□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Chiếu Bí! (Luca 20:27-38)


□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.

Cuối vụ mùa, lúa thóc đã đong đầy kho, bác rảnh rỗi, không có chuyện chi làm. Gặp em ngoài ngõ, bác mừng hết lớn, rủ em ghé vào nhà đánh cờ tướng. Trời tháng Giêng, gió thổi mát. Quan bác quan em bày cờ ra trước sân. Bên cờ đen bên cờ trắng. Mới đi được mấy nước hàng xóm hai bên đã nghe thấy tiếng em hét to,

— Chiếu!

Bác không vừa, càu nhàu, tay nhấc quân cờ,

— Gớm, làm gì mà hét tướng lên như thế. Chiếu thì đây lên tượng.

Em không bỏ cuộc,

— Được! Bên đó ngon... Lên tượng thì đây lại xuống pháo. Chiếu.

Bác dài ngoằng cần cổ,

— Gớm, làm như thế gian chỉ có mình ta! Chiếu pháo thì đằng này lại xuống sĩ.

Em như đang hứng chí,

— Xuống sĩ! Này, thì cho xuống sĩ. Đây kéo xe xuống cho bay luôn bộ đồ lòng. Chiếu tiếp.

Bác há hốc mồm, ngỡ ngàng nhìn bàn cờ nát bét... Biết không còn chi cứu vãn, bác giọng hờn mát, tay đẩy bàn cờ sang một bên,

— Gớm, ông đánh cờ mà cứ làm như đi đánh giặc. Thôi không chơi nữa.

Em giọng điệu châm chọc,

— Lại cáu gắt mắm tôm rồi! Thua thì nhận đi cho cao cờ.

Bác thua, quê lắm, nhưng cũng cố gắng chữa thẹn,

— Gớm! Ông thần học được ở đâu mà có cái nước pháo đùng rùng rợn đến thế. Cứ y như pháo nổ trận cổ thành Quảng Trị.

Em đáp nhời,

— Ở đâu ra, học ở Chúa chứ ở đâu ra.

Như người nắm được bè chuối giữa dòng sông cái, vớ được đuôi tóc, quan bác mắng liền quan em,

— Chú chỉ được cái ưa vẽ chuyện!

Em làm mặt nghiêm,

— Ơ bác, em nói chửa xong… Bác có biết hồi xưa Chúa Giêsu cũng là một tay cờ tướng đấy, mà cao thủ chứ đâu phải chuyện bỡn...

Bác nhìn em, chỉ tay lên hướng tháp chuông nhà thờ,

— Ăn nói vớ vẩn, tới tai cụ, cụ lại mắng cho mấy mắng!

Bác được nước, chiếu tới,

— Hay là ông đi với tôi lên trình cụ, gõ cửa, thưa với cụ hẳn hoi là hồi xưa Chúa cũng đánh cờ tướng.

Em gân cổ lên cãi,

— Ơ hay, làm gì mà phải lôi cụ ra hù dọa. Xin bẩm với quan bác ba mặt một nhời, bác đừng có mang ma ra hù Đức Giáo Hoàng...

Em lẩm bẩm trong miệng,

— Nghe chưa rõ chuyện mà cứ nói át tiếng của người ta.

Em hỏi vặn lại bác,

— Này, có đi tham dự một ván lễ Chúa Nhật tuần vừa qua hay không, hay là lại nằm dài ra ở nhà coi football cá độ?

Bác gắt gỏng,

— Ông thì ăn nói cứ như cha cụ ở trên tòa. Mà đã bảo bao nhiêu lần rồi, nhưng vẫn cứ chứng nào tật nấy. Thánh lễ Misa mà cứ nằng nặc một hai nói là ván lễ. Cứ làm như một ván cờ.

Em cười giả lả,

— Thì thánh lễ. Mà em hỏi nhưng bác vẫn chưa trả lời. Bác có dự lễ Chúa Nhật tuần rồi hay không? Nếu đi thì bác đã biết Chúa đánh cờ tướng ra sao rồi.

Bác nhìn, ánh mắt nghi ngờ,

— Thì ông nói đi.

Em nhẩn nha,

— Này nhé, đang cơm lành canh ngọt tự nhiên mấy ông Sadducee ngứa mình kéo tới đền thờ bày cờ triệt tính chiếu bí Chúa Giêsu qua cái vụ bẩy anh em lấy một bà vợ.

Bác như đã vỡ chuyện, thong thả góp chuyện,

— Ừ, ông nói tôi mới chợt nhớ ra. Mà cái người Do Thái cũng đến là lạ, tự nhiên ở đâu chui ra cái vụ anh em trong nhà rủ nhau túm tùm lấy chung một bà. Mà mấy ông Sadducee là thuộc trường phái chi vậy cà?

