VỊ Hồng Y TÔI TỚ CHÚA: PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN

Ngày 16.09.2016, người Công Giáo Việt Nam và các thân hữu của Người kỷ niệm 14 năm ngày Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian để về Nhà Cha hưởng vinh phúc. Ngày 05.07.2013, tiến trình phong Chân Phước cho Vị Tôi Tớ Chúa đã hoàn thành ở Tổng Giáo phận Rôma. Nhân dịp này, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình sẽ tổ chức buổi cầu nguyện cho hòa bình thế giới qua sự chuyển cầu của Ðức Hồng Y Tôi tớ Chúa vào ngày này.

I. ÐỨC Hồng Y VIỆT TẠI GIÁO TRIỀU.

A.- Hy vọng cho Giáo phận Huế. Thầy sáu P.X. Nguyễn Văn Thuận nhận sứ nhiệm Linh mục, một Ðức Kitô thứ hai, bởi sự đặt tay truyền Chức Thánh của Ðức cha Jean Baptiste Urrutia (Thi) M.E.P, Giám mục tông tòa Huế, ngày 11.06.1953, tại Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam. Ðây là niềm hy vọng cho Giáo Hội địa phương trong tiến trình thay thế các Linh mục người Pháp đang lần lượt hồi hương. Là Cha phó xứ Tam Tòa (Ðồng Hới, Quảng Bình), một giáo xứ quan trọng của Giáo phận, tân Linh mục đã tận tụy, cố gắng và bị ho ra máu. Bác sĩ khám thấy Cha có triệu chứng bệnh lao. Sau đó, Cha được vào điều trị tại Quân y viện Pháp Grall (Sài Gòn). Tuy nhiên, trước khi đưa vào phòng mổ, Một bác sĩ Pháp đề nghị chụp x-ray phổi trước khi gây mê. Kết quả cho thấy ‘khỏi giải phẩu vì không còn thấy dấu bệnh lao ở cả hai phổi’. Phép lạ ? Trở về Huế, Cha tiếp tục sứ vụ Linh mục trông coi Giáo xứ và kiêm nhiệm Tuyên úy Trường Bình Linh, Bệnh viện trung ương Huế và Lao xá Thừa Thiên. Năm 1956, Cha đi du học tại Ðại học Giáo hoàng Urbania. Năm 1957, Cha tốt nghiệp ưu hạng Tiến sĩ Giáo luật với luận án: ‘Studium comparativum de organisatione capellanorum militum in mondo’.

B. Hy vọng cho Giáo Hội Việt Nam. Trở về Quê Nhà, Ðức cha Urrutia nói với Cha rằng Người gởi Cha đi Rôma với chủ đích: ‘Giáo Hội Việt Nam cần nhiều Mục tử mới, và Cha sẽ là một trong những Vị đó. Ðừng khiêm nhượng… Cha phải chuẩn bị để lãnh đạo. Do đó, Cha cần phải hành động, cầu nguyện… và cộng tác với Giám mục của mình… Ngày 13.04.1967, Ðức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm Cha làm Giám mục Giáo phận Nha Trang khi 39 tuổi, tiếp sứ vụ Ðức cha Paul Raymond Piquet, MEP. Ngày 24.06.1967, Cha thụ phong Thánh Chức Ðức cha bởi Ðức Tổng Giám mục Angelo Palmas, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Lào và Campuchia, chủ phong tại Tiểu Chủng viện Hoan Thiện, với khẩu hiệu ‘Vui Mừng và Hy Vọng’ (Gaudium et Spes), tên Hiến chế Mục vụ của Công Ðồng Vatican II. Ngày 10.07.1967, Cha đã nhận nhiệm vụ. Chọn ‘Vui Mừng và Hy Vọng’, Cha không chỉ nói lên niềm tin yêu, hy vọng của Cha đối với Mẹ Giáo Hội mà còn cho thấy tâm hồn thanh thoát, tươi trẻ, hoà bình, vị tha và hướng thượng, đã được diễn tả trong suốt cuộc đời sứ vụ mục tử của Cha.

