Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hưởng ứng sáng kiến một phút cầu nguyện cho hòa bình

Vụ khủng bố tại Anh và sau đó tại Paris; vụ khủng hoảng ngoại giao giữa các nước Trung Đông và Qatar; cũng như những cuộc đụng độ dữ dội giữa người Hồi Giáo và người Do Thái tại Giêrusalem đã khiến Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu trên thế giới tham gia sáng kiến “Một phút cầu nguyện cho hòa bình” được tổ chức vào Thứ Năm, 8 Tháng Sáu, lúc 1:00 giờ trưa giờ Rôma.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sáng kiến này là một khoảnh khắc cầu nguyện ngắn ngủi nhằm tái diễn lại cuộc họp ở Vatican giữa ngài, Tổng thống Israel Peres, và Tổng thống Palestine Abbas.

Cuộc gặp gỡ giữa các vị đã diễn ra tại vườn Vatican vào ngày 8 tháng 6 năm 2014, trong đó ba vị cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình tại Trung Đông và thế giới.

Đức Thánh Cha nói: “Trong thời khắc khó khăn này, chúng ta, các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo, cần phải cầu nguyện để được ơn bình an.”

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha được đưa ra vào lúc kết thúc buổi Triều yết chung hôm thứ Tư 7 tháng 6 tại quảng trường Thánh Phêrô.

2. Cuộc khủng hoảng giữa các nước Trung Đông và Qatar

Cuộc chiến lời qua tiếng lại, bôi xấu và công kích lẫn nhau kéo dài giữa Saudi Arabia và người hàng xóm giàu dầu mỏ và khí đốt Qatar đã bùng nổ thành một cuộc chiến ngoại giao, đe doạ gây ra một làn sóng bất ổn mới ở khu vực vùng Vịnh.

Hôm thứ Hai mùng 5 tháng 6, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ Arab Saudi và ba đồng minh lớn nhất là Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Bahrain - tất cả lần lượt thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, triệu hồi đại sứ về nước, tạm ngưng tất cả các phương tiện di chuyển bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển đến Qatar và ngược lại.

Hành động này diễn ra sau khi Arab Saudi cáo buộc Qatar ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan như bọn Huynh Đệ Hồi giáo và bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sau đó, cả Libya, Yemen và Maldives cũng tham gia vụ tẩy chay ngoại giao này.

Các nước Ả rập trong vùng đã ra lệnh cho các công dân Qatar phải rời khỏi đất nước họ trong vòng 14 ngày.

Qatar là một trong những nước giàu có nhất trên trái đất, nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào các nước láng giềng để buôn bán và đi lại trong và ngoài khu vực. Quốc gia bán đảo này không sản xuất lương thực. Họ nhập khẩu hầu hết các loại thực phẩm qua đường biên giới đất liền với Saudi, mà giờ đây đã bị là đóng cửa.

Thông tấn xã Al Jazeera, là một hãng tin của chính phủ Qatar, cho biết các xe vận chuyển thực phẩm bị mắc kẹt bên phía biên giới Saudi. Và ở Doha, thủ đô của Qatar, người ta nhốn nháo xếp hàng mua các loại thực phẩm, kể cả các loại “hàng hoá dễ hư hỏng”

3. Lý do dẫn đến cuộc khủng hoảng tại Qatar

Căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng tăng vọt hồi tháng trước sau khi thông tấn xã Al Jazeera của Qatar công bố một bài báo, trong đó có trích dẫn lời của Quốc Vương Qatar là Tamim bin Hamad Al Thani, ca ngợi Israel và Iran là hai đối thủ lớn nhất của Arab Saudi trong khu vực.

Qatar đã nhanh chóng phủ nhận bài báo này là tin giả mạo do tin tặc đưa ra, nhưng Arab Saudi và các nước khác không tin.

Nổi giận vì các nước khác không tin mình, hôm 27 tháng 5, Quốc Vương Qatar đi một bước nguy hiểm là gọi điện cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani chúc mừng ông này được tái đắc cử - một hành động ngang nhiên khiêu khích Arab Saudi và các nước đồng minh của họ.

