Các giai thoại và bài hát bình dân

Giữa nhà con và nhà Francisco là nơi sinh sống của cha đỡ đầu của con, tên Anastacio, người kết hôn với một phụ nữ già hơn ông mà Thiên Chúa đã không ban ơn cho có con. Hai người theo nghề nông và thuộc loại khá giả, nên họ không cần phải làm việc. Cha của con là người trông coi nông trại của họ và trông nom các lao công trong ngày. Vì biết ơn, nên họ biểu lộ với con một lòng yêu thích đặc biệt, nhất là bà vợ cha đỡ đầu của con, người được con gọi là vú đỡ đầu Teresa. Nếu con không qua thăm ban ngày, thì ban đêm con phải qua đó ngủ qua đêm, vì bà ấy không thể chịu đựng được cảnh thiếu “cục thịt dịu ngọt” nhỏ bé của bà, như bà vốn gọi con.

Vào các dịp lễ lạy, bà rất thích được đeo dây chuyền vàng cũng như các bông tai nặng của bà cho con, những bông tai chấm đến quá vai của con, và còn chiếc nón nhỏ xinh xinh trang hoàng bằng các thứ lông đủ mầu sắc khác nhau và được cột với nhau bằng những chuỗi hột bằng vàng nữa. Trong các lễ lạy này, không ai xuất hiện đẹp đẽ hơn con, và các chị con cũng như mẹ đỡ đầu của con hết sức hãnh diện về điều này. Các trẻ em khác xúm quanh con để tấm tắc trước vẻ lộng lẫy của con. Nói cho ngay, con rất thích những ngày lễ lạc này, và việc ưa làm đỏm là tính hư danh tệ hại nhất của con. Mọi người tỏ ra thích và mến con, ngoại trừ đứa trẻ gái mồ côi mà vú đỡ đầu Teresa của con đã nhận nuôi lúc mẹ em qua đời. Con nhỏ sợ con lấy mất một phần gia sản mà nó vốn hy vọng nhận được, và quả tình nỗi sợ này có thể đúng, nếu Chúa đã không định cho con hưởng một gia sản qúy giá hơn thế nhiều.

Ngay khi tin tức về các lần hiện ra được loan truyền, cha đỡ đầu của con không tỏ ra quan tâm chi, còn vú đỡ đầu của con thì hoàn toàn chống đối việc này. Bà lộ rõ sự không chấp thuận của bà đối với “những tạo hoẹt” ấy, bà gọi các lần hiện ra như vậy. Bởi thế, con bắt đầu cố gắng càng tránh xa nhà bà càng hay. Việc con biến mất, chẳng bao lâu, được tiếp nối với việc thôi xuất hiện của một nhóm trẻ em vẫn hay tụ tập nhau ở đấy, và mẹ đỡ đầu của con thích ngắm các em hát và múa. Bà đãi các em các trái vả phơi khô, quả hạch, quả hạnh, hạt dẻ, trái cây, v.v…

Một chiều Chúa Nhật kia, con đang gần tới nhà bà cùng với Francisco và Jacinta, thì bà gọi chúng con “Tới đây đi, những kẻ lừa đảo bé bỏng của tôi, tới đây đi! Đã lâu, bọn con chưa tới đây rồi!” Khi đã vào trong, bà hết lòng săn sóc chúng con. Những trẻ em khác dường như đoán trước chúng con sẽ có mặt ở đây, nên cũng đã kéo nhau tới.Vú đỡ đầu tốt bụng của con, vì sung sướng thấy chúng con lại tụ tập tại nhà mình sau một thời gian vắng bóng lâu, nên đã cho chúng con đủ thứ ngon ngọt, và muốn chúng con ca hát và nhẩy múa.

Chúng con nói: “Như vậy chúng con sẽ phải hát bài nào đây, bài này hay bài này?”

Vú đỡ đầu của con tự ý chọn. Đó là bài “Chúc Khen nhưng không Ảo Tưởng”, một bài hát dành cho cả con trai lẫn con gái.

