Thiền Là Sao?



Từ thuở xa xưa, tại quê mình, hễ cứ ai muốn ‘đầu Phật’ hay chán đời mà lên chùa tu thì được bảo là ‘nương cửa Thiền’ : tìm về chốn ‘Thiền môn’. Các pho truyện bên Tầu hay bên Nhật hay nêu danh những vị cao tăng, được xưng tụng là các Thiền sư, nổi tiếng với đức độ cao vời và túi khôn trổi vượt, bề ngoài coi thật ‘tiên phong đạo cốt’. Hễ ai có chuyện bế tắc lớn đều mong tìm tới các ngài để vấn kế…

Ai cũng hiểu chữ Thiền vốn gắn liền với Phật giáo (mà đạo Phật lại rất phổ thông tại Việt Nam), dù ‘Thiền tông’ chỉ là một tông phái bên nhà Phật. Dĩ nhiên tông phái này ‘bay cao’ nhất với cái mục ‘tham thiền’ để tâm được tịnh. Thế là bà con mình quen với chữ ‘tọa Thiền’, phương thức tuyệt diệu mong giúp con người thoát cảnh ‘mê’ mà tìm được cái ‘tỉnh’ : bớt ‘vô minh’ để đạt tới ‘giác ngộ’.

Phật Thích Ca Mâu Ni từng ước mong các đệ tử thường xuyên thực hành Thiền để nhìn rõ ‘tất cả là hư vô’ (sắc sắc không không) và từ đó sẽ hết còn ‘tham sân si’, rồi tiến dần tới tình trạng diệt dục hoàn toàn, mong sớm thoát cảnh đầu thai, ngõ hầu chóng vào Nát Bàn. Thiền cũng được tả là có sức giúp các Phật tử ‘xóa sổ đen’ từ các kiếp trước, khiến tâm tư được hoàn toàn giải phóng. Giáo lý nhà Phật nói rõ rằng Đức Phật đã ‘đắc đạo’ và vào Nát Bàn lúc đang tham Thiền dưới gốc một cây Bồ Đề.

Trong thực tế, người ta được khuyên phải học Thiền để cuối cùng cũng sẽ thành Phật : hòa nhập vào cõi Phật bao la vô hạn. Người ta cũng thường tin rằng tham Thiền để có tâm hồn thư thái an bình. Thế là có những khóa ‘Thiền học’ được mở và quảng cáo tại nhiều trung tâm khác nhau. Bá tánh hăm hở rủ nhau ghi danh. Và nó đã và đang trở thành cái nhu cầu, cái ‘mốt’ thời thượng bây giờ, nhất là khi bà con mình đang sống giữa một xã hội xô bồ bấn loạn như hiện nay. Ngay cả một số tín đồ Thiên Chúa giáo, đặc biệt từ các gia đình không mấy được an vui hạnh phúc, sau khi gồng mình dự khóa thì, vô hình chung, tâm trí bỗng thấy hoang mang như bước vào…bát quái trận đồ ! Một số khác, nhờ có ‘lập trường sang suốt’ đã thoát được cái dại ‘vội tin’ này !

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam qua các tăng lữ Trung Hoa. Mà Phật giáo Tàu thì theo phái ‘Đại Thừa’, cũng gọi là ‘Bắc Tông’ hay ‘Đại chúng’, nên rất đề cao chuyện cứu nhân độ thế (khác với Nam Tông, xưng mình là Tiểu thừa và là Phật giáo nguyên thủy). Tổ sư phái Thiền tông (Ch’an) bên Tàu là ‘Bồ Đề Đạt Ma’ tạo ảnh hưởng lớn, át nhiều môn phái khác, với cái thế mạnh khi tạo ra môn võ Thiếu Lâm chuyên xử dụng ‘khí công’), rồi truyền qua nước ta (dẫu dân Việt cũng thu nhận và dung hợp nhiều môn phái khác nữa), và cùng lúc qua Nhật Bản (Zen) và Hàn Quốc (Son). Anh ngữ tạm dịch là Meditation.

