CHƯƠNG 1: DANH XƯNG ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Ngoài tên họ, tên đệm, tên chính, người Việt Nam còn nhiều loại tên. Có loại đã vĩnh viễn đi vào lịch sử, có loại mới chỉ xuất hiện khi nước ta tiếp xúc với văn hóa tây phương, có loại dành riêng cho một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội nhất định. Do vậy, mục đích chương này là nhằm tìm hiểu những danh xưng đặc biệt của người Việt Nam, Nội dung gồm 2 mục chính: mục một nói về các danh xưng đặc biệt của vua chúa Việt Nam, mục hai nói về các danh xưng đặc biệt của thường dân Việt Nam.

I: DANH XƯNG ĐẶC BIỆT CỦA VUA CHÚA VIỆT NAM

Dưới thời quân chủ, khi viết tiểu sử một ông vua, các sử gia thường dùng một số đặc ngữ mà chỉ những người chuyên về sử mới hiểu, còn những người không chuyên môn, thường cảm thấy lúng túng vì một số danh từ đặc biệt. Đoạn văn sau đây trích trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về Trần Thái Tông (1225-1258) chứng minh cho nhận xét này:

Tên húy là Hoảng, con trưởng dòng đích của Thái Tông. Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu Lý thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao gươm báu, hậu có mang. Năm Canh Tý Thiện Ứng Chính Bình năm thứ 9, ngày 25, giờ ngọ sinh, sau đó lập làm hoàng thái tử. Thái Tông băng ở cung Nhân Thọ, táng ở Dụ Lăng[1].

Qua đoạn văn trên, các danh xưng Thái Tông, Thuận Thiên, Thiện Ứng Chính Bình là loại danh xưng gì và ý nghĩa ra sao? Để trả lời câu hỏi đó, mục một sẽ nghiên cứu danh xưng đặc biệt của vua chúa Việt Nam qua 5 tiết: (a) đế hiệu, (b) niên hiệu, (c) tôn hiệu, (d) thụy hiệu, (e) và miếu hiệu.

1. ĐẾ HIỆU

Đế hiệu là tên triều đại của một vị vua được công bố trong ngày lễ đăng quang để minh chứng với thần dân trong nước vua là chủ tể, có mọi quyền hành trên thần dân và đất nước. Định chế đế hiệu xuất phát từ vương triều Trung Quốc và được các vua Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản bắt chước. Trong suốt thời gian trị vị, vua Trung Quốc cũng như vua Việt Nam chỉ có một đế hiệu, nhưng có thể có nhiều niên hiệu hay tôn hiệu. Đế hiệu của các vua Việt có những điểm khác nhau ở mỗi giai đoạn lịch sử.

1.1. Đế Hiệu Các Vua Việt Thời Sơ Sử: Theo cổ sử, các vua đầu tiên của nước ta có các đế hiệu là Hùng Vương Thứ Nhất đến Hùng Vương Thứ Mười Tám. Với cách thức lựa chọn này, liệu các vua Việt trong giai đoạn sơ sử, đã biết chọn cho mình một đế hiệu chưa? Phải chăng người đời sau, khi viết về các vị lãnh đạo ban đầu, đã đặt cho các ngài đế hiệu giống kiểu cách Trung Quốc? Theo kết luận tạm thời của chúng tôi, các đế hiệu trên đây là do người sau đặt, dựa trên ba lý do:

a. Xét về mặt ngôn ngữ: Các đế hiệu trên đều là danh từ Hán Việt, có nghĩa là tiếng Hán được phát âm theo giọng Việt. Mà muốn được như thế, người Việt đã phải biết dùng chữ Hán một cách nhuần nhuyễn, đã thấm nhuần sâu sắc văn hóa Trung Quốc. Cả hai điều kiện đó không có trong xã hội Việt Nam thời sơ sử, vì mãi đến năm 207 trước Công Nguyên, nghĩa là sau gần 2500 năm tính từ Kinh Dương Vương, Việt Nam mới thực sự biết đến chữ Hán, và bắt đầu chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Từ đó, người Việt mới bắt đầu du nhập các thể chế chính trị của triều đình Trung Quốc.

b. Xét về mặt dân tộc học: Xưa nay, dân Việt không có tục lệ dùng một tên duy nhất, rồi phối hợp các con số để đặt tên cho các người khác nhau như kiểu Hùng Vương Thứ Nhất đến Hùng Vương Thứ Mười Tám.

c. Lịch sử chức vương: Chức vương phát sinh từ triều đình Trung Quốc và bắt đầu có vào đời nhà Chu, tức khoảng 1122-249 TCN. Trong khi đó, Hùng Vương Thứ Nhất của Việt Nam đã sống trước đó cả hơn nghìn năm.

