Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha công bố danh tính 17 vị Tân Hồng Y

Sáng Chúa Nhật 9 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu. Sau đó, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương.

Sau bài huấn đức, Đức Thánh Cha đã công bố danh tính 17 vị Tân Hồng Y. Một Công Nghị Hồng Y sẽ được triệu tập vào ngày 19 tháng 11, ngay trước lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót để tấn phong các vị tân Hồng Y.

Trong số 17 vị tân Hồng Y, có 13 vị dưới 80 tuổi và như thế có đủ điều kiện để bỏ phiếu bầu Giáo Hoàng.

Đức Thánh Cha cho biết các vị tân Hồng Y được lựa chọn đến từ năm châu, bao gồm ba vị Tổng Giám Mục Hoa Kỳ và các vị Tổng Giám Mục từ Mauritius và Bangladesh.

Dưới đây là danh sách các tân Hồng Y:

Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Ý
Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga, Cộng hòa Trung Phi
Đức Tổng Giám mục Carlos Osoro Sierra, Tây Ban Nha
Đức Tổng Giám mục Sérgio da Rocha, Ba Tây
Đức Tổng Giám mục Blase J. Cupich, Hoa Kỳ
Đức Tổng Giám Mục Patrick D'Rozario, Bangladesh
Đức Tổng Giám mục Baltazar Enrique Porras Cardozo, Venezuela
Đức Tổng Giám mục Jozef De Kesel, Bỉ
Đức Tổng Giám mục Maurice Piat, Mauritius
Đức Tổng Giám Mục Kevin Joseph Farrell, Hoa Kỳ
Đức Tổng Giám mục Carlos Aguiar Retes, Mễ Tây Cơ
Đức Tổng Giám Mục John Ribat, Papua New Guinea
Đức Tổng Giám mục Joseph William Tobin, Hoa Kỳ.
Đức Tổng Giám Mục Anthony Soter Fernandez, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Kuala Lumpur Malaysia
Đức Tổng Giám Mục Renato Corti, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Novara Ý
Đức Tổng Giám mục Sebastian Koto Khoarai, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Hoek Lesotho
Cha Ernest Simoni, giám quản của Tổng Giáo Phận Shkodrë-Pult, Scutari - Albania.

2. Đức Thánh Cha kêu gọi ngưng bắn ngay lập tức tại Syria

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại lời kêu gọi hòa bình cho Syria vào sáng thứ Tư 12 tháng 10 trong cuộc gặp gỡ với các tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô trong khuôn khổ buổi triều yết chung hàng tuần.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi muốn nhấn mạnh và nhắc lại tình liên đới của tôi với tất cả các nạn nhân của cuộc xung đột vô nhân đạo ở Syria. Tình hình hiện nay tạo ra một cảm giác cấp bách mà tôi thấy cần phải lặp lại lời thỉnh cầu của tôi, tôi van xin bằng tất cả sức lực của tôi với tất cả những ai có trách nhiệm, rằng họ cần phải thực hiện các bước cần thiết cho một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, một lệnh ngừng bắn phải được áp đặt và tôn trọng ít nhất là trong thời gian tối thiểu để cho phép việc di tản thường dân, đặc biệt là trẻ em, và những người vẫn đang bị mắc kẹt dưới chiến dịch oanh tạc tàn nhẫn.”

Máy bay của Nga gầm rú trên bầu trời Aleppo suốt ngày đêm thứ Ba 11 tháng 10, bỏ hàng loạt các loại bom chùm rơi vô tội vạ trong khu vực phía Đông của Aleppo, nơi các lực lượng nổi dậy chống tổng thống Bashar al-Assad đang bị quân chính phủ bao vây.

Ít nhất 25 người đã thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em. Cuộc oanh tạc này, được xem là tàn bạo nhất cho đến nay, đã bùng lên sau thời hạn ngưng bắn tạm thời do chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad đưa ra để thường dân còn kẹt trong vùng lửa đạn có thể di tản.

Liên Hiệp Quốc cảnh cáo có tới 275,000 thường dân vẫn còn bị kẹt trong vùng giao tranh. Trong một diễn biến khác, sáng thứ Tư 12 tháng 10. ông Boris Johnson, là ngoại trưởng kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra tội ác chiến tranh của Nga tại Syria; trong khi đông đảo dân chúng Anh biểu tình chống chiến tranh trước Tòa Đại Sứ Nga tại London.

3. Đức Thánh Cha chủ sự canh thức Thánh Mẫu nhân dịp Năm Thánh

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria, lắng nghe Lời Chúa, và đưa vào hành động cụ thể.

Đây là lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong bài giảng tại buổi canh thức, đọc kinh Mân Côi, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu, cử hành lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ bẩy, 8-10-2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đầu buổi canh thức, bức ảnh Đức Maria là phần rỗi của dân Roma đã được rước lên lễ đài, trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô. Sau đó Đức Thánh Cha và mọi người đã đọc và suy niệm mầu nhiệm mùa Mừng của kinh Mân Côi.

Trong bài suy niệm kết thúc, Đức Thánh Cha đề cao “Kinh Mân Côi, dưới nhiều khía cạnh, là một tổng hợp lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa được biến thành lịch sử ơn cứu độ cho tất cả những ai để cho mình được ơn thánh biến đổi.”

4. Chủ đề Thượng Hội Ðồng Giám Mục khóa 15 về giới trẻ năm 2018.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định chọn chủ đề cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 15 vào tháng 10 năm 2018 là: “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”.

Thông cáo công bố hôm 6 tháng 10 năm 2016, của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho biết Hội Ðồng Giám Mục đi tới quyết định trên đây sau khi tham khảo ý kiến các Hội Ðồng Giám Mục, các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương tự quản, Liên Hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nam, các nghị phụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục khóa 14 và Hội đồng của Thượng Hội Ðồng Giám Mục của khóa này.

“Ðề tài trên đây biểu lộ sự quan tâm mục vụ của Giáo Hội đối với giới trẻ, nối tiếp những điều được nói đến trong các Thượng Hội Ðồng Giám Mục về gia đình và với nội dung Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục “Amoris laetitia” (Niềm Vui Yêu thương). Chủ đề này nhắm đồng hành với người trẻ trong hành trình thiết yêu của họ tiến đến sự trưởng thành, để qua một tiến trình phân định, họ có thể khám phá dự phóng của cuộc sống và thực hiện dự án ấy trong vui tươi, cởi mở đối với cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và với con người và tích cực tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội và xã hội”.

