Nhờ đi thăm các Sơ Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm từ VN đang du học tại Houston mà chúng tôi hân hạnh được thưởng ngọan một kỳ quan tuyệt đẹp ít người biết đến.
Một nhà văn ở Houston gọi nơi đó là viên ngọc quí được giấu kín. Giới ca nhạc gọi đây là chốn tuyệt hảo của âm hưởng. Còn những người đi tìm sự tĩnh lặng tinh thần thì đều quả quyết "chắc chắn, chính Thiên Chúa đang hiện diện ở nơi đây!"
Nơi đó là Villa de Matel, một tu viện của các sơ Bác Ái Ngôi Lời Nhập Thể, số 6510 đường Lawndale, Houston, TX.
Với 70 acres rừng cây (28 hectares), nằm trong một góc yên tĩnh của đường Lawndale gần downtown, người bàng quan khó mà nhận ra rằng đây là một tu viện, nhất là cái tên gọi "Villa de Matel" làm cho người ta liên tưởng tới một cơ ngơi nào đó của một nhà quí tộc giàu có bên Pháp. Mà gần đúng như vậy, de Matel là tên của một công nương Pháp sống vào thế kỷ 16, Jeanne de Matel, một chân phước đã sáng lập ra dòng Bác Ái "Ngôi Lời Nhập Thể và Bí Tích Thánh Thể" (Order of the Incarnate Word and Blessed Sacrament.)
Sự liên hệ với nước Pháp không chỉ dừng lại ở cái tên "de Matel" mà thôi, nó được thể hiện trong cách kiến trúc và qua các tên gọi trong nội thất, thí dụ hồ tắm được đặt tên là "L'étang du roi" (Ao của vua, Ý nói của Chúa Hài Đồng.)
Đây là một sự liên hệ mà những bước khởi đầu theo sử sách của Texas đã ghi tả là một giai đọan thật sự hào hùng nhưng cũng vô cùng bi thảm !
...
Trang sử của Villa de Matel khởi đầu với một bức tâm thư của một vị giám mục ở Texas.
Đức Giám mục Claude Marie Dubuis là vị giám mục thứ hai của Giáo Phận Galveston, lúc đó toàn bộ tiểu bang Texas chỉ có một giáo phận. Qua nhiều cuộc hành trình dài hàng tháng trời trên lưng ngựa để đi thăm địa hạt của mình, ngài đã chứng kiến cảnh người dân sống trong nghèo đói cùng cực và bệnh tật tràn lan. Ngài viết thư về cố hương bên Pháp của mình, nhân danh Chúa Kitô, mà kêu gọi các nữ tu bên quê nhà hãy đi sang Texas để phục vụ tại bệnh viện đang xây của ngài:
"Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đang chịu đau khổ qua vô số hình ảnh của những người bệnh nạn và tật nguyền, Ngài đang mong chờ những bàn tay xoa dịu của qúi vị."
Ba nữ tu đã đáp trả lời kêu gọi đó: Sơ Mary Blandine, Sơ Mary Joseph và Sơ Mary Ange.
Ngày 25 tháng 10, 1866, các sơ cập bến Galveston. Vì tu viện và nhà thương chưa xây xong, họ được gởi vào tạm trú tại tu viện của dòng Ursuline để học tiếng Anh và chuẩn bị cho sứ vụ của họ. Tháng Hai năm sau các sơ dọn về tu viện riêng và vào ngày 1 tháng Tư, năm 1867, họ khai trương bệnh viện St Mary, bệnh viện Công giáo đầu tiên của tiểu bang.
Sau khi khai trương bệnh viện được vài tháng, Galveston đã bị tàn sát bởi một cơn dịch 'sốt vàng da' tồi tệ nhất trong lịch sử. Nhà thương St Mary nằm đầy ắp bệnh nhân. Cơn bệnh không nể nang các tấm lòng nhân hậu, Mẹ Blandine, bị lây bệnh vào ngày 15 tháng 8, và qua đời ba ngày sau đó. Sơ Ange cũng bị lây bệnh, được thóat chết, nhưng cuối cùng phải trở về Pháp để điều trị. Đơn thân độc mã, và nhờ vào sự giúp đỡ của một số bác sĩ địa phương, Sơ Joseph, lúc đó mới 27 tuổi, đã duy trì bệnh viện qua những ngày đen tối ấy.
