Nhận lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng cùng phái đoàn gồm các đảng viên cao cấp đến Paris nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Pháp-Việt và 5 năm đối tác chiến lược, từ 25 đến 28.03.2018. Ðây là một cuộc tiếp đón lạnh nhạt Lãnh đạo tối cao của một đảng độc tài và cướp nhân quyền của đồng bào, bởi Tổng thống Cộng hòa Pháp, Người được sự ủy nhiệm của đa số cử tri toàn quốc bằng lá phiếu dân chủ và tự do. Do đó, cuộc công du đã diễn ra không bình thường…

I./ CÁC CƠ HỘI KỶ NIỆM.

A.- 45 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Việt.

Thi hành Hiệp định Genèvre, Quân đội Pháp đã rút khỏi Bắc Việt cộng sản ngày 10.10.1954. Ngày 20.06.1955, tại quốc gia Việt Nam, nhân cơ hội Cao ủy Pháp Paul Ély mãn nhiệm và về Pháp, Thủ tướng Ngô Ðình Diệm yêu cầu Tổng thống Pháp chỉ cử Ðại sứ và phải được Việt Nam chấp nhận trước (Chủ quyền quốc gia về ngoại giao) như các nước khác. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước. Quân nhân Pháp cuối cùng rời lãnh thổ Việt Nam vào ngày 28.04.1956. Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng hòa cấp đại sứ từ năm 1956. Khi Sài Gòn thất thủ ngày 30.04.1975, các Ðại sứ Pháp, Nhật và Ðức Khâm sứ Tòa Thánh còn ở tại nhiệm sở và bị mời đi…

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27.01.1973, Cộng hoà Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 12.04.1973 và mở đại sứ quán tại Hà Nội.

B.- Năm năm Ðối tