Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha.

2- ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tị nạn.

3- ĐTC sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima.

4- ĐTC Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo.

5- Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử.

6- Tòa thánh lên án việc sử dụng tên của Thiên Chúa để thực hiện các hành vi khủng bố.

7- Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn hội kiến ĐTC Phanxicô vào Tháng 5 năm nay.

8- Vợ góa của một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho tên khủng bố IS đã giết chồng bà.

9- Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh.

10- Thánh Ca: Chúa Giầu Lòng Xót Thương.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 23/4/2017, cũng là ”Chúa Nhật Áo Trắng”, ĐTC Phanxicô diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa và lễ kính Lòng Chúa Xót Thương với hơn 20 ngàn tín hữu hiện diện.

Ngài nói: Mỗi Chúa Nhật chúng ta tưởng niệm cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng trong mùa này sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật có một ý nghĩa càng rạng ngời hơn. Trong truyền thống của Giáo Hội, Chúa Nhật này được gọi là “in albis”, thành ngữ này muốn nhắc lại nghi thức mà những người đã chịu phép rửa tội trong đêm vọng Phục Sinh thi hành. Mỗi người nhận được một áo trắng, alba, để chỉ phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa. Chúa Nhật hôm nay cũng vậy, các tân tòng nhận được một chiếc áo trắng nhỏ tượng trưng, trong khi những người lớn thì mặc áo trắng lớn của mình. Áo này, xưa kia, được mặc trong một tuần lễ, cho đến Chúa Nhật in albis - tức là Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh - khi họ cởi áo này và các tân tòng bắt đầu đời sống mới trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội.

ĐTC cũng diễn giải về Lòng Thương Xót của Chúa như sau: Trong Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô II đã qui định rằng Chúa Nhật này được dâng kính Lòng Chúa thương xót… Lòng thương xót dưới ánh sáng Phục Sinh tỏ cho thấy được nhận thức như một hình thức ý thức thực sự về mầu nhiệm chúng ta đang sống. Chúng ta biết rằng ta nhận biết qua nhiều hình thức: qua các giác qua, qua trực giác, lý trí, và những cách khác… Lòng thương xót mở cửa tâm trí để hiểu rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và cuộc sống bản thân chúng ta… Lòng thương xót giúp hiểu rằng bạo lực, oán hận, trả thù không có ý nghĩa gì, và nạn nhân đầu tiên chính là người sống những tâm tình ấy... Lòng thương xót cũng mở cửa tâm hồn và giúp biểu lộ sự gần gũi, nhất là với những người lẻ loi và bị gạt ra ngoài lề, vì làm cho họ cảm thấy là anh chị em của nhau và là con của một Cha duy nhất…

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã chào thăm tất cả các tín hữu Roma, những tín hữu hành hương từ Italia và bao nhiêu nước khác; đặc biệt ngài nhắc đến các tín hữu hành hương người Ba Lan và ca ngợi sáng kiến của Caritas Ba Lan nâng đỡ bao nhiêu gia đình ở Siria. Ngài không quên chào thăm các tín hữu tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa họp nhau tại Nhà Thờ Chúa Thánh Thần tại Sassia gần Vatican, nơi đặc biệt cử hành các buổi lễ kính Lòng Thương Xót của Chúa. Sau cùng, ĐTC gửi lời cám ơn tất cả những người đã gửi lời chúc mừng ngài nhân dịp lễ Phục Sinh. Ngài cũng chân thành chúc mừng họ và cầu xin cho mỗi người, mỗi gia đình được ơn thánh của Chúa Phục Sinh.

- ĐTC đề cao tầm quan trọng của các vị tử đạo và phê bình chính sách Âu Châu về di dân và tị nạn.

ĐTC đã bày tỏ lập trường trên đây trong buổi Phụng Vụ Lời Chúa tại Vương cung thánh đường thánh Bartolomeo ở Roma chiều thứ Bảy 22-4-2017 do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức để tưởng niệm “các vị tử đạo mới” trong thế kỷ 20 và 21.