5. Ðức Thánh Cha kêu gọi chống tham nhũng trong thể thao.

Ðức Thánh Cha Phanxicô cổ võ các tổ chức thể thao giúp các trẻ em nghèo được tham dự các sinh hoạt thuộc loại này đồng thời ngài hỗ trợ chống nạn tham nhũng trong thể thao.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến 7 ngàn tham dự viên Hội nghị quốc tế về thể thao và đức tin, do Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa tổ chức, tại Ðại thính đường Phaolô 6 chiều ngày 5 tháng 10 năm 2016. Hội nghị được sự hỗ trợ và cộng tác của Ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban thế vận Olimpic quốc tế, và tiến hành từ mùng 5 đến 7 tháng 10 năm 2016 ở Roma với chủ đề “Thể thao phục vụ nhân loại”. Ông Tổng thư ký cũng lên tiếng tại buổi tiếp kiến.

Lên tiếng trong dịp này, sau khi đề cao những khía cạnh tích cực và lợi ích của thể thao về thể lý và tinh thần đối với con người, Ðức Thánh Cha nhắc đến bao nhiêu trẻ em và thiếu niên sống ngoài lề xã hội. Ngài nói: “Tất cả chúng ta đều biết sự hăng say của các trẻ em chơi với quả bóng đá xẹp hoặc quả bóng làm bằng những giẻ rách nơi các khu ngoại ô ven các thành phố lớn hoặc nơi những con đường nhỏ ở miền quê. Tôi muốn khuyến khích tất cả, các tổ chức và hội thể thao, các thực tại giáo dục và xã hội, các cộng đoàn tôn giáo, hãy làm việc cùng nhau để các trẻ em ấy có thể chơi thể thao trong những điều kiện xứng đáng, nhất là các em bị loại trừ vì cảnh nghèo. Tôi hài lòng được biết hiện diện tại Hội nghị này có những nhà sáng lập “Giải Vô Gia Cư” (Homeless Cup) và các tổ chức khác, qua thể thao, cống hiến cho những người bị thiệt thòi nhiều nhất được cơ hội phát triển con người toàn diện”.

Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi các đại diện và các tổ chức thể thao đương đầu với thách đố làm sao duy trì đặc tính chân thực của thể thao, bảo vệ nói chống lại những lèo lái và khai thác thương mại. Ngài nói:

“Thật là buồn, đối với thể thao và nhân loại, nếu dân chúng không còn tín nhiệm nữa nơi sự thật của các kết quả thể thao, hoặc nếu thái độ sống chết mặc bay và hết hứng chiếm ưu thế so với lòng hăng say phấn khởi và sự vui mừmg tham gia vô vị lợi. Trong thể thao cũng như trong cuộc sống, điều quan trọng là chiến đấu để đạt kết quả, nhưng chơi đẹp và lương thiện là điều càng quan trọng hơn nữa!”

Ðức Thánh Cha cũng nói rằng “Vì thế, tôi cám ơn tất cả anh chị em vì mọi nỗ lực loại trừ mọi hình thức tham nhũng và lèo lái. Tôi biết đang có một chiến dịch do Liên Hiệp Quốc hướng dẫn để chiến đấu chống lại ung nhọt tham những trong mọi lãnh vực của xã hội. Bao nhiêu người chiến đấu để kiến tạo một xã hội công bằng và trong sáng hơn, cộng tác với công trình của Thiên Chúa”.

6. Đức Thánh Cha nhìn lại cuộc viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Trong buổi kiếp kiến chung sáng thứ Tư, 5 tháng 10, dành cho hơn 40 ngàn tín hữu hành hương, Đức Thánh Cha đã thuật lại cuộc viếng thăm ngài mới thực hiện tại hai nước Georgia và Azerbaigian từ 30-9 đến 2-10-2016.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến còn có hơn 20 Giám Mục và gần 10 linh mục thông dịch viên.

Trong bài huấn giáo, Đức Thánh Cha tạm giác lại loạt bài về lòng thương xót, để đề cập đến cuộc viếng thăm mục vụ ngài mới thực hiện hồi cuối tuần qua tại Cộng hòa Georgia và Azerbaigian, với chủ đích củng cố các tín hữu Công Giáo, thăng tiến đại kết và hòa bình, hòa giải.

Đức Thánh Cha nói:

“Cuối tuần qua, tôi đã thực hiện cuộc viếng thăm tại Georgia và Azerbaigian. Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho tôi tiến hành cuộc viếng thăm này và tôi tái bày tỏ lòng biết ơn đối với các chính quyền dân sự và tôn giáo của hai nước, đặc biệt Đức Thượng Phụ toàn Georgia Ilia II và Sheik thủ lãnh của người Hồi giáo miền Caucase. Một lời cám ơn huynh đệ được gửi đến các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể tín hữu đã làm cho tôi cảm thấy lòng quí mến nồng nhiệt của họ.

“Cuộc viếng thăm này nối tiếp và bổ túc cuộc viếng thăm tôi đã thực hiện tại Armenia hồi tháng 6 năm nay. Vậy là nhờ ơn Chúa, tôi đã có thể thực hiện một dự án viếng thăm tất cả 3 nước vùng Caucase, để củng cố Giáo Hội Công Giáo sống tại đó và để khích lệ hành trình của các dân tộc ấy tiến về hòa bình và huynh đệ. Hai khẩu hiệu của cuộc viếng thăm vừa qua nêu bật điều đó: khẩu hiệu “Pax vobis” (Bình an cho các con), đối với Georgia, và “Tất cả chúng ta đều là anh em” đối với Azerbaigian.

