Thiên Chúa là Cha chúng ta.Ngài đã khắc ghi Chính Mình trong tâm hồn chúng ta

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 35 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 23 tháng 5 năm 2012 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục bàn về việc cầu nguyện trong các Thư của Thánh Phaolô.

* * *


Anh chị em thân mến,

Thứ tư tuần trước tôi đã chứng tỏ làm sao mà Thánh Phaolô nói rằng Chúa Thánh Thần là vị Thầy tuyệt vời về cầu nguyện và dạy chúng ta thưa chuyện với Thiên Chúa bằng những lời trìu mến của trẻ em, bằng cách gọi Ngài là “Abba! Cha ơi!” Đó là điều Chúa Giêsu đã làm, ngay cả trong những giây phút bi thảm nhất của cuộc đời trần thế của Người, Người đã không bao giờ mất niềm tin vào Chúa Cha và đã luôn gọi Ngài với sự mật thiết của Người Con yêu dấu. Ở vườn Ghếtsêmani, khi Người cảm nhận được nỗi thống khổ của cái chết, lời cầu nguyện của Người là: “Abba! Cha ơi! Tất cả đều có thể đối với Cha: xin cất chén này xa Con! Nhưng xin đừng theo ý Con, mà theo Ý Cha” (Mc 14:36).

Từ những bước đầu tiên của cuộc hành trình của mình, Hội Thánh đã lãnh nhận lời cầu khẩn này và đã nhận nó làm của riêng mình, đặc biệt là trong lời cầu nguyện của Kinh Lạy Cha, trong đó chúng ta thưa mỗi ngày: “Lạy Cha chúng con... Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như ở trên trời” (Mt 6:9-10). Trong các Thư của Thánh Phaolô, chúng ta tìm thấy lời cầu khẩn này hai lần. Thánh Tông Đồ, như chúng ta vừa nghe, nói với tín hữu Galatê, bằng những lời này: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi!’” (Gal 4.6). Và ở trọng tâm của bài thánh thi ấy dành cho Chúa Thánh Thần, là Chương Tám của Thư gửi Tín Hữu Rôma, Thánh Phaolô nói: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em thành nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” (Rom 8:15). Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sợ hãi, nhưng là của lòng tin tưởng và tình yêu của Chúa Cha, là Đấng yêu thương chúng ta. Hai lời công bố này nói với chúng ta về việc sai đi và đón nhận Chúa Thánh Thần, hồng của Đấng Phục Sinh, làm cho chúng ta thành con trong Đức Kitô, Người Con Một, và đưa chúng ta vào một mối liên hệ con thảo với Thiên Chúa, mối liên hệ của niềm tin tưởng sâu xa, như những trẻ nhỏ; một mối liên hệ tương tự như liên hệ con thảo của Chúa Giêsu, dù nguồn gốc và chiều sâu có khác nhau: Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa làm người, còn chúng ta trở nên con cái Ngài, trong thời gian, nhờ đức tin và các bí tích Rửa Tội cùng Thêm Sức; nhờ hai bí tích này chúng ta được dìm vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là món quà quý giá và cần thiết làm cho chúng ta thành con cái Thiên Chúa, là điều thể hiện việc nhận làm nghĩa tử mà mọi người đều được mời gọi, vì như lời chúc lành của Thiên Chúa chứa đựng trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thiên Chúa, trong Đức Kitô, “đã chọn chúng ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài. Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Eph 1:4).

Có lẽ con người hiện đại không cảm nhận được vẻ đẹp, sự cao quý và niềm an ủi sâu xa chứa đựng trong từ “cha” mà chúng ta dùng để thưa với Thiên Chúa trong cầu nguyện, bởi vì hiện nay khuôn mặt người cha thường không hiện diện một cách đầy đủ; và sự hiện diện này thường không đủ tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Sự vắng mặt của người cha, thí dụ như vấn đề một người cha không có mặt trong cuộc sống của đứa trẻ, là một vấn đề lớn của thời đại chúng ta; do đó, việc hiểu ý nghĩa sâu xa khi nói về Thiên Chúa là Cha đối với chúng ta trở nên khó khăn. Chính từ Chúa Giêsu, qua mối liên hệ con thảo của Người với Thiên Chúa, mà chúng ta có thể hiểu một “người cha” thật sự có ý nghĩa gì, và bản chất thật của Cha trên trời là gì. Các nhà phê bình tôn giáo đã cho rằng, để nói về “Chúa Cha”, về Thiên Chúa, là một việc chiếu hình những người cha nhân loại của chúng ta trên bầu trời. Nhưng ngược lại mới đúng: trong Tin Mừng, Đức Kitô cho chúng ta thấy người cha là ai và một người cha thật giống như thế nào, để chúng ta có thể cảm nghiệm được tình phụ tử thật sự là gì, và cũng học vai trò làm cha thật. Hãy suy nghĩ về lời của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi, khi Người nói: “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con. Như thế các con mới là con cái của Cha các con, Ðấng ngự trên trời.” (Mt 5:44-45). Đó chính là tình yêu của Chúa Giêsu, Người Con Một – là tình yêu đến độ tự hiến trên thập giá – tỏ lộ cho chúng ta thấy bản chất thật sự của Chúa Cha: Ngài là tình yêu, và cả chúng ta nữa, trong lời cầu nguyện của mình như trẻ em, chúng ta bước vào quỹ đạo tình yêu này, tình yêu của Thiên Chúa, là tình yêu thanh tẩy những ước muốn của chúng ta, những thái độ của chúng ta, là những điều được đánh dấu bằng sư khép kín, bằng tính tự mãn, tự kỷ điển hình của con người cũ.