Theo thiển ý, thời sơ sử Việt Nam kéo dài gần 3000 năm, ngoài 18 vị được gọi là các vua Hùng, chúng ta còn nhiều vị lãnh đạo nữa, nhưng ký ức dân gian đã quên mất, và người đời sau đã tự đặt hai từ Hùng Vương làm đế hiệu cho các nhà lãnh đạo ban đầu. Một vấn đề khác nữa là các nhà lãnh đạo nước Văn Lang có đế hiệu Hùng Vương hay Lạc Vương? Theo truyền thuyết và sử cũ thì cho là Hùng Vương, còn theo một số nhà sử học hiện nay thì cho là Lạc Vương. Tuy nhiên, vấn đề không thuộc phạm vi tính danh học, nên không được đào sâu ở đây. Nhưng, nếu là Lạc Vương thì có bao nhiêu đế hiệu Lạc Vương? Và thực sự có danh hiệu Lạc Vương hay không? Lạc Vương cũng như Hùng Vương đều là danh từ Hán Việt. Tính danh học Việt Nam chờ câu trả lời của các nhà sử học và khảo cổ học. Tuy nhiên, chúng ta phải khâm phục tiền nhân đã khéo chọn hai chữ Hùng Vương để xây dựng căn bản lý thuyết vương quyền. Hùng Vương, nếu hiểu theo nghĩa là ông vua anh hùng, thì đó là bằng chứng cụ thể cho lập luận này. Đây là một quan niệm hoàn toàn đặt trên nhân tính: vua có quyền cai trị vì có đức tính anh hùng, chứ không như vua Trung Quốc hay Âu Châu thời Trung Cổ, phải nại tới thần quyền hay thiên mệnh để biện minh cho quyền lực của mình.

1.2. Đế Hiệu Các Vua Việt Thời Tự Chủ: Sau thời Hùng Vương đến giữa thế kỷ 20, không kể 1000 năm Bắc thuộc, thời gian còn lại, nước ta được trị vì do các vua có đế hiệu được phân thành ba nhóm: nhóm một gồm những đế hiệu có từ đế hay hoàng đế, nhóm hai gồm những đế hiệu có từ vương, nhóm ba đế hiệu do các vua Tàu phong cho.

a. Đế hiệu có từ đế hay hoàng đế. Trong số hơn 100 vị vua Việt Nam, có 8 vị xưng đế hay hoàng đế. Nhưng trước hết, hãy nói về trường hợp Triệu Đà. Năm 207 TCN, Triệu Đà đánh bại An Dương Vương, lập ra nước Nam Việt, xưng làm vua, đặt đế hiệu là Triệu Vũ Đế. Nhà Triệu cai trị Nam Việt từ năm 207 đến 111 TCN, truyền ngôi được 5 đời. Thời gian này, nước Việt ngoại thuộc nhà Triệu vì Triệu Đà là người Tàu. Ông xâm lăng Âu Lạc, lập ra nước riêng biệt, không do lệnh của Hán triều. Tuy nhiên, ông chấp nhận chức Nam Việt Vương do nhà Hán phong như một biểu lộ thần phục Trung Quốc. Tuy vậy, với thần dân trong nước, ông tuyên bố đế hiệu là Triệu Vũ Đế, Nam Việt Vũ Đế để tỏ ra nước Nam Việt độc lập với Trung Quốc, có quyền ngang hàng với hoàng đế Trung Quốc. Vì chuyện này mà Hán triều sai sứ sang hạch tội Triệu Đà và sử gia đã ghi lại lời chống chế của Triệu Đà như sau:

Lão thần xưng đế, cũng tạm để tự vui thôi, đâu dám để lọt đến tai thiên tử. Lão phu ở đất Việt đã 49 năm nay, đã có cháu rồi, thế nhưng khuya nằm sớm dậy, ngủ chẳng yên, ăn chẳng ngon, mắt không dám nhìn sắc đẹp, tai không dám nghe chuông trống, chỉ vì không được thờ nhà Hán. Nay được bệ hạ rủ lòng thương yêu cho hiệu cũ, sứ giả thông hiếu như trước. Lão phu này dù phải chết xương cũng không mục.Vậy xin đổi hiệu, không dám xưng đế nữa [2]. 