Cả hai nước có những căn cội lịch sử, văn hóa và tôn giáo rất cổ kính, nhưng đồng thời đang sống một giai đoạn mới: thực vậy, tất cả hai nước đều đang mừng kỷ niệm 25 năm độc lập, vì phần lớn thế kỷ 20 họ đã ở dưới chế độ Xô Viết. Và trong giai đoạn này họ gặp nhiều khó khăn trong xã lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Giáo Hội Công Giáo được kêu gọi hiện diện, gần gũi, đặc biệt qua dấu chỉ bác ái và thăng tiến nhân bản; và Giáo Hội tìm cách thực hiện điều đó trong niềm hiệp thông với các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác, và trong sự đối thoại với các cộng đồng tôn giáo khác, với xác tín rằng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và chúng ta là anh chị em với nhau.

Tại Georgia, sứ mạnh này dĩ nhiên được thực hiện trong sự cộng tác với các anh em Chính Thống, chiếm đa số dân tại nước này. Vì thế, thật là một dấu chỉ quan trọng sự kiện khi tôi đến thủ đô Tbilisi, tôi đã thấy ra đón tiếp tôi tại phi trường cùng với Tổng thống và cả Đức Thượng Phụ đáng kính Ilia II nữa. Cuộc gặp gỡ với ngài ban chiều cùng ngày thật là cảm động, cũng như cuộc gặp gỡ ngày hôm sau trong cuộc viếng thăm Nhà thờ chính tòa Thượng Phụ, nơi có tôn kính thánh tích chiếc áo chùng của Chúa Kitô, biểu tượng sự hiệp nhất của Giáo Hội. Sự hiệp nhất này được củng bố bằng máu của bao nhiêu vị tử đạo thuộc các hệ phái Kitô khác nhau. Trong số các cộng đoàn bị thử thách nhất có Cộng đoàn Assiro Canđê mà tôi đã trải qua với họ một buổi cầu nguyện sốt sắng cho hòa bình tại Syria, Iraq, và toàn vùng Trung Đông.

Thánh lễ với các tín hữu Công Giáo Georgia - latinh, Armenia và Assiro Canđê - được cử hành trong ngày lễ kính nhớ thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ truyền giáo: Thánh nữ nhắc nhở chúng ta rằng việc truyền giáo đích thực không bao giờ là chiêu dụ tín đồ, nhưng là sự thu hút về Chúa Kitô từ sức mạnh hiệp thông với Chúa trong kinh nguyện, trong sự thờ lạy và bác ái cụ thể, là phụng sự Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bé nhỏ nhất trong các anh em chúng ta. Đó là điều các tu sĩ nam nữ mà tôi gặp ỡ Tbilisi đang làm, và cũng như tại Baku: họ thực hiện điều với trong kinh nguyện và với những công việc bác ái, thăng tiến con người. Tôi đã khích lệ họ hãy kiên vững trong đức tin, trong ký ức, can đảm và hy vọng. Rồi có những gia đình Kitô: sự hiện diện đón tiếp, đồng hành, phân định và hội nhập của họ trong cộng đoàn thật là quí giá dường nào!

Cách thức hiện diện theo tinh thần Tin Mừng như thế như hạt giống Nước Thiên Chúa, nếu có thể, càng là điều cần thiết hơn nữa tại Azerbaigian, nơi có đa số dân theo Hồi giáo và các tín hữu Công Giáo chỉ có vài trăm người, nhưng nhờ ơn Chúa, họ có những quan hệ tốt với tất cả mọi người, đặc biệt họ duy trì những mối dây huynh đệ với các tín hữu Chính Thống. Vì thế, tại Baku, thủ đô Azerbaigian, chúng tôi đã trải qua hai biến cố mà đức tin đã biết duy trì trong quan hệ đúng đắn: Thánh Thể và cuộc gặp gỡ liên tôn. Thánh Thể với cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé, nơi mà Chúa Thánh Linh hòa hợp các ngôn ngữ khác nhau và ban sức mạnh làm chứng ta; và sự hiệp thông này trong Chúa Kitô chẳng những không cản trở, nhưng còn thúc đẩy tìm kliếm gặp gỡ và đối thoại với tất cả những người tin nơi Thiện Chúa, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Trong viễn tượng ấy, khi ngỏ lời với chính quyền nước Azerbaigian, tôi đã cầu mong rằng những vấn đề còn bỏ ngỏ có thể tìm được những giải pháp tốt đẹp và tất cả các dân miền Caucase được sống trong an bình và trong niềm tôn trọng lẫn nhau.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: Xin Chúa chúc lành cho Armenia, Georgia và Azerbaigian và đồng hành với dân Thánh của ngài lữ hành tại các nước ấy.

7. Đức Hồng Y Sarah nói “Đã đến lúc đưa thinh lặng vào phụng tự”

Ngày 6 tháng 10, Trung tâm Thánh Lu-i ở Rôma đã tiếp Đức Hồng Y Robert Sarah, Bộ trưởng bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích trong một buổi hội thảo, nhân dịp ra mắt quyển sách mới của ngài, quyển Sức mạnh của Thinh lặng (Fayard). Trước một cử tọa đông 300 người, Đức Hồng Y Sarah giới thiệu quyển sách của mình, cùng viết với Nicolas Diat, một nhà nghiên cứu về Vatican.

Đức Hồng Y Sarah, người Guinê, bảo vệ cho một cải cách phụng vụ, đưa “thinh lặng” vào trong lời cầu nguyện.

Đây là hy vọng của tôi, tôi muốn có một cải cách nhẹ nhàng, không xáo trộn để có được sự quan trọng của “thinh lặng” trong phụng tự, thường quá “nói nhiều”.

Là một bài tụng ca cho thinh lặng, kể từ ngày 6 tháng 10, quyển sách của Hồng Y Robert Sarah sẽ được bán ở các tiệm sách, mời gọi trau dồi một ngôn ngữ mới với Chúa trong tinh thần tu đức, chiêm niệm, lắng đọng nội tâm và có những giây phút cầu nguyện sốt sắng. Quyển sách-phỏng vấn này đưa ra một cải cách phụng tự, mà theo Hồng Y là cần thiết, ngài tin chắc “đó là tương lai của Giáo Hội”.

Quyển sách gồm hai phần, phần đầu gồm 365 lời dạy để mời gọi vào thinh lặng, được ăn khớp chung quanh các câu hỏi của ông Nicolas Diat, nhà Vatican học. Sau đó là phần đối thoại với Cha Dysmas de Lassus, bề trên đan viện Chartreux ở Pháp nơi Hồng Y ở lại một thời gian. “Cải cách của cải cách sẽ được thực hiện”.