Hợp ca 1

Các em, mặt trời tinh cầu,
Đừng từ khước soi sáng nó!
Đây là nụ cười xuân thì,
Đừng biến nó thành tiếng than!

Chúc khen thục nữ yêu kiều
Thơm như hừng đông sương tỏa
Mỉm cười, em dự ứng trước
Sự mơn trớn buổi mai khác.

Năm nay hoa nở thật rộ
Rộ trái cây, mọi điều tốt!
Ước mong năm tháng khai màn
Mang đến em nhiều hy vọng!

Hy vọng thành ân phúc lớn,
Lời chúc nồng nhất cho em!
Hãy đặt nó lên trên trán
Sẽ thành triều thiên tuyệt hảo!

Nếu quá khứ rất đáng yêu
Thì tương lai cũng sẽ thế!
Chúc mừng năm cũ đã qua,
Năm mới đang đến tốt lành!

Trong bàn tiệc sống vui tươi
Hoa Đại Tây Dương kiều diễm,
Người làm vườn và chợ hoa
Đều được sung sướng ngợi ca!

Lòng em mong ước nụ hoa
Nở trên mảnh đất quê hương,
Mong nhà, tình yêu tinh khiết
Quấn quit quanh trái tim em!

Hợp ca 2

Ngài có nghĩ điều này đúng
Khi buồm chính hiện trước mắt
Berlenga, Catvoeiro
Ôi, cùng tắt đèn hải đăng?

Nhưng biển đang nổi lôi đình:
Biển cả muôn đời gió xoáy!
Hàng đêm rối loạn thét gào
Tạo nên cả một mồ nước.

Bãi cát Papoa u ám
Estela, Farilhoes!
Thảm kịch cứ mãi vang dội
Trong làn sóng bạc đẩy sô!

Mọi đá hiểm của biển nước này
Đều báo trước tử thần ảm đạm!
Mọi sóng vỗ rống bài truy điệu
Mỗi chữ thập nhắc một đắm tầu!

Rồi, tại sao ngươi quá bạo tàn
Tắt ánh sáng vốn là sự sống
Chỉ đường thoát khỏi sóng nước đen
Hướng đoàn tầu tới bến an lành.

Hợp ca 3

Tôi không còn nhỏ những dòng lệ
Khi nói lời vĩnh biệt ra đi,
Ngập ngừng chỉ xẩy ra một lúc
Ôi, mất mát kéo dài cả đời.

Đi nói với trời hãy dừng lại
Dòng suối tuôn tràn các hồng ân,
Để hoa lá héo úa chết mòn
Không còn nói ngài chăm sóc

Đi đi, tôi đã quá buồn phiền
Nơi tôi trú chỉ còn tang chế
Trên cao những đỉnh núi chót vót
Các chuông đồng báo giờ lâm tử

Nhưng ngài để tôi buồn cô độc
Trong sân nhà thờ xám xịt nhẫn tâm,
Tôi để lời than khóc muôn thuở
Khắc vào mặt đen phần mộ ngài.

Thửa vườn này nay sao trơ trụi
Mà ngày xưa mỉm cười tươi sáng
Trước đây không thiếu sự quan tâm,
Người làm vườn để nó chết mòn.

Tôi tin tưởng Quan Phòng ban phát
Các mơn trớn thân tình sắp tới!
Hy vọng chuẩn bị cho mọi người
Cho những người rời bỏ tổ ấm”

Francisco, nhà luân lý học nhỏ tuổi

Các phụ nữ các nhà lân cận, ngay khi nghe các lời ca sinh động trên, đã ùa tới tham gia với chúng con, và cuối cùng, yêu cầu chúng con hát lại một lần nữa. Tuy nhiên, Francisco đến nói với con: “Chúng ta đừng hát bài hát đó nữa. Lúc này, Thiên Chúa không muốn chúng ta hát những điều như thế nữa”. Bởi thế, chúng con lách ra khỏi các trẻ em khác và chạy tới chiếc giếng chúng con vẫn ưa thích.

