PARAGUAY – NGÔN SỨ THỜI ĐẠI

Thế vận hội hay Đại hội Thể thao Olympic Mùa Hè lần thứ 31 diễn ra tại Rio de Janeiro, Brasil và là lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Mỹ vừa kết thúc trong tháng 8. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia dẫn đầu về bảng tổng sắp huy chương (ngoại trừ Thế Vận Hội năm 2008 diễn ra ở Bắc Kinh thì Trung quốc là nước chủ nhà nên vượt qua Hoa Kỳ do lợi thế sân nhà và các môn thi sở trường của họ). Chứng kiến màn trình diễn khai mạc và bế mạc thế vận hội mỗi kỳ Olympic gần đây chúng ta mới thấy được sự hoàng tráng đúng nghĩa của khâu tổ chức với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật hiện đại đã làm cho người xem thật bắt mắt và luôn trầm trồ khen ngợi. Quốc gia đăng cai Thế Vận Hội Mùa Hè 2020 sẽ là Nhật Bản và chúng ta sẽ được chứng kiến trong 4 năm tới chuyện gì sẽ xảy ra với một nước Nhật có trình độ phát triển khoa học kỹ thuật vượt bậc như lâu nay.

Người ta thường nói để có được một tấm huy chương, nhất là huy chương Olympic thì phải trả giá rất đắt vì phải tập luyện, kiêng khem đủ điều, và nhất là những tai nạn có thể xảy ra khi tập luyện hay khi thi đấu. Nhìn một số vận động viên cử tạ vừa nâng tạ lên vượt quá sức mình đã bị gãy tay và trở nên tàn phế suốt đời. Hay những vận động viên thể dục dụng cụ vừa nhảy lên không và khi rớt xuống thì gãy luôn một chân thấy mà tội nghiệp làm sao. Dẫu biết rằng có những rủi ro, nguy hiểm khi luyện tập hay khi thi đấu nhưng các vận động viên không bỏ cuộc vì họ có lí tưởng của họ và chúng ta tôn trọng, khâm phục họ. Cũng vì thế mà chúng tôi rất cảm kích những bậc cha, anh đang dấn thân truyền giáo ở các nơi nguy hiểm vì ở đó có những phần tử khủng bố, những căn bệnh truyền nhiễm chết người, những nơi mà hiện nay thế kỷ XXI rồi vẫn còn thiếu thốn đủ thứ về phương diện vật chất, vậy mà những “vận động viên” truyền giáo ấy vẫn “luyện tập và thi đấu” cho lý tưởng của mình vì vinh quang Nước Chúa.

Tháng 8 chúng ta lại nghe nhiều tin dữ về những vụ giết người gây chấn động ở Việt Nam hay động đất 6.2 độ Richter ở miền Trung nước Ý. Trong bài viết trước chúng tôi có đề cập chuyện một vị giám mục ở Paraguay đã viết một câu trong cuốn sổ tay của chúng tôi bằng tiếng Tây Ban Nha: “Humanidad sin Divinidad (Dios) se convierte en animalidad, bestialidad y brutalidad” (tạm dịch: Nhân loại vắng bóng Thần Linh (Thiên Chúa) sẽ trở nên thú tính, cầm thú và tàn bạo). Có lẽ vì con người ngày nay muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài vì họ muốn làm chúa nên sự dữ đã lan tràn khắp nơi và hàng ngày trên các phương tiện truyền thông chúng ta vẫn nghe thấy những vụ nổ bổ khủng bố, giết người bằng súng, bằng dao hay bằng những vật gì có được trong tay để thủ tiêu đối thủ của mình, và chuyện đó xem ra trở nên bình thường đối với nhiều người.

Vụ xả súng ở Yên Bái, Việt Nam trung tuần tháng 8 vừa qua được nghi là của một cán bộ cao cấp giết chết 2 lãnh đạo của mình ngay trong cơ quan hành chính cấp Tỉnh là chuyện có một không hai từ năm năm 1975 đến nay, dù bà chủ tịch ủy ban nhân dân Tỉnh Yên Bái trong một cuộc họp báo trước câu hỏi vì sao lại “lọt” một người như ông Minh (nghi phạm trong vụ xả súng) vào đội ngũ cán bộ thì bà chủ tịch cho biết là nghi phạm “là người hiền lành, luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Việc bổ nhiệm không liên quan đến việc là con lãnh đạo. Trong cuộc sống gia đình, đối nhân xử thế không có vấn đề gì cả. Theo suy nghĩ của tôi, có thể do tâm lý tiêu cực, trong một phút không làm chủ được bản thân nên có hành vi manh động như vậy. Bản chất không phải là người xấu”.