Trong bài giảng sau các bài sách thánh, ĐTC Phanxicô nhắc lại rằng, Giáo Hội là Giáo Hội của những vị tử đạo, tức là những người đã nhận được ơn tuyên xưng Chúa Giêsu cho đến chết. ĐTC cũng đã nhắc đến bao nhiêu vị tử đạo âm thầm khác, những người nam nữ trung thành với sức mạnh dịu dàng của tình thương, với tiếng nói của Chúa Thánh Linh…”. ĐTC ứng khẩu kể lại, nhân cuộc viếng thăm của ngài tại trại tị nạn ở đảo Lesbo bên Hy Lạp hồi tháng 4 năm 2016, ngài gặp một người đàn ông khoảng 30 tuổi với 3 đứa con nhỏ. Ông ta nói với ĐTC ông là người Hồi giáo, vợ ông là tín hữu Kitô. Ông kể rằng, khi những tên khủng bố đến đất nước ông và thấy vợ ông có một thánh giá, chúng bảo vợ ông vứt thánh giá đi, vợ ông không chịu, thế là chúng cắt cổ vợ ông ngay trước mặt ông. Người đàn ông nói với ĐTC: “Chúng con rất thương yêu nhau!”. ĐTC nói tiếp: ”Đó là hình ảnh mà ngày hôm nay tôi mang như một món quà… Người đàn ông tị nạn ấy không nuôi oán hận, ông ta là người hồi giáo đã phải chịu thập giá đau khổ ấy và ông mang thập giá đó không chút oán hận. Ông nương náu trong tình thương của vợ”.

Nhân dịp này, ĐTC cũng tố giác sự tàn ác chống lại những người di dân. Ngài nói: “Ước gì lòng quảng đại từ miền nam, nơi đảo Lampedusa, Sicilia, và Lesbo có thể lây sang tất cả chúng ta. Chúng ta ở trong nền văn minh không sinh con cái, nhưng chúng ta lại khép kín cửa đối với những người di dân... Chúng ta hãy nghĩ đến sự tàn ác mà ngày nay người ta hăng say gây ra cho dân tị nạn, cho sự bóc lột những người đến từ những con thuyền. Họ ở lại đó tại những nước quảng đại; Italia và Hy Lạp đón nhận họ nhưng các hiệp định quốc tế không để họ được đi định cư nơi khác”. Và ĐTC khuyên: “Nếu tại Italia mỗi thành phố làng xã đón tiếp 2 người di dân thì sẽ có chỗ cho tất cả mọi người”.

- Đức Thánh Cha sẽ phong thánh hai hiển thánh tại Fatima.

ĐTC sẽ chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Jacin-ta Marto vào ngày 13-5 tới đây tại Fatima, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây với 3 mục đồng. Tin trên đây được ĐTC thông báo trong công nghị Hồng Y sáng ngày 20-4-2017 tại Vatican.

Chân phước Phanxicô qua đời năm 1919 lúc mới được 11 tuổi và em ruột là Jacinta qua đời năm 1020 khi được 10 tuổi. Cả hai đã được ĐTC Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 13-5-2000 tại Fatima. Với Phanxicô và Jacinta Marto, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai trẻ em không phải là tử đạo, được phong hiển thánh. Trước đó, Bộ Phong thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai chân phước thiếu nhi: một em bé 6 tuổi ở Brazil, năm 2013, bị té từ lầu 3 xuống vệ đường và bị thương ở đầu và não bộ. Thân nhân em đã cầu xin hai chân phước cứu chữa và em bé đã được lành bệnh hoàn toàn.

Tưởng cũng cần nhắc lại, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần với 3 mục đồng Lucía, Jacinta và Phanxicô tại Fatima vào năm 1917. Trong các lần hiện ra này, Đức Mẹ đã tiết lộ những bí mật hay những lời tiên tri, gồm có 3 phần. Hai bí mật đầu nói về thế chiến thứ hai và sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Nga, đã được chị Lucia trình bày với Tòa Thánh từ năm 1941. Bí mật thứ ba được công bố năm 2000 và liên quan đến vụ mưu sát ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 13-5 năm 1981, lễ Đức Mẹ Fatima, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

- Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp Thượng Phụ Bartholomew tại Cairo.

Theo bản tin của Crux ngày 19 tháng Tư, Đại Giáo Trưởng của đền thờ và đại học Al-Azhar, Ai Cập, đã mời Thượng Phụ Bartholomew của Constantinople tới Cairo gặp gỡ Đức Phanxicô khi ngài tới đó ngày 28 tháng này, để cùng tham dự một hội nghị quốc tế về hòa bình. Thượng Phụ Batholomew, vị đứng đầu những vị ngang quyền của Thế Giới Chính Thống Giáo Đông Phương, đã có lịch sử tiếp xúc lâu đời với Đức Phanxicô trong nhiều biến cố quan trọng tại Đất Thánh, Vatican và Hy Lạp.