Quan tâm đến việc cải cách phụng tự, Hồng Y Sarah tuyên bố: “Những gì tôi sẽ nói bây giờ không đi ngược với sự tuân phục và vâng lời của tôi đối với quyền uy tối thượng của Giáo Hội. Tôi mong muốn một cách sâu đậm được phục vụ Chúa, Giáo Hội và Đức Thánh Cha”, ngài khẳng định. “Cuộc cải cách của cải cách sẽ được thực hiện”, ngài nói thêm, “dù cho phải nghiến răng thì nó sẽ đến”. Vì theo ngài, “đã đến lúc phải đưa thinh lặng vào phụng tự”.

Quyển sách của Hồng Y Sarah là cuộc đi tìm thinh lặng, một cuộc đi tìm được chứng minh ngay từ những hàng đầu của quyển sách: “Làm sao con người có thể thật sự là hình ảnh của Chúa?”, ngài hỏi trước khi đưa ra câu trả lời: “Con người phải vào trong thinh lặng”. Ngài giải thích trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho báo La Nef, “nói lung tung chỉ có thể làm mình xa Chúa, không thể có một sinh hoạt thiêng liêng nào sâu đậm (…) Ngược lại, người thinh lặng là người tự do, vì không một ai có thể “lấy mất” đi sự thinh lặng của họ”, ngài nhấn mạnh.

8. Một linh mục Á Căn Đình bị bọn buôn ma tuý giết chết vì lên án nạn buôn ma túy tại nước này

Một linh mục người Á Căn Đình đã thẳng thắn lên án tệ nạn buôn bán ma túy đã bị giết chết chết tại nhà của ngài ở San Miguel de Tucuman vào ngày 05 Tháng Mười vừa qua.

Cha Juan Heraldo Viroche đã nhận được nhiều lời dọa giết sau khi tố cáo tệ nạn buôn bán ma túy. Do lo sợ cho cuộc sống mình, ngài đã tìm xin và đã nhận được bài sai đến một nhiệm sở mới, nhưng vẫn còn ở lại trong giáo xứ của mình để hoàn thành một tuần cửu nhật. Thi thể của ngài đã được tìm thấy treo trong nhà xứ.

Tổng Giáo Phận Tucuman đã ban hành một tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng chính quyền nhanh chóng làm rõ các sự kiện. Chúng tôi tin tưởng vào hoạt động của hệ thống tư pháp, và tất nhiên chúng tôi sẽ hợp tác trong tất cả mọi chuyện có thể được.”

9. Một người Công Giáo được bầu làm tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giữa những tin tức đau buồn trong tuần qua, nổi lên một tin rất vui mừng mà Thảo Ly xin hân hạnh gởi đến quý vị và anh chị em.

Hôm thứ Tư mùng 5 tháng 10 vừa qua, tất cả 15 thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đồng thanh chọn ông Antonio Guterres làm tân tổng thư ký thay cho ông Ban Ki Moon khi ông này hết nhiệm kỳ vào ngày 01 tháng Giêng tới đây.

Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc phải biểu quyết chấp thuận vào ngày 17 tháng Mười này. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các siêu cường: Trung Hoa, Pháp, Nga, Anh và Hoa Kỳ, hầu chắc ông sẽ trở thành tân Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc

Ông Antonio Guterres là một người Công Giáo xuất sắc đã từng là Thủ Tướng Bồ Đào Nha. Thế giới đặc biệt chú ý đến ông vì những quan tâm sâu sắc của ông đối với người tị nạn và vấn đề công lý hoàn cầu nói chung.

Ông Guterres xuất thân là một kỹ sư, trở thành phụ tá giáo sư trước khi gia nhập Đảng Xã Hội vào năm 1974, làm thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 tới năm 2002. Sau đó, ông tham gia nền ngoại giao quốc tế, trở thành Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vào năm 2005, một chức vụ ông giữ trọn một thập niên, với 2 nhiệm kỳ.

Ông được mọi người coi là người chính trực về luân lý, thông thạo lãnh vực quốc tế, và có óc cải tổ: trong các năm làm Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, ông giảm tới 1 phần ba nhân viên văn phòng, phái nhiều nhân viên đi làm việc tại chỗ hơn. Nhờ thế giải quyết nhanh chóng được nhiều cuộc khủng hoảng. Khi ra đi vào năm 2015, ông để lại hơn 10 ngàn nhân viên cho cơ quan này, được coi là một trong các cơ quan lớn nhất của Liên Hiệp Quốc.

Trong lời tuyên bố về viễn kiến của mình khi nạp đơn xin chức vụ tổng thư ký, Ông Guterres nói tới các thách đố đang đặt ra cho thế giới về gia tăng bất bình đẳng, chủ nghĩa khủng bố và tội ác có tổ chức, thay đổi khí hậu và lan tràn các nhân tố vũ trang quốc tế.

Ông Guterres từng viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô hồi tháng Mười Hai, năm 2013. Cuối cuộc viếng thăm này, ông nhận định: “Giáo Hội Công Giáo luôn là một tiếng nói rất quan trọng trong việc bảo vệ người tị nạn và di dân. Một tiếng nói của khoan dung, của tôn trọng đối với sự đa dạng trong một thế giới dửng dưng, nếu không muốn nói là thù nghịch, đối với tất cả những gì là ngoại quốc”.

10. Giáo Hội Công Giáo Ba Lan ủng hộ việc kiểm soát nghiêm ngặt việc phá thai

Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đã tái khẳng định sự ủng hộ việc kiểm soát nghiêm ngặt bảo vệ sự sống, sau khi các nghị sĩ bác bỏ đạo luật về việc các bà mẹ phá thai sẽ bị phạt tù.