Từ khi có vụ hạch tội, Triệu Đà không xưng đế với Hán triều nữa, xưng là Nam Việt Vương, Triệu Vũ Vương. Nhưng, với thần dân trong nước, ông vẫn xưng là Triệu Vũ Đế. Đến năm 544, dân Việt dành được quyền tự chủ, Lý Bôn (544-549) là vị vua đầu tiên xưng hoàng đế và lần này vua Tàu lại sai sứ sang khiển trách. Khi Đinh Bộ Lĩnh (968-979) xưng đế, nhà Tống sai sứ sang phong cho làm Giao Chỉ Quận Vương. Khi Lê Đại Hành (980-1005) xưng đế, nhà Tống hạ chức vua này xuống là An Nam Đô Hộ, sau được Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ, cuối cùng được Giao Chỉ Quận Vương, rồi Nam Bình Vương. Sách Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ghi lại chuyện vua Tàu trách vua Lê Đại Hành về chuyện xưng đế như sau:

Vua Tống sai Trương Tông Quyền đưa thư trách Lê Đại Hành xưng đế và bắt đổi niên hiệu[3]. Qua các tài liệu lịch sử trên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao vua Tàu phải khó chịu khi vua Việt xưng đế? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc phát sinh từ đế hay hoàng đế.

Đế hiệu là một pháp chế chính trị phát xuất từ triều đình Trung Quốc. Vào đời nhà Chu (1122-249 TCN), vị đứng đầu nước lớn xưng là vương, như Chu Văn Vương. Các chư hầu, dù mạnh, dù làm minh chủ cũng chỉ được phong cho một trong năm chức là: công, hầu, bá, tử, nam. Ví dụ Tề Hoàn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Công. Sang thời Chiến Quốc, thủ lãnh các chư hầu không thần phục nhà Chu nữa, họ cũng xưng vương như Tần Huệ Vương, Tề Tuyên Vương. Vậy, dưới thời nhà Chu, vua cai trị nước lớn hay nước nhỏ đều gọi là vương, và vương là chức cao nhất[4].

Đến thời nhà Tần, khi Tần Doanh Chính thống nhất Trung Quốc, thì tân vương này đưa ra sáng kiến gộp hai chữ hoàng và đế lại để làm đế hiệu. Ngoài ra, để hậu thế biết ai là người đầu tiên dùng đế hiệu này, ông đặt thêm chữ Thủy thành Tần Thủy Hoàng Đế, nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tần. Tư Mã Thiên đã chép về việc này: Trẫm là Thủy Hoàng Ðế, các đời sau cứ theo số mà tính: Nhị Thế, Tam Thế đến Vạn Thế truyền mãi mãi[5].

Như vậy, dưới đời nhà Tần, hoàng đế là chức cao nhất, được hiểu là vua nước lớn, và vương là vua nước nhỏ. Ðến khi Triệu Cao diệt nhà Tần, ông bỏ cách xưng đế, trở về định chế vương. Sử gia Tư Mã Thiên ghi lại sự kiện này:

Thủy Hoàng làm vua cả thiên hạ nên xưng đế. Nay sáu nước lại tự lập, đất đai của Tần càng nhỏ đi, làm đế chỉ có cái tên hão mà thôi, như thế không nên, nên làm vương như trước[6].

Tuy nhiên, từ đời Hán về sau, vua Tàu nào cũng mặc nhiên dùng hai chữ hoàng đế cho đế hiệu của mình[7]. Sự phân biệt đế và vương trên đây, giải thích lý do tại sao từ Triệu Đà đến các vua sau cùng nhà Nguyễn, trên mặt ngoại giao với Trung Quốc, tuyệt đại đa số vua Việt chỉ xưng vương mà không xưng đế. Kết luận này sẽ được chứng minh thêm trong phần nghiên cứu các đế hiệu vua Việt Nam có từ vương.