Tôi muốn ngừng lại một chút ở tình phụ tử của Thiên Chúa, ngõ hầu chúng ta có thể để cho tâm hồn lại được sưởi ấm nhờ thực tại sâu xa này mà Chúa Giêsu cho chúng ta biết cách trọn vẹn, và để lời cầu nguyên của chúng ta được nuôi dưỡng trong đó. Như thế chúng ta có thể nói rằng trong Thiên Chúa, việc làm Chúa Cha có hai chiều kích. Trước hết, Thiên Chúa là Cha chúng ta bởi vì Ngài là Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Mỗi người chúng ta, mỗi người nam nữ, đều là một phép lạ của Thiên Chúa, được Ngài muốn và được Ngài biết đến cách riêng. Trong khi sách Sáng Thế Ký nói rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. 1:27), điều sách ấy muốn bày tỏ chính là thực tại này: Thiên Chúa là Cha chúng ta; nhờ Ngài mà chúng ta không còn là những con người vô danh tiểu tốt, nhưng có một tên. Và một lời trong Thánh Vịnh luôn luôn làm cho tôi cảm động khi cầu nguyện. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng,” (Tv. 119:73). Mỗi người chúng ta có thể nói, theo hình ảnh đẹp này, về mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa: “Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng. Chúa đã nghĩ đến con, tạo ra con và yêu thương con.” Nhưng điều đó chưa đủ. Thần Khí của Đức Kitô cho chúng ta một chiều kích thứ hai về việc làm Cha của Thiên Chúa ngoài việc tạo dựng, vì Chúa Giêsu là “Con” theo nghĩa đầy đủ nhất, “Đồng bản thể với Chúa Cha”, như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Đến lượt Chúa Giêsu, khi trở nên một con người như chúng ta qua việc Nhập Thể, Chết và Phục Sinh, Người nhận chúng ta vào nhân tính của Người và chính việc làm Con của Người; vì vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể tham gia việc thuộc về Thiên Chúa đặc biệt của Người. Chắc chắn rằng việc làm con cái Thiên Chúa của chúng ta không có sự viên mãn của Chúa Giêsu: chúng ta phải trở nên con cái Thiên Chúa mỗi ngày một hơn, qua tiến trình toàn thể đời sống Kitô hữu của mình, bằng cách lớn lên trong việc đi theo Đức Kitô, trong sự hiệp thông với Người, để đi vào mối liên hệ càng ngày càng mật thiết hơn trong tình yêu với Thiên Chúa Cha, là Đấng nâng đỡ cuộc đời chúng ta. Thực tại cơ bản này được tỏ lộ cho chúng ta khi mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần và khi Ngài làm cho chúng ta quay về với Thiên Chúa và thưa rằng, “Abba! Cha ơi!” Chúng ta thật sự đã vượt quá việc tạo dựng và đi vào việc làm nghĩa tử; với Chúa Giêsu, chúng ta thật sự đang được kết hợp trong Thiên Chúa và làm con cái một cách mới mẻ và theo một chiều kích mới.

