giữa người với người. Khi lời nói và sự im lặng trở thành loại trừ lẫn nhau, sự truyền thông bị phá vỡ, hoặc vì nó dưa đến sự mập mờ hoặc, trái lại, vì nó tạo ra một bầu không khí tẻ lạnh; tuy nhiên, khi chúng bổ túc cho nhau, sự truyền thông đạt được giá trị và ý nghĩa.

Im lặng là một yếu tố không thể thiếu được của việc truyền thông; nếu nó vắng mặt, thì không thể có những lời phong phú về nội dung. Trong im lặng, chúng ta có thể lắng nghe một cách tốt hơn và hiểu chính mình hơn; những tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu; chúng ta hiểu rõ ràng hơn những gì chúng ta muốn nói và những gì chúng ta mong đợi từ những người khác; và chúng ta chọn làm thế nào để diễn đạt chính mình. Bằng cách giữ im lặng, chúng ta cho phép người khác nói, để diễn tả họ; và chúng ta tránh bị cột chặt vào chỉ những lời nói và ý tưởng của mình mà không để cho chúng được thử nghiệm cách đầy đủ. Bằng cách này, không gian được tạo ra để lắng nghe lẫn nhau, và những mối quan hệ sâu sắc hơn của con người có thể xảy ra. Thí dụ, chúng ta nhận xét rằng thường là trong im lặng mà sự truyền thông xác thực nhất xảy ra giữa những người đang yêu nhau: cử chỉ, nét mặt và điệu bộ là những dấu hiệu mà họ dùng để thổ lộ tâm tình với nhau. Niềm vui, sự lo âu, và tất cả đau khổ có thể được truyền đạt trong im lặng - thực ra, nó cung cấp cho họ một cách diễn tả đặc biệt mạnh mẽ. Như thế, im lặng làm nảy sinh sự truyền thông tích cực hơn, đòi hỏi sự nhạy cảm và một khả năng lắng nghe thường làm cho mức độ và bản chất thật sự của các mối quan hệ liên quan được lộ ra. Khi có nhiều sứ điệp và tin tức, sự im lặng trở nên cần thiết nếu chúng ta muốn phân biệt những gì quan trọng với những gì không đáng kể hoặc thứ yếu. Sự suy nghĩ sâu sắc hơn giúp chúng ta khám phá ra những mối dây liên kết giữa các biến cố mà thoạt nhìn có vẻ như không liên hệ gì với nhau, để đánh giá, phân tích các sứ điệp; điều này làm cho chúng ta có thể chia sẻ những ý kiến chin chắn và thích đáng, tạo ra một một nhóm chia sẻ kiến thức đích thực. Để cho điều này xảy ra, chúng ta cần phải phát huy một môi trường thích hợp, một loại ‘hệ thống môi sinh’ là hệ thống duy trì một trạng thái cân bằng thích đáng giữa sự im lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh.

Tiến trình truyền thông ngày nay phần lớn được thúc đẩy bởi những thắc mắc cần tìm những câu trả lời. Các bộ máy tìm kiếm (search engines) và các mạng lưới xã hội (social networks) đã trở thành khởi điểm của việc truyền thông đối với nhiều người đang tìm kiếm lời khuyên, ý tưởng, thông tin và những câu trả lời. Trong thời đại chúng ta, internet đang trở thành một diễn đàn cho các câu hỏi và các câu trả lời - thực sự, con người ngày nay thường bị tấn công dồn dập với những câu trả lời cho thắc mắc mà họ chưa bao giờ hỏi và nhu cầu mà họ chưa biết đến. Nếu chúng ta nhận ra và tập trung vào các câu hỏi thực sự quan trọng, thì im lặng là một tiên nghi quý giá, cho phép chúng ta thực hành nhận thức sâu sắc thích hợp khi đương đầu với số lượng chồng chất những kích thích và dữ kiện mà chúng ta nhận được. Tuy nhiên, trong sự phức tạp và đa dạng của thế giới truyền thông, nhiều người thấy chính mình đang phải đương đầu với những câu hỏi chủ yếu về đời sống của con người: Tôi là ai? Tôi có thể biết những gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng những gì? Điều quan trọng là phải củng cố những người đặt ra những câu hỏi này, và có thể mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc, bằng lời nói và sự trao đổi, mà còn qua lời mời gọi suy nghĩ trong im lặng, là điều thường hùng hồn hơn một câu trả lời vội, vã và cho phép những người tìm kiếm đi sâu vào những hố thẳm của cuộc đời họ cùng mở lòng ra cho con đường dẫn đến sự hiểu biết mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong trái tim của con người.

Cuối cùng, lưu lượng liên tục của những câu hỏi chứng tỏ sự thao thức của con người, không ngừng tìm kiếm chân lý, dù quan trọng nhiều hay ít, có thể cung cấp ý nghĩa và hy vọng cho cuộc đời của họ. Những người nam nữ không yên tâm hài lòng với một sự trao đổi phiến diện và mù quáng về những ý kiến và kinh nghiệm hoài nghi của cuộc đời - tất cả chúng ta đang tìm kiếm chân lý và ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta chia sẻ sự khao khát sâu thẳm này: "Khi mọi người trao đổi tin tức, thì họ đã chia sẻ chính mình họ, thế giới quan của họ, hy vọng của họ, và những lý tưởng của họ "(Thông điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2011).