Căng thẳng giữa Qatar và các nước khác đã lên rất cao sau khi Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Bahrain công bố danh sách 59 công ty của Qatar bị cho là có liên quan đến khủng bố và tiến hành các thủ tục tịch thu tài sản của các công ty này.

Tình hình còn nguy hiểm hơn vào hôm thứ Sáu 9 tháng 6 sau khi tổng thống Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đưa máy bay và quân đội vào Qatar để bảo vệ người bạn đồng minh này.

4. Khủng bố Hồi Giáo IS tấn công thủ đô Iran

Hôm thứ Tư mùng 7 tháng 6, bẩy tên khủng bố Hồi Giáo IS đã mở hai cuộc tấn công khủng bố cùng lúc tại tòa nhà Quốc hội Iran và tại Lăng của Ruhollah Khomeini, cả hai địa điểm đều nằm trong thủ đô Tehran, khiến 17 thường dân thiệt mạng và 43 người bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố đầu tiên ở Tehran trong hơn một thập kỷ qua, và là cuộc tấn công khủng bố đầu tiên ở đất nước này kể từ sau vụ đánh bom Zahedan năm 2010.

Lúc 11:09 sáng, bốn tên khủng bố, tất cả là nam giới, nhưng ăn mặc như phụ nữ, đã lọt được vào tòa nhà Quốc Hội Iran trong khi các dân biểu và nghị sĩ đang có một phiên họp. Chúng bắt một số con tin và bắn bừa bãi vào những ai đứng trong hành lang dẫn đến phòng họp. Lực lượng bảo vệ chống cự quyết liệt để bảo vệ các thành viên Quốc Hội.

Trong khi cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố này; và coi đó như một hành động trả thù cho việc Iran giúp Iraq và Syria chống lại bọn chúng.

Sau gần hai giờ giao tranh mà không tiến được vào phòng họp của Quốc Hội, một tên khủng bố nổ bom tự sát mở đường cho đồng bọn tiến lên tầng bốn của tòa nhà Quốc Hội.

Từ một cửa sổ của tầng bốn tòa nhà Quốc Hội, bọn khủng bố bắn xối xả xuống đường phố.

Gần 2 giờ chiều, Lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đột kích được vào bên trong và di tản an toàn các thành viên Quốc Hội ra ngoài. Lúc 2:14 chiều, tất cả những tên khủng bố đều bị bắn chết.

Trong khi đó, lúc 10:40, tại lăng mộ của Khomeini, ba tên khủng bố gồm hai nam và một nữ mở cuộc tấn công tại đây. Ba nhân viên an ninh bị chúng bắn bị thương. Bọn khủng bố bắn bừa bãi vào đám đông du khách đang thăm viếng địa điểm này nhưng may mắn không có ai bị thiệt mạng. Sau 30 phút giao tranh với lực lượng an ninh, một tên khủng bố nổ bom tự sát khiến một người làm vườn bị thiệt mạng và hai người khác bị thương.

Lực lượng an ninh cũng đã kịp thời bắn chết một tên khủng bố khác khi y toan cho nổ bom phá hủy khu vực lăng tẩm. Lúc 11:25, tên khủng bố là nữ giới buông súng đầu hàng.

Ruhollah Khomeini, thường được thế giới Tây phương gọi là Ayatollah Khomeini, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1902 và qua đời ngày 3 tháng Sáu năm 1989 là giáo sĩ Hồi Giáo Shiite. Năm 1979, Khomeini lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ vương triều Pahlavi và thành lập nên nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.

5. Đức Thánh Cha Phanxicô lên án vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Tehran của Iran

Hôm thứ Sáu 9 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố diễn ra vào hôm thứ Tư ở Tehran, Iran. Ngài than thở về hành động bạo lực vô nghĩa và nghiêm trọng này.