Sau này khi có nhiều Sơ khác từ Pháp qua thêm, Sơ Joseph đã trở thành Mẹ Joseph, Bề trên của Tu Hội.
Nhưng những tai ương thời bệnh dịch mới chỉ là khúc dạo đầu cho một trang sử còn bi thương gấp bội.
...
Vào khỏang năm 1874 thì bệnh viện đã phát triển thêm nhiều dịch vụ như trường dậy Y Tá, nhà Tế Bần và viện Mồ Côi. Nhà dòng trong khi đó cũng thành lập thêm nhiều chi nhánh và bệnh viện ở Houston (St Joseph), St Antonio và Beaumont. St Antonio sau này trở thành cơ sở lớn nhất của dòng Bác Ái Ngôi Lời Nhập Thể tại HK. Riêng tại Galveston lúc đó, nhiều căn nhà gỗ đã phải dựng lên gấp rút để có chỗ chứa bệnh nhân cho nên các Sơ quyết định di chuyễn các cô nhi tới một địa điểm gần bờ biển gọi là Cô Nhi Viện St Mary.
Trang lịch sử ngắn ngủi của Cô Nhi Viện St Mary đã dính liền với lịch sử của cơn bão biển Galveston năm 1900. Cơn bão kinh hòang này cho tới nay vẫn là cơn bão có sức hủy họai ghê gớm vào bậc nhất của Hoa Kỳ, với hơn 6.000 người thiệt mạng - tính ra là một phần sáu dân số của Galveston, Texas.
Lúc đó cô nhi viện có 93 em (từ 2-13 tuổi) do 10 sơ coi sóc. Cơn bão đã đến một cách lặng lẽ vào ngày 07 tháng 9 năm 1900, nhưng người ta cảm nhận thấy sức tàn phá ghê gớm của nó tăng lên vào ngày hôm sau, ngày 08 tháng 9.
Vào ngày này, cơn bão bắt đầu xói mòn những đụn cát bao quanh Cô Nhi Viện St Mary. Các Sơ quyết định di chuyển các em trai vào ký túc xá của các em gái (nữ ký túc xá,) vì mới hơn, cao hơn và vững chãi hơn.
Để các em yên lòng, các sơ dậy các em hát (bằng tiếng Anh) một bài thánh ca cổ của Pháp có tên là Nữ Vương của Sóng cả (Queen of the Waves.)
Chẳng bao lâu, ký túc xá của các em trai đã bị xụp đổ và bị sóng cuốn đi, nước triều bắt đầu dâng lên và tràn vào tầng dưới của nữ ký túc xá, các sơ di chuyển mọi người lên tầng thứ hai, và một lần nữa xướng lên bài ca Nữ Vương của Sóng cả.
Khi những ngọn sóng bắt đầu xô đẩy căn nhà, trong một hành động tuyệt vọng, các sơ lấy giải áo và cột các em nhỏ vào với mình, từ 5 tới 8 em một người, để chúng khỏi bị trôi đi. Chỉ có 3 em trai lớn tuổi được để riêng ra.
Nữ ký túc xá rồi cũng bị phá xụp...Ba em trai còn sống sót để kể lại câu chuyện là các em: William Murney, Frank Madera and Albert Campbell.
Người ta đã tìm được xác của các sơ và các em, còn cột chung vào nhau. Nhiều sơ vẫn ôm chặt các em nhỏ trong tay mình.
Ngày nay, cứ đến ngày 8 tháng 9 mỗi năm, các nữ tu Bác Ái Ngôi Lời Nhập Thể trên toàn thế giới đều hát bài Nữ Vương của Sóng cả để tưởng niệm ngày định mệnh ở Galveston.
Những ai đi Galveston có thể tới thăm dấu tích lịch sử của Cô Nhi Viện St Mary tại góc đường 69th Street và Seawall Boulevard.
....
