Tản mạn về Công lý của Thiên Chúa

“Công lý của Thiên Chúa là lòng thương xót”.

(Trích “Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống ky-tô hữu”; số 3; của Đức Hồng Y Kasper).

Nói đến công lý là nói đến công bằng và lý đúng, lẽ phải. Công bằng là thưởng người lành và phạt kẻ dữ. Khi Thiên Chúa phạt kẻ dữ, xem ra cũng đáng tội họ, nhưng làm sao nói được về một Thiên Chúa có lòng thương xót? Thiên Chúa có lòng thương xót, sao lại trừng phạt con người như thế? Thế nhưng nếu Thiên Chúa có lòng thương xót, tha thứ thì đâu là một Thiên Chúa công bằng? Lý lẽ ở đâu; lẽ phải ở đâu; lý đúng ở đâu; công bằng ở đâu?

Nói “công lý của Thiên Chúa là lòng thương xót” có ý nghĩa gì? Nếu bạn hỏi: công lý của Thiên Chúa là gì? Câu trả lời là: công lý của Thiên Chúa là lòng thương xót. Nếu bạn hỏi: Lòng thương xót của Thiên Chúa là gì? Câu trả lời là: Lòng thương xót của Thiên Chúa chính là công lý. Kinh Thánh nói: Thiên Chúa là tình yêu”(x.1Ga4,8), thì ta cũng có thể nói : Thiên Chúa là lòng thương xót.

Con người ta thường nói đến công lý; mà thế gian có công lý bao giờ, “toàn là bất công, bạo tàn và xảo kế; đầy những chước độc mưu thâm”. Có công lý chăng chỉ là công lý báo thù. Nghĩa là một sự trả thù không hơn không kém. Đời ông, đời cha gây oán, gây thù, để rồi đời con, đời cháu trả thù, trả oán. Xưa người ta làm cho mình thế nào, thì bây giờ ta sẽ làm cho lại như thế, có khi còn thâm độc hơn, theo kiểu “Mắt đền mắt, răng đền răng”(x.Mt5,38); và cứ như thế, con người trả thù trả oán suốt không ngơi nghỉ. Đó là công lý của con người.

Tại tòa án thì sao? Có công lý không? Đó cũng chỉ là công lý của kẻ mạnh; công lý của tiền. Có tiền là có công lý; có tiền sẽ thắng; có tiền thì có thể biến trắng thành đen, đen thành trắng; có thể biến có tội thành vô tội và biến vô tội thành có tội. “Mạnh được yếu thua” mà. Và thế là người ta mong đợi công lý từ Thiên Chúa để trừng trị những kẻ độc ác, gian tà, đã bẻ cong công lý; đã hãm hại bao nhiêu kẻ vô tội. Thế mà lại nói: công lý của Thiên Chúa là lòng xót thương” là sao? Trên đời này đã không có công lý; trên trời cũng không có công lý luôn sao?

Quả thật công lý của Thiên Chúa không phải là công lý báo thù; công lý trả thù, mà là công lý xót thương; công lý cứu độ. Thiên Chúa là Thiên Chúa cứu độ chứ không phải là Thiên Chúa báo thù; không phải là Thiên Chúa trừng phạt. Thế thì người ta nói: Tại sao trong Kinh Thánh Cựu Ước, xem ra Chúa là Thiên Chúa nghiêm khắc, hình như cứ rình xem con người phạm tội hay làm điều xấu là ra tay trừng phạt. Thiên Chúa dữ dằn quá!

Lịch sử con người, từ khi có con người đầu tiên cho đến bây giờ, nó giống như sự phát triển của một con người từ lúc sinh ra cho đến lớn. Thời Cựu Ước như là thời hồng hoang, con người như mới được sinh ra, chưa hiểu biết gì, nên sự giáo dục Thiên Chúa như người cha, người mẹ hơi nghiêm khắc một chút, thường ra hình phạt nhiều hơn là phần thưởng hay đối thoại; giải thích. Cốt ý cho con người sợ mà đừng làm điều xấu. Qua 10 điều răn, ta thấy hết 9 điều là cấm, là “không được”; chỉ có một điều “hãy” là : Hãy thảo kính cha mẹ(điều răn thứ 4)

Thế nhưng bây giờ con người xem ra như một con người trưởng thành, đã biết suy, biết nghĩ nên không còn thích hợp để rao giảng một Thiên Chúa của Cựu Ước nữa. Phải rao giảng Thiên Chúa của Tân Ước, một Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Với 8 mối phúc thật; 8 điều chúc phúc chứ không cấm đoán nữa. Dầu vậy ta cũng có thể tìm thấy nơi các bản văn Kinh Thánh Cựu Ước nói về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Cũng nhiều lắm chứ không ít đâu.

Ngay thời lập quốc của dân Israel, thời Xuất hành: “Thiên Chúa là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi; hay nén giận; giàu ân nghĩa và thành tín”(x.Xh34,6). Một hình ảnh rất đẹp và ý nghĩa trong sách Tiên tri Ê-dê-ki-en16,3-63, mô tả Dân Israel như một người thiếu nữ. Dân Israel như một đưa trẻ gái bị bỏ rơi giữa đồng khi mới lọt lòng mẹ; Thiên Chúa đã đến cứu vớt, chăm nom, nuôi dưỡng để Israel nên một đất nước hùng mạnh và giàu có; xinh đẹp và lộng lẫy như một Hoa hậu thế giới. Thế nhưng từ khi thấy mình hùng mạnh và giàu có; xinh đẹp và lộng lẫy lại kiêu ngạo, không biết đến người cứu vớt và nuôi dưỡng mình là ai; không biết Thiên Chúa là ai. Bởi đó mà Thiên Chúa ra tay trừng phạt, cho phải xấu hổ và khốn đốn; bị phân tán và đày ải khỏi quê hương cho biết thân.