b. Đế hiệu có từ vương. Vua Việt Nam có nhiều vị xưng vương. Tại sao vua Việt xưng vương, vua Tàu không có thái độ phản đối như xưng đế ? Chúng ta tìm hiểu vấn đề này qua pháp chế nhà Hán. Nhà Hán diệt nhà Tần, chia Trung Quốc ra làm nhiều nước. Nước lớn thì gọi là quận, nước nhỏ gọi là huyện. Các nước này đều gọi là quốc, và người đứng đầu quận được phong là vương, đứng đầu huyện là hầu. Đối với các nước láng giềng Trung Quốc, nhà Hán cho là phiên thuộc và vua các nước ấy được phong tối đa tới chức vương, nghĩa là dưới đế một bậc. Việt Nam bị xếp vào loại phiên thuộc, nên các vua Tàu phong cho các vua Việt chức vương là bậc cao nhất. Triệu Đà (207-136 TCN) xưng đế nhưng vua Tàu chỉ phong làm Nam Việt Vương, Đinh Bộ Lĩnh xưng Đinh Tiên Hoàng Đế (968-979) được phong Giao Chỉ Quận Vương, Lê Đại Hành (980-1005) được Nam Bình Vương. Đời Lý, vua Tống Thần Tông nước Tàu phong cho Lý Thánh Tông (1054-1072) chức Nam Bình Vương[8]. Sang đời Trần, vua Tàu phong cho Trần Thánh Tông (1258-1278) chức An Nam Quốc Vương và Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông (1225-1258) chức An Nam Đại Vương[9]. Từ vua Lê Nhân Tông (1443-1459) tới Lê Tương Dực (1510-1516), vua Tàu đều phong cho làm An Nam Quốc Vương. Vua Quang Trung (1788-1792) cũng là An Nam Quốc Vương và vua Gia Long (1802-1819) là Việt Nam Quốc Vương.

Riêng trong thời hậu Lê, về mặt tổ chức, nước ta có hai hệ thống: một do vua Lê, một do chúa Trịnh cầm đầu. Trong chế độ này, vua Lê tuy được xem là chủ tể quốc gia có đế hiệu, niên hiệu, nhưng quyền hạn lại nằm trong tay chúa Trịnh. Ngược lại, chúa Trịnh trên danh nghĩa là bề tôi, phải nhận sự tấn phong của vua Lê, nhưng lại có thực quyền. Để giải quyết vấn đề chồng chéo này, người ta đưa ra giải pháp được vua Lê chấp thuận là phong cho Trịnh Tùng và con cháu nối nghiệp ông chức vương. Vương không phải là đế nhưng cũng có nghĩa là vua. Chức vương của các chúa Trịnh khác với vương của các triều đại trước.

Các triều đại Tàu cũng như Việt có lệ phong vương, nhưng vương của các triều đại ấy chỉ là một thứ tước hiệu tôn quý, tặng cho những người trong hoàng tộc, hoặc những người có công với triều đình. Có người được tôn phong là đại vương như Hưng Đạo Đại Vương. Nhưng vương ở đây chỉ là thứ tên tước, đứng đầu trong các tước hiệu công, hầu, bá, tử, nam. Và theo pháp chế thời xưa, người mang tên tước không có quyền hạn, chỉ hưởng bổng lộc của triều đình. Vì vậy, dân gian thường nói tước lộc. Ngược lại, vương của các chúa Trịnh là một chức vụ, không phải tước hiệu, nghĩa là vừa có trách nhiệm, vừa có quyền lực, vừa có bổng lộc như ông vua của một nước.

Đồng thời với 11 chúa Trịnh ở miền Bắc, miền Nam có 9 chúa Nguyễn. Các chúa Nguyễn chỉ xưng tước Công như Đoan Quận Công, Thụy Quận Công, Nhân Quận Công. Công là một trong 6 tước được xếp theo thứ tự cao thấp là: vương, công, hầu, bá, tử, nam. Lý do các chúa Nguyễn xưng công, dưới vương một bậc, vì ban đầu so về quyền lực và sức mạnh, thì các chúa Nguyễn yếu thế hơn chúa Trịnh. Nhưng về sau, khi chúa Trịnh yếu thế, chúa Nguyễn trở nên mạnh thì 2 chúa cuối cùng là Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) xưng là Minh Đô Vương và Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) xưng là Định Vương.

Tước công của các chúa Nguyễn thực ra cũng không phải là tên tước, mà là tên chức vụ, vì cũng như chúa Trịnh, chúa Nguyễn vừa có quyền, vừa có lộc. Sở dĩ như vậy vì thời hậu Lê, nước Việt ở trong tình trạng đặc biệt, vua Lê có chính danh nhưng không có thực quyền. Quyền hành nằm cả trong tay chúa Trịnh phía Bắc và chúa Nguyễn phía Nam.

c. Đế hiệu do vua Trung Quốc phong: Từ khi thoát khỏi ách đô hộ Trung Quốc, các vua Việt luôn đề cao tinh thần tự chủ độc lập, thể hiện qua việc các ngài xưng vương, xưng đế, đặt quốc hiệu, và niên hiệu cho triều đại của mình[10]. Tuy quyết tâm bảo vệ độc lập, nhưng các vua Việt cũng ý thức rằng, chiến tranh hay áp dụng chính sách ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc là điều bất lợi cho dân tộc. Vì vậy, các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ đã có một đường lối ngoại giao hòa hoãn. Dù có chiến thắng vẻ vang như trường hợp Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792) đại phá quân Thanh, thì ngay sau đó, vua ra lệnh cho Ngô Thời Nhiệm phải gửi phái đoàn đi sứ, xin nộp cống để tỏ thái độ thần phục hoàng đế Trung Quốc.

Về phía triều đình Trung Quốc, họ cũng biết là nếu không xâm chiếm được đất Việt, thì phong cho các vua Việt đế hiệu có chữ vương như một ấn chứng vua Việt lệ thuộc vào vua Tàu. Chức vụ này qua các triều đại đã được dần dần nâng cao:

Nhà Ngô: Năm 954, vua Nam Hán phong cho Hậu Ngô Vương (950-965) chức Tĩnh Hải Quân Tiết Ðộ Sứ.

Nhà Đinh: Năm 976, vua Tống phong Đinh Tiên Hoàng (968-979) làm Giao Chỉ Quận Vương.

Nhà tiền Lê: Năm 980, Lê Đại Hành (980-1005) được phong Giao Chỉ Quận Vương, sau được Nam Bình Vương.

Nhà Lý: Năm 1010, Lý Thái Tổ (1010-1028) ban đầu được phong là Giao Chỉ Quận Vương, sau được Nam Bình Vương. Từ đời Lý Anh Tông (1138-1175) trở đi, các vua nhà Lý được phong là An Nam Quốc Vương.

 Nhà Trần: Năm 1258, vua Tàu phong cho Trần Thánh Tông (1258-1278) chức An Nam Quốc Vương và Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông (1225-1258) chức An Nam Đại Vương[11].

Nhà hậu Lê: Từ Lê Nhân Tông (1443-1459) tới Lê Tương Dực (1510-1516), vua Tàu đều phong cho làm An Nam Quốc Vương.

Nhà Tây Sơn: Năm 1788, Quang Trung Nguyễn Huệ (1788-1792) được phong là An Nam Quốc Vương.

Nhà Nguyễn: Năm 1802, vua Gia Long (1802- 1819) được phong là Việt Nam Quốc Vương.

Việc phong vương cho các vua Việt trên đây biểu lộ rõ ràng thâm ý vua Tàu coi đất Việt là một quận[12] của Trung Quốc nên có quyền chỉ định viên chức đại diện. Vua Việt chấp nhận tình trạng này vì muốn duy trì mối giao hảo với Trung Quốc. Tuy nhiên, các ngài chỉ dùng chức vị đó khi có việc giao thiệp với Trung Quốc, còn khi liên lạc với các nước láng giềng hay đối với thần dân trong nước, các vua Việt từ Đinh Tiên Hoàng đến các vị sau cùng nhà Nguyễn, vị nào cũng xưng hoàng đế.

Kỳ tới: Niên Hiệu

 Nguyễn Long Thao

[1] Hoàng Văn Lâu (dịch). Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tập II. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998. tr. 30. ( sẽ viết tắt ÐVSKTT)

[2] Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (dịch). Ðại Việt Sử Ký Tiền Biên. Khoa Học Xã Hội. Hà Nội, 1997, tr. 56. ( sẽ viết tắt ÐVSKTB).

[3] ÐVSKTB. Sđd. Tr. 164.

[4] Nguyễn Ngọc Huy (dịch). Quốc Triều Hình Luật. Quyển A. Viet Publisher, Hoa Kỳ, 1989, tr. 228.

[5] Phan Ngọc (dịch). Sử Ký Tư Mã Thiên Tập I. Văn Học, Hà Nội, 1997.tr. 43.

[6] Sử Ký Tư Mã Thiên. Tập 1. tr. 69.

[7] Lý Nham Linh & Cố Ðạo Hinh (Nguyễn Tiến Ðoàn dịch). Ðời Sống Cung Ðình Trung Quốc. Văn Hóa Thông Tin, Việt Nam, 1977, tr. 26.

[8] ÐVSKTB. Sđd. Tr. 238

[9] ÐVSKTB.Sđd. Tr. 348.

[10] Nguyễn Ngọc Huy. Sđd. Tr. 79.

[11] ÐVSKTB. Sđd. Tr. 348.

[12] Tại Trung Quốc, người đứng đầu quận được phong là vương.