Nhưng giờ đây tôi muốn trở lại với hai đoạn thư của Thánh Phaolô mà chúng ta đang suy niệm về hành động này của Chúa Thánh Thần trong lời cầu nguyện của chúng ta; ở đây hai đoạn thư cũng liên quan với nhau, nhưng chứa đựng những sắc thái khác nhau. Thực ra, trong Thư gửi tín hữu Galatê, Thánh Tông Đồ nói rằng Chúa Thánh Thần kêu lên trong chúng ta “Abba! Cha ơi!” Thư gửi tín hữu Roma nói rằng chính chúng ta kêu lên “Abba! Cha ơi!” Và Thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng cầu nguyện Kitô giáo không khi nào và không bao giờ xảy ra cách một chiều giữa chúng ta và Thiên Chúa, nó không chỉ là “việc làm của chúng ta”, nhưng một diễn tả về một mối liên hệ hỗ tương trong đó Thiên Chúa hành động trước: Chính Chúa Thánh Thần là Đầng kêu lên trong chúng ta, và chúng ta có thể kêu lên vì sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể cầu nguyện nếu lòng khao khát Thiên Chúa và khao khát làm con cái Thiên Chúa của chúng ta không được khắc ghi tận đáy lòng chúng ta. Từ giây phút hiện hữu, homo sapiens luôn luôn tìm kiếm Thiên Chúa; họ tìm cách thưa chuyện với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã khắc ghi chính Ngài trong tâm hồn chúng ta. Vì vậy, sáng kiến đầu tiên đến từ Thiên Chúa, và qua bí tích Thánh Tẩy, Thiên Chúa lại hoạt động trong chúng ta, Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta. Ngài là Đấng khởi xướng trước tiên của cầu nguyện để sau đó chúng ta thật sự có thể nói cùng Thiên Chúa và thưa “Abba” với Ngài. Vì vậy, sự hiện diện của Ngài khai mở lời cầu nguyện của chúng ta và cuộc sống chúng ta, rộng mở nó cho những chân trời của Thiên Chúa Ba Ngôi và Hội Thánh.

Chúng ta cũng hiểu, đây là điểm thứ hai, rằng lời cầu nguyện của Thần Khí Đức Kitô trong chúng ta và lời cầu nguyện của chúng ta trong Ngài, không phải chỉ là một hành động cá nhân, nhưng là hành động của toàn thể Hội Thánh. Trong cầu nguyện, tâm hồn chúng ta mở rộng, chúng ta bước vào sự hiệp thông không những chỉ với Thiên Chúa, mà với tất cả các con cái của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta là một. Khi đến với Chúa Cha trong căn phòng nội tâm, trong sự im lặng và hồi tưởng, chúng ta không bao giờ một mình. Người nào thưa chuyện với Thiên Chúa thì không bao giờ cô đơn. Chúng ta đang ở trong lời cầu nguyện vĩ đại của Hội Thánh, chúng ta là một phần của một bản hòa tấu tuyệt vời mà các cộng đồng Kitô hữu, rải rác khắp nơi trên trái đất và trong mọi thời đại, dâng lên Thiên Chúa. Chắc chắn rằng các nhạc công và nhạc cụ khác nhau, và đây là một yếu tố của sự phong phú, nhưng âm điệu chúc tụng là một và hòa hợp. Như thế, mỗi khi chúng ta kêu lên và thưa, “Abba! Cha ơi!” thì chính Hội Thánh, toàn thể sự hiệp thông của dân Chúa cầu nguyện là điều nâng đỡ lời cầu khẩn của chúng ta và lời cầu khẩn của chúng ta là lời cầu khẩn của Hội Thánh. Điều này cũng được phản ảnh trong sự phong phú của các đặc sủng, của các thừa tác vụ, các công tác chúng ta làm trong cộng đồng. Thánh Phaolô viết cho các Kitô hữu thành Côrintô: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có cùng một Thần Khí. Có nhiều tác vụ khác nhau, nhưng chỉ có cùng một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có cùng một Thiên Chúa, là Ðấng làm tất cả mọi sự trong mọi người” ( 1 Cor 12:4-6). Lời cầu nguyện được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta thưa “Abba! Lạy Cha!”, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta được ghép vào bức tranh tuyệt vời của gia đình Thiên Chúa nơi mỗi người đều có một chỗ đứng và một vai trò quan trọng, trong sự hiệp nhất sâu xa với toàn thể.

Một lưu ý cuối cùng: chúng ta cũng học cách kêu lên “Abba! Cha ơi” cùng với Đức Maria là Mẹ của Con Thiên Chúa. Việc làm tròn thời viên mãn, mà Thánh Phaolô nói đến trong thư gửi Tín Hữu Galatê (x. 4:4), xảy ra ngay giây phút thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria, của việc hoàn toàn tuân theo Thánh Ý Thiên Chúa của Mẹ: “Này, tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1:38).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học trong cầu nguyện cách thưởng thức vẻ đẹp việc làm bạn hữu, thực ra, làm con cái Thiên Chúa, của việc có thể kêu lên Ngài với lòng tin tưởng và tín thác mà một trẻ em có đối với cha mẹ là những người yêu thương em. Chúng ta hãy mở lời cầu nguyện của chúng ta ra cho tác động của Chúa Thánh Thần để Ngài có thể kêu lên “Abba! Cha ơi!” cùng Thiên Chúa trong chúng ta, và cho lời cầu nguyện của chúng ta có thể thay đổi và liên tục hoán cải cách suy nghĩ và hành động của chúng ta ngõ hầu làm cho nó phù hợp hơn với Con Một Thiên Chúa, là Đức Chúa Giêsu Kitô. Cám ơn anh chị em.