Riêng tại Việt Nam, sử có ghi rõ vua Trần nhân Tông đã từng say mê học Thiền, rồi mở lớp dạy Thiền cho binh lính, mong họ chững chạc và trưởng thành về mặt tâm linh. Rồi nhà vua đã về hưu và xây dựng trung tâm Thiền Trúc Lâm rất nổi tiếng.

Phong trào tìm về Đông Phương



Các nước Tây Phương nay mệt mỏi với nền văn minh khá ‘vật chất’ thế tục, gây nên nhiều hệ lụy tâm linh trầm trọng. Thế là nhiều người lần mò qua phương Đông để học cách lấy lại cân bằng tâm linh. Họ sớm nhận ra cái nhu cầu ‘thống nhất’ tinh thần và thể xác (không nên tách làm hai như tại đa số quốc gia Âu Mỹ). Đây chính là câu chuyện tìm về nền triết học ‘nhất nguyên’. Hiện nay, riêng tại Hoa Kỳ, nhiều trung tâm huấn luyện quân đội cũng đang dạy Thiền cho các tân khóa sinh; rồi nhiều học đường và ngay cả các khám đường cũng bắt đầu phát triển phương pháp ‘hợp nhất tâm linh’ cao quý này. Thật ra những chương trình này chỉ nhằm về mặt tâm lý triết học, chứ không đề cập đến nội dung tôn giáo.

Riêng về mặt tôn giáo, nói rõ là Công Giáo, vị tiên phong cho phong trào này là Linh Mục Thomas Merton, thuộc dòng khổ tu ‘Trappist’ tại miền đông bắc Hoa Kỳ. Ngài đề cao lối sống chiêm niệm của vị thánh tu rừng nổi tiếng là ‘An-tôn’ bên xứ Ai Cập ngày xưa, luôn bám chặt giá trị ‘ân huệ’ của Chúa Thánh Linh trong hồn mỗi phút giây. Cái ân huệ vô hình này giúp ta có liên hệ mật thiết và bền vững giữa ta và Thiên Chúa. Nó phải liên tục nối chặt tâm trí ta và Ngài. Như hệt cách sống Thiền bên Phật giáo, không hề ngừng nghỉ. Nghĩa là phải thoát ra cái trói buộc thể chất ngoại vi, để hoàn toàn thong dong, trần trụi, thành kẻ ‘tứ cố vô thân’ trước dung nhan Chúa. Và nhờ đó, ta kết hợp với Ngài toàn vẹn. Cha Thomas ví tình trạng này như thời gian ông bà nguyên tổ Adam-Eva chưa phạm tội : cả hai cùng như được ‘tỉnh thức và giác ngộ’ theo kiểu nhà Phật hiểu.

Bên Việt Nam cũng có cha Hoàng sĩ Quý, thuộc Dòng Tên, đã cố gắng phát triển nhiều về quan niệm tìm về Đông Phương, giúp tiến tới lối sống ‘Thiền theo Đạo Chúa’. Ngài bày cách tạo yên tĩnh trong hồn, gặp làn khí thanh cao trong Chúa, để thực sự cảm nghiệm thấy Ngài hiện diện trong lòng. Cha Quý cho ví dụ : ta thử ngồi xuống, nhắc tới tên Giê-Su nhiều lần với lòng thành kính và phó thác. Rồi dùng hơi thở để ‘niệm’ trong im lặng. Ta sẽ thấy mình với Chúa trở thành một.

Cả 2 vị Linh mục trên đây cùng nói rõ rằng giáo lý đạo Phật và đạo Chúa khác nhau một trời một vực : một bên chỉ tin vào mình, còn một bên cần bám vào ‘ơn trên’. Nhưng tâm tư ta có thể tiến hành việc ‘theo vết bước Đông phương’ để dứt bỏ cái tôi nặng nề, hầu tạo sự an bình cao cả trong Chúa.

Tìm Thiền trong Chúa ?



