Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết âm lịch tới các gia đình miền Viễn Đông

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 22 tháng Giêng tại quảng trường thánh Phêrô, sau khi quảng diễn sứ điệp Tin Mừng, Đức Thánh Cha gửi lời chúc mừng Năm Mới đến các gia đình đang chuẩn bị đón Tết âm lịch. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Tại miền Viễn Đông và nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người đang chuẩn bị mừng Năm Mới âm lịch. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến mọi gia đình, với hy vọng rằng mỗi gia đình ngày càng trở nên mái trường mà nơi đó mọi người học cách tôn trọng nhau, học cách tương quan và quan tâm chăm sóc nhau một cách vô vị lợi. Cầu chúc niềm vui của tình yêu mến chan hòa trong mỗi gia đình và tỏa lan ra toàn xã hội.

2. Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Italia đả kích đường lối mị dân

Trong một cuộc họp gần đây với các nhà báo, Đức Hồng Y Angelo Bagnasco của Genoa nói rằng đường lối mị dân không phải là câu trả lời cho những vấn đề Châu Âu đang phải đối mặt.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Ý và cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu.

Trước làn sóng nhập cư ồ ạt chưa từng có, nhiều người châu Âu ngày nay đang sống chung với nỗi sợ hãi và những cảm giác khó chịu, trong khi lo lắng về việc mất đi bản sắc dân tộc của mình. Nhiều đảng phái chính trị mới đang mọc nên như nấm, khai thác triệt để tâm lý bất mãn của dân chúng và đưa ra các chiêu bài mị dân.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng Y, đường lối mị dân “không phải là câu trả lời cho các vấn đề và các thách đố trong thời đại chúng ta. Nó lợi dụng và nuôi dưỡng sự bất mãn, nhưng không thể kiểm soát được sự bất mãn. Thay vào đó, chúng ta cần một phân tích tổng hợp mới, một tầm nhìn toàn cầu để nhìn về tương lai với niềm hy vọng”.

3. Các Giám Mục Pháp và Đức ra tuyên bố chung về vấn đề trẻ em di cư

Suy tư về thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn, Hội đồng giám mục Pháp và Đức vừa công bố một tuyên bố chung về hoàn cảnh của trẻ em di cư ở châu Âu.

Số lượng trẻ em di cư đã tăng từ 23,000 vào năm 2014 lên đến gần 100,000 trong năm 2015 và con số này còn cao hơn nữa trong năm 2016 vừa kết thúc. Do đó, các giám mục nói rằng “trong tư cách là các Kitô hữu, chúng ta không thể tỉnh bơ không quan tâm đến thực tế này.”

Các giám mục kêu gọi các Kitô hữu cầu nguyện và ủng hộ cho các trẻ em di cư và yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị làm mọi cách để đảm bảo rằng các trẻ em di cư có thể sống một cuộc sống đúng phẩm giá con người.

4. Các Giám Mục Hoa Kỳ hoan nghênh tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ

Đức Hồng Y Joseph Tobin Newark và Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia đã ra một tuyên bố chung chào đón sự ra đời của các tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục, với chủ đề là “Thanh Niên, Đức Tin, và Việc Phân Định Ơn Gọi” sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2018

Trong cơ cấu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Joseph Tobin Newark là chủ tịch Ủy ban Giáo Sĩ, Đời Sống Tận Hiến và Ơn Gọi, trong khi Đức Tổng Giám Mục Chaput là chủ tịch Ủy ban về Giáo Dân, hôn nhân, cuộc sống gia đình và thanh niên.

Đề cập đến tài liệu này như một “la bàn”, các giám mục đã cầu nguyện để tài liệu này có thể “hướng dẫn các bước của chúng tôi khi chúng tôi đồng hành cùng với những người trẻ trong việc chuẩn bị cho cuộc đối thoại toàn cầu này. Chúng tôi cũng cầu nguyện để các thanh thiếu niên và người trẻ trưởng thành trên khắp Hoa Kỳ, và các vị mục tử cho họ và với họ, sẽ giúp chúng tôi hoàn toàn hiểu sâu hơn những kinh nghiệm của người trẻ trong Giáo Hội và trong đất nước của chúng ta”

Các ngài nói thêm, “Cầu xin cho mọi người trẻ quảng đại đáp lại ơn gọi và sứ vụ của Chúa Giêsu, là Đấng kêu gọi chúng ta vác thập giá hàng ngày, và theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài mời gọi họ”.

5. Giám Mục Ái Nhĩ Lan kêu gọi chào đón di dân

Đức Cha John McAreavey là Giám Mục giáo phận Dromore, và cũng là chủ tịch ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan, đã lên tiếng kêu gọi người dân Ái Nhĩ Lan chào đón những người nhập cư và tị nạn, là những người đang tuôn đến với Ái Nhĩ Lan đông đảo “chưa từng trong lịch sử của chúng ta.”

Trong một tuyên bố đưa ra trong tuần qua, Đức Cha John McAreavey viết:

“Đã có rất nhiều thay đổi trong xã hội Ái Nhĩ Lan nhưng nghĩa vụ phải yêu người thân cận của chúng ta bất kể người ấy là ai vẫn không thay đổi”

Đức Cha McAreavey nhận xét rằng tình trạng nhiều người phải di cư hiện nay là do “mô hình kinh tế toàn cầu đang thịnh hành trên thế giới”

“Nếu người ta không thể kiếm đủ tiền để sống một cuộc sống tươm tất nơi đất nước của họ thì điều không thể tránh khỏi là nhiều người sẽ cố gắng di chuyển đến những nơi mà ngay cả những công ăn việc làm với mức lương thấp nhất cũng đem lại nhiều hy vọng hơn là tại quê hương của họ.”