Ngày 6 tháng 10 vừa qua, quốc hội Ba Lan đã bác bỏ dự luật “chấm dứt phá thai”. Dự luật đề nghị cấm phá thai trong mọi trường hợp trừ khi sự sống của người phụ nữ bị nguy hiểm và đề nghị án tù 5 năm đối với các bà mẹ và bác sĩ và 10 năm nếu có sự cưỡng bức. Dự luật này được các nhóm ủng hộ sự sống và 450 ngàn người ký tên ủng hộ, nhưng cũng có 100 ngàn phụ nữ tuần hành khắp Ba lan chống đối. Ewa Kowalewska, chủ tịch diễn đàn bảo vệ sự sống của phụ nữ Ba lan cho biết tổ chức của bà phản đối mạnh mẽ chống lại đề xuất giam tù các phụ nữ.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser, chủ tịch Ủy ban đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Ba lan nói: “Bản dự luật này có thể cần có những sửa chữa, nhưng nó được chuẩn bị khá chắc chắn. Việc bác bỏ nó đặt chúng ta vào tình trạng như trước đây.” Giáo Hội sẽ tiếp tục đòi hỏi việc kiềm chế phá thai cứng rắn hơn. Đức Tổng chia sẻ là dù Giáo Hội giải quyết vấn đề khó khăn này qua con đường bí tích, nhưng điều này không có nghĩa là các người nữ phá thai vô tội. Ngài xác định: “Sự sống con người có giá trị lớn lao. Nó không phải là đối tượng của các tranh luận chính trị.”

Hội đồng Giám mục Ba Lan nhắc đến sự thánh thiêng của sự sống con người mà Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh, nhưng lưu ý rằng Giáo Hội không ủng hộ luật lệ bỏ tù những phụ nữ phá thai. Trong thông cáo đề ngày 6 tháng 10 các Giám mục viết: “Các tổ chức Công Giáo không xét đến các dự án luật dân sự dù là họ dùng quyền của mình để bày tỏ ý kiến về các luật lệ được đề nghị.” Các Giám mục cũng kêu gọi cầu nguyện cho các phụ nữ chu toàn ơn gọi làm mẹ trong cuộc sống của họ, cũng như cầu nguyện cho những ai đang gặp khó khăn.

Đạo luật năm 1993 của Ba Lan, một trong những đạo luật nghiêm ngặt nhất, hạn chế cho phép phá thai chỉ trong các truờng hợp bị hãm hiếp, loạn luân, thai nhi bị thương tổn nặng nề hay đe dọa tính mạng của người mẹ. Điều này đã giảm các trường hợp phá thai có đăng ký xuống còn khoảng 1000 trường hợp mỗi năm.

11. Đức Thánh Cha thăm các nạn nhân động đất ở miền trung Italia

Sáng 4-10, Đức Thánh Cha đã đến viếng thăm các nạn nhân động đất ở miền trung Italia ngày 24-8.

Trận động đất ở độ 6 theo thước Richter đã làm cho 297 người thiệt mạng trong số ngày có 229 người thuộc làng Amatrice. Ngoài ra hàng trăm người khác bị thương và 4 ngàn người còn trạm trú trong các căn lều, các nhà tạm thời, hoặc tại các khách sạn ở các nơi khác.

Trên chuyến bay chiều tối ngày 2-10, từ Azerbagian về Roma, “Đức Thánh Cha cho biết về dự án viếng thăm này: “Người ta đã đề nghị 3 ngày, đề nghị thứ 3 là Chúa Nhật thứ I mùa vọng, nhưng tôi sẽ đi riêng, một mình, như một linh mục, Giám Mục, tôi sẽ đi riêng, một mình, như một linh mục, Giám Mục, Giáo Hoàng, nhưng đi một mình. Tôi muốn gần gũi dân chúng.”

Khoảng 9 giờ 10 sáng, Đức Thánh Cha đi trên chiếc xe nhỏ, kính sậm, cùng với Đức Cha Domenico Pompili, Giám Mục giáo phận Rieti sở tại, và bất ngờ đến làng Amatrice, trung tâm vùng bị động đất. Cả xã trưởng lẫn cha sở đều ngạc nhiên. Ngài tiến vào ngôi trường tạm thời do sở Bảo vệ dân chúng thiết lập. Tại đây ngài gặp gỡ các em học sinh và giáo viên, thăm hỏi họ trong vòng 20 phút.

Sau đó, được các nhân viên cứu hỏa tháp tùng, Đức Thánh Cha tiến vào khu vực “đỏ” nơi có nhiều đổ vỡ, sau khi vùng này đã được các viên chức kiểm soát tình trạng an toàn. Vùng này bị phong tỏa, không cho dân chúng đi vào vì lý an ninh. Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trước những đống hoang tàn đổ vỡ của các căn nhà dân chúng.

Ngỏ lời với dân chúng, Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày đầu tiên của cuộc động đất đau thương này, tôi nghĩ rằng cuộc viếng thăm của tôi lúc ấy sẽ gây phiền toái nhiều hơn là một sự giúp đỡ, một lời chào thăm. Tôi không muốn gây phiền phức như thế, nên đã để thời gian trôi qua ít lâu, để các giới chức hữu trách thu xếp một số công việc, như trường học này. Nhưng ngay từ lúc đầu tiên, tôi đã muốn đến thăm anh chị em.. Tôi đến đây chỉ muốn gần gũi anh chị em, và tôi cầu nguyện cho anh chị em. Đây là món quà của tôi cho anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho tất cả, và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em trong lúc đau buồn và thử thách này”.

Ban trưa ngài dành gần 2 tiếng đồng hồ để thăm những người già ở nhà dưỡng lão San Raffaelle Borbona” thuộc tỉnh Rieti, chào thăm từng người, trong số 60 người trú ngụ tại nhà dưỡng lão này, trong đó có 30 người từ vùng bị động đất. Sau đó, Đức Thánh Cha ghé lại sở cứu hỏa ở Cittàreale, thăm hỏi và cám ơn họ, rồi đến Accumoli, một vùng cũng bị động đất. Ngài chào thăm nhiều người, kể cả thị trưởng ở quảng trường thánh Phêrô, cũng như cầu nguyện trước Nhà thờ thánh Phanxicô đã bị động đất phá hủy.

Từ đây, Đức Thánh Cha tiếp tục hành trình tới Pescara del Tronto lúc gần 2 giờ chiều để viếng thăm người tị nạn. Đông đảo dân chúng đã đón tiếp ngài tại đây.