Hiểu Thiền là tìm lối thanh thản cho tâm hồn thì chắc chắn ta có thể làm trong Chúa. Mượn cái vỏ, cái phương pháp bên ngoài, cái vị thế thân thể, cái mục tiêu tối hậu của Thiền nhà phật, rồi đem vào cái nội dung thần học giáo lý đạo Chúa, tất cả sẽ là tuyệt vời. Đây phải là cách cầu nguyện suy niệm ý nghĩa và ích lợi nhất : vì ta kết hợp với Chúa mật thiết 100 %. Thật ra không chỉ là tìm cái gì tốt cho tâm trí tạm thời, mà là tạo cho mình cái vị thế lệ thuộc và hợp nhất trọn vẹn với Ngài. Tạo ra cái bầu khí ‘thiên đường dưới thế’ ngay bây giờ.

Cứ mở 4 sách Phúc Âm ra, ta sẽ thấy hàng trăm chi tiết tạo nội dung cho việc Thiền, trong khi ‘mượn’cái kỹ thuật của nhà Phật. Câu truyện của Chúa với thiếu phụ xứ Samaria, cuộc đàm đạo với Ni-cô-đê-mô, bài giảng trên núi về ‘8 mối phúc thật’…Cùng bao lời giảng dạy khác : Hãy lo tìm nước Trời trước, rồi sẽ có các sự khác. Ai hy sinh mạng sống sẽ gặp lại. Hạt giống gieo xuống đất cần phải thối đi mới sinh nhiều hạt. Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Maria em của Nartha đã chọn phần tốt nhất khi lằng nghe lời Chúa. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn kẻ ham tiền của vào nước Trời. Của Caesar hãy trả Caesar, còn của Chúa hãy trả cho Chúa. Ta phải liên kết với Chúa như nhánh nho liên kết với thân nho…

Rồi bao lời giảng dạy và gương sáng của các Thánh nhân trong Giáo hội. Mở đầu với các thơ ‘Công Giáo’, nhất là của thánh Phao-lô. Ngài mời ta theo gương ngài ‘Tôi sống, nhưng không phải tôi, nhưng chính Chúa Ky Tô đang sống trong tôi. Tôi thật yếu đuối, nhưng trong Đức Ky Tô tôi có dư sức mạnh. Tôi luôn hãnh diện vì dại khờ và chịu thiệt thòi trong Chúa. Anh em hãy cùng tôi dù thức dù ngủ cứ sống trong Chúa.

Thánh Biển-Đức khai mào dòng tu với khẩu hiệu ‘vừa làm việc, vừa cầu nguyện’; kế đó là ‘khởi sự của khôn ngoan là kính sợ Chúa’. Rồi thánh Phan-xi-cô Assisi đã lập dòng anh em ‘hèn mọn’ sống cách biệt với vật chất xa hoa, mong dễ gặp Chúa mọi phút giây. Rồi với 2 thánh nữ Tê-rê-xa thuộc dòng Cát-Minh đã thật sự gặp Chúa qua đời sống giản dị kết hợp toàn vẹn mỗi ngày. Rồi thánh I-nhã của dòng Tên dạy ta dâng trọn vẹn ý riêng mình để liên kết với thánh ý Chúa. Và còn biết bao thánh nhân và dòng tu khác…

Ta thử đem ra thực hành.



Nào ta cùng theo trào lưu mới để thử thực hành Thiền, mong vừa an bình tâm tư, vừa kết hợp với Chúa mà nên thánh mỗi ngày. Ta cùng mượn bên nhà Phật cách tập trung hơi thở, định hướng nội tâm, học thế đứng ngồi…để bắt đầu. Đây là cách giúp ta làm chủ trí tưởng tượng và mọi cảm quan, mong tới chặng siêu thoát tâm linh, kết hợp với Chúa, và sẽ hết thấy mình cô đơn lẻ loi.

Xin diễn tả một cách ‘bình dân học vụ’ thế này nhé : Ta thử ngồi yên lặng, hít thở Thần Linh Chúa kèm theo khí trời. Thật chậm. Thật nhẹ nhàng. Nên thở khí qua mũi vào sâu tận bụng. Rồi chậm rãi thở ra bằng miệng. Thở khéo sẽ giúp bớt sự căng thẳng và lo sợ, sầu buồn. Dĩ nhiên phải gạt bỏ mọi lo ra chia trí. Tránh đừng để bụng đói hay no quá. Tùy hoàn cảnh ta có thể Thiền khi nằm, đứng, ngồi hay quỳ. Đa số ưa ngồi kiểu ‘kiết già’, giữ lưng luôn thẳng. Có thể ngửa hay úp 2 tay lên đầu gối. Còn 2 mắt thì nên ‘lim dim’.