Cùng với lời chia buồn chân thành của ngài với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công dã man ở Tehran, Đức Thánh Cha phó dâng linh hồn của những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa Toàn Năng.

Ngài cũng hứa cầu nguyện cho người dân Iran và cho hòa bình của quốc gia này.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thay mặt cho Đức Thánh Cha, đã gởi điện văn đến tổng thống Hassan Rouhani. Toàn văn bức điện tín của Đức Thánh Cha như sau:

Đức Thánh Cha Phanxicô Phanxicô gửi lời chia buồn chân thành đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công dã man ở Tehran và than thở về hành động bạo lực vô nghĩa và nghiêm trọng này. Khi bày tỏ nỗi buồn với các nạn nhân và gia đình của mình, Đức Thánh Cha phó dâng linh hồn của những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa Toàn Năng, và ngài bảo đảm với người dân Iran những lời cầu nguyện của ngài cho hòa bình.

Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

Tưởng cũng nên nhắc lại là tổng thống Iran Hassan Rouhani đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến hôm 26 tháng Giêng năm ngoái 2016.

6. Căng thẳng ngoại giao chung quanh vụ tấn công khủng bố tại Iran

Báo chí tại Tehran đã tỏ ra tức giận về lời chia buồn của tổng thống Donald Trump về vụ tấn công kinh hoàng hôm thứ Tư 7 tháng 6 khiến 17 người chết và 43 người khác bị thương. Trong một phản ứng chính thức, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, là Mohammad Javad Zarif, nói rằng những lời chia buồn của tổng thống Hoa Kỳ là “phản cảm”.

Trong lời chia buồn của mình trên Tweeter, ông Trump nói rằng Hoa Kỳ cảm thấy đau buồn và sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân. Tuy nhiên, vị tổng thống Hoa Kỳ nói thêm rằng: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng các quốc gia nào tài trợ cho bọn khủng bố sẽ có nguy cơ trở thành nạn nhân của cái ác do chính họ quảng bá.”

Bộ trưởng Ngoại giao Iran nói “Chúng tôi phản đối tuyên bố của Tòa Bạch Ốc. Thực ra, Iran đang chống lại những cuộc khủng bố do chính các khách hàng của Hoa Kỳ hậu thuẫn.” Đây là một ám chỉ rõ ràng liên quan đến Arab Saudi là nước vừa ký với Mỹ một thỏa thuận mua vũ khí của Mỹ trị giá 110 tỷ Mỹ Kim, và đây chỉ là một phần của một thỏa thuận mua vũ khí trị giá tới 400 tỷ Mỹ Kim.

Iran là nước có đa số dân theo Hồi Giáo Shiite, và xem Hồi Giáo Shiite là quốc giáo. Tuy nhiên, trong tổng số 82,801,000 dân, quốc gia này cũng có một tỷ lệ dân số lên đến 10% theo Hồi Giáo Sunni. Họ sống tập trung dọc theo biên giới với Iraq và Pakistan. Iran thường xuyên tố cáo Arab Saudi thao túng số dân này.

Lực lượng Cách mạng Iran cáo buộc Riyadh và Washington “dính líu” vào các vụ tấn công hôm thứ Tư, và coi cuộc tấn công này là kết quả của chuyến thăm gần đây của ông Trump tại Arab Saudi.

Tổng thống Hoa Kỳ từ lâu cáo buộc Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đã đạt được vào năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc.

Một số thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Thượng viện Mỹ hoãn lại cuộc thảo luận nhằm đưa ra những đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Một trong những lý do của dự luật này là Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã diễn ra như dự trù. Với tỷ số áp đảo 92-7, Thượng viện Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran chỉ vài giờ sau vụ tấn công tại Tehran.

7. Giáo Hội Công Giáo tại Iran lo âu trước nguy cơ chiến tranh

Cha Hormoz Aslani Babroudi, giám đốc quốc gia các Hội Giáo hoàng Truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Iran, lên án cuộc tấn công khủng bố của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào quốc hội Iran và ngôi mộ của Ayatollah Khomeini, xảy ra hôm 7 tháng Sáu khiến 17 người chết và 43 người bị thương.