Đường lối giáo dục của Thiên Chúa là thế đó, nên không thể thấy như vậy là nói Thiên Chúa nghiêm khắc, Thiên Chúa dữ dằn được. Đường lối của Thiên Chúa là muốn cho kẻ gian ác ăn năn sám hối mà được sống: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết. Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?”(x.Ed 18,23).

Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được biểu lộ cách đặc biệt và rõ ràng qua con người của Đức Giê-su Ky-tô: “Đức Ky-tô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Lòng thương xót này đã trở nên sống động và hữu hình nới Đức Giê-su thành Na-gia-rét và đạt đỉnh cao nơi Ngài. Đức Giê-su thành Na-gia-rét, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa”(Trích “Tông chiếu Năm thánh ngoại thường về lòng thương xót”, số 1).

Như thế Thiên Chúa của Cựu Ước và Thiên Chúa của Tân Ước là một, mãi mãi và luôn luôn là một Thiên Chúa giầu lòng thương xót. Có thể nói: Lòng thương xót là yếu tính siêu hình của Thiên Chúa, nghĩa là ta có thể định nghĩa về Thiên Chúa: Thiên Chúa là lòng thương xót; Thiên Chúa là tình yêu. “Lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy như có trách nhiệm, nghĩa là Ngài ước muốn sự khang an cho chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và bình an”(x.Tông chiếu số 9).

Nói như thánh Phao-lô: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận ra chân lý”(1Tm2,4). Thiên Chúa giàu lòng xót thương hằng muốn cho mọi người được cứu độ nghĩa là được sống khang an, tràn đầy niềm vui và bình an ở đời này lẫn ở đời sau. Và nhận ra chân lý này: Thiên Chúa là lòng thương xót; Thiên Chúa là tình yêu. Đó cũng là công lý của Thiên Chúa. Công lý của Thiên Chúa là lòng xót thương.

Nói đến công lý là nói đến xét xử. Vậy Thiên Chúa sẽ xét xử con người thế nào?

Qua bài thánh ca Ep1,3-10, ta thấy được kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Trong Đức Ky-tô và nhờ Đức Ky-tô, Thiên Chúa đã tha thứ mọi lỗi lầm của con người; đã giáng phúc và cứu chuộc con người:

“Trong Đức Ky-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần”(c.3). “Trong Đức Ky-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người”(c.4). “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giê-su Ky-tô”(c.5). “Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”(c.6). “Trong Thánh Tử, nhớ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người”(c.7). “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu, thiên ý này là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Ky-tô”.(c.9)

Chính Đức Giê-su đã nói: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì được sống đời đời”(x.Ga3,16). Có thể nói qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục sinh của Đức Ky-tô, hỏa ngục đã bị phá hủy, giờ chỉ còn thiên đàng và luyện ngục thôi. Hỏa ngục có còn là cho ma quỉ chứ không cho con người. Con người đã được Đức Giê-su chết thay cho rồi mà. Theo đức công bằng, Đức Giê-su cũng đã đền thay cho mọi người rồi, không còn gì để ma quỉ khiếu nại nữa. Ma quỉ không thể nói Thiên Chúa không công bằng được.

Với cái chết của Đức Giê-su, coi như Chúa đã bao tiền tháng điện thọai cho ta; coi như Chúa đã bao cho ta khỏi vào hỏa ngục rồi; còn ta gọi bao nhiều cuộc, ta phải trả bấy nhiêu; ta phạm bao nhiêu tội; ta làm bao nhiêu sự xấu thì ta tự đền bấy nhiêu. Chúa cũng tuyệt quá đấy chứ!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

Sự công bằng, sự xét xử của Thiên Chúa bây giờ đều được xét theo nhãn quan của lòng thương xót, nghĩa là con người sẽ được bênh vực hết sức; sẽ được biện hộ hết sức và giảm khinh tối đa. Thiên Chúa tìm ra những điểm tốt dù là bé xíu. Có “bé”, Chúa cũng “xé ra to”. Cuộc xét xử của Thiên Chúa trở thành cuộc biện hộ; không chỉ để con người được trắng án mà nhất là để cho con người được cứu độ; được hưởng sự khoan hồng; được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong cuộc phán xét đó, nếu có điều bất lợi cho con người, dù có nhiều, có to, có lớn đến đâu, sẽ được thu hẹp hết sức; còn điều có lợi cho con người sẽ được mở rộng hết sức, dù nhỏ, dù ít đến đâu. Bởi đó ai cố gắng sống tốt, sống công chính và làm việc tốt bao nhiêu sẽ được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa bấy nhiêu. Ai sống xấu xa, độc ác; bất công, bất chính bao nhiêu thì sẽ được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa ít bấy nhiêu. Thế là công bằng!!!

Vậy ta hãy xác tín rằng: Công lý của Thiên Chúa là lòng thương xót và lòng thương xót của Thiên Chúa chính là công lý”. Là con người, ai mà không cần đến lòng thương xót của Chúa và Thiên Chúa sẵn sàng ban lòng thương xót cho ta tùy theo sự cố gắng và cách sống của ta. Ta mà cố gắng bao có thể khi sống trên trần gian này thì sau này, trên thiên đàng ta sẽ được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa bấy nhiêu. Quả thật, Thiên Chúa không trừng phạt nhưng chỉ biểu lộ và trao ban lòng thương xót của Ngài mà thôi.