Ta nên bắt đầu thử mỗi ngày Thiền nửa giờ. Tập để Thần Linh Chúa hướng dẫn lòng trí ta. Như thế sẽ dễ thấy mình tan biến trong sự hiện diện tuyệt đối của Chúa. Mỗi lần lấy một tư tưởng chỉ đạo đơn giản, tỷ như ‘thật sự Chúa Giê-su đang sống trong tôi’. Ta không cần đọc kinh nào. Không cầu xin sự gì. Sẽ quên thời gian và không gian. Sẽ chìm vào cõi im lặng của hư vô, của cảnh ‘trời mới đất mới’ trong Chúa. Hồn ta sẽ vui trong cái trống vắng nhiệm lạ. Hoàn toàn phó thác vào vòng tay yêu thương của Chúa. Thế là hết hối tiếc dĩ vãng, hết lo sợ tương lai. Chỉ còn hiện tại an vui với Chúa. Sẽ sung sướng sống với việc ta đang làm, chỗ ta đang ở, và hạnh phúc từng bước chân ta đi. Ta có thể Thiền ngay khi đang ngồi uống trà, thưởng thức từng ngụm nước ấm trên môi. Nói cho cùng, ta có thể Thiền khi thở, Thiền khi ăn, Thiền khi nằm nghỉ, Thiền khi đi dạo, Thiền khi quét nhà. Thiền khi làm vườn…

Thiền là cách cho ta thấy ta là chính ta, không bị ‘tha hóa’, không cố bám vào thứ gì trên đời, và nó có phép tạo ra một cõi ‘chân không’ huyền nhiệm : Ta quên đi cái tôi, nhưng ngay đó lại nhận ra nó trong Chúa. Ta sẽ nhìn rõ cái cốt yếu đời mình là gì. Sẽ dễ quên đi mọi ràng buộc vô nghĩa quanh mình cũng như những nỗi bất an lớn nhỏ trong tâm trí.

Tập ‘Thiền với Chúa’ như thế sẽ cho ta thấy Chúa ở trong ta thay vì chỉ ở trên ta (như nghĩ về Ngài ngự trên trời cao). Nó giúp ta sống đức Tin, Cậy và Mến với bề sâu vững chắc. Dù có mưa tuôn gió cuốn, căn nhà thiêng liêng của ta vẫn đứng vững. Lòng trí ta thường xuyên trở nên mềm nhũn, tạo chỗ cho Thần Linh Chúa hành động. Đã tin vào Chúa, ta sẽ hiểu thêm rằng Thiên Chúa cao và sâu hơn chỗ cao và sâu nhất đời tôi, thành ra tôi cần được kết hợp với Ngài. Ý thức rằng Ngài đã vì thương yêu mà đến cứu chuộc loài người chúng tôi qua sự chết và sống lại.

Ở đây ta không tìm cách trốn tránh trần đời (không phải là không thèm làm gì nữa như kiểu ‘vô vi’ đạo Lão, chỉ chờ ngày về với ‘cát bụi hư không’ cho nhẹ gánh tang bồng trần thế). Trái lại, Thiền còn cho ta cơ hội ‘nhập thế’ đầy ý nghĩa và có giá trị hơn nhiều. Có lẽ vì lý do này mà Chúa Giê-Su thường xuyên khuyên các môn đệ nên tìm nơi vắng vẻ mà cầu nguyện, sau khi chính Ngài đã bao lần làm gương. Xuất thế để nhập thế hữu hiệu hơn. THIỀN TRONG CHÚA là cách làm ta trưởng thành và chín chắn hơn trong thái độ và cung cách sống. Nó cũng giúp ta luôn có niềm an bình, và biết làm chủ mọi buồn vui đời mình.

Bạn ráng thử đi nhé. Chúc thành công.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư