(Đài Phát Thanh Vatican) Trong thông điệp gởi cho Ngày Quốc Tế Di Dân và Tỵ Nạn lần thứ 104 vào hôm thứ Hai với nhan đề “Chào đón, bảo vệ, thăng tiến và tạo sự hòa nhập xã hội cho người di dân và tỵ nạn.” ĐGH Phanxicô đã kêu gọi chia sẻ những khó khăn với người di dân hiện nay và rằng sự đóng góp của các cộng đồng chính trị và các tổ chức xã hội giữ một vai trò rất quan trọng. Ngài nói rằng “Thiên Chúa ủy thách cho Giáo Hội tình yêu mẹ hiền dành cho những con cái phải rời bỏ quê hương để tìm một tương lai tốt hơn. Tình yêu thương đoàn kết này phải thể hiện một cách tích cực qua mỗi gia đoạn của hành trình di dân, từ lúc hoảng hốt ra đi đến khi an toàn trở về cố hương.”

Đó là trách nhiệm lớn lao mà Giáo Hội muốn chia sẻ với các tín hữu nam nữ, những người có tấm lòng thương xót đối với những khó khăn của người di dân qua lòng quảng đại, hăng hái, khôn ngoan và trù liệu, tùy theo khả năng Chúa ban cho mỗi người.

ĐGH tóm tắt sự chia sẻ qua bốn hành động: Chào đón, bảo vệ, thăng tiến và tạo sự hòa nhập xã hội.

Ngài giải thích thêm rằng chào đón nghĩa là tạo điều kiện rộng rãi hơn cho người di dân và tỵ nạn chọn đến quốc gia mà họ muốn tới một cách an toàn và hợp pháp. Cụ thể là nhanh chóng và đơn giản hóa việc cung cấp giấy nhập cảnh vì lý do nhân đạo và đoàn tụ gia đình. Cung cấp cho người di dân và tỵ nạn có nơi ở lúc ban đầu phù hợp với phẩm giá con người.

ĐGH nói rằng bảo vệ có nghĩa là thực hiện hằng loạt những thủ tục nhằm bảo vệ quyền cũng như phẩm giá của người di dân và tỵ nạn bất kể tình trạng pháp lý của họ. Một khi tình trạng của họ được hợp pháp, thì những di dân và tỵ nạn có nhiều tiềm năng và kỹ năng sẽ trở thành nguồn lợi thực sự cho cộng đồng nơi họ đến.

Nói về thăng tiến thì ĐGH cho rằng nhiều người di dân và tỵ nạn có khả năng chuyên môn, có khả năng làm việc. Họ cần được giúp đỡ để có việc làm và thi thố khả năng chuyên môn, bảo đảm cho họ quyền lao động, quyền học tập và quyền công dân.

Về vấn đề tạo hòa nhập xã hội, ĐGH nói rằng hòa nhập không phải là một tiến trình đồng hóa người di dân, làm cho họ quên bản gốc văn hóa của họ, nhưng là tiếp xúc với họ, dẫn đến việc khám phá ra đặc tính riêng của họ và giúp họ góp phần bản sắc riêng làm cho mọi người hiểu nhau hơn.

Để kết luận thông điệp ĐGH nhấn mạnh rằng Giáo Hội đã cam kết và sẵn sàng thực hiện những đề nghị ban đầu của mình. Tuy nhiên, ngài nói rằng để đạt được kết quả mong muốn, thì sự đóng góp của của các cộng đồng chính trị và các tổ chức xã hội là rất cần thiết, mỗi người hãy làm tròn trách nhiệm của mình.

ĐGH Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy tham gia vào tiến trình này nhằm dẫn đến việc chấp thuận hai Hiệp Ước Toàn Cầu, một cho người tỵ nạn và một cho người di dân.

Giuse Thẩm Nguyễn