Nói cho ngay, giờ đây con chỉ viết ra các bài hát trên vì đức vâng lời thôi, chứ con thấy xấu hổ lắm. Nhưng, theo lời yêu cầu của Cha Tiến Sĩ Galamba, Đức Cha đã rất thích đáng khi ra lệnh cho con viết lại các bài hát bình dân mà chúng con biết. Vậy thì đây, chúng ở đây! Con không biết tại sao chúng được lệnh viết ra, nhưng đối với con, con chỉ cần biết con đã chu toàn thánh ý Chúa.

Trong khi ấy, đã gần đến ngày Hội Trá Hình (Carnival) năm 1918. Các thanh niên thiếu nữ lại gặp nhau năm đó để chuẩn bị các bữa ăn linh đình và các trò vui chơi cho các ngày này. Mỗi người mang một món gì đó từ nhà, như dầu ôliu, bột mì, thịt, v.v… tới một trong các nhà trong làng, còn các thiếu nữ, thì, sau đó, nấu nướng cho bữa tiệc thịnh soạn. Trong 3 ngày này, ăn uống và nhẩy nhót diễn ra cho tới đêm, nhất là ngày cuối cùng.

Các trẻ dưới 14 tuổi có buổi cử hành riêng tại một căn nhà khác. Một số trẻ gái đến yêu cầu con giúp họ tổ chức “ngày hội” của chúng con. Thoạt đầu, con từ chối. Nhưng cuối cùng, con nhượng bộ như một người nhát gan, nhất là sau khi nghe lời khẩn khoản của các con trai con gái ông José Carreira, vì chính ông đã để căn nhà tại Casa Velha cho chúng con sử dụng. Ông và vợ ông nài nỉ con tới đó. Con bằng lòng và cùng một nhóm thiếu niên tới tham quan địa điểm đó. Thì ra địa điểm này có một căn phòng lớn đẹp đẽ, gần như một hội trường, rất thích hợp cho các trò vui chơi, và một chiếc sân rộng rãi để ăn tối! Mọi sự được xếp đặt xong, con mới về nhà, bề ngoài thì có sắc khí hội hè, nhưng bề trong, lương tâm con phản đối dữ dội. Vừa gặp Jacinta và Francisco, con kể lại cho hai em những gì xẩy ra.

Francisco trừng mắt hỏi con: “Chị có trở lại các trò ăn uống vui chơi đó nữa không? Có phải chị quên khuấy rằng chúng ta đã hứa sẽ không bao giờ làm những điều như thế nữa?”

“Chị không muốn tới đó nữa đâu. Nhưng các em phải biết họ không bao giờ thôi nài nỉ chị tới đó; thành thử lúc này, chị không biết phải làm gì?”

Thực vậy, không bao giờ ngưng các cuộc vui chơi, cũng như số trẻ gái tới năn nỉ con tới chơi với họ. Một số còn đến từ những làng xa xôi, như Rosa, Ana Caetano và Ana Brogueira đến từ Moita; hai con gái của ông Manuel da Ramira và cả hai con gái ông Joaquim Chapeleta đến từ Fatima; hai con gái nhà Silva đến từ Amoreira; Laura Cato, Josefa Valinho, và một số trẻ gái nữa mà cpon không nhớ tên đến từ Currais; ngoài ra, còn có những em đến từ Boleiros và Lomba de Pederneia, v.v… ấy là chưa kể những em đến từ Eira da Pedra, Casa Velha, và Aljustrel. Làm thế nào con có thể bỗng nhiên làm thất vọng các trẻ gái này, những đứa trẻ xem ra không biết làm sao vui chơi nếu không có con, và làm sao con có thể làm họ hiểu rằng con phải ngưng tới những nơi tụ hội như thế mãi mãi được? Thiên Chúa soi sáng cho Francisco tìm ra câu trả lời:

“Chị có biết làm thế nào làm được điều đó không? Mọi người đều biết Đức Mẹ đã hiện ra với chị. Do đó, chị có thể nói chị đã hứa với ngài là chị không nhẩy múa nữa, và vì thế, chị không tới nữa! Như thế, vào những ngày đó, chúng ta có thể chạy đi ẩn ở hang Cabeço. Trên đó, không ai tìm thấy chúng ta đâu!”