Cần chú ý đến những loại trang web, những ứng dụng và mạng lưới xã hội khác nhau có thể giúp con người ngày nay tìm thời giờ để suy nghĩ và đặt những câu hỏi đích thực, cũng như tạo ra không gian cho sự im lặng và các dịp để cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Bằng những câu ngắn gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, những tư tưởng sâu sắc có thể được truyền đạt, miễn là những người tham gia trong cuộc đàm thoại không bỏ bê việc vun trồng đời sống nội tâm của họ. Hầu như không gì ngạc nhiên khi thấy các truyền thống tôn giáo khác nhau coi việc sống cô tích và im lặng như những trạng thái đặc quyền giúp con người tái khám phá ra chính mình và Chân Lý, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự. Thiên Chúa của mạc khải trong Thánh Kinh cũng không nói bằng lời: "Như Thánh Giá của Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói bằng sự im lặng của Ngài. Sự im lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách của Chúa Cha toàn năng, là một một giai đoạn quyết định trong cuộc hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể .... sự im lặng của Thiên Chúa kéo dài những lời trước đó của Ngài. Trong những giây phút tối tăm, Ngài nói qua mầu nhiệm của sự im lặng của Ngài" (Verbum Domini, 21). Sư hùng hồn của tình yêu Thiên Chúa, đã sống đến độ ban món quà tối cao, nói trong sự im lặng của Thánh Giá. Sau cái chết của Đức Kitô có một sự im lặng tuyệt vời trên thế gian, và vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, khi "Đức Vua ngủ và Thiên Chúa ngủ trong xác phàm cùng làm cho những người đang ngủ từ những thởi đại được sống lại" (x. Kinh Nhật Tụng, Thứ Bảy Tuần Thánh), tiếng nói của Thiên Chúa vang lên, đầy tình yêu dành cho nhân loại.

Nếu Thiên Chúa nói với chúng ta ngay cả trong sự im lặng, đến lượt chúng ta cũng phải khám phá ra trong im lặng khả năng thưa cùng Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa. "Chúng ta cần sự im lặng ấy, là điều trở thành chiêm niệm, dẫn chúng ta vào sự im lặng của Thiên Chúa và đưa chúng ta đến điểm mà Ngôi Lời, Lời Cứu Đô, sinh ra" (Huấn từ, Thánh Lễ cử hành với các thành viên Ủy ban Thần Học Quốc Tế, ngày 6 tháng 10 năm 2006). Khi nói về sự cao cả của Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng ta sẽ luôn được chứng tỏ là không đầy đủ và phải dành không gian cho việc chiêm niệm trong im lặng. Từ việc chiêm niệm như thế nảy sinh ra, với tất cả sức mạnh nội tâm của nó, ý thức cấp bách về truyền giáo, là nghĩa vụ bắt buộc chúng ta "phải truyền thông những điều mà chúng ta đã thấy và nghe" để tất cả mọi người có thể được hiệp thông với Thiên Chúa (1 Ga 1:3). Việc chiêm niệm trong im lặng chôn vùi chúng ta vào nguồn mạch Tình Yêu ấy, là Đấng hướng chúng ta về phía những người lân cận của mình để chúng ta có thể cảm thông nỗi đau khổ của họ và cung cấp cho họ ánh sáng của Đức Kitô, sứ điệp của Người về sự sống cùng hồng ân cứu độ của sự viên mãn của Tình Yêu Người.

Như thế, trong im lặng chiêm niệm, Ngôi Lời vĩnh cửu, nhờ Người mà thế gian đã được tạo thành, trở nên hiện diện cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và chúng ta cũng nhận thức được kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đang hoàn thành trong suốt lịch sử chúng ta bằng lời nói và việc làm. Như Công đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta, mặc khải của Thiên Chúa được thể hiện bởi "những việc làm và lời nói có một sự thống nhất nội tại: những việc làm được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu hiện và xác nhận giáo huấn và những thực tại được biểu thị bằng những lời, trong khi những lời công bố những việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiện chứa đựng trong chúng" (Dei Verbum, 2). Kế hoạch cứu độ này đạt đến tột đỉnh trong con người Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng là Trung Gian và sự viên mãn của tất cả mạc khải. Người đã cho chúng ta biết dung nhan thật của Thiên Chúa Cha và bằng Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, Người đã đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết đến sự tự do của con cái Thiên Chúa. Câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của cuộc đời con người tìm thấy trong mầu nhiệm của Đức Kitô một câu trả lời có khả năng mang lại bình an cho tâm hồn thao thức của con người. Sứ vụ của Hội Thánh nảy sinh từ mầu nhiệm này; và chính mầu nhiệm này thúc đẩy các Kitô hữu trở thành sứ giả của hy vọng và ơn cứu độ, những nhân chứng của Tình Yêu ấy là điều làm tang tiến phẩm giá con người cùng xây dựng công lý và hòa bình.

Lời nói và sự im lặng: học truyền thông là học cách lắng nghe và chiêm niệm cũng như học nói. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia vào nhiệm vụ truyền giáo: cả im lặng lẫn lời nói là những yếu tố cần thiết, không thể tách rời công việc truyền thông của Hội Thánh vì canh tân việc rao giảng Đức Kitô trong thế giới ngày nay.

Cùng Đức Mẹ Maria, là Đấng im lặng "lắng nghe Lời Chúa và làm cho Lời ấy thăng hoa" (Cầu nguyện riêng tại Nhà Thánh, Loreto, ngày 1 tháng 9 năm 2007), con xin phó thác tất cả việc rao giảng Tin Mừng mà Hội Thánh cam kết thi hành qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Làm tại Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2012, Lễ Thánh Phanxicô đệ Salê.

+ ĐTC Bênêđictô XVI