Ngài nói với thông tấn xã Fides rằng: “Tôi cảm thấy buồn vì những hành động vô nhân đạo như vậy, nhất là khi những hành vi tội ác dã man này được thực hiện bởi những kẻ tự xưng là trung thành với Thiên Chúa và Hồi giáo. Hành động của họ đã lan truyền một hình ảnh sai lạc về đức tin và tôn giáo.”

Trong tổng số 82,801,000 dân, người Công Giáo nghi lễ Latinh chỉ có 21,380 tín hữu. Họ là một cộng đoàn nhỏ bé rất dễ bị thương tổn trước các xáo trộn xã hội.

Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh tại Iran có một tổng giáo phận duy nhất là tổng giáo phận Isfahan, bao trùm cả nước, với 333 linh mục, 6 nam sĩ và 6 nữ tu. Bênh cạnh đó, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê có 5 giáo phận với số giáo dân khoảng 200,000.

Iran và Arab Saudi từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau đã sinh ra và nuôi dưỡng bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Đối với người Iran, bọn khủng bố Hồi Giáo IS là sản phẩm phụ của hệ tư tưởng Saudi Wahhabist và bọn này được sự tài trợ của Arab Saudi.

Đối với Saudis, bọn khủng bố Hồi Giáo IS là sản phẩm phụ phát sinh từ sự trợ giúp của Iran đối với tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và các nhóm dân quân Shiite ở Iraq để giết hại người Hồi Giáo Sunni.

Bên cạnh đó, từ lâu hai dân tộc Ba Tư và Arab Saudi đã có một mối thâm thù truyền kiếp.

Lực lượng Cách mạng Iran cho biết trong 7 tên khủng bố tấn công vào thủ đô Tehran, ít nhất 5 tên là người Iran theo Hồi Giáo Sunni được Arab Saudi tài trợ.

Cha Hormoz âu lo rằng nếu chiến tranh xảy ra, cộng đoàn Công Giáo bé nhỏ tại quốc gia Hồi Giáo này có lẽ sẽ biến mất.

8. Báo Anh và Tây Ban Nha ca ngợi những người Công Giáo anh hùng đã chết trong vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn

Báo chí tại Anh và Tây Ban Nha đã lên tiếng ca ngợi anh Ignacio Echeverria, 39 tuổi, bị đâm chết tại khu chợ Borough khi cố gắng giúp một phụ nữ đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố. Thay vì bỏ chạy như những người khác, Ignacio Echeverria dùng một miếng ván trượt làm vũ khí chống trả lại ba tên khủng bố đang đâm túi bụi vào một người phụ nữ.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói anh Ignacio Echeverria sẽ được mọi người nhớ về “hành vi anh hùng và gương mẫu” của mình và cho biết chính phủ Tây Ban Nha sẽ trao tặng anh Huân Chương Công Dân Anh Hùng của Tây Ban Nha.

Báo El Mundo của Tây Ban Nha cho biết anh Ignacio Echeverria không bao giờ bỏ một Thánh Lễ Chúa Nhật nào. Một người bạn nói với một tờ báo rằng trước khi sang Anh làm việc Ignacio thuộc về một nhóm thanh niên Công Giáo gặp nhau hàng tuần ở Madrid cho các công tác xã hội.

Tờ El Mundo cũng lưu ý độc giả rằng chú của Ignacio từng là một giám mục truyền giáo lâu năm ở Peru. Đó là Đức Giám Mục Antonio Hornedo của giáo phận Chachapoyas, một tu sĩ dòng Tên, đã qua đời vào năm 2006.

Tại Luân Đôn, Echeverria làm việc cho nhóm chống rửa tiền của HSBC.

Một người Công Giáo khác cũng bị tử nạn trong vụ tấn công tại Luân Đôn là một cô gái người Canada, tên là Christine Archibald, 30 tuổi.