Đức Cha McAreavey cũng khích lệ người Ái Nhĩ Lan mua hàng hóa của các nước nghèo để dân chúng ở các nước ấy đủ sống và như thế họ không cần phải bỏ quê hương bản quán của mình. Ngài viết:

“Khi chúng ta đi ra ngoài để mua sắm hoặc muốn mua hàng trực tuyến trên mạng, chúng ta nên chọn mua hàng hóa sao cho có thể đem lại những nguồn lợi cho người dân và các quốc gia sản xuất ra các hàng hóa ấy.”

6. Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm tài trợ phá thai tại hải ngoại

Một trong những sắc lệnh đầu tiên được tổng thống Donald Trump ban hành là sắc lệnh cấm sử dụng quỹ liên bang để thúc đẩy việc phá thai ở nước ngoài.

Sắc lệnh này thiết định lại chính sách “Mexico City” đã được đưa ra lần đầu tiên bởi Tổng thống Reagan, nhằm ngăn chặn việc lấy tiền thuế dân để tài trợ cho các tổ chức phá thai. Chính sách này đã bị hủy bỏ bởi Tổng thống Clinton, rồi lại được phục hồi bởi Tổng thống Bush. Theo gương Clinton, Obama lại một lần nữa hủy bỏ chính sách này khi lên nắm quyền và tích cực vung tiền cho các tổ chức phò phá thai.

Trong hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, các nghị phụ ở Phi Châu than thở rằng nhiều cơ quan cấp viện Hoa Kỳ và phương Tây bắt buộc chính phủ các nước nhận viện trợ tại Phi Châu phải thi hành một chế độ triệt sản và phá thai rất tàn bạo như một điều kiện để được cấp viện.

Hành động của tổng thống Trump đáp ứng một lời hứa với những người phò sinh trong chiến dịch tranh cử.

Giới phò sinh tại Hoa Kỳ hy vọng trong nay mai tân tổng thống cũng sẽ thực hiện một cam kết khác là cắt đứt mọi tài trợ liên bang cho tổ chức Planned Parenthood.

7. Tòa Thánh và Israel tái đối thoại

Sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động, Ủy ban làm việc song phương thường trực giữa Tòa Thánh và Israel đã nhóm khóa họp toàn thể hôm 18 tháng Giêng tại Jerusalem.

Thông cáo chung công bố cùng ngày cho biết mục đích khóa họp là để tiếp tục thương thuyết dựa trên điều 10 triệt 2 trong hiệp định cơ bản ký kết cách đây 24 năm (1993) giữa Tòa Thánh và Israel.

Hai vị đồng chủ tịch khóa họp là Ông Tzachi Hanegbi, Bộ trưởng cộng tác miền của Israel và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh. Phái đoàn Tòa Thánh có 11 người, trong đó có 3 Giám Mục, phái đoàn Israel có 12 người.

Ủy ban đón nhận những tiến bộ đã đạt được cho đến nay và hài lòng vì những cuộc thương thuyết diễn ra trong bầu không khí suy tư và xây dựng. Ngoài ra, Ủy ban cũng nhìn nhận công việc của Bộ tư pháp Israel liên quan đến việc áp dụng hiệp định song phương năm 1997 về tư cách pháp nhân. Hai bên đã thỏa thuận với nhau về những bước tương lai, để chuẩn bị cho khóa họp toàn thể của Ủy ban, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới đây tại Vatican.

Sau cuộc họp của Ủy ban song phương, Tòa Thánh và Israel đã có một cuộc họp tham khảo ý kiến hai bên tại Bộ ngoại giao Israel, và đã thảo luận về những vấn đề chung và tìm hiểu về những cơ hội cộng tác với nhau.

8. Đức Thánh Cha kêu gọi chống buôn lậu di dân và buôn người

Đức Thánh Cha kêu gọi các giới chức an ninh Italia chống nạn buôn người và nạn buôn lậu người di dân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 23 tháng Giêng dành cơ quan lãnh đạo toàn quốc Italia chống nạn mafia và chống khủng bố.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi công việc quan trọng của cơ quan này và nói rằng: “Xã hội cần được chữa trị khỏi nạn tham nhũng, tống tiền, buôn bán ma túy và võ khí bất hợp pháp, cũng như khỏi nạn buôn người, trong đó có các trẻ em bị biến thành nô lệ. Đó thực là những tai ương xã hội, đồng thời cũng là những thách đố hoàn cầu mà cộng đồng quốc tế được kêu gọi quyết liệt đương đầu”.

“Tôi khuyên anh chị em đặc biệt dành mọi nỗ lực để chống lại nạn buôn người và buôn lậu di dân: đây là những tội ác rất trầm trọng đánh vào những người yếu thế nhất trong những người yếu. Về vấn đề này, cần gia tăng hoạt động bảo vệ các nạn nhân, dự trù trợ giúp pháp luật và xã hội cho các anh chị em chúng ta đang tìm kiến an bình và tương lai. Bao nhiều người rời bỏ quê hương để trốn chạy chiến tranh, bạo lực và bách hại, họ có quyền tìm được một sự tiếp đón thích hợp và một sự bảo vệ thích đáng nơi những quốc gia tự định nghĩa là văn minh”.

Đức Thánh Cha không quên đề cao vai trò quan trọng của việc giáo dục các thế hệ trẻ trong nỗ lực chống lại nạn mafia. Để đạt tới mục tiêu này, các tổ chức giáo dục khác nhau, trong đó có các gia đình, học đường, các cộng đoàn Kitô, các tổ chức thể thao và văn hóa, được kêu gọi giúp dân chúng và con người ý thức về luân lý đạo đức và luật pháp, nhắm đến những mẫu gương cuộc sống lương thiện, an bình, liên đới, dần dần giúp chiến thắng sự ác và dọn đường cho sự thiện”.