Thi hành sứ nhiệm Giám mục, Cha đã viết những Thư luân lưu có giá trị vượt thời gian và không gian cho mọi người Công Giáo Việt-Nam:

1 - ‘Tỉnh Thức và Cầu Nguyện’, Tỉnh thức để nhận định, để hành động với trí óc, với sức lực của chúng ta: ‘Là công dân của nước Trời, người Công Giáo không quên mình cũng là công dân của nước trần thế. Phải quan tâm về cộng đồng chánh trị. Thái độ thoái thác, ỷ lại, dửng dưng ích kỷ trong giai đoạn nầy là đắc tội với Chúa và Tổ Quốc. Cầu nguyện để có Ơn Chúa giúp ta tự cứu thoát.

2- ‘Vững mạnh trong Ðức Tin? Tiến lên trong An Bình’: « … Tỉnh thức trong bổn phận công dân, vì lúc này hơn bao giờ cả, người Công Giáo phải theo ánh sáng của Công Ðồng Vatican II, phải bỏ quan niệm chia đôi đời sống xã hội mà Công Ðồng cho là sự sai lầm tai hại nhất của thời đại ta. Tôi đã kêu gọi anh em cầu nguyện, chính vì thiếu cầu nguyện mà Giáo Sĩ, Tu Sĩ, Giáo Dân ngày nay gặp bao nhiêu khủng hoảng, bao nhiêu khó khăn. Thiếu cầu nguyện ta không biết chính bản thân ta nữa, ta sống ta phản ứng theo tinh thần thế tục… »

3- ‘Công Lý và Hòa Bình’ với lời mở đầu ‘Ðây là hai danh từ mà anh chị em đều cảm thấy cao đẹp mọi dân tộc đều khao khát’.

C. Hy vọng trong thử thách. Ngày 24.04.1975, Cha được Ðức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Sàigòn với quyền kế vị. ‘Giờ đây, tôi phải đi vào Sàigòn lập tức, theo lệnh Ðức Phaolô VI bổ nhiệm… Ðêm ấy 07.05.1975, khi tôi ghi âm những lời tạm biệt Giáo phận Nha trang, tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc nhiều, đó là một lần độc nhất tôi đã khóc thổn thức trong tám năm ở Nha Trang - vì thương nhớ. Nhưng tâm hồn tôi rất bình an, vì tôi vâng lời Ðức Thánh Cha. Tiếp đến là gian khổ, thử thách tại Sàigòn… ». Ngày 08.05.1975, 14 Linh mục do Trương bá Cần và Huỳnh công Minh đứng đầu, theo lịnh cộng nô, đã gởi một kiến nghị đến Ðức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình bày tỏ mối quan tâm lo ngại về việc thuyên chuyển Ðức cha về Sài-gòn trong tình thế hiện nay sẽ không thuận lợi cho Giáo Hội tại Việt Nam. Ngày 27.06.1975, tại Dinh Ðộc lập, Cha đã đối diện với ba Cán bộ cao cấp của Ủy Ban Quân Quản cùng các Linh mục và giáo dân tự nhận là ‘Công Giáo yêu nước’. Chúng cho rằng sự thuyên chuyển độ một tuần trước khi họ tiếp thu Sàigòn ngày 30.04.1975, là bằng cớ âm mưu giữa Vatican và các Ðế quốc. Ðể trả lời sự cáo buộc đó, Cha chỉ xác nhận sự vâng lời của Cha đối với Bài Sai của Ðức Thánh Cha và bác bỏ lời cáo gian có âm mưu đó.

Trưa ngày 15.08.1975, Ðức Tổng Giám mục Nguyễn văn Bình và Cha được đưa đến Dinh Ðộc Lập. Tại đó, một tên công an chận Cha lại và nói: ‘Anh đi lối này’, rồi lôi Cha đi mất luôn. Khoảng 30 phút sau, chỉ thấy tướng Trà nói chuyện vu vơ, Ðức cha Bình hỏi:

- Thưa Thượng tướng, còn chuyện gì cần nữa không?

Tướng Trà trả lời:

- Thôi! Cụ ra về được rồi.

- Ðức cha phó của tôi đâu mời ngài cùng về.

- Như cụ thấy, chế độ này là chế độ Cộng sản. Tên Thuận là dòng dõi Ngô Ðình Diệm, chúng nó chống Cách Mạng từ trong trứng chống ra, nên không thể để nó ở đây được.

Sau đó, Cha bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm và cuộc phiêu lưu của Cha bắt đầu… Trong cuộc hành trình, Cha biết mình đang mất tất cả. Cha ra đi với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Cha chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, Cha vẫn thấy có một niềm vui lớn: ‘Hôm nay là lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời...’ và Chúa yêu cầu Cha hãy trở về với điều cốt yếu. Ngày 21.11.1988, Cha được rời nhà tù nhưng và bị quản chế tại Hà Nội. Trong thời gian 13 năm tù không bản án, bắt chước Thánh Phaolô, Cha đã viết thư cho các giáo đoàn về kinh nghiệm sống Ðức Tin, Mục vụ, Tu đức. Ðó là ba tập sách: ‘Ðường hy vọng’ (1975), ‘Ðường hy vọng dưới ánh sáng Lời Chúa và Cộng Ðồng Vatican II’ (1979) và ‘Những người lữ hành trên Ðường Hy Vọng’ (1980).

Năm 1989, các Giám mục Quê hương hy vọng trao cho Cha trách vụ Chủ tịch hay Tổng thư ký Hội đồng Giám mục trong kỳ Ðại hội thường niên dự trù diễn ra vào cuối năm. Tuy nhiên, lúc đó, Cha bệnh nặng phải đưa vào điều trị tại Sài-Gòn. Bộ Nội vụ gởi ông Nguyễn tư Hà vào bệnh viện gặp Cha và yêu cầu Cha từ chối bất cứ chức vụ nào. Cha trả lời Cha không kiểm soát sự chỉ định của Hội đồng và nếu được cử, Cha không thể từ chối. Ông Hà đã đến phiên họp của các Giám mục và thông báo rằng chánh phủ không muốn thấy Cha được bầu vào một chức vụ nào trong Hội đồng. Khi Hội đồng Giám mục nhóm Ðại hội, Cha phải chịu giải phẫu, nên không thể đến họp và các Giám mục không bầu cho Cha được.

D. Hồng Y phục vụ tại Giáo triều.

Ngày 21.09.1991, Cha rời Việt Nam và chánh phủ Việt Nam đã không cho Cha trở lại Quê Hương. Ngày 09.04.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24.11.1994, Cha chính thức từ chức Tổng Giám mục phó Sài gòn, để phó thác mình cho Chúa Quan Phòng để phục vụ tại Giáo Triều Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với Cha: « Hiền huynh đến từ một quốc gia chiến tranh và hiền huynh đã bị giam cầm trong mười ba năm. Bây giờ, hiền huynh chia sẻ kinh nghiệm đó cho những người dân tại các quốc gia đang chịu đau khổ và bất công. Như vậy, chúng ta có thể thăng tiến Công lý và Hòa bình và giúp họ tìm hiểu những quyền của họ. »

