Những hình ảnh quê hương

Ai cũng có tuổi thơ. Tuổi thơ Việt nghèo mà thắm tình quê. Mà rất khó quên, dẫu quê mình nghèo lắm. Tôi nhớ có tết Trung Thu chỉ được sơi một mình một chiếc bánh đa mà sung sướng vô cùng, nhớ cho tới tuổi già !

Tết rằm tháng tám âm lịch được bảo là TẾT TRẺ CON, mà ‘trẻ lớn’ cũng khoái ra mặt !

Mùa thu mang khí hậu mát dịu tới. Tại quê nhà, xem chừng mùa màng đã gặt hái xong. Lối xóm thư thả nghỉ ngơi. Và lũ trẻ thì, ôi chu choa, mong tết Trung thu từng ngày. Có khi vì chúng thấy nó vui ngang với tết nguyên đán nữa ! Quê hương Việt Nam đấy, hình ảnh cũ vẫn khắc sâu trong tâm khảm từng trẻ Việt. Nó nằm đó cả đời. Rồi mang theo xuống mồ. Chỉ trừ ra những đứa trẻ không có tuổi thơ: khi bị cảnh mồ côi cha mẹ sớm, hoặc tật nguyền không thể di chuyển đi chơi cùng chúng bạn…

Bọn nhóc chờ tết Trung thu đến để được vui chơi đã vậy, lại được ăn bánh trái ê hề. Kèm theo đó là đủ thứ đồ chơi hấp dẫn. Quên sao được những mâm cỗ ‘trông trăng’ ? Cái đêm trăng ‘sáng nhất trong năm’ đem niềm vui rước đèn, tuyệt vô cùng. Vui vô kể. Đặc biệt là ở những nơi có tổ chức hát múa vui đùa. Văn nghệ cây nhà lá vườn mừng trăng tháng 8 rộn ràng…

Qua xứ người, các cộng đồng Việt Nam lớn vẫn ráng tổ chức Tết Ngày Rằm tháng Tám này. Cách riêng tại những trung tâm dạy Việt ngữ. Các bậc phụ huynh cũng thường hưởng ứng nhiệt tình. Bên này tiền bạc rủng rỉnh, nên chuyện tổ chức cho các em vui thì chả mấy ai nề hà. Mừng Tết trẻ em là nhắm vào tương lai giống nòi dân Việt, qua cố gắng gìn giữ văn hóa cha ông để lại thật cao quý.

Dân ta luôn mơ thanh bình ?

Thật ra chả có hình ảnh nào nói lên cảnh thanh bình bằng hình ảnh đêm Trung thu. Thăng thanh gió mát. Lòng người an vui. Bộ mặt ai nấy như hớn hở tươi vui. Nhưng phải thanh minh cho rõ: Gọi là TẾT NHI ĐỒNG, nhưng người lớn cũng vui theo. Cả nhà cùng hoan hỉ: trẻ nít tung tăng chơi đèn, cha mẹ chú bác thì uống rượu hay trà để thưởng trăng. Dĩ nhiên mọi người phải được chia phần những mẩu bánh Trung thu, dưới dạng bánh nướng màu nâu, hay bánh dẻo màu trắng.

Có vị khoa bảng nọ mang cái vụ tổ chức cho các em múa lân và rước đèn kéo quân ra, để nói rằng “thế là đã đủ mà chứng minh cái ước mơ thanh bình nhàn hạ của dân gian mình”. Kèm vào đó là hình ảnh những ông’tiến sĩ giấy’ được rước đi nghênh ngang bên cạnh hàng loạt các đèn sao lấp lánh, đủ nói lên tâm trạng mơ ước tương lai cao đẹp sáng chói của con cháu mình đấy. Chứ còn gì nữa ?

Hơn nhiều dân tộc khác, người Việt vẫn quan niệm Trăng như một huyền thoại: Trăng có hồn để biết cảm thông chia sẻ. Trăng chiếu ánh sáng nhẹ nhàng êm ả, xoa dịu tâm tư nhân loại. Nó giúp bao người dịu bớt cõi lòng cô đơn lẻ loi. Trăng tạo cảm hứng cho bao văn nhân thi sĩ, dệt nên những áng thơ văn tuyện diệu làm say đắm lòng người.

Nhạc sĩ Lam Phương từng nổi tiếng với tuyệt phẩm ‘Trăng thanh bình’: “Mừng vui lúa tung tăng, hò reo lúa mừng trăng, reo vang tang tình tang lúa reo. Lúa mừng cuộc đời sống thanh bình đã về đây với dân yên lành…Trăng về là nguồn sống yên lành của toàn dân yêu trăng thanh bình” ! Còn chi ý vị hơn ?

