Hình ảnh người mục tử với đàn chiên thật thân thuộc và gần gũi với người Do Thái. Tuy nhiên, đối với người Việt Nam chúng ta cũng phải được diễn tả bằng nhiều cách so sánh. Ngày nay chúng ta đã thấy thân thuộc hơn khi hình ảnh của người Kitô hữu được gọi là đoàn chiên và các giám mục, linh mục được gọi là chủ chiên. Hình ảnh này được họa lại từ chính Đức Giêsu Kitô xưng mình là “Mục tử tốt lành”, vì “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”(Ga 10,14). Vì vậy, để hiểu rõ Chúa chiên và đoàn chiên, người Việt Nam chúng ta nên nhìn thẳng vào giữa cộng đoàn dân Chúa – những người Kitô hữu hôm nay với các chủ chiên của mình.
Điều thứ nhất, Chúa Giêsu phân biệt giữa người chăn thuê và người chăn chiên đích thực. Người chăn thuê, vì lo giữ mạng sống của mình nên khi chó sói tấn công chiên thì bỏ chiên mà chạy trốn. Còn người chăn chiên đích thật thì coi chiên là chính mạng sống của mình. Do vậy, khi thấy chó sói đến, kể cả sư tử, cũng lăn xả vào chống trả để bảo vệ đàn chiên. Nhiều khi, thú dữ phải đi qua xác chủ chiên mới ăn thịt được đàn chiên. Và hình ảnh đó là một hình ảnh về tình yêu đích thực, tình yêu lớn nhất. Chúng ta nhìn vào các vị chủ chiên để chúng ta hiểu rằng, đối với các vị chủ chiên thì một tình yêu hiến tế là cả cuộc đời của các ngài hiến dâng, vì Chúa Kitô, vì nhân loại. Các ngài không sống cho mình, nhưng các ngài đã vì phần rỗi linh hồn của đàn chiên.
Thánh Phanxico Assisi quen gọi là Phanxico khó khăn đã diễn tả một cách sâu sắc và đầy tính triết lý trong lời kinh Hòa Bình, lời kinh được diễn tả một thái độ, một tư cách của người chủ chiên trong đoạn kinh:
“…Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người,
để con đem yêu thương vào nơi oán thù.
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục.
Đem an hòa vào nơi tranh chấp.
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Để con đem tin kính vào nơi nghi nan.
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng...
Lạy Chúa, xin hãy dạy con.
Tìm an ủi người hơn được người ủi an.
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết.
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu…”.
Đó là những tư cách của người chủ chiên. Những chủ chiên đích thực tìm hiểu biết người nơi chính đoàn chiên, và họ làm như vậy là bởi chính Chúa Kitô đã thực hiện trước. Họ chỉ là những người đi theo sát bước Chủ chiên đích thực dám hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Thế giới hôm nay càng cần có các vị giám mục, linh mục tốt. Bởi vì trong một thế giới duy vật chất, người ta muốn khước từ những gì là thiêng liêng thì sự hiện diện của các giám mục, linh mục chủ chiên là bằng chứng cho thế giới thấy Thiên Chúa đang hiện diện giữa thế giới vật chất của chúng ta.
Điều thứ hai, đoàn chiên hôm nay cần có chủ chiên để nói cho thế giới biết rằng, chúng ta phải sống trong tình yêu thương. Đoàn chiên hôm nay cần có chủ chiên để nói cho thế giới biết rằng, những người chăn chiên đích thực là những người biết bảo vệ cho đoàn chiên. Rồi từ đó, nhìn vào đoàn chiên, chúng ta cũng thấy mối tương quan giữa “Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”.
Trong thế giới hiện nay, đàn chiên đã có nhiều những biểu hiện suy thoái, đó là nghe tiếng lạ. Tin Mừng hôm nay, Chúa cảnh báo “chiên không nghe tiếng lạ”. Nhưng thế giới hôm nay thì đàn chiên nghe theo tiếng lạ rất nhiều. Những tiếng lạ của vật chất, những tiếng lạ của tình dục, những tiếng lạ của phá thai, những tiếng lạ của hưởng thụ sống gấp, những tiếng lạ của những hận thù và oán ghét dẫn đến chiến tranh. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mối tương quan giữa chủ chiên và đoàn chiên hôm nay cần phải luôn luôn tái lập, phải luôn luôn ý thức lại. Đó là một mối tương quan hữu cơ: “Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”. Không những là đàn chiên hiện tại, Chúa Giê su còn nói: “Ta còn nhiều chiên khác chưa thuộc đàn này. Cả những chiên đó cũng phải đưa về, để cuối cùng chỉ có một đàn chiên và một Đấng chăn chiên đích thực” (Ga 10,16). Chỉ có một chân lý, một tình yêu đích thực mà tất cả mọi người đều phải qui về đó!
Mối tương quan giữa chủ chiên và đàn chiên được đảm bảo bằng chân lý, đảm bảo bằng tình yêu đích thực thì chỉ có một. Thế giới hôm nay cũng chỉ có một, nếu người ta coi trọng chân lý, coi trọng tình yêu. Sự hiện diện của chủ chiên là tiếng nói quen thuộc đối với đàn chiên thì không bao giờ là tiếng lạ. Tiếng nói quen thuộc đó kêu gọi mọi người hãy yêu thương, hãy phục vụ, hãy quên mình, hãy quảng đại, hãy dấn thân. Nếu chúng ta nghe được tiếng của tình yêu Thiên Chúa, tiếng của Giáo Hội thì hôm nay gia đình của chúng ta đã hạnh phúc, xã hội của chúng ta đã bằng yên, không có khủng bố, không có hận thù chiến tranh, không có phá thai. Nhưng thế giới của chúng ta hôm nay đã có nhiều tiếng lạ xuất hiện khiến cho khoa học cũng phải lên án, triết học cũng phải lên án và hòa bình cũng phải lên án.
Một lần nữa, ngày lễ Chúa chiên lành hôm nay. Khi chúng ta nhìn vào Chúa Chiên Lành, chúng ta nhìn vào giáo phận của chúng ta với các tân chức linh mục vừa được phong. Nhìn lại mối tương quan giữa Chúa chiên và đoàn chiên, chúng ta thấy vang âm lại Lời Chúa. Lời Chúa vẫn luôn luôn là kim chỉ nam cho cả chủ chiên và đoàn chiên, rằng: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”.
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa là mục tử tốt lành.
Xin cho chúng con cũng là những đoàn chiên tốt lành
và là những đàn chiên thuộc về quyền của Chúa,
để cuối cùng chúng con chỉ nghe một tiếng
là tiếng của chân lý.
Chúng con chỉ sống trong một tiếng gọi,
là tiếng gọi của tình yêu.
Xin cho hôm nay,
chủ chiên biết đi sát những gì
mà người mục tử tốt lành duy nhất
là chính Chúa đã chỉ rõ những tư cách của người mục tử
cho các linh mục noi theo,
đồng thời đàn chiên cũng ý thức
đi theo tiếng của Chúa chiên
mà không nghe theo tiếng lạ
để sống trong yêu thương,
trong an bình và trong hạnh phúc.
Xin cho chúng con ở trong một đoàn chiên duy nhất
dưới quyền một Đấng chăn chiên duy nhất
là chính Chúa, Amen.
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc