Chúa Nhật 5 Mùa Thường Niên Năm B

Mc 1,29-29


Nơi thanh vắng thường là nơi một là tâm hồn hoà nhịp với thiên nhiên hai là tâm hồn nhìn lại chính lòng mình. Cả hai trường hợp đều cần thiết cho cuộc sống, giúp định hướng cuộc đời. Một cách nào đó nhìn vào đời sống thiên nhiên hay nhìn vào đời sống nội tâm giúp ta nhận biết con đường chúng ta đang tiến bước dẫn ta đến đâu. Sống với thiên nhiên ngoại cảnh hay sống với thiên nhiên tồn tại chính trong tấm lòng của mình đều giúp con người nhận biết học hỏi về chính mình nhiều hơn. Nói đến thiên nhiên là nói đến những gì đã có sẵn trong đất trời hoặc trong cõi lòng. Tất cả những điều đó được Thiên Chúa tạo dựng và ban cho con người từ trước khi có ta. Trước khi có ta đã có đất trời, trước khi ta được sanh ra trong ta đã có in dấu ấn thiên nhiên trong đời.

Đối diện với thiên nhiên để cảm nhận tấm lòng. Đức Kitô ngồi nơi thanh vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha, cảm nhận tấm lòng, tình Cha trong Con và tình Con trong Cha. Ngoài việc này ra Phúc âm không nói rõ Ngài nói gì cùng Chúa Cha. Chúng ta có thể tạm đoán là Đức Kitô ngồi nơi thanh vắng để hồi tưởng lại hình ảnh một ngày đã qua. Ngày đó khởi đầu bằng việc thăm viếng bác ái, thăm gia đình ông Phêrô. Hồi tưởng lại tấm lòng quảng đại, quí khách của bà mẹ vợ ông Phêrô. Liền sau khi chữa cho bà khỏi bệnh, bà sốt sắng nấu ăn phục vụ các ngài. Tin tức Ngài hiện diện cùng các tông đồ và Ngài chữa bệnh lọt ra ngoài đến từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn chính có thể là do người nhà ông Phêrô hoặc những người làm công trong nhà. Nguồn tin khác có lẽ do hàng xóm, láng giềng, hoặc người qua đường nhận biết Chúa. Tiếng đồn lan ra và chiều đến khung cảnh nhả mẹ vợ ông Phêrô nhộn nhịp hẳn lên. Cảnh chen lấn, giành giật không thể tránh được. Phúc âm thuật lại bệnh nhân trong toàn vùng kéu đến đông đến độ phải chen chúc tìm chỗ đứng. Số người khiêng bệnh nhân đến cho Ngài đặt tay, chữa lành cho họ không phải là ít. Ngài cảm nhận sự cơ hàn của đại chúng, của người nghèo. Ngài cảm nhận đói khổ, đau phiền, lo lắng bệnh tật gây ra. Ngài cảm nhận tấm lòng chân thành, đơn sơ, chất phát của đám đông. Ngài cảm nhận cái mệt mỏi, rã rời của thân xác. Ngài cảm nhận tình thương của chính mình dành cho mọi người. Sức người có hạn nhưng Ngài cố gắng chữa lành tới người bệnh nhân cuối cùng trước khi nghỉ ngơi. Một ngày, chỉ một ngày mà làm biết bao công việc hữu ích cho đại chúng.

Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng sớm Ngài một mình tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện, để tâm sự cùng Chúa Cha, để hồi tưởng lại một ngày đã qua và có lẽ cũng để đặt chương trình cho một ngày mới.

Cũng sáng sớm số người kéo đến rất đông, họ xì xèo, huyên náo, ăn nói ầm ì ngoài ngõ. Các tông đồ không biết phải đối xử ra sao. Thầy không có mặt ở đây. Các ông tìm kiếm. Gặp Thầy các ông cho biết dân chúng đã tụ họp đông đảo trước cửa nhà ông Phêrô, giờ phải làm gì, nói với dân chúng ra sao.

Hồi tưởng lại, nhìn lại chính là nơi thanh vắng, nơi thanh tịnh, nơi tâm hồn không bị ràng buộc bởi ngoại cảnh nhưng chìm vào ngoại cảnh. Chính trong nơi thanh tịnh này Ngài nhận rõ sứ mạng mình. Thăm viếng lẫn nhau con người có thể làm thay, chữa bệnh con người có thể phụ giúp; xoa dịu đau khổ con người có khả năng làm điều đó. Có một điều quan trọng, cần thiết con người bó tay, sức riêng họ không thể thắng. Đó là cơn bệnh tâm linh, bệnh của linh hồn. Con người tự mình không đủ khả năng đương đầu với sức mạnh của ma quỉ. Bằng chứng là chúng đã vào trong con người và ở đó, cắn xé tâm hồn con người không chịu buông tha. Chúng đang tung hoành, đạo diễn trong nhiều hoàn cảnh, dưới nhiều sắc thái khác nhau. Đức Kitô nhận rõ điều đó, bao tâm hồn khắc khoải, đau khổ là nạn nhân của sức mạnh ma quỉ. Ngài cần hiện diện để khai trừ chúng.

Thành phố này ma quỉ đã bị khai trừ, cấm đoán, khoá miệng chúng không cho chúng lên tiếng. Vì thế Ngài ra đi sang làng bên cạnh để lại tiếp tục xua trừ ma quỉ và khoá miệng chúng. Ngài trả lời các ông chúng ta phải đi sang các làng bên cạnh để tiếp tục công việc đương đầu chống lại sức mạnh của ma quỉ. Ngài tiếp đó là lí do tại sao Ngài đến trong thế gian.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org