Archibald, là giáo dân của giáo xứ Rita ở Castlegar, British Columbia. Cô tốt nghiệp Đại học Mount Royal ở Calgary, Alberta, và đã làm việc cho Alpha House ở Calgary trong hai năm trước khi cô chuyển đến Hà Lan với vị hôn thê của mình. Alpha House là một tổ chức phi lợi nhuận Công Giáo nhằm cung cấp các chương trình trợ giúp cho những người nghiện ma túy và nghiện rượu.

Archibald đã sang Anh trong một dự án xây dựng nơi tạm trú cho những người vô gia cư. Gia đình Archibald xin những ai nhớ đến cô hãy giúp một tay vào dự án mà cô đã phải bỏ dở dang. Archibald đang ở trên cầu Luân Đôn cùng với vị hôn phu thì bị chiếc xe tải của bọn khủng bố tông chết.

Một người Công Giáo khác cũng bị chết thảm trong vụ tấn công khủng bố tại cầu Luân Đôn là anh Xavier Thomas, 45 tuổi, quốc tịch Pháp. Anh Xavier cư trú tại Paris đã sang Anh du lịch. Anh đang đi dạo trên cầu cùng người bạn gái là Christine Delcros, thì bị chiếc xe tải của bọn khủng bố tông vào. Anh bị hất văng xuống sông Thames, trong khi người bạn gái bị thương trầm trọng.

Cảnh sát Anh đã vớt được xác anh Xavier vào lúc 7:44 tối thứ Ba 6 tháng Sáu.

9. Liên Hiệp Quốc lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS sát hại những thường dân bỏ chạy về phiá quân Iraq

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 8 tháng 6, Giám Đốc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là ông Zeid Ra'ad Al Hussein tố cáo bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang cố thủ tại Mosul đã sát hại hơn 231 thường dân, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, khi họ lẩn trốn khỏi bọn khủng bố để chạy về phía quân Iraq.

Ông Hussein nhận định rằng từ hôm 19 tháng Hai đến nay, dân chúng trong khu vực phía Tây thành phố Mosul sống trong tình trạng bị bao vây, lương thực cạn kiệt dần. Họ bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt làm bia đỡ đạn cho chúng. Quyết định bỏ trốn khỏi những khu vực do bọn khủng bố Hồi Giáo IS chạy về phiá quân Iraq là một quyết định khó khăn đối với nhiều người. Họ có thể bị bọn khủng bố bắn chết nếu bỏ trốn. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục ở lại, họ có thể bị chết vì đói và cũng có khả năng chết vì các cuộc không kích do liên quân thực hiện.

Trong hai tuần vừa qua, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ghi nhận đã có một sự leo thang đáng kể những hành động tàn ác chống lại thường dân.

Ông Hussein, nói: “Việc bắn vào trẻ em khi chúng đang cố chạy đến những an toàn cùng với gia đình là quá tàn bạo đến mức không có lời lên án nào đủ mạnh trước những hành động đê hèn như vậy”.

Trong vụ khủng bố kinh hoàng nhất, diễn ra vào ngày thứ Năm tuần trước, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bắn chết ít nhất 163 thường dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bên cạnh nhà máy sản xuất nước ngọt Pepsi ở khu phố al-Shifa. Xác của những người bị giết nằm phơi trên đường phố trong vài ngày sau vụ giết người này, cho đến khi quân Iraq làm chủ được tình hình và chôn cất những người xấu số.

Trong cùng một khu phố này, ít nhất 27 người, trong đó có 14 phụ nữ và năm trẻ em đã bị giết bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào ngày 26 tháng 5 và ít nhất 41 người khác vào ngày 3 tháng 6.

