“Ngày nay cũng thế, Đấng Phục Sinh cũng vào trong nhà và trong tâm hồn chúng ta, mặc dù đôi khi những cánh cửa bị đóng lại. Người đi vào để ban niềm vui và sự bình an, sự sống và hy vọng.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý về Chúa Phục Sinh của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 11 tháng 4 năm 2012 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Bài này được dịch từ bản tiếng Pháp trên trang web Tòa Thánh Vatican.

* * * * *


Anh chị em thân mến,

Sau những cuộc cử hảnh long trọng Lễ Phục Sinh, cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay được thấm đậm niềm vui tinh thần, ngay cả khi bầu trời ảm đạm, chúng ta mang trong lòng mình niềm vui Phục Sinh, niềm xác tín về sự Sống Lại của Đức Kitô, Đấng đã dứt khoát chiến thắng tử thần. Trước hết tôi xin nhắc lại với từng người trong anh chị em lời chúc mừng Phục Sinh chân tình của tôi: nguyện chúc trong mọi nhà và trong mọi tâm hồn được nghe lời loan báo vui mừng về việc Phục Sinh của Đức Kitô, để niềm hy vọng được hồi sinh.

Trong bài giáo lý này, tôi muốn chỉ cho anh chị em thấy sự biến đổi mà lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu đã đem lại cho các môn đệ. Chúng ta hãy hãy bắt đầu bằng buổi chiều ngày Phục Sinh. Các môn đệ ở trong nhà đóng kín cửa vì sợ người Do Thái (x. Ga 20:19). Sự sợ hãi làm se thắt con tim và ngăn cản không cho nó đến với tha nhân, với sự sống. Thầy không còn ở đó nữa. Hồi tưởng về cuộc Khổ Nạn của Người làm tăng thêm sự bất an. Nhưng Chúa Giêsu quan tâm đến những kẻ thuộc về Người và sắp sửa làm tròn lời hứa mà Người đã nhắc đến trong Bữa Tiệc Ly: “Thầy sẽ không để các con mồ côi. Thầy đến cùng các con.” (Ga 14:18) và Người cũng nói lời ấy với chúng ta, ngay cả trong những lúc đen tối: “Thầy sẽ không để các con mồ côi.” Tình trạng lo âu này của các môn đệ thay đổi một cách hoàn toàn với sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Người đã vào trong [nhà] mặc dù các cửa đóng kín, Người đứng giữa các ông và ban cho các ông sự bình an được đảm bảo: “Bình an cho các con!” (Ga 20:19b). Đó là một lời chào thông thường nhưng giờ đây có một ý nghĩa mới, bởi vì nó tạo ra một sự thay đổi nội tâm; đó là lời chào Phục Sinh, làm cho các môn đệ thắng vượt mọi sợ hãi. Sự bình an mà Chúa Giêsu mang lại là hồng ân cứu độ mà Người đã hứa trong những bài huấn từ giã biệt của Người: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian cho các con. Ðừng để cho lòng các con lo âu, hay sợ hãi.” (Ga 14, 27). Trong ngày Phục Sinh này, Người đã bình an tràn đầy và nó sẽ trở thành nguồn an vui, sự chắc chắn của chiến thắng, và an ninh cho cộng đồng trong sự nâng đỡ của Thiên Chúa. Người cũng nói với chúng ta “Đừng hoảng hốt và sợ hãi” (x. Ga 14:1).