Em giải thích như thầy đồ ngồi trên bục,

— Cái này là phong tục của xứ người ta từ thời ông Môisen (Deut 25:5). Đối với mình thì là lạ, nhưng đối với người ta thì là chuyện tiếp nối dòng dõi. Còn mấy ông thần nước mặn Sadducee, họ không tin có đời sau. Đối với họ, chết là hết. Cho nên mấy ông thần mới chế ra câu chuyện bẩy anh em cùng cưới một bà để mà chiếu bí Chúa.

Bác như vỡ nhẽ, à to một tiếng,

— Thôi, tôi hiểu rồi.

Bác tiếp nhời,

— Nhưng đến là dại… Nhè ai không chiếu lại nhắm ngay Chúa. Thua chắc…

Em gật gù,

— Vâng! Thế thì nó mới ra chuyện. Thoạt đầu cứ tưởng là gài cờ triệt để bẻ mặt Chúa. Nhưng hóa ra lại bị phản đòn, chưa hết lại còn bị Chúa mắng cho mấy mắng.

Bác hỏi lại,

— Gài cờ triệt?

Em nói ngay,

— Vâng! Thì đấy, họ hỏi, “Vào ngày sau hết, khi người ta sống lại, cái bà này sẽ là vợ của ai trong bẩy người?”.

Tới phiên bác gật gù,

— Ừ, nghe cũng có lý. Thế rồi Chúa “phản đòn” như thế nào?

Em ăn nói thông suốt cứ như trạng sư trong phiên tòa,

— Thì bác nom đi, Chúa nói rõ ràng hẳn hoi… chỉ có trần gian thiên hạ mới cưới hỏi rộn ràng. Còn những người đã sống lại, họ trở nên giống như các thiên thần; cho nên đâu còn có cái vụ dựng vợ gả chồng ở đời sau…

Bác vẻ hài lòng,

— À! Thì ra là thế. Còn Chúa mắng?

Em giả nhời,

— Chúa đánh một cái cốp vào vụ mấy ông “thần” không tin có sự sống đời sau. Chúa nói sao các ông dốt như thế, chính Môisen cũng đã từng lên tiếng xác nhận chuyện người chết sống dậy đó. Trong sa mạc, chính Môisen đã gọi Giavê Thiên Chúa “là” Chúa của tổ phụ Abraham, của tổ phụ Isaac, và của tổ phụ Jacob đấy.

Bác vẻ ngần ngại, chép miệng

— Chỗ này quả thật là tớ hơi lạc. Chúa Nhật hôm qua, lúc cụ giảng tới cái đoạn này, tớ cứ như vịt nghe sấm…

Em nhanh nhẹn,

— À, vào cái thời mà ông Môisen gặp gỡ Chúa trong bụi gai, khi đó cả ba ông tổ đều đã chết hết rồi, nhưng Thiên Chúa vẫn giới thiệu Ngài “‘là’ Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, Chúa của tổ phụ Jacob” (Exodus 3:6, 15, Luke 20:37). Như vậy rõ ràng Giavê là Thiên Chúa của những sống chứ đâu phải của những kẻ đã chết.[1]
Em vỗ tay xuống đùi một cát đét

— Mà bác xem coi, thiệt đúng là Chúa, mở đầu câu chuyện mấy ông thần nước mặn lôi luật Môisen ra làm mối cột cho câu chuyện bẩy anh em lấy cùng một bà (Luke 20:28). Tới phiên Chúa, Chúa cũng lại dùng chính ngay Môisen để mắng mấy ông Sadducee mấy mắng. Cái này ta gọi là gậy ông lại đập lưng ông, thế là bên kia tịt ngòi, ngồi im như ngậm bị thóc.

Bác chọc tổ ong,

— Gớm, đánh cờ thì dở như hạch, lâu lâu mới vớ được một ván đã hét tướng lên cứ y như người dở hơi mà sao Kinh Thánh lại rành rẽ đến thế. Khai thật đi, có phải tu xuất hay không?

Em càu nhàu tựa chó cắn ma,

— Bác cứ ưa rỗi chuyện, thôi dựng lại bàn cờ mới đi.

Bác gật gù,

— Được, để coi kỳ này ai bày cờ, ai chiếu bí ai...

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com


Chú Thích

[1] Trong Sách Xuất Hành, Giavê Chúa hiện ra trong bụi cây, và Ngài giới thiệu với Môisen, “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob (Exodus 3:6, 3:15). Trong bản tiếng cổ Do Thái, câu, “Ta là Thiên Chúa của…” nằm ở thể hiện tại, không phải quá khứ. Chúa Giêsu đã sử dụng thuật ngữ khi Ngài trích câu 3:6 và 3:15 của sách Xuất Hành. Ý Đức Giêsu muốn nói chính Môisen cũng không viết là “Thiên Chúa [đã là] Thiên Chúa của…” nhưng mà “Thiên Chúa [là] Thiên Chúa của…” Trong văn phạm tiếng Việt, thuật ngữ của câu Luca 20:37 không được minh họa rõ nét.