Nếu ai đã đọc tác phẩm ”Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố trong trích đoạn “ Tức nước vỡ bờ”, chúng ta sẽ thấy một chị Dậu hiền từ, chất phát đã phản kháng như thế nào trước những áp bức bất công của chế độ sưu thế. Qua đoạn trích, tác giả phơi bày và lên án bản chất tàn ác bất nhân của chế độ thực dân phong kiến lúc bấy giờ và phản ánh tình cảnh đau thương của nông dân cùng quy luật có áp bức có đấu tranh. Nhà văn giúp chúng ta thấy được vẻ đẹp tâm hổn và sức sống tiềm tàng của người phụ nữ nông dân nghèo khổ.

Là linh mục Công Giáo, chúng tôi không bao giờ cỗ vũ cho bất kỳ phương thức bạo động hay chống chính quyền nhưng kêu gọi chính quyền biết thực thi công lý. Vì nếu thế kỷ XXI này mà chúng ta vẫn còn áp dụng luật Cựu Ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng” thì không biết loài người có còn mắt đề mà nhìn, răng để mà ăn tiệc hay không. Điều mà chúng tôi muốn chia sẻ nơi đây là đừng bao giờ dồn người ta vào bước đường cùng vì khi đó người ta không còn gì để mất, rồi chuyện gì đến, phải đến và khi đó không thể đỗ lỗi cho các thế lực thù địch hay diễn tiến hòa bình.

Người Hồi giáo quá khích thường nhân danh Đấng Allah tối cao của họ để giết người, để khủng bố vì họ cho rằng làm như thế sẽ mau chóng lên thiên đàng! Chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay những Fan hâm mộ quá khích luôn tự cho là dân tộc mình, nhóm của mình là ưu việt rồi miệt thị, xem thường và thậm chí sỉ nhục người khác một cách bất công, thiếu suy xét. Những phần tử như thế ngày nay khá nhiều và luôn là mối nguy cho xã hội mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên, những người có tôn giáo chân chính luôn giữ một thái độ chừng mực không thái quá cũng chẳng bất cập. Có một điều là khi họ không chịu đựng được nữa thì sẽ phản kháng là điều tất nhiên.

Cách đây hai ngày thì Paraguay lại xảy ra đổ máu vì một nhóm cực đoan có xu hướng bạo động đã giết chết 8 binh sĩ quân đội đang thi hành nhiệm vụ triệt phá tội phạm vận chuyển ma túy ở biên giới. Nước mắt của những người vợ mất chồng, người con mất cha lại thấm đẫm dòng đất mẹ và người dân đang biểu tình đòi Tổng thống và những vị bộ trưởng liên quan phải từ chức vì thiếu trách nhiệm như cách đây vài năm quốc hội Paraguay đã phế truất một vị tổng thống hợp hiến vì đã để xảy ra vụ thảm sát đẫm máu khiến nhiều nông dân và cảnh sát thiệt mạng. Có lẽ con người ngày nay quá cao ngạo không cần Thiên Chúa nữa nên đã và đang nhận lấy những hậu quả khôn lường.

Không biết từ khi nào những ý nghĩ và tư tưởng được xem là có dính dáng đến chính trị, chính em lại đi vào tâm tư của chúng tôi và từ đó tự nhiên được thể hiện qua những bài viết mà nhiều lúc mình không muốn. Sự bất công xã hội và những sự kiện đau lòng xảy ra hàng ngày trên thế giới nhiều lúc mình muốn nhắm mắt làm ngơ nhưng nghiệt nỗi các phương tiện truyền thông và công việc có liên quan bắt buộc chúng tôi phải lên tiếng.

Tháng 8 cũng là tháng có nhiều hoạt động trong trường học của chúng tôi, đặc biệt là các lễ hội truyền thống Folklore mà các em từ mẫu giáo đến cấp III đều chuẩn bị với sự đồng hành của các giáo viên. Nhìn thấy các em học sinh rất tự nhiên và trình bày những gì mình biết rất tự tin mà không hề sợ bị điềm xấu hay hạ hạnh kiểm nếu nói sai khiến chúng tôi cảm thấy trong lòng rất vui.

Trò chơi Pokemon Go được cho phép tải miễn phí vào điện thoại thông minh từ đầu tháng 8 cũng là một đề tại thời sự nóng vì ảnh hưởn tiêu cực rất nhiều đến việc học và dạy của thầy trò ở trường chúng tôi và tất cả các trường khác. Chúng tôi cũng khá đau đầu khi trong giờ học cũng như giờ ra chơi mạnh ai nấy chằm chằm chơi Pokemen Go và quên hết những chuyện khác. Đã có nhiều tai nạn đáng tiếc vì quá mê trò chơi này. Cũng may là chính quyền kịp thời can thiệp và ngăn cấm sự lạm dụng của trò chơi mà đến nay đã giúp học sinh và ngay cả giáo viên tập trung vào việc dạy và học.

Vì là trường Tư Thục Công Giáo nên chúng tôi có các chương trình mang tính tôn giáo nhằm giúp giáo viên và học sinh sống theo Lời Chúa. Chúng tôi có tổ chức cho giáo viên và nhân viên của trường một ngày tĩnh tâm và có thánh lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa để bước vào Cửa Thánh. Nhiều giáo viên lần đầu tiên mới được vào nhà thờ Chính Tòa Thủ Đô có lịch sử mấy trăm năm nay với những ngỡ ngàng và thích thú và được lãnh nhận bí tích hòa giải và Thánh Thể sau biết bao năm nguội lạnh với Chúa. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi lời kêu gọi của mình đã được 100% giáo viên và nhân viên đáp ứng để tham dự ngày Tĩnh Tâm trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Nhìn bầu khí vui tươi, thân thiện của những người cùng làm việc với mình mà thỉnh thoảng có những hiểu lầm, xích mích, tố giáo nhau, nhất là giữa những giáo viên nữ, nhưng nay có dịp hòa giải với nhau, cùng nhau gánh các những công việc chung là một món quà mà Chúa đã tặng cho chúng tôi.

Hôm nay là lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm huyết. Cũng chỉ vì dám nói lên sự thật, dám chống lại sự bất công dù ngài không làm chính trị hay thuộc bất kỳ một tổ chức chính trị nào, ngài đã bị chém đầu bởi hai mẹ con người đàn bà lăng loàn cũng chỉ vì một lời hứa vô trách nhiệm của một ông hoàng vô luân. Có lẽ những người dám nói lên tiếng nói của lương tâm để chống lại những áp bức, bất công xã hội hiện nay sẽ bị dán nhãn là làm chính trị và bằng cách này hay cách khác sẽ bị “xử trảm” như thánh Gioan Tiền Hô. Dẫu biết thế nhưng chúng tôi thiết nghĩ đừng vì sợ “xử trảm” mà chúng ta phải làm thinh trước những bất công. Hãy nói nhưng biết nói cách nào hợp tình, hợp lý để người nghe có thể đón nhận điều mình nói và họ còn suy nghĩ dù sau đó họ có thể “xử trảm” mình nếu họ mất hết lương tri.

Sáng nay chúng tôi có đi dâng lễ cho một Ty cảnh sát quốc gia trong dịp mừng lễ thánh Rosa Lima, bổn mạng của lực lượng cảnh sát quốc gia Paraguay và Nam Mỹ. Lễ này trong lịch phụng vụ mừng này 23 tháng 8 nhưng truyền thống ở đây họ mừng ngày 30 tháng 8. Một linh mục ngoại quốc mà vào ngay trong dinh cảnh sát quốc gia để dâng thánh lễ và giảng lễ cho những người bảo vệ công quyền thì thật là một vinh dự. Sau thánh lễ, vị trưởng ty cảnh sát có mời chúng tôi dùng sáng thân mật và hỏi chúng tôi nếu cần sự giúp đỡ điều gì thì có thể điện thoại cho ông để trong tầm tay ông có thể giải quyết. Nhìn cảnh sát nước họ mà thấy xót xa cho cảnh sát nước mình. Sự khác nhau đó rất rõ là cảnh sát nước họ có Thiên Chúa làm chủ cuộc đời của họ nên họ biết tôn trọng nhân phẩm con người. Còn cảnh sát nước mình thì vô thần nên họ tự cho mình là thần và đối xử với người dân theo ý của họ. Xin Thánh Gioan Tiền Hô giúp chúng con luôn biết nói lên sự thật, biết chống lại những áp bức bất công dù sau đó những hậu quả không hay có thể xảy đến với chúng con.

Paraguay, 29/08/2016 – Lễ Thánh Gioan bị trảm huyết

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.