Sau lời chào này, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy những vết thương ở bàn tay và cạnh sườn Người (x. Ga 20:20), là những dấu hiệu của những gì đã xảy ra và sẽ không bao giờ bị xóa mờ nữa: nhân tính vinh quang của Người đang “bị thương tích”. Cử chỉ này có ý xác nhận thực tại mới của sự Phục Sinh: Đức Kitô, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta là một người thật, là cùng một Chúa Giêsu, Đấng mà ba ngày trước đó đã bị đóng đinh vào thập giá. Và chính vì thế, trong ánh sáng chói lọi của Phục Sinh, trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, các môn đệ hiểu được ý nghĩa cứu độ của Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Người. Vì vậy, các ông đi từ buồn rầu và sợ hãi đến niềm vui trọn vẹn. Sự buồn rầu và chính các thương tích trở thành một nguồn vui. Niềm vui được sinh ra trong tâm hồn của các ông “khi các ông được thấy Chúa” (Ga 20:20). Người nói với các ông một lần nữa, “Bình an cho các con!” (c. 21). Giờ đây lời này rõ ràng không chỉ còn là một chào thông thường nữa. Nó là một hồng ân, hồng ân mà Đấng Phục Sinh muốn ban cho các bạn hữu của Người, và nó đồng thời cũng là một mệnh lệnh: sự bình an này mà Đức Kitô chiếm được nhờ Máu Người, được dành cho các ông, nhưng cũng cho tất cả mọi người, và các môn đệ sẽ phải mang nó đến cho toàn thế giới. Thật vậy, Người nói thêm: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con.” (ibid.). Chúa Giêsu Phục Sinh đã trở lại giữa các môn đệ của Người để sai các ông đi. Người đã hoàn tất công trình của Người trên thế gian, và giờ đây đến lượt các ông đi truyền bá đức tin trong các tâm hồn, ngõ hầu người ta biết đến và yêu mến Đức Chúa Cha, cùng quy tụ tất cả con cái tản mác của Ngài ở khắp nơi về. Nhưng Chúa Giêsu biết rằng giữa những kẻ thuộc về Người, luôn luôn vẫn còn rất nhiều sợ hãi. Đó là lý do tại sao Người làm cử chỉ thổi hơi vào các ông và tái sinh các ông trong Thánh Thần (x. Ga 20:22), cử chỉ này là một dấu chỉ của việc tạo dựng mới. Thực ra, với hồng ân Thánh Thần đến từ Đức Kitô Phục Sinh, một thế giới mới được bắt đầu. Với việc sai các môn đệ đi truyền giáo, khai trương con đường vào thế gian của dân giao ước mới, một dân tin vào Người và công trình cứu độ của Người, một dân làm chứng cho sự thật của việc Phục Sinh của Người. Sự mới mẻ của một cuộc sống không chết, được lễ Phục Sinh mang lại, phải được loan truyền khắp nơi, ngõ hầu các gai góc của tội lỗi đang làm tổn thương các tâm hồn con người nhường chỗ cho hạt giống ân sủng của sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Các bạn thân mến, ngày nay cũng thế, Đấng Phục Sinh cũng vào trong nhà và trong tâm hồn chúng ta, mặc dù đôi khi những cánh cửa bị đóng lại. Người đi vào để ban niềm vui và sự bình an, sự sống và hy vọng, là những hồng ân mà chúng ta cần cho việc tái sinh nhân bản và tinh thần của mình. Chỉ có Người mới có thể lay chuyển những tảng đá lấp mồ này, mà con người thường đặt trên các tình cảm, các mối liên hệ, và các cách đối xử của riêng mình, các tảng đá đánh dấu cái chết là các sự chia rẽ, hận thù, bất hòa, oán hờn, ghen tỵ, hoài nghi và thờ ơ. Chỉ có Người, Đấng Hằng Sống, mới có thể ban một ý nghĩa cho cuộc đời và làm cho người mệt mỏi và buồn rầu, mất niềm tin và không còn hy vọng tiếp tục chặng đường. Đó là kinh nghiệm mà hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau đã trải qua trong ngày Phục Sinh (x. Lc 24:13-35). Hai ông nói về Chúa Giêsu, nhưng khuôn mặt của hai ông “rất buồn rầu” (câu 17) bày tỏ những hy vọng đã tan tành, sự bất ổn và u sầu. Hai ông đã bỏ quê hương để theo Chúa Giêsu với các bạn hữu của hai ông, và hai ông đã khám phá ra một thực tại mới, trong đó sự tha thứ và tình yêu không còn chỉ là lời nói, nhưng là sự chạm đến cách cụ thể sự hiện hữu của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thành Nazareth đã đổi mới mọi sự, đã thay đổi cuộc đời của hai ông. Nhưng giờ đây Người đã chết và tất cả mọi sự hầu như chấm dứt.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, không còn là hai người, nhưng ba người khách bộ hành. Chúa Giêsu đến gần hai môn đệ và đi với hai ông, nhưng hai ông không thể nhận ra Người. Tất nhiên hai ông đã nghe nói về việc Sống Lại của Người, thực ra, các ông nói với Người, “Thật thế, mấy người phụ nữ trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc, họ ra mộ hồi tảng sáng, và khi họ không tìm thấy thi hài của Người, họ về kể cho chúng tôi là đã thấy thiên sứ hiện ra nói rằng Người vẫn còn sống.” (câu 22 - 23). Tuy nhiên, tất cả những điều này không đủ để thuyết phục hai ông, bởi vì “chính Người thì họ đã không thấy” (câu 24). Khi đó Chúa Giêsu kiên nhẫn “bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những đoạn trong toàn thể Kinh Thánh liên quan đến Chính Người” (c. 27). Đấng Phục Sinh giải thích Thánh Kinh cho các môn đệ bằng cách ban cho các ông chìa khóa để đọc hiểu nền tảng của điều ấy, nghĩa là về chính Người và Mầu Nhiệm Phục Sinh của Người: Thánh Kinh làm chứng về Người (x. Ga 5:39-47). Ý nghĩa của mọi sự, của Lề Luật, của các lời ngôn sứ, và của các Thánh Vịnh thình lình mở ra và trở nên rõ ràng trước mắt hai ông. Chúa Giêsu đã mở tâm trí cho hai ông hiểu Thánh Kinh (x. Lc 24:45).