Cha đã học hỏi những vấn đề của thế giới phức tạp về chính trị và công bằng xã hội từ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Những vấn đề về nhân quyền, thương mại thế giới, toàn cầu hóa, các quốc gia đang phát triển và những hậu quả tiếp diễn do sự sụp đổ của Liên bang Sô viết và các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Cha rất thích những cuộc tiếp xúc với các Giám mục đến từ các quốc gia khắp Năm Châu. Tiếp đến, ngày 24.06.1998, Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray. Do đó, ngày 18.11.1998, Cha kêu gọi sự xóa giảm nợ cho các quốc gia Trung Mỹ châu bị tàn phá bởi cơn bão xoáy (cyclone) Mitch. Sau đó, Cha gởi lời cám ơn những quốc gia giảm nợ theo lời Cha yêu cầu và, đồng thời, Cha cũng nhắc nhở lãnh đạo các quốc gia Trung Mỹ trách nhiệm của họ khi vay nợ ngoại quốc.

Trong Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 đến 18.03.2000, Cha đã giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma và đã được Người cám ơn như sau: « …Tôi đã ước mong rằng trong năm Toàn xá nầy, cần có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu ‘đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc can đảm chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại’ (Tông sắc ‘Mầu nhiệm nhập thể’, số 13). Hiền Đệ đã chia sẻ chứng tá đó một cách nồng nhiệt và đầy xúc động, chứng tỏ rằng, trong toàn thể cuộc sống con người, tình thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi lý luận của loài người, tại những phần đất khác nhau trên thế giới, đang tiếp tục phải trả giá thật đắt cho chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô… ». Những bài giảng tĩnh tâm nầy đã được in thành sách ‘Chứng Nhân Hy Vọng’, phát hành bằng ít nhất 12 thứ tiếng. Ngày 21.01.2001, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn Cha vào Hồng Y Đoàn.

Đáp ứng nguyện vọng của các Giám mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’. Đầu năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II đề nghị Cha viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’. Với trách vụ đó, tại Vatican City, ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Cha đã ký ban hành ‘Sưu tập những Bản Văn của Huấn Quyền về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo’. Sau đó, Cha tiếp tục viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’. Nhưng tình trạng sức khỏe Cha không cho phép như Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, đã viết trong ‘Lời Giới Thiệu’: « Vị tiền nhiệm của tôi, Đức cố Hồng Y đáng tiếc và khả kính Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, với sự khôn ngoan, sự kiên quyết và tầm nhìn xa trông rộng, đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này. Chứng bệnh hiểm nghèo đã không cho ngài cơ hội hoàn thành phần kết thúc và xuất bản. Công việc trên đã được giao phó cho tôi và hôm nay dành cho tất cả những ai đọc quyển sách này, vì thế công trình này mang dấu ấn vị chứng nhân vĩ đại của Thập Giá, người đã có niềm tin mãnh liệt trong những năm gian khổ của đất nước Việt-Nam. Vị chứng nhân này sẽ thấu hiểu lòng biết ơn của chúng ta đối với sự lao động quý báu, tràn ngập bởi tình yêu và sự tận tuỵ của ngài, và ngài sẽ chúc lành cho những ai biết dừng lại để suy tư khi đọc những trang sách này.

Lúc 18 giờ, ngày 16.09.2002, Cha đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Cha qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư ký Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: « Một vị Thánh vừa qua đời ». Thánh lễ an táng được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành tại Vương cung Ðại Thánh đường Thánh Phêrô vào ngày 20.09.2002.

[ Lưu ý: Ngày 24.05.1976, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có Ðức Hồng Y đầu tiên là Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê. Sau đó là hai Ðức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn và Giuse Phạm Ðình Tụng. Ba Ðức Hồng Y đầu tiên đều là Tổng Giám mục Hà Nội. Ðức Hồng Y thứ tư người Việt là Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận phục vụ tại Giáo triều. Hai vị cuối cùng là các Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, cựu Tổng Giám mục Sài Gòn và Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà Nội. Chỉ Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là Tổng Giám mục hiệu tòa nên thuộc đẳng Hồng Y Phó tế, năm vị khác là các Tổng Giám mục chính tòa, thuộc đẳng Hồng Y Linh mục. ]

II. TÔI TỚ CHÚA.

A. Mở án tuyên Chân phước và Phong Thánh

Ngày 17.09.2007, Giáo Hội Công Giáo Rôma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên chân phước và tuyên thánh cho Cha. Nhân dịp này, tại Dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, trong buổi triều yết, Ðức Thánh Cha Biền Ðức 16 đã nói: Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh hùng này đã để lại cho chúng ta. Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê đã được vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô II đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Người đã soạn thảo bản Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện của Người.