20 năm sau ngày định mệnh ấy, nhà dòng Bác Ái Ngôi Lời Nhập Thể bắt đầu xây dựng một ngôi nhà 'Mẹ' Villa de Matel ở một nơi an tòan hơn là Houston.
Đây là trụ sở của những chi nhánh ở Mỹ và trên thế giới như là El Salvador, Guatemala, Ireland và Kenya.
Khi thiết kế việc xây dựng, các sơ đã chọn một kiến trúc sư trẻ là Maurice Sullivan với một lời ước hẹn rằng ông ta sẽ dựng lên một công trình đầu tay của ông mà 500 năm sau vẫn còn vững chãi như lúc vừa mới khai trương.
Maurice Sullivan đã thực hiện lời hứa ấy một cách hòan hảo. Ông trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng với nhiều công trình và thánh đường trên khắp nước Mỹ.
Nguyện đường của nhà dòng, tôn kính danh hiệu Đức Bà Vô Nhiễm Nguyên Tội, Quan thầy của Hoa Kỳ, được thánh hiến vào năm 1928, là một kỳ công kiến trúc kiểu Neo-Byzantine, với trần nhà lát đá mài, các cột đá cẩm thạch vĩ đại nhiều màu đặt từ Pháp, Ý và Hoa Kỳ. Tường được khảm bằng nhiều đá quí và đá có ánh vàng, bên cạnh các cửa 'kính màu' tinh sảo đặt từ bên Đức và Ireland.
Đây là thánh đường đẹp nhất Texas.
Nhưng nổi tiếng hơn nữa, nguyện đường là một nơi tòan hảo về âm thanh (perfect acoustics) và cái trải nghiệm khi nghe một nốt nhạc đã dừng nhưng tiếng ngân êm ả còn vọng lại từ các nhịp cầu của nguyện đường dài thêm 3 giây nữa thì phải là một kinh nghiệm có một không hai. Mỗi năm vào mùa Giáng Sinh nhiều ban nhạc và ca đòan danh tiếng như Ars Lyrica và Houston Chamber Choir tranh nhau ghi danh trình diễn ở đây. Năm ngóai Houston Chamber Choir 'book' 3 buổi trình diễn mà vé bán hết sạch từ nhiều tháng trước.
Giá vé trung bình khỏang 30 đô la. Một giá thật hời cho một buổi hòa nhạc tuyệt vời. Những người sành điệu ở Houston không bỏ lỡ cơ hội như thế này.
Nhưng chúng ta vẫn có thể tới thăm nhà dòng vào nhiều dịp khác.
Nhà dòng là một trung tâm tổ chức nhiều cuộc tĩnh tâm, hầu như mỗi tháng đều có hai buổi vào Cuối Tuần. Hình thức bao gồm những buổi tĩnh huấn bằng yên lặng (Ruah) và nhiều buổi chiêm nghiệm bằng nhạc Taizé. Các chương trình đều mở cửa tự do cho mọi người (open to the public). Lệ phí tùy lương tâm và không bắt buộc.
Chúng ta có thể theo dõi và ghi danh những chương trình tĩnh tâm bằng cách truy cập website: http://www.sistersofcharity.org/ruah-center-calendar%20
...
Sau đây là bài hát định mệnh Nữ Vương của Sóng cả:
Queen of the Waves, look forth across the ocean
From north to south, from east to stormy west,
See how the waters with tumultuous motion
Rise up and foam without a pause or rest.
But fear we not, tho' storm clouds round us gather,
Thou art our Mother and thy little Child
Is the All Merciful, our loving Brother
God of the sea and of the tempest wild.
Help, then sweet Queen, in our exceeding danger,
By thy seven griefs, in pity Lady save;
Think of the Babe that slept within the manger
And help us now, dear Lady of the Wave.
Up to thy shrine we look and see the glimmer
Thy votive lamp sheds down on us afar;
Light of our eyes, oh let it ne'er grow dimmer,
Till in the sky we hail the morning star.
Then joyful hearts shall kneel around thine altar
And grateful psalms re-echo down the nave;
Never our faith in thy sweet power can falter,
Mother of God, our Lady of the Wave.