Trong khi đó, các ngài đã đến làng, có lẽ là nhà của một trong hai ông. Người khách lạ “làm bộ như còn đi xa hơn nữa” (c. 28), nhưng sau đó ông dừng lại vì hai ông tha thiết nài xin: “Hãy ở lại với chúng tôi” (c. 29). Chúng ta cũng thế, chúng ta phải luôn nhiệt thành lập đi lập lại cùng Chúa: “Xin ở lại với chúng con.” “Khi ngồi ăn cùng hai ông, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông.” (c. 30). Việc này hiển nhiên nhắc lại những cử chỉ mà Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly. “Sau đó, đôi mắt của hai ông mở ra và các ông nhận ra Người” (c. 31). Sự hiện diện của Chúa Giêsu, trước tiên là với lời nói, rồi với cử chỉ bẻ bánh, làm cho các môn đệ nhận ra Người và hai ông có thể cảm nhận một cách mới mẻ điều hai ông đã cảm thấy trong khi đồng hành với Người: “Tâm hồn chúng ta đã không rạo rực khi Người đàm luận với chúng ta dọc đường và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta sao?” (c. 32). Câu chuyện này cho chúng ta biết rằng có hai “nơi” đặc quyền mà ở đó chúng ta có thể gặp gỡ Đấng Phục Sinh là Đấng biến đổi cuộc đới mình: việc lắng nghe lời Chúa, trong sự hiệp thông với Đức Kitô, và việc bẻ bánh; và hai “nơi” này liên hệ sâu xa với nhau, bởi vì “Lời Chúa và Thánh Thể mật thiết gắn liền với nhau” (Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục, Verbum Domini, 54-55).

Sau cuộc gặp gỡ này, hai môn đệ “đứng dậy và trở về Giêrusalem, ở đó hai ông và gặp Nhóm Mười Một đang tụ họp với các bạn hữu. Họ nói với hai ông, ‘Chúa thật sự đã sống lại và đã hiện ra với Simon Phêrô.’” (cc. 33-34). Ở Giêrusalem, hai ông nghe thấy tin tức về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và đến lượt hai ông, hai ông kể lại kinh nghiệm của mình, được đốt cháy với tình yêu dành cho Chúa Phục Sinh, Đấng đã mở tâm hồn hai ông để đón nhận một niềm vui bất khuất. Hai ông - như Thánh Phêrô nói – “được tái sinh trong một niềm hy vọng sống động, nhờ sự Sống Lại của Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết” (1 Pr 1, 3). Quả thật, nhiệt tình của đức tin, tình yêu thương dành cho cộng đồng, sự cần thiết phải thông truyền tin mừng cho những người khác được tái sinh trong các ông. Thầy đã sống lại và cùng với Người tất cả sự sống được tái sinh; đối với các ông việc làm chứng cho biến cố này trở thành một điều thiết yếu mà không gì có thể cản trở được.

Các bạn thân mến, mùa Phục Sinh cho chúng ta cơ hội lý tưởng để tái khám phá ra với niềm vui và sự nhiệt tình những nguồn mạch của đức tin, sự hiện diện của Đức Kitô Phục Sinh giữa chúng ta. Điều này được thực hiện theo cùng một đường như Chúa Giêsu đã làm cho hai môn đệ làng Emmaus, qua việc tái khám phá Lời Chúa và Thánh Thể, nghĩa là cùng đi với Chúa và để cho đôi mắt mở ra đối với ý nghĩa thật sự của Thánh Kinh và sự hiện diện của Người trong việc bẻ bánh. Tột đỉnh của con đường này, từ hôm nay và sau đó, là sự hiệp thông Thánh Thể: trong sự hiệp thông này, Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Người, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng ta, để đổi mới chúng ta, để nó được sinh động bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Tóm lại, kinh nghiệm của các môn đệ mời gọi chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của lễ Phục Sinh đối với chúng ta. Hãy để Chúa Giêsu Phục Sinh gặp gỡ chúng ta! Người, Sự Sống và Sự Thật, vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta: Người cùng đi với chúng ta để hướng dẫn cuộc đời chúng ta, để mở mắt chúng ta. Chúng ta hãy tin vào Đấng Phục Sinh, là Đấng có khả năng ban sự sống, làm cho chúng ta được tái sinh thành con cái Thiên Chúa, có khả năng tin tưởng và yêu thương. Đức tin vào Người biến đổi cuộc đời chúng ta: đức tin này là sự giải phóng khỏi sợ hãi, nó cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn, nó linh hứng bằng cách làm cuộc sống có đầy ý nghĩa, ý nghĩa ấy là tình yêu của Thiên Chúa. Cảm ơn anh chị em.