Chúng tôi tưởng nhớ Người với sự khâm phục vô cùng, trong khi chúng tôi hồi tưởng lại trong tâm trí mình những dự án lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Người luôn sống động và tìm cách thức để dễ dàng loan truyền và thuyết phục nhiều người.

Đức Hồng Y Thuận là một con người của Hy Vọng, sống bằng Hy Vọng, phổ biến niềm Hy Vọng cho tất cả những ai được Người gặp gỡ. [...] Đức Cố Hồng Y thường nhắc: Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Ðức Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này, đã chiếu tỏa điều sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ theo tinh thần Phúc âm. [...]

Và Ðức Biển Đức chấm dứt: Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án tuyên chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt về niềm hy vọng Kitô này và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương Đức Cố Hồng Y là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em.

Đây là lần đầu có một người Việt Nam được khởi sự án phong Thánh mà không phải là tử đạo. Theo tiến trình này của Giáo Hội Công Giáo thì Ðức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đang ở bậc Tôi tớ Chúa (đặc biệt từ năm 1983, một trong bốn bậc phong thánh: [Tôi tớ Chúa (Servant of God), Đáng kính (Venerable), Chân phước hay Á Thánh (Blessed) và Thánh (Saint)].

[Lưu ý: hiện có bốn người Việt đang thuộc một trong các giai đoạn kể trên:

1. Chân Phước Andrê Phú Yên, Thày Giảng Dòng Tên (Jesuit Catechist), Tử đạo đầu tiên ở Việt Nam, 1624-1644, đang chờ Phong Thánh;

Ba vị Tôi tớ Chúa:

2. Linh mục Tôi Tớ Chúa Phanxicô Trương Bửu Diệp, 1897-1946;

3. Tu sĩ Tôi Tớ Chúa “Marcel” Joakim Nguyễn Tân Văn,, Dòng Chúa Cứu Thế (Redemptorist – C.Cs.R.), 1928-1959;

4. Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, 1928-2002.]

B. Chính thức mở án tuyên Chân phước và Hiển Thánh.

Ngày 22.10.2010, Ðức Hồng Y Peter Turkson, chủ sự lễ cầu nguyện cho ông tại Nhà thờ Santa Maria della Scala. Tham dự thánh lễ có các thành viên thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, các Ðức Hồng Y, Ðức cha, Linh mục, thân nhân và bạn hữu Ðức Hồng Y Thuận. Lúc 12 giờ, tại Phòng Hòa Giải trong Dinh Laterano ở Roma, Phiên họp chính thức mở cuộc điều tra án tuyên chân phước và tuyên thánh cho Người khai mạc với Nghi thức bắt đầu bằng hát một Thánh ca, sau đó là việc đọc biên bản. Sau đó, Ðức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Giáo phận Rôma tuyên bố chính thức mở Án điều tra.

C. Kết thúc giai đoạn tuyên chân phước tại giáo phận.

Ngày 05.07.2013, người Công Giáo Việt Nam tưng bừng tham dự lễ ‘Bế mạc phần điều tra tại Giáo phận’ cho tiến trình phong Chân Phước cho Hồng Y Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã hoàn tất ở Tổng Giáo phận Rôma. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Ðức, được Hội đồng Công lý và Hòa bình mời tham dự lễ ‘Bế mạc phần điều tra tại Giáo phận’, đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà nội chặn lại không cho xuất cảnh sang Bangkok (Thái lan) trên đường đi Rôma (Ý đại lợi). Ông Ðức kể cho ông Mặc Lâm, phóng viên Ðài Á châu Tự do RFA biết: « Khi làm ở Phòng Tôn giáo Bộ Công an, người ta có ‘đối sách’ về Ðức cha vì một tội rất to là cháu của Ngô Ðình Diệm và sự về Sài gòn làm Phó Tổng Giám mục là để lót ổ lên Tổng Giám mục nên Người bị chuyển ra Bắc ». Tại sao, với hai ‘tội nặng’ này và bị giam giữ 13 năm, trong có những năm biệt giam, nhưng đảng cộng sản không dám đem Ðức Cha ra tòa xét xử ?

III. LỜI Hồng Y TÔI TỚ CHÚA DẠY.

A. Các bài Ðức Hồng Y Tôi tớ Chúa đã giảng tĩnh tâm cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và các thành viên Giáo triều Rôma nhân Mùa Chay Năm Thánh 2000 được in thành sách 'Chứng nhân Hy vọng'. Nhiều người, đặc biệt là quý Linh mục và tu sĩ, lưu ý 'Bài suy niệm thứ 5. Chọn Thiên Chúa chứ không phải những việc của Thiên Chúa'.

« Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẩn uất nổi lên trong tôi.

Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: ‘Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì con đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Chúa nhưng không phải là chính Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc đó. Hãy bỏ ngay, và hãy tín thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con phải chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!'

Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi một niềm an bình mới mẻ làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu đuối của con người mình, nhưng tôi luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh. Nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an.

Chọn Chúa, chứ không phải chọn những công việc của Chúa. Ðó chính là nền tảng đời sống Kitô trong mọi thời đại. Và đồng thời đó cũng là câu trả lời đích thực nhất cho thế giới ngày nay. Ðó cũng là con đường để thực hiện những dự định của Chúa Cha đối với chúng ta, đối với Hội Thánh và nhân loại ngày nay.

B. Mười Ðiều Răn của Linh mục.

1. Những gì tôi sống trong tư cách là một Linh Mục, thì quan trọng hơn những gì tôi làm.

2. Những gì Chúa Kitô làm qua trung gian của tôi, thì quan trọng hơn những gì do chính tôi làm.

3. Những gì tôi với anh em Linh Mục cùng sống, thì quan trọng hơn những gì tôi làm một mình, dù hăng say tới mức suýt bị mất mạng.

4. Những gì tôi sống cho Kinh nguyện và Lời Chúa, thì quan trọng hơn những tổ chức sinh hoạt bên ngoài.

5. Những gì tôi sống vì lợi ích thiêng liêng của người cộng tác, thì quan trọng hơn những công việc tôi làm cho lợi ích của mình.

6. Hiện diện ít nơi nhưng thiết yếu để đem lại sức sống, thì quan trọng hơn có mặt khắp nơi nhưng vội vàng và nửa vời.

7. Hoạt động cùng với người cộng tác, thì quan trọng hơn là làm một mình,

cho dù mình có nhiều khả năng hơn họ. Nói cách khác, hợp tác thì quan trọng hơn hành động riêng rẽ.

8. Hy sinh thập giá âm thầm bên trong, thì quan trọng hơn những thành quả đạt được bên ngoài.

9. Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn, Giáo phận và Giáo Hội toàn cầu, thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa.

10. Làm chứng về Đức Tin trước mặt mọi người, thì quan trọng hơn tìm cách thoả mãn thị hiếu của họ.

Ðây là những chỉ giáo rất được lưu ý bởi các Kitô hữu toàn cầu, nhưng đối với người Công Giáo Việt Nam thì sao, nhất là khi Formosa, với sự bảo kê của cộng sản tham nhủng, gây thảm cảnh đau khổ cho đồng bào và cho chính chúng ta lẫn Chủ chăn Giáo phận hay Giáo xứ?

Hà Minh Thảo