DANH XƯNG ĐẶC BIỆT CỦA THƯỜNG DÂN VIỆT NAM

10 :  TÊN ĐẠO CỦA NGƯỜI PHẬT GIÁO

Nếu các Chư Tăng và đồng bào Phật tử có pháp danh, pháp hiệu, pháp tự thì đồng bào Công Giáo có tên thánh. Chúng tôi gọi những loại tên này là tên đạo giáo. Trong tiết này, chúng tôi nghiên cứu tên của người theo Phật Giáo Ðại Thừa, Phật Giáo Tiểu Thừa, tên của tín hữu Công Giáo, tên của các vị chức sắc trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

10.1. Tên Của Người Theo Phật Giáo Đại Thừa: Những người theo Phật Giáo, ngoài những tên thông thường như tên chính, tên hiệu còn có thể có pháp danh, pháp tự, hay pháp hiệu.

a. Pháp danh: Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn: Pháp danh là tên đạo lý, phàm người được thế độ làm tăng chẳng còn dùng tên họ theo đời mà phải lấy tên theo đạo do vị tôn sư đặt cho mình. Người thọ tam quy, ngũ giới, tu tại gia cũng được mang pháp danh, cũng kêu là pháp hiệu [1].

Vào năm 1973, chúng tôi được tiếp kiến vị cao tăng tại chùa Long Thiên Tự, xóm Bến Đò, Biên Hòa. Ngài đã giải thích pháp danh như sau: Muốn thành Phật tử, phải quy y tam bảo, thọ ngũ giới. Vị bổn sư truyền giới sẽ đặt cho người đó một pháp danh, dựa theo bài kệ được truyền trong môn phái của vị bổn sư ấy. Vị cao tăng nói trên thuộc Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Lục Hòa Tăng, môn phái Lâm Tế, có tổ đình Long Thiên Tự ở Biên Hòa, đã đọc cho chúng tôi bài kệ sau đây để dùng trong việc đặt pháp danh cho các đệ tử:

            Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
            Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Nguyên
            Linh Nguyên Quảng Nhuận Từ Phong Thổ
            Chiếu Thế Sơn Đăng Vạn Cổ Truyền.


Mỗi vị tổ sẽ lần lượt lấy một chữ trong bài kệ trên làm chữ đứng đầu của pháp danh. Chữ đứng sau, vị bổn sư truyền giới tự chọn, nhưng lấy chữ có nghĩa gần giống với tên riêng. Thượng Tọa Thích Nguyên Thanh, trụ trì tại xã Tân Sơn Hòa Gia Định, thuộc môn phái Lâm Tế, đã đặt pháp danh cho một đệ tử của mình là Quảng Dũng. Thầy giải thích như sau: chữ Quảng lấy trong bài kệ của tổ đình, chữ Dũng được chọn vì Phật tử đó có tên là Hùng. Mục đích cách đặt pháp danh này là để phân biệt các đệ tử trong cùng một tổ đình, thuộc thế hệ khác nhau.

Đọc tiểu sử cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu[2],  ta được biết ngài thuộc thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán. Vị tổ khai sơn Thanh Ninh Tâm Tịnh đặt pháp danh cho các đệ tử là Trừng Nguyên, Trừng Văn, Trừng Thùy, Trừng Huệ, Trừng Thông. Đọc các pháp danh này, ta biết các vị ấy thuộc cùng thế hệ vì có chữ Trừng đứng đầu. Ngài Trừng Nguyên tức Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Ngài Trừng Văn tức Hòa Thượng Thích Giác Nguyên. Ngài Trừng Thùy tức Hòa Thượng Thích Giác Nhiên. Ngài Trừng Huệ tức Thượng Tọa Thích Giác Viên. Và Ngài Trừng Thông tức Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết.

Theo Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy[3], cách đặt pháp danh của Phật Giáo Đại Thừa Việt Nam giống lối đặt tên trong hệ thống tổ chức của Giáo Hội Phật Giáo Trung Quốc. Xin nêu các ví dụ điển hình: Nếu đọc tác phẩm Cô Gái Đồ Long, ta thấy các vị sư có vai vế cao nhất của phái Thiếu Lâm lúc bấy giờ có các pháp danh là Độ Ách, Độ Kiếp, Độ Nạn. Dưới thế hệ này là các vị Không Kiến, Không Trí, Không Vân, Không Tướng, Không Như. Dưới nữa là các vị Viên Âm, Viên Nghiệp, Viên Chân, và thấp nhất là các vị sư Tuệ Phong, Tuệ Thông, Tuệ Quang, Tuệ Hiền.

Các Phật tử Việt Nam thường lấy pháp danh với các từ ngữ khởi đầu như: Huệ, Diệu, Tâm, Trí, Tuệ, như Diệu Lan, Diệu Hạnh, Diệu Tâm, Trí Siêu, Tuệ Sĩ, Tuệ Quang. Các từ ngữ trong pháp danh hàm chứa ý nghĩa rất sâu sắc. Ví dụ chữ Diệu và Tuệ có ý nghĩa cao đẹp, phù hợp với tinh thần Phật Giáo. Tác giả Đoàn Trung Còn giải thích hai chữ Diệu và Tuệ  theo quan điểm Phật Giáo như sau:

Diệu: Tốt đẹp, sáng láng, ngon ngọt, sạch sẽ tinh tế, nhiệm mầu. Những đức ấy nói không xiết, nghĩ không cùng. Tức là cái lý thật tướng vậy. Diệu trái với thô, trược. Diệu tức là thoát khỏi phiền não, ngũ dục của phàm phu, nhơn đó được ngũ diệu của thánh giả [4].