Hiện nay, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang trong cơn hấp hối tại Mosul. Chúng chỉ còn kiểm soát được chưa đầy 4 km vuông chung quanh đền thờ Hồi Giáo al-Nuri là nơi tên Abū Bakr al-Baghdadi đã công bố thành lập cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo vào ngày 29 tháng Sáu năm 2014. Tuy nhiên, có đến 180,000 dân bị kẹt trong vùng này. Ông Hussein bày tỏ lo âu rằng việc sử dụng các loại vũ khí mạnh và thường không chính xác của quân Iraq và liên quân là một vấn đề vì sự hiện diện của một số lượng quá đông dân chúng tập trung trong một diện tích nhỏ. Các cuộc không kích của liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo vào hôm 31 tháng 5 có thể đã giết chết từ 50 đến 80 thường dân vô tội.

10. Kẻ chủ mưu đập phá tượng Chúa và Đức Mẹ tại Phi Luật Tân bị bắt, chính quyền tịch thu hàng triệu Mỹ Kim

Trong cuộc họp báo tại Davao vào sáng thứ Năm 8 tháng 6, Chuẩn Tướng Gapay Gilbert, phát ngôn nhân quân sự đã trình diện trước giới báo chí tên Cayamora Maute, 67 tuổi, cha ruột của hai tên cầm đầu bọn IS đang chiếm giữ thành phố Marawi.

Cayamora Maute từng là lãnh đạo của bọn khủng bố trong Mặt Trận Hồi Giáo Moro. Y cho hai người con là Omar and Abdullah Maute sang Trung Đông du học về thần học Hồi Giáo. Omar theo học tại Ai Cập trong khi Abdullah học tại Jordan. Khi về nước hai tên này thành lập chi nhánh của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Phi Luật Tân; và Cayamora được lãnh tụ khủng bố Hồi Giáo IS Abu Bakr al-Baghdadi phong cho làm Đại Imam, lãnh đạo tinh thần bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Phi.

Trung tá Nestor Mondia, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Davao, cho biết quân đội và cảnh sát tại trạm kiểm soát Sirawan Toril trên đường từ thành phố Cotabato đến thành phố Davao, đã bắt được Cayamora Maute trong một hoàn cảnh hết sức tình cờ.

Cayamora Maute, ngồi trên một chiếc xe Toyota, đeo mặt nạ phẫu thuật với dây dẫn nước biển chằng chịt trên người, và quấn một chiếc chăn trùm kín người. Khi các binh sĩ và các nhân viên cảnh sát yêu cầu kéo cái chăn xuống, y quyết liệt từ chối. Sinh nghi, họ yêu cầu tất cả xuống xe và kinh ngạc nhận ra Cayamora Maute, một trong những kẻ đang bị truy nã gắt gao.

Bình luận về hoàn cảnh ngẫu nhiên bắt được tên Cayamora, báo chí Phi Luật Tân nhận xét rằng những kẻ dám phá tượng Chúa và Đức Mẹ không thể có kết quả tốt được.

Khám xe quân đội và cảnh sát thu được một số súng lục và lựu đạn cầm tay, hàng loạt căn cước giả và 363,000 Peso tiền mặt, tức là khoảng 7,200 Mỹ Kim.

Cùng bị bắt với Cayamora còn có bà Kongan, là người vợ thứ hai của Cayamora, con gái y và con rể. Khám nhà những người bị bắt, trong ngày đầu tiên, quân đội Phi tìm thấy 52.2 triệu Peso tiền mặt, tức khoảng 1,054,500 Mỹ Kim.

Khi chúng tôi thực hiện chương trình này, số tiền quân đội và cảnh sát Phi Luật Tân đã tìm thấy hơn 6 triệu Mỹ Kim dấu ở những địa điểm khác nhau.

11. Nhận định của Đức Giám Mục Phụ Tá Paris về vụ tấn công khủng bố bên ngoài Nhà Thờ Đức Bà

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình KTO của Công Giáo Pháp, Đức Cha Moulins Beaufort, giám mục phụ tá tổng giáo phận Paris bày tỏ sự tin tưởng rằng sự ác không có tiếng nói sau cùng.

Đức Cha nói: “Hòa bình sẽ chiếm ưu thế trên thù hận. Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là chúng ta cần phải nỗ lực xây dựng một thế giới nhân bản, yêu chuộng hòa bình, và biết tôn trọng những khác biệt của người khác.”