Sau các buổi cử hành Lễ Phục Sinh vào Chúa Nhật vừa qua, Thượng Phụ Batholo-mew cũng đã nói với các tín hữu của ngài rằng ngài đã nhận được một lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ý hy vọng hai vị sẽ gặp nhau một ngày gần đây. Thượng Phụ Batholomew nhấn mạnh ngày ấy “rất gần”. Ngài nói: "Tôi đã được mời (và)… sẽ hiện diện cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Với cuộc gặp gỡ này, các nhà lãnh đạo của Kitô Giáo cả Đông lẫn Tây sẽ cùng vị đứng đầu của Giáo Hội Chính Thống Ai Cập, Giáo Hoàng Tawadros II, biểu lộ một mặt trận thống nhất trong cuộc gặp gỡ của các ngài tại Al-Azhar. Việc biểu dương chính nghĩa chung này diễn ra chỉ ba tuần sau các cuộc đánh bom vào các nhà thờ Coptic sát hại 45 giáo dân, do ISIS chủ mưu.

Được biết Hội Nghị Quốc Tế về Hòa bình do viện đại học Al Azhar tổ chức sẽ kéo dài trong hai ngày 28 và 29 tháng 4 năm 2017.

- Sứ điệp Tòa Thánh gửi các Phật Tử.

Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn chúc mừng các Phật Tử trên thế giới nhân dịp lễ Vesakh và cổ võ cùng nhau cấp thiết thăng tiến một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, và của ĐC Tổng thư ký Miguel Ángel Ayoso Guixot, công bố hôm 22-4-2017 nhân lễ Vesakh. Đối với các tín đồ Phật giáo nguyên thủy, lễ này mừng cuộc đản sinh, thành đạo và viên tịch của Đức Phật, trong khi các tín đồ Phật giáo đại thừa, cử hành các biến cố đó vào những ngày khác nhau. Năm nay lễ Vesakh được cử hành vào ngày 10-5 tới đây.

Chúa Giêsu và Đức Phật đều cổ võ bất bạo động và là những người xây dựng hòa bình. Như ĐGH Phanxicô đã viết “Cả Chúa Giêsu cũng sống trong thời kỳ bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và an bình đụng độ nhau chính là tâm hồn con người… Từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu” (Mc 7,21) (Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2017). Đức Phật cũng loan báo một sứ điệp tương tự, khuyến khích tất cả mọi người “hãy chiến thắng kẻ giận dữ không phải bằng sự nổi giận, chiến thắng kẻ gian ác bằng sự từ nhân, chiến thắng kẻ lầm than bằng sự quảng đại, và thắng kẻ gian dối bằng sự thật”.

- Tòa thánh lên án việc sử dụng tên của Thiên Chúa để thực hiện các hành vi khủng bố.

Ngày 20 tháng 4, Đức TGM Bernardito Auza, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại LHQ, đã đọc một tham luận trong cuộc tranh luận công khai của Hội Đồng Bảo An về "Tình hình ở Trung Đông, bao gồm Vấn Đề Palestine".

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng, việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và các vụ đánh bom khủng bố vào Chúa Nhật Lễ Lá ở Ai Cập đã đẩy một phần của Trung Đông xuống mức thấp hơn nữa của sự man rợ, bằng cách tấn công chính nền tảng của nhân phẩm và nhân quyền. Ngài nói rằng an ninh của Li Băng và các nước láng giềng đang bị đe doạ bởi các nhóm vũ trang, gây nguy cơ cho khả năng cai trị của khu vực.

Tòa Thánh nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine do hai bên thương thảo. Tòa Thánh cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo lên tiếng mạnh mẽ chống lại việc sử dụng khủng bố trong khu vực và kiểm soát những người theo mình vốn đang cho rằng Thiên Chúa đứng đằng sau sự thống trị bằng khủng bố của họ. Đức TGM Auza kêu gọi các nhà cung cấp vũ khí hành động phù hợp với các chuẩn mực đã được quốc tế thỏa thuận, kẻo các vũ khí này bị sử dụng để sát hại người vô tội... Ngài nói rằng, chuyến viếng thăm từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 4 của ĐGH Phanxicô tại Ai Cập nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và gặp gỡ như một đối cực chống lại bạo lực và hận thù.

- Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn hội kiến ĐTC Phanxicô vào Tháng 5 năm nay.

Tòa Bạch Ốc bày tỏ hy vọng có cuộc hội kiến giữa ĐTC Phanxicô và TT Donald Trump khi ông thực hiện chuyến công du Âu Châu vào tháng tới.