Huệ hay Tuệ: Ðức sáng suốt, thông hiểu sự và lý, dứt điều lầm lạc và mê muội, có lòng quyết định, diệt hết sở nghi [5].

Pháp danh được đặt trong buổi lễ Quy Y rất trang trọng, đầy ý nghĩa. Quy y nghĩa là hướng về và sống theo Phật, Pháp, Tăng nên trọng tâm của buổi lễ là lúc Phật tử qùy trước Tam Bảo, ba lần phát nguyện xin trọn đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Những lời phát nguyện này được một hay nhiều thầy chứng giám. Trong buổi lễ, người quy y xác nhận sự hướng dẫn về các đấng giác ngộ, sống theo đạo lý giác ngộ và sống hòa hợp với các người cùng lý tưởng. Chính vì yếu tố này mà các pháp danh của những người cùng lý tưởng, cùng do một thầy truyền giới, có đặc điểm chung như đã nói ở trên.

b. Pháp hiệu: Khi một Phật tử xuất gia đi tu và được thế độ làm tăng, vị bổn sư sẽ đặt cho vị ấy một pháp hiệu, đôi khi còn gọi là pháp tự. Pháp hiệu là tên chính thức của vị tu sĩ trong suốt cuộc đời hành đạo. Pháp hiệu có ba từ ngữ. Đối với nam tu sĩ, từ ngữ khởi đầu là Thích, với nữ tu sĩ là Thích Nữ. Chọn từ ngữ Thích trong pháp hiệu có nghĩa là cuộc đời vị tu sĩ ấy đã trọn vẹn dâng hiến và theo đạo pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni là đấng đã sáng lập ra Phật Giáo. Hai từ ngữ sau trong pháp hiệu do tôn ý của vị trụ trì chùa đó đặt theo môn phái của mình. Ví dụ Ðại Lão Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu khi thọ sa di giới tại giới đàn Thuyền Tôn ở Huế, được vị bổn sư đặt cho pháp danh là Trừng Nguyên và pháp hiệu là Ðôn Hậu. Còn thế danh của ngài là Diệp Trương Thuần. Ở đây ta thấy giữa thế danh Thuần và pháp hiệu Ðôn Hậu có sự liên hệ về ý nghĩa. Thuần và Hậu, theo từ điển của Ðào Duy Anh, đều có nghĩa là thực thà dầy dặn. Do kiểu cách đặt pháp hiệu này mà người ta biết được mối liên hệ  giữa các đệ tử trong cùng tổ đình. Đọc các pháp hiệu của các Thượng Toạ như Thích Thiện Thông, Thích Thiện Đạo, Thích Thiện Hào, Thích Thiện Minh là ta biết các vị này cùng thuộc một tổ đình, một thế hệ vì có chung từ ngữ Thiện. Hoặc đọc tên các Hòa Thượng Thích Giác Nguyên, Thích Giác Viên, Thích Giác Tiên, Thích Giác Nhiên, ta biết các ngài thuộc một tổ đình ở chùa Tây Thiên, Huế, thuộc thế hệ thứ 8 của pháp Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán[6].

Nghiên cứu tên của các chư tăng, ta thấy có lối gọi toàn xưng bao gồm Chức Vị + Pháp Danh + Pháp Hiệu. Xin kể  một số ví dụ: Đại Lão Hòa Thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu, tức ngài Thích Đôn Hậu. Hòa Thượng Trừng Thùy Giác Nhiên, tức ngài Thích Giác Nhiên.Thượng Tọa Tâm Phát Trí Siêu, tức ngài Thích Trí siêu.Sư Bà Tâm Hảo Diệu Không, tức ngài Thích Nữ Diệu Không.

Đọc tên một vị tu sĩ Phật Giáo, ta không biết được vị đó thuộc tông phái nào và thứ cấp trong tông phái ra sao. Sở dĩ như vậy vì mỗi tông phái có một bài kệ riêng và các bài kệ đó nhiều khi có những chữ giống nhau.

10.2. Tên Người Phật Giáo Tiểu Thừa: Pháp danh không quan trọng trong Phật Giáo Tiểu Thừa. Người cư sĩ và giáo sĩ cấp sa di vẫn giữ nguyên tục danh. Pháp danh của các tu sĩ Phật Giáo Tiểu Thừa là tiếng Phạn, nhưng các ngài phiên âm ra tiếng Hán Việt có ý nghĩa như tiếng Phạn. Ví dụ Hòa Thượng Buddhapala gọi là Hộ Giác. Hòa Thượng Supanno là Thiên Tuệ[7]. Hòa Thượng Vansarakkhita là Hộ Tông. 



[1] Ðoàn Trung Còn. Phật Học Từ Ðiển.Tập 2. Nhà xuất bảnT.P. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 560-561.

[2] www.Tongvuhoangphap.org.

[3] Nguyễn Ngọc Huy. Tên…Sđd. Tr. 96.

[4] Ðoàn Trung Còn. Phật Học…Tập 1.  Sđd. Tr. 439

[5] Ðoàn Trung Còn. Phật Học…Tập 2.  Sđd. Tr. 50.

[6] www. Tongvuhoangphap.org

[7] Nguyễn Ngọc Huy. Tên…Sđd. Tr. 99.