Trăng nói lên tình nghĩa ‘hiền hòa êm dịu’ như nơi nữ giới: Đêm trăng luôn bí ẩn đầy hấp dẫn. Như một vị Thần ban đêm. Trăng là Hằng Nga muôn thuở. Trăng gợi lên cõi mộng vô bờ bến. Trăng làm tăng cảm giác yêu đương cho các cặp tình nhân. Thế là nhân loại có câu nói ‘Tuần Trăng Mật’ tuyệt diệu !

Khác với ánh mặt trời gay gắt tạo nóng nẩy thường gây căng thẳng, mặt trăng đem đến cho tâm tư con người niềm vui nhẹ nhàng thanh khiết.

Trăng cho ta niềm hy vọng trong an bình. Nhiều nơi quen ngắm trăng mà đoán tương lai mùa màng năm tới, cũng như vận mệnh của cả quốc gia, tưởng chừng áp dụng cho thân phận may rủi của cả dân tộc mình.

Từ ngày nhà bác học Ga-li-lê chứng minh rằng trái đất tròn quay quanh mặt trời, có mặt trăng là vệ tinh luôn cận kề, thì Trăng càng trở nên thân mật hơn với con người, vì đêm nào cũng vờn quanh ‘người yêu’ vĩnh cửu là hành tinh (cùng quay) mà con người đang sống đây. Để rồi, vào dịp chính con người bằng xương bằng thịt’ đổ bộ lên mặt trăng lần đầu, ngày 20 tháng 7 năm 1969, không gian giữa ‘cặp tình nhân’ này đã vô hình chung trở thành thu hẹp và gần gũi với nhau hơn rất nhiều.

Thế là, dù cuộc dâu biển trần gian hằng hằng lớp lớp trôi qua với thời gian, Mặt Trăng vẫn hiện diện cho chúng ta hằng đêm. Nàng Trăng được trang điểm diễm kiều nhất vào đêm Rằm tháng 8 âm lịch. Tết Trung thu cũng vì thế vẫn mãi tồn tại. Dân Việt chúng ta vẫn tiếp tục…mơ ngày thanh bình dài lâu vĩnh cửu.

Hôm nay, vẫn sống lưu lạc nơi quê người, rằm tháng 8 về cũng đem theo nỗi sầu cố quốc. Ngắm bóng trăng soi vằng vặc, làm sao quên được những bóng hình thân yêu ngày trước ! Mong được đốt đèn lồng bay về tìm trăng quê cũ, để rồi tạm mượn lời một văn nhân mà thốt lên: “Hỡi ơi, Trăng chỉ có một bóng lẻ loi, còn ta thì hồn chia muôn nẻo, biết mượn Trăng nào để ghé về bến xưa”?

Hoặc khi ôm đậm nỗi sầu cô quạnh tha hương, có ai đó phải mượn lời nhà thơ Hàn Mạc Tử để trút nỗi hận vào vầng trăng sáng đêm rằm (đáng lẽ phải gieo vào lòng chàng niềm hy vọng của yêu đương): ”Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Bán đi cho dứt nỗi sầu ngàn kiếp u uẩn trong tim !

Đôi khi, thấy quá cô độc nơi xứ lạ, muốn nhờ Trăng tìm lại người thân ngày cũ, có kẻ đã mượn lời thơ của thi sĩ Tản Đà mà ngâm rằng:

“Bạn lên cung quế, hỏi Trăng giúp

Soi khắp trần gian, có thấy ai “?

Có đậm ảnh hưởng Tàu ?

Huyền thoại ‘vua Đường minh Hoàng du nguyệt điện’ đã ngấm ngầm ngự trị đâu đó trong văn học Việt Nam từ lâu. Ông là tác giả của ‘Khúc Nghê thường vũ y’: Vào một đêm trăng rằm tháng 8, nhờ phép thần của đạo sĩ La công Viễn dùng một giải lụa trắng biến thành cầu vồng, đưa nhà vua tới tận cung Hằng, thưởng thức ‘điệu khúc Tây Thiên’ của đoàn cung nữ, rồi góp thêm một vũ khúc khác thành ra điệu ‘Nghê thường’, mà rồi vua mang về trần gian tập cho các cung nữ của mình. Đặc biệt là để làm vui lòng ái thiếp tuyệt sắc là Dương quý Phi.

Rồi kế là chuyện thần thoại về Hậu Nghệ và Hằng Nga với thuốc trường sinh bất lão. Thế là người ta chế ra bánh Trung thu với hình Hằng Nga, Ngọc thố.

“Tùng dinh dinh, cắc tùng dinh dinh,

Em rước đèn đi đón chị Hằng”.

Lại còn câu truyện ‘cây đa vạn niên’ với thằng Cuội già mải mê bỏ trâu ăn lúa người khác, nên bị phạt: Được lên cung trăng, nhưng mỗi tết trăng rằm tháng 8, Cuội vì nhớ trần gian nên ra ngồi ở gốc cây đa ngó xuống, lòng dạ ngẩn ngơ…(Bài ca dân gian: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ…”)

Văn học nước ta, mỗi mùa Trăng rằm, cũng hay nhắc đến điển tích nhà thơ Lý Bạch bên Tàu, nổi tiếng toàn quốc, mà chỉ vì quá yêu Trăng sáng, nên một đêm say rượu, quyết định nhảy xuống sông tìm ôm nàng Nguyệt xinh đẹp, nên đành chết oan.