Đức Cha ghi nhận rằng hơn 900 người bị kẹt trong Nhà Thờ Đức Bà đã giữ được sự yên tĩnh và bình thản trong suốt hai giờ

“Trong số những người bị kẹt trong nhà thờ, cố nhiên có những người không phải là các tín hữu Công Giáo. Nhưng tôi nghĩ rằng dù thế đi nữa họ vẫn tin mình đang được Đức Mẹ phù hộ. Vì thế, họ giữ yên lặng thanh thản, không lo lắng.”

Đức Cha cho biết thêm là lịch trình các buổi cử hành Phụng Vụ đã không bị gián đoạn. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là buổi kinh chiều ngày thứ Tư 7 tháng 6, một ngày sau vụ tấn công khủng bố.

12. Tên khủng bố tại Nhà Thờ Đức Bà tiêm nhiễm chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo qua Internet

Cũng liên quan đến vụ tấn công khủng bố hôm thứ Ba 6 tháng Sáu, cảnh sát Pháp cho biết họ đã tìm được những bằng cớ cho thấy hung thủ tấn công một viên cảnh sát bên ngoài Nhà Thờ Đức Bà đã từng tuyên bố cam kết trung thành với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.

Cảnh sát điều tra vụ việc đã phát hiện một video trong đó người đàn ông 40 tuổi, tên là Farid Ikken, tuyên bố mình là một tín đồ của Nhà nước Hồi giáo.

Kẻ khủng bố này là người gốc Algeria, đã từng làm việc ở Thụy Điển với tư cách là một nhà báo và đã từng ghi danh theo học tại Đại học Metz.

Những người quen nói rằng họ không hề biết tên này tiêm nhiễm chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo từ hồi nào, và trong thực tế không ai nghĩ hắn ta là một người Hồi giáo thực hành đạo vì chẳng mấy hắn lui tới các đền thờ Hồi Giáo.

Cảnh sát tin rằng tên khủng bố tại Nhà Thờ Đức Bà tiêm nhiễm chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo qua Internet.

13. Khủng bố Hồi Giáo đánh chết một giám mục và xô xác xuống sông

Trong bài “Post-mortem examination reveals Bishop Jean Marie Benoit Bala was assassinated’, tờ Cameroon Intelligence Report số ra ngày 6 tháng Sáu cho biết như sau:

“Cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy Đức Cha Jean Marie Benoît Bala đã bị ám sát chết trước khi thi thể ngài bị ném xuống sông chưa đầy bốn giờ đồng hồ trước khi người ta phát hiện ra thi thể của ngài.”

“Bác sĩ đoàn tiến hành việc khám nghiệm tử thi bao gồm hai phó giáo sư y khoa, ba bác sĩ y khoa, trong đó có một bác sĩ do Hội đồng Giám mục Công Giáo Cameroon chỉ định theo yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Kleda thuộc Giáo phận Douala”, là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Cameroon.

Tờ Cameroon Intelligence Report cho biết thêm là quá trình khám nghiệm tử thi kéo dài không đến 4 giờ đã có đủ bằng chứng để đưa ra các kết luận chính xác về nguyên nhân tử vong.

Theo những phát hiện của cuộc khám nghiệm tử thi, các bác sĩ cho biết “Thi thể được vớt lên từ sông Sanaga có một cánh tay đã cứng lại, gấp lại trên bụng. Điều này cho thấy rằng Đức Cha Balla đã chết trước khi bị ném xuống nước, nên không có phản ứng vẫy vùng trong dòng nước.”

Các bác sĩ tuyên bố “Đức Cha Bala đã bị tra tấn và bị giết một cách dã man”. Bộ phận sinh dục bị viêm lên cho thấy ngài đã bị điện giật và quan trọng nhất là phổi của ngài không có một giọt nước nào, chứng tỏ ngài đã chết trước khi bị ném xuống nước.