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đã gây phấn khởi và mang lại hy vọng cho các nạn nhân, đặc biệt là các trẻ em tại các trường học.

12. Đức Tổng Giám Mục New Mexico chống lại việc khôi phục án tử hình

Đức Tổng Giám Mục John Wester của Santa Fe, New Mexico, đã lên án một nỗ lực muốn khôi phục lại hình phạt tử hình trong tiểu bang.

“Tôi tìm thấy thật là một điều báng bổ khi nhà nước muốn có trong tay quyền tước đi mạng sống con người”. Đức Tổng Giám Mục cho biết như trên trong một bài phát biểu tại một cuộc họp báo được tổ chức bởi những nhà vận động chống lại án tử hình.

Đức Tổng Giám Mục đã tham gia cùng các nhà lãnh đạo dân sự khác lêng tiếng chống lại án tử hình sau khi các thành viên đảng Cộng hòa tại tiểu bang thông qua một dự luật nhằm đưa trở lại hình phạt tử hình. Sáng kiến này đã bị thất bại vì Thượng viện tiểu bang từ chối thảo luận trên đề xuất này.

Chủ đề này có thể gây tranh luận sôi nổi khi cơ quan lập pháp nhà nước tái nhóm vào tháng Giêng tới.

13. Ðức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Hiến Sĩ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, gọi tắt là OMI.

Ðức Thánh Cha Phanxicô khích lệ các tu sĩ dòng Thừa sai Hiến sĩ của Ðức Mẹ Vô Nhiễm tiếp tục mang sứ điệp lòng thương xót của Chúa cho con người thời nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7 tháng 10 năm 2016 dành cho 100 thành viên Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Hiến Sĩ Ðức Mẹ Vô nhiễm, gọi tắt là OMI. Dòng này do thánh Eugène de Mazenod người Pháp thành lập cách đây 200 năm và hiện có gần 4 ngàn tu sĩ hoạt động tại 979 nhà trên thế giới, kể cả Việt Nam và Lào.

Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nhắc đến kỷ niệm 2 thế kỷ thành lập dòng trùng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài nhận xét rằng dòng OMI nảy sinh từ một kinh nghiệm của thánh Eugène de Mazenod về lòng thương xót khi còn là một thanh niên, đứng trước tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ðức Thánh Cha nói:

“Ước gì lòng thương xót luôn luôn là trọng tâm sứ mạng của anh em, sự dấn thân loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Giáo Hội cùng với toàn thế giới đang sống trong một thời đại có những biến đổi lớn trong nhiều lãnh vực khác nhau. Giáo Hội đang cần những người mang trong tâm hồn lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu Kitô giống như tình yêu ở trong tâm hồn thánh niên Eugène de Mazenod, và cùng tình yêu vô điều kiện như thế đối với Giáo Hội, một Giáo Hội đang cố gắng ngày càng trở thành căn nhà cởi mở hơn. Ðiều quan trọng là hoạt động cho một Giáo Hội sẵn sàng đón nhận và đồng hành với tất cả mọi người”.

Ðức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các tu sĩ dòng OMI rằng: “Ước gì niềm vui Tin Mừng chiếu tỏa rạng ngời trước tiên trên khuôn mặt anh em, làm cho anh em trở thành những chứng nhân vui tươi. Theo gương Thánh Sáng lập, tình bác ái giữa anh em với nhau phải là qui luật sống đầu tiên, là tiền đề cho mọi hoạt động tông đồ; và lòng nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn là hậu quả tự nhiên của tình bác ái huynh đệ ấy”.

Nhắc đến công việc hiện nay của Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Hiến Sĩ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “Cần tìm kiếm những câu trả lời thích hợp, theo tinh thần Tin Mừng và can đảm, cho những vấn nạn của con người ngày nay. Vì thế cần nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với lòng hăng say và đón nhận tương lai trong niềm hy vọng, không để cho mình bị nản chí vị những khó khăn gặp phải trong sứ mạng, nhưng kiên vững trong lòng trung thanh với ơn gọi tu trì và truyền giáo”.

14. 18 máy khử rung tim AEDs được lắp đặt trong bảo tàng Vatican.

Viện bảo tàng Vatican đã đặt 18 máy khử rung tim tự động tại các điểm quan trọng, từ phòng tranh Raphael cho đến nhà nguyện Sistina và huấn luyện 300 nhân viên cách sử dụng máy. Ðây là viện bảo tàng đầu tiên ở Ý có dịch vụ này để bảo vệ tốt hơn sức khỏe cho 6 triệu du khách thăm viếng viện bảo tàng này hàng năm.

Máy khử rung tim tự động là một thiết bị y khoa vi tính hóa, có thể kiểm tra nhịp tim của một người, và nhận biết nếu nhịp tim của người đó cần một cú sốc điện để ổn định. AED sử dụng tiếng nói nhắc nhở, đèn và tin nhắn văn bản để hỗ trợ người cứu hộ trong việc xác định các bước cần thực hiện.

Các AED trong Viện Bảo Tàng Vatican sẽ cho phép nhân viên can thiệp nhanh chóng nếu có ai đó bị đau tim, vì thêm mỗi phút không có sự can thiệp giúp đỡ, khả năng sống còn của người bệnh bị giảm 6-10%. Ðiều này sẽ giảm thiểu nguy cơ tử vong của một người trong khi chờ đợi xe cứu thương để đưa họ đến bệnh viện. Dù dụng cụ này ngày càng được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở công cộng ở Hoa kỳ, nhưng vẫn ít thấy ở Ý.

Chương trình này được thực hiện cùng với sự cộng tác của bệnh viện nhi Bambino Gesù và Bộ Y tế và phúc lợi của phủ Thống đốc thành Vatican và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ giám sát việc huấn luyện đào tạo.

Bác sĩ Mariella Enoc, Giám đốc bệnh viện nhi Bambino Gesù nói: “Ðối với chúng tôi, nó là một vinh dự và bổn phận của chúng tôi cống hiến cho viện bảo tàng Vatican những năm kinh nghiệm của chúng tôi để bảo vệ sự sống của hàng ngàn người mỗi ngày chiêm ngưỡng các kiệt tác được gìn giữ ở nơi này.”