Con chấp nhận lời đề nghị của em, và một khi con đã quyết định, không một ai khác nghĩ tới việc tổ chức những buổi tụ tập như thế nữa. Chúa luôn chúc lành cho chúng con. Các người bạn của con, những người cho tới lúc đó luôn kiếm con để cùng vui chơi với họ, nay theo gương con, tới nhà con mỗi chiều Chúa Nhật để yêu cầu con đi đọc kinh Mân Côi với họ tại Cova de Iria.

Francisco, người thích ở một mình và cầu nguyện

Francisco là một cậu bé ít nói. Mỗi khi cầu nguyện hay dâng các hy sinh, em thích đi ra chỗ riêng và kín đáo, tránh cả con lẫn Jacinta. Chúng con thường bất ngờ thấy em đang ẩn sau một bức tường hay sau các đám bụi mâm xôi nơi em cố tình trốn vào để qùy cầu nguyện hay để “nghĩ đến Chúa, Đấng đang buồn sầu vì có quá nhiều tội lỗi” như em vẫn nói.

Nếu con hỏi em: “này Francisco, tại sao em không nói để chị cùng cầu nguyện với em, và cả Jacinta nữa?”, thì em trả lời: “Em thích cầu nguyện một mình, để em có thể nghĩ và an ủi Chúa; Người rất buồn sầu!”

Một hôm, con hỏi em: “Này Francisco, điều nào em thích hơn: an ủi Chúa hay làm cho người tội lỗi ăn năn trở lại, để không còn linh hồn nào phải xuống hỏa ngục?”

“Em thích an ủi Chúa hơn. Há chị không để ý việc Đức Mẹ buồn đến nỗi tháng vừa rồi, khi ngài nói rằng người ta không nên xúc phạm tới Chúa nữa, vì Người đã bị xúc phạm nhiều rồi sao? Em thích được an ủi Chúa, và sau đó, làm cho người tội lỗi ăn năn trở lại, để họ đừng xúc phạm đến Người nữa”.

Đôi khi, trên đường chúng con đi học, vừa tới Fatima, em nói với con: “Chị này, chị đến trường đi, em sẽ ở lại đây, trong nhà thờ, gần gũi với Chúa Giêsu Ẩn Mình. Học đọc có đáng gì đâu đối với em, vì nay mai em lên thiên đàng rồi. Trên đường đi học về, chị đến đây gọi em”.

Hồi ấy, Thánh Thể được lưu giữ gần cửa ra vào nhà thờ, ở phía trái, vì nhà thờ đang được tu sửa. Francisco tới đó, giữa giếng rửa tội và bàn thờ, và đó là nơi con thấy em lúc đi học về.

Sau này, khi em ngã bệnh, em thường nói với con, khi con tới thăm em trên đường đi học: “Này chị, chị hãy đến nhà thờ và chuyển tình yêu của em đến Chúa Giêsu Ẩn Mình. Điều làm em buồn hơn cả là em không thể đến đó và ở lại đó một lúc với Chúa Giêsu Ẩn Mình”.

Một hôm, khi con tới nhà em, con nói tạm biệt với một nhóm học sinh trước đây đã cùng đến với con, rồi bước vào để thăm em và em gái em. Vừa nghe tiếng ồn ào, em hỏi con:

“Chị đến với đám đông ấy sao?”

“Đúng, chị đến với họ”.

“Chị đừng đi với họ, vì chị có thể bắt chước họ mà phạm tội. Lúc đi học về, chị hãy tới đây để ở gần Chúa Giêsu Ẩn Mình ít phút, rồi sau đó hãy về nhà”.

Một dịp kia, con hỏi em: “Này Francsico, Em có cảm thấy ốm lắm không?”

“Có, em thấy ốm lắm, nhưng em chịu đau khổ để an ủi Chúa”.

Một hôm, lúc Jacinta và con vào phòng em, em nói với chúng con: “Hôm nay bọn chị đừng nói nhiều, đầu em đau lắm!” Jacinta nhắc nhở em:

“Anh đừng quên dâng hy sinh cho các người có tội”.

“Đúng. Nhưng trước hết anh phải dâng để an ủi Chúa và Đức Mẹ, rồi sau đó, cho các người có tội và cho Đức Thánh Cha”.

Một dịp khác, lúc con tới, con thấy em rất vui vẻ, con hỏi em:

“Em thấy có đỡ hơn không?”

“Không. Em thấy tệ hơn. Giờ đây, không còn bao lâu nữa em sẽ được lên thiên đàng. Khi lên đó, em sẽ an ủi Chúa và Đức Mẹ rất nhiều. Jacinta sẽ cầu nguyện nhiều cho người có tội, cho Đức Thánh Cha và cho cả chị nữa. Chị sẽ ở lại đây, vì Đức Mẹ muốn như vậy. Này chị, chị phải làm mọi sự ngài bảo chị làm”.

Trong khi Jacinta xem ra chỉ quan tâm đến một ý nghĩ duy nhất là làm cho các người tội lỗi ăn năn trở lại và cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục, thì Francisco hình như chỉ nghĩ đến việc an ủi Đức Mẹ là đấng, đối với em, đang rất buồn sầu.

Francisco thấy ma qủy

Biến cố mà giờ đây con nhớ lại thì rất khác. Một hôm, chúng con tới một nơi gọi là Pedreia, và trong khi đàn chiên đang gặm cỏ, chúng con nhẩy từ tảng đá này qua tảng đá nọ, vừa nhẩy vừa làm cho tiếng nói của chúng con vang vọng xuống khe núi. Như thói quen, Francisco rút lui, tới một chiếc hang giữa các tảng đá.

Một thời gian rất lâu sau, chúng con bỗng nghe tiếng em kêu tên chúng con và kêu tên Đức Mẹ. Sợ có điều gì không lành xẩy đến cho em, bọn con chạy tới tìm em, vừa chạy vừa réo tên em.

“Em đang ở đâu?”

“Ở đây! Ở đây nè!”

Nhưng phải một lúc lâu sau chúng con mới định được vị trí của em. Cuối cùng, chúng con xuống được với em, lúc ấy đang run bần bật vì sợ, tuy vẫn tiếp tục qùy gối, và bối rối vì không thể đứng lên được.

“Sao thế? Em gặp chuyện gì?”

Bằng một giọng đầy sợ sệt, em trả lời: “Đó là một trong những con thú dữ khổng lồ mà chúng ta thấy ở trong hỏa ngục. Nó ở ngay đàng kia, miệng phun đầy lửa!”

Con không thấy gì, cả Jacinta cũng thế, thành thử con bật cười và nói với em: “Em chưa bao giờ nghĩ tới hỏa ngục, để khỏi phải sợ; nay em là người đầu tiên bị khiếp đảm!”

Thực vậy, mỗi khi Jacinta tỏ ra xúc động đặc biệt vì nghĩ tới hỏa ngục, em thường nói với Jacinta: “Em đừng nghĩ quá nhiều đến hỏa ngục! Thay vào đó, em hãy nghĩ đến Chúa và Đức Mẹ. Anh không nghĩ tới hỏa ngục, để khỏi phải sợ sệt”.

Em không hề sợ sệt. Em có thể đi một mình bất cứ nơi nào trong bóng tối ban đêm mà không một chút do dự. Em chơi với mấy con thằn lằn, và khi gặp mấy con rắn, em bắt chúng và quàng chúng quanh cây gậy, thậm chí đổ sữa chiên xuống một chỗ trũng trong đá để chúng uống. Em đi săn các hang cáo và hang thỏ, chồn hương (genet) và đủ thứ thú hoang.

Còn tiếp