Người Tàu còn để lại tục múa rồng (một linh vật) cho dân ta, cũng như hình ảnh ông Địa xuất hiện đêm Trung thu, với hy vọng mang lại sự vui tươi may mắn cho dân chúng. Còn thói rước đèn ông sao là vì ‘Trăng và sao phải cùng…đồng hành’ về đêm !

Kế tiếp là truyện quan Bao Công ra lệnh cho dân chúng làm đèn cá chép cho trẻ đi rước đêm Trung thu, để dẹp một loài yêu quái lấy hình cá chép hại người trần.

Dẫu chịu ảnh hưởng phương Bắc, nhưng dân Việt mừng Trung thu trong phong thái nhẹ nhàng, hưởng cảnh thanh bình đêm trăng sáng, chả bận tâm nhiều về những điển tích, hay bị lo ra vì mấy thứ mê tín dị đoan viển vông xa lạ...

Học ngắm trăng mà mơ ước chốn Thiên Cung.

Lại thi sĩ Tản Đà cho ta mượn mấy vần thơ mà suy nghĩ gần xa:

“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi

Trần thế em nay chán cả rồi

Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.”

Thế gian là cõi ô trọc. Sống mãi dưới trần, dù thi sĩ mộng mơ cũng rồi có ngày phải…chán ? Ấy là chưa kể nhà Phật đã bảo rằng ‘đời là bể khổ’: đêm ngày nên mong được giải thoát khỏi ách luân hồi, mơ về cõi Nát Bàn êm ả.

Thế những người con Chúa thì sao ? Nhiều thánh đường vẫn vang tiếng thánh ca “Mẹ ơn, chóng đưa con về Trời, cõi yên vui đời đời...”. Âu cũng cùng tâm trạng ‘chỉ có quê Trời mới là đích điểm cho niềm vui vĩnh cửu.

Ngồi ngắm trăng đêm rằm tháng 8, chúng ta không khỏi suy tư vẩn vơ: Trần thế này là gì ? Kiếp người rồi phải đi tới đâu mới đạt mục đích thật ? Cõi Thiên Đàng là chốn nào ? Có thật Chúa đang chờ ta về hưởng hạnh phúc dài lâu bên Ngài?

Qua bao thế hệ nhân sinh, con người cứ mãi tự vấn về thân phận mình. Chẳng lẽ chết là chấm dứt mọi sự ? Vậy thì cuộc sống vô nghĩa quá !

Chỉ còn cách tìm về nguồn Kinh Thánh, con người mới có thể hiểu ra rằng Đức Ky Tô là Alpha và Omega: Nguyên thủy và Cùng đích mọi loài. Ngắm nhìn đôi vầng Nhật Nguyệt hay ngàn vạn tinh tú trong vũ trụ, ta cũng phải đi tới kết luận rằng cần có một đấng Tạo Hóa tối cao. Ngài sinh ra vạn vật và con người, rồi tạo hoàn cảnh cho tất cả cùng đoàn tụ trên cõi hằng sống dài lâu.

Mong sao ánh trăng vằng vặc đêm rằm soi vào đầu óc bạn và tôi một tia sáng linh thiêng, giúp ta tìm đến Ngài. Ngài chính là chủ tể của vũ trụ bao la, trong đó có vầng Trăng Rằm tuyệt đẹp trong mùa Trung thu năm nay.

Ước chi bạn cũng như tôi, năm nay ngồi ngắm Trăng Rằm tháng 8, dù có nhớ thương về quê nhà Việt Nam với những hình ảnh mùa Trăng đầy ắp kỷ niệm, nhưng cũng biết nâng hồn lên cao hơn chút nữa, để cùng nhau dệt niềm ước mơ: rồi đây không chỉ là gặp nhau trên một ‘cung Hằng’ huyền thoại (nơi ai cũng từng phải thất vọng: vào cái ngày mà phi hành gia Armstrong đặt chân lên mặt trăng lần đầu, ông bỡ ngỡ vì thấy Chú Cuội đã rủ chị Hằng cùng đoàn nữ ca múa di tản đi đâu mất tiêu rồi !), mà là trên quê hương Thiên Quốc tràn đầy ánh sáng và bình an.

Nơi đó, một người con yêu quý nhất của loài người đã được Chúa ban phần thưởng cao cả tuyệt vời: Kìa bà nào ( Đức Maria ) đang tiến lên như rạng đông, đẹp nhu mặt Trăng, rực rỡ như mặt trời…

Còn trần gian ư ? Rồi đây chúng mình xin được để lại cho…trần thế !

Mong thay !