Ông Antonio Paolucci, giám đốc bảo tàng Vatican chia sẻ: “Nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp những tiêu chuẩn an toàn tốt nhất trong viện bảo tàng. Những người đến xem các sưu tập của Ðức Giáo hoàng nên biết đây là nơi được giám sát và an toàn, nơi mà ngay cả một cơn đau tim cũng được săn sóc sớm và với các thiết bị kỹ thuật tốt nhất hiện có.

15. Ðức Thánh Cha tiếp Giáo Chủ và nhiều Tổng Giám Mục Anh Giáo.

Trong buổi tiếp kiến các vị lãnh đạo Anh giáo thế giới sáng 6 tháng 10 năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đề cao việc cầu nguyện, cùng làm chứng tá và sứ mạng chung của các tín hữu Công Giáo và Anh giáo.

Ðức Tổng Giám Mục Justin Welby, Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo, cùng với nhiều vị Tổng Giám Mục trong số 38 giáo tỉnh Anh giáo trên thế giới đã hiện diện tại buổi tiếp kiến.

Ngỏ lời trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhắc lại hành trình 50 năm qua của Anh giáo và Công Giáo, sau cuộc gặp gỡ của Ðức Giáo Hoàng Phaolô 6 với Ðức Giáo Chủ Michael Ramsey của Anh giáo, và ngài tóm tắt trong 3 việc làm là cầu nguyện, làm chứng tá và sứ mạng truyền giáo.

“Cầu nguyện như chúng ta đã cử hành kinh chiều hôm 5 tháng 10 năm 2016, và sáng hôm nay, 6 tháng 10 năm 2016, anh chị em đã cầu nguyện tại mộ thánh Phêrô. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc cùng nhau tha thiết cầu xin Chúa ban ơn hiệp nhất.”

Tiếp đến là “làm chứng tá. 50 năm gặp gỡ và trao đổi, cũng như suy tư và công bố những văn kiện chung, nói với chúng ta về những Kitô hữu, nhờ đức tin và với đức tin, đã lắng nghe và chia sẻ với nhau, thời giờ và sức lực. Càng ngày chúng ta càng xác tín rằng phong trào đại kết không bao giờ là một sự nghèo nàn, nhưng là một sự phong phú.. Chúng ta hãy quí chuộng gia sản chung và hằng ngày chúng ta được kêu gọi cống hiến cho thế giới chứng tá yêu thương và hiệp nhất giữa chúng ta với nhau, như Chúa Giêsu yêu cầu.”

Sau cùng, về sứ mạng, Ðức Thánh Cha nói: “Đây là thời kỳ Chúa gọi kêu gọi chúng ta hãy ra khỏi chính mình và môi trường của mình để mang tình yêu thương xót cho thế giới đang khao khát hòa bình”.

Liên hiệp Anh giáo có khoảng 70 triệu tín hữu, chia thành 38 giáo tỉnh tự trị, mỗi giáo tỉnh có một vị Tổng Giám Mục đứng đầu. Ðức Tổng Giám Mục Justin Welby của giáo phận Canterbury bên Anh quốc, chỉ là Giáo chủ danh dự, không có quyền tài phán trên các giáo tỉnh khác.

16. Tuyên bố chung giữa Công Giáo và Anh Giáo

Hôm 5 tháng Mười năm 2016, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và Tiến Sĩ Justin Welby, Tổng Giám Mục Canterbury của Anh Giáo, đã cùng chủ tọa buổi kinh chiều và ký một tuyên bố chung khẳng định cam kết quyết tâm thực hiện tiến bộ đại kết.

Tại buổi kinh chiều này, Ðức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi mọi giám mục, cả Công Giao lẫn Anh Giáo, “thành dụng cụ của hiệp thông, mọi lúc và mọi nơi”.

Ngài nhấn mạnh: “chúng tôi nhìn nhận mình là anh em thuộc các truyền thống khác nhau, nhưng được thúc đẩy bởi cùng một Tin Mừng để đảm nhiệm cùng một sứ vụ trong thế giới”.

Về phần Tiến Sĩ Welby, trong các nhận định của mình, ông đã cảnh giác chống lại các tranh chấp giữa các giám mục, những cuộc tranh chấp được ngài ví như “cuộc giác đấu trong đó, người thua không được tỏ một chút thương xót nào”.

Trong buổi cầu nguyện này, hai vị đã ký một bản tuyên bố chung, quả quyết rằng: “Các người Công Giáo và Anh Giáo thừa nhận rằng chúng tôi là những người thừa kế kho tàng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và ơn gọi chia sẻ kho tàng này với toàn thế giới”.

Tuyên bố chung nhìn nhận các “trở ngại nghiêm trọng” đối với sự hợp nhất giữa người Công Giáo và người Anh Giáo, nổi bật nhất là quyết định của Anh Giáo phong chức cho phụ nữ làm linh mục và giám mục. Tuy nhiên, trích dẫn điển hình được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Tổng Giám Mục Michael Ramsey của Canterbury nêu cao khi khởi đầu cuộc đối thoại đại kết năm 1996, các ngài đoan hứa sẽ tiếp tục cuộc đối thoại “một cách trung thành với lời kinh của Chúa từng cầu xin cho các môn đệ Người được nên một”.

Buổi kinh chiều đại kết được tổ chức tại nhà thờ Thánh Grêgôriô Cả, vị thánh giáo hoàng đã phái Thánh Augustinô thành Canterbury qua Anh rao giảng Tin Mừng.

17. Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu

Sáng Chúa Nhật 9 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu tại quảng trường Thánh Phêrô. Đây là một phần trong các cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong bài giảng Đức Thánh Cha, nói với các tín hữu rằng, “chúng ta được trao ban cho một mẫu gương, một mẫu gương thực sự, để chúng ta có thể noi theo, đó là Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta” Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng biết ơn, nghĩa là khả năng “nói lên lời cảm tạ, tán tụng Chúa vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta: điều này là quan trọng”

Đức Thánh Cha nói:

Chúa Nhật tuần này (Lc 17,11-19) Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn nhận ân sủng của Thiên Chúa với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Trên đường đến cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Giêsu gặp mười người phong hủi, những người đến với Ngài, nhưng đứng xa xa nói lên những vấn đề của họ với một nhân vật mà đức tin của họ xem nhân vật ấy như một vị cứu tinh có thể chữa lành cho họ “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (V . 13). Họ đang bị bệnh và họ đang tìm kiếm một ai đó để chữa lành cho họ. Chúa Giêsu trả lời bằng cách nói họ hãy đi và trình diện các tư tế, là những người theo Luật sẽ phải xác nhận sự chữa lành. Bằng cách đó, Chúa Giêsu không chỉ đơn giản cho họ một lời hứa; nhưng còn muốn thử thách đức tin của họ. Tại thời điểm đó, trên thực tế, mười người ấy chưa được chữa lành. Họ chỉ được khôi phục lại sức khỏe sau khi khởi hành ra đi trong sự vâng phục lệnh truyền của Chúa Giêsu. Sau đó, vui mừng, họ trình diện các tư tế và tiếp tục con đường của mình. Họ quên mất Đấng ban ơn cho họ, là Chúa Cha, Đấng đã chữa khỏi bệnh cho họ qua Đức Giêsu, Con của Ngài xuống thế làm người.

Duy chỉ có một người Samaritano, dân ngoại đang sống ở vùng ngoại vi của dân được ưu tuyển, thực tế anh ta là một người ngoại đạo! Người đàn ông này không chỉ hài lòng với việc được chữa lành nhờ đức tin của mình, nhưng đưa sự chữa lành đó đến chỗ thành toàn bằng cách quay lại bày tỏ lòng biết ơn của anh ta đối với ân sủng vừa nhận được. Anh ta nhận ra nơi Chúa Giêsu vị tư tế đích thật, Đấng đã nâng anh ta dậy và đã cứu anh ta, Đấng đang đặt anh trên chính lộ và chấp nhận anh ta là một trong những môn đệ của Ngài.

Để có thể nói lời cảm tạ, để có thể tán tụng Chúa vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta là điều quan trọng! Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi chính mình: Liệu chúng ta có khả năng nói lời “Cảm ơn”? Bao nhiêu lần chúng ta nói “Cảm ơn” trong gia đình chúng ta, trong cộng đồng của chúng ta, và trong Giáo Hội của chúng ta? Bao nhiêu lần chúng ta nói “Cảm ơn” đối với những ai giúp đỡ chúng ta, đối với những ai gần gũi chúng ta, đối với những ai đồng hành cùng chúng ta trong suốt cuộc đời? Thường thì chúng ta coi mọi thứ là chuyện đương nhiên! Ngay cả với những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta cũng vậy. Thật dễ dàng để chạy đến cùng Chúa để xin một cái gì đó, nhưng trở lại và cảm tạ thì không... Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự thất bại của chín người cùi vô ơn: “Chẳng phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”(Lc 17: 17-18)?.

Vào ngày Năm Thánh này, chúng ta đang được trao ban cho một mẫu gương, thực sự là một mẫu gương, để chúng ta có thể noi theo, đó là Đức Maria, Mẹ chúng ta. Sau khi nghe thông điệp Thánh Thiên Thần truyền, Mẹ nâng hồn lên trong trong một bài ca chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa ...” Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta nhận biết tất cả mọi thứ là ân sủng của Thiên Chúa, và có khả năng để nói lời “Cảm ơn”. Như thế, niềm vui của chúng ta sẽ được hoàn toàn.

Khiêm nhường cũng là cần thiết để biết nói lời tạ ơn. Trong bài đọc đầu tiên chúng ta nghe câu chuyện của ông Naaman, người chỉ huy quân đội của vua Aram (x 2 Kg 5: 14-17). Để được chữa khỏi bệnh phong của mình, ông đã chấp nhận đề nghị của một người nô lệ nghèo và phó thác mình cho tiên tri Elisha, người mà ông ta coi là kẻ thù. Naaman dù sao cũng đã sẵn sàng để hạ mình. Elisha không đòi hỏi gì nơi ông ta, chỉ đơn giản là ra lệnh cho ông phải tắm trong dòng nước của sông Jordan. Yêu cầu này làm Naaman bối rối, thậm chí khó chịu. Lẽ nào một Thiên Chúa đòi hỏi những thứ tầm thường như vậy có thể thực sự là Thiên Chúa sao? Ông muốn quay trở lại, nhưng sau đó ông đồng ý đắm mình trong dòng nước sông Jordan và ngay lập tức ông được chữa khỏi.

Tâm hồn của Mẹ Maria, trên hết, là một tâm hồn khiêm tốn, có khả năng đón nhận những ân sủng của Thiên Chúa. Để xuống thế làm người, Thiên Chúa đã chọn chính Mẹ, một phụ nữ trẻ đơn sơ miền Nazareth, là người không sống trong cung điện của quyền lực và sự giàu có, là người không làm những điều phi thường. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận những ân sủng của Thiên Chúa, hay chỉ thích đóng kín chính mình dưới các hình thức an ninh về vật chất, trí tuệ, trong các kế hoạch của chúng ta.

Điều đáng chú ý là cả Naaman và người Samaritanô này đều là hai người nước ngoài. Biết bao những người nước ngoài, bao gồm cả người của các tôn giáo khác, đang trao cho chúng ta một tấm gương về các giá trị mà đôi khi chúng ta quên lãng đi hoặc gạt sang một bên!

Những người sống bên cạnh chúng ta, những người có thể bị khinh miệt và phải ngồi ngoài chỉ vì họ là người nước ngoài, có thể dạy chúng ta cách thế để bước đi trên con đường Chúa muốn.

Mẹ Thiên Chúa, cùng với người bạn đời của mình là Thánh Giuse, biết rõ tình cảnh phải sống xa nhà. Mẹ cũng đã có thời là một ngoại kiều ở Ai Cập, xa người thân và bạn bè của Mẹ. Tuy nhiên, niềm tin của Mẹ có thể vượt qua những khó khăn. Chúng ta hãy bám vào niềm tin đơn sơ này của Mẹ của Thiên Chúa; chúng ta hãy xin Mẹ cho chúng ta có thể luôn luôn trở lại với Chúa Giêsu và cảm ơn Ngài vì bao nhiêu ơn ích chúng ta đã nhận được từ Lòng Thương Xót của Ngài.