Một trong những thành viên của nhóm khám nghiệm tử thi nói rằng một người đàn ông bị chết đuối sẽ nằm ở dưới đáy sông vì uống nhiều nước, chứ không nổi lên như trường hợp của Đức Cha Balla. Tình trạng cơ thể cũng cho phép các chuyên gia kết luận rằng ngài đã bị ném xuống sông chưa tới 4 giờ trước khi được vớt lên.

Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla sinh ngày 5 tháng 5 năm 1959. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1987 và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục vào năm 2003. Ngài đã coi sóc giáo phận Bafia từ đó cho đến ngày 31 tháng 5 vừa qua.

Hội Đồng Giám Mục Cameroon đã ra một tuyên bố kêu gọi người Công Giáo nước này cầu nguyện cho linh hồn Đức Cha Bafia. Các Giám Mục mô tả ngài là người can đảm, chu đáo, khôn ngoan, kiên nhẫn và dịu dàng đến mức không có ai có điều chi bất hòa với ngài.

Cameroon đã chứng kiến nhiều vụ giết các linh mục Công Giáo chưa được giải quyết trong những năm gần đây. Bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram là thủ phạm chính trong các vụ bắt cóc và thủ tiêu các linh mục và nữ tu tại quốc gia này.

Tưởng cũng nên nhắc lại là giáo phận Bafia tuyên bố Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla, là đấng bản quyền, đã bị mất tích vào sáng sớm ngày thứ Tư 31 tháng 5. Sau đó, người ta tìm thấy chiếc xe của ngài gần sông Sanaha. Một tờ giấy tìm thấy trong xe viết: “Đừng tìm kiếm tôi! Tôi đã nhảy xuống sông.” Đây là một thủ đoạn của bọn khủng bố nhằm đánh lạc hướng điều tra của cảnh sát và bôi lọ các nạn nhân.

Cha Remy Ngomo, nói với thông tấn xã Camernews, rằng Đức Cha Balla đã tỏ ra “rất lo lắng và đầy đau khổ” khi ngài nói chuyện với cha vào cuối tháng 5. Đức Cha nói rằng ngài “hoàn toàn kinh hoàng” trước cái chết bí ẩn gần đây của cha Armel Collins Ndjama, là giám đốc chủng viện. Ngài đã bị giết ngay trong phòng của ngài hôm 10 tháng 5. Đức Cha Balla đã tỏ ra hoang mang vì cảnh sát tỏ ra lơ là trong việc điều tra và không có những biện pháp nào nhằm bảo vệ an ninh cho dân chúng và ngăn chặn các hành vi khủng bố của những kẻ Hồi Giáo cực đoan.

14. Diễn biến quan trọng: Quân Kurd tiến vào thành phố Raqqa

Trong khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang hấp hối tại thành phố Mosul của Iraq, tại Syria, hôm 6 tháng Sáu, Lực Lượng Dân Chủ Syria, gọi tắt là SDF, gồm chủ yếu là người Kurd, đã tuyên bố mở chiến dịch giải phóng thành phố Raqqa, nơi vẫn thường được coi là thủ đô của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

SDF theo phương châm là đa sắc tộc, đa tôn giáo, duy trì tính thế tục, cổ vũ dân chủ nên thu hút được đông đảo người của nhiều tôn giáo tham gia. Ít nhất 30% quân số của SDF là nữ giới nhưng các nữ quân nhân này tỏ ra rất thiện chiến.

Suốt trong đêm mùng 6 rạng sáng ngày 7 tháng 6, liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo mở 25 cuộc không kích dữ dội vào thành phố Raqqa, mở đường cho quân Kurd.

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, quân Kurd đã chiếm được nhiều quận trong thành phố Raqqa.

Hiện nay, bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn còn kiểm soát được 80% thành phố và giăng đầy mìn bẫy trên đường cũng như các tay bắn tỉa. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên lạc quan cho rằng việc giải phóng Raqqa có lẽ sẽ nhanh hơn chiến dịch Mosul rất nhiều.