Giờ phút cuối cùng tại dương thế Đức Kitô cảm thấy cô đơn, buồn tẻ đến tột cùng. Ngài diễn tả tâm trạng buồn thảm như sau: Tâm hồn Thầy đau buồn đến nỗi chết. Sau bữa ăn tối, thường gọi là bữa tiệc li, với 12 môn đệ. Thầy trò lên vườn Cây Dầu. Tại đó ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha. Trong khi các môn đệ đi theo mệt mỏi, các ông ngủ để một mình Đức Kitô đối diện với cô đơn và sự chết. Ngài năn nỉ các ông: Các con không thể thức với Thầy được một giờ sao? Một lần, rồi hai lần rồi ba lần. Tuy vậy các ông vẫn mơ màng trong giấc ngủ. Ngài nhắc thêm, hãy tỉnh thức để cầu nguyện. Tinh thần thì sốt sắng nhưng xác thịt nặng nề. Lời Ngài bay vào sương đêm, tan trong bóng tối, loãng trong mây trời. Các môn đệ tỉnh ngủ khi quân lính đến bắt Đức Kitô. Khi đó các ông hoảng sợ bỏ chạy. Nỗi sơ, niềm lo làm tỉnh giấc ngủ.

Trên đường vác thập giá Chúa Giêsu một mình đi giữa đội hành hình. Trước đây Chúa mở mắt người mù, chữa người què đi được, cho người câm tiếng nói, bệnh cùi dược khỏi, bệnh nhân liệt giường vác chõng ra về và kẻ chết sống lại. Giờ đây không có ai lên tiếng bênh vực, không ai hiện diện trong cuộc tử nạn của Ngài. Đọan đường dài vác thập giá ngài cảm thấy bẽ bàng, cô đơn nhưng luôn gắng gượng thi hành ý Cha Ngài. Chết để làm tròn ý Chúa Cha. Chết để mang ơn cứu độ cho trần thế. Chết để định nghĩa trọn vẹn ý nghĩa tình yêu chân thành. Chết để nói yêu là chết và qua chết tình yêu nảy mầm, sinh lộc, mang sức sống mới và sống dồi dào. Như hạt lúa mì thối đi để sinh gấp trăm. Đức Kitô lê bước vì thập giá đè nặng trên thân thể đẫm máu, ba lần té, ba lần gượng đứng lên tiếp tục vác. Không một lời ủi an của đồng loại. Con người tệ đến thế. Vui sướng trên đau khổ của người mình không thích. Người thương đi xa phía sau. Thân hữu lánh mặt. Kẻ thọ ơn lẩn trốn. Những người hôm trước hoan hô; nay bịt mặt đả đảo. Tình người rất tệ. Tình đời bạc bẽo. Mẹ Maria không giúp được chi ngoài chia sẻ đau khổ, âm thầm, lặng lẽ theo con. Môn đệ vài người theo xa xa phía sau vì sợ quyền lực, bạo hành, roi da và thanh sắt mưa xuống trên mình. Ngài cô đơn đến độ phải than lớn, 'Lậy Cha sao Cha đành bỏ con'. Đau khổ làm chủ con người; đau khổ hướng moị cảm xúc vào thực tại thân xác đang gánh chịu. Khát nước vì mất máu, tinh thần căng thẳng vì sợ. Sức tàn, hơi kiệt, gượng sống cho biết giá trị đời người quý là bao. Than thở 'Sao Cha đành bỏ Con' xác tín Chúa Giêsu luôn liên kết với Chúa Cha. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng cảm thấy Chúa gần bên. Khi Con đau khổ Cha vắng mặt. Đây cũng là kinh nghiệm của chúng ta. Khi đau khổ cầu xin thiết tha Chúa vẫn vắng bóng, lặng câm. Vác thập giá vì vâng lời nhưng khi đau khổ Cha vắng bóng tăng thêm cảm giác cô đơn. Thiếu thân nhân, vắng thân hữu khi cần không sao tránh khỏi cảm tưởng bị bỏ rơi. Con phó linh hồn Con trong tay Cha, đoạn tắt thở. Chết trong niềm tin, phó thác.

Kinh nghiệm cô đơn của bản thân. Nỗi buồn và sợ sệt làm nhụt ý chí, gặm nhấm tâm hồn. Đức kitô trải qua giai đoạn đó. Giờ chết cần Chúa hơn lúc nào hết. May thay Chúa hứa. Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Chúa hứa ở bên ta ngay cả khi ta không cảm thấy Chúa hiện diện. Đây là quà tặng cao quý cho những Kitô hữu vì khi chết họ không cô đơn, có Chúa bên cạnh. Trong giờ chết may mắn có thân nhân đứng bên, bác sĩ chăm nom, y tá cạnh giường. Dẫu thế tâm hồn vẫn trống vắng, cô đơn một mình đối diện cái chết đang xấn tới. Kitô hữu khi sống có Chúa phù trì, khi chết có Chúa Kitô cạnh giường. Vì thế mà thánh Phaolô xác tín. Khi chúng ta sống là sống cho Chúa và khi chúng ta chết là chết cho Chúa. Kitô hữu không chết trong cô đơn nhưng chết trong vòng tay từ ái, lòng nhân hậu và tình thương của Chúa. Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết. Ai chết với Ngài cũng sẽ được Ngài cho sống lại trong vinh quang với Ngài. Alleluia.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org