Theo tờ Wall Street Journal, Thư ký Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm Thứ Tư rằng: "Thực ra, chúng tôi rất lấy làm vinh dự khi được hội kiến với Đức Thánh Cha”. Tuy nhiên, ông Spicer nhấn mạnh rằng, đây là dấu hiệu chính thức đầu tiên cho thấy ông Trump muốn nối gót theo các vị Tổng Thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, từ đời ông Dwight D. Eisenhower cho tới Barack Obama, là gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican.

Triển vọng về cuộc hội kiến giữa ĐTC với ông Trump từng bị nghi ngờ, sau khi giữa họ có những tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Hồi Tháng Hai năm ngoái, ĐTC Phanxicô nói rằng kế hoạch xây bức tường biên giới với Mexico của ứng cử viên đảng Cộng Hòa đã làm ông này "không còn là Kitô hữu". Đáp lại, ông Trump đã gọi đức tin của Đức Thánh Cha là "đáng hổ thẹn".

Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc: "ĐGH Phanxicô luôn sẵn sàng tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia nào muốn đến hội kiến".

- Vợ góa của một Kitô hữu Ai Cập tha thứ cho tên khủng bố IS đã giết chồng bà.

Người vợ góa của một Kitô hữu bị giết trong vụ đánh bom tại nhà thờ Thánh Máccô ở Alexandria bên Ai Cập hôm Chúa Nhật Lễ Lá 9 tháng 4 vừa qua nói bà tha thứ cho kẻ khủng bố.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ai cập, người phụ nữ góa nói với các phóng viên: “Tôi không oán giận kẻ khủng bố. Tôi đang nói với anh ta, cầu xin Chúa tha cho bạn.”

Chồng của bà bị chết khi ngăn chặn một kẻ đánh bom tự sát đi vào nhà thờ chính tòa thánh Máccô ở thành phố Alexandria. 17 người - kể cả dân thường và cảnh sát - đã bị giết và 47 người khác bị thương trong vụ khủng bố này. Trước đó, tại nhà thờ Thánh Georges ở thành phố Tanta, một quả bom phát nổ làm cho 28 người thiệt mạng và 78 người bị thương.

Sau khi lắng nghe cuộc phỏng vấn, phóng viên đài truyền hình nói với các khán giả: “Kitô hữu Ai cập vô cùng yêu quý đất nước họ. Nếu kẻ thù của các bạn biết được các bạn quảng đại tha thứ cho anh ta như thế, anh ta sẽ không tin nổi.”

- Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh.

Tin Stockholm, Sweden – “Ước muốn bảo vệ sự sống là điều hướng dẫn nhiều nữ hộ sinh và y tá theo ngành y. Thay vì buộc những nữ hộ sinh đang cần thiết cho ngành y từ bỏ nghề của họ, các chính phủ nên bảo vệ những xác tín luân lý đạo đức của nhân viên y tế.” Đó là nhận định của ông Robert Clarke, chủ tịch phân bộ luật sư châu Âu của liên minh bảo vệ tự do quốc tế.

Các luật sư bảo vệ tự do tôn giáo nói rằng các nữ hộ sinh – những chuyên viên về thai nghén và sinh sản – thường chọn nghề của họ bởi vì họ muốn mang những sự sống mới vào trong thế giới và họ không nên bị cưỡng ép kết liễu sự sống ngược lại với niềm tin của họ.

Nữ hộ sinh Ellinor Grimmark đã tố cáo 3 cơ sở y tế khác nhau ở quận Joenkoeping, miền nam Thụy điển, từ chối nhận bà làm việc vì bà chống lại việc trợ giúp cho các ca phá thai. Nhưng tòa án địa phương, cũng như tòa án lao động mới đây đều đã có những phán xử chống lại El-linor Grimmark.

Ellinor Grimmark đang dự định kháng án lên tòa án nhân quyền châu Âu. Hiệp hội bảo vệ tự do quốc tế đã đệ trình một bản tóm tắt để ủng hộ bà.

Theo tin của BBC, dựa trên số liệu của LHQ, Thụy điển là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất ở châu Âu, với 20,8 vụ trên 1000 phụ nữ vào năm 2011.

Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bài thánh ca: Chúa Giầu Lòng Xót Thương, tác giả Simon Phan Hùng. Bài thánh ca này sẽ được trình bày bởi ca sĩ Lý Mai Trang, phần hình ảnh minh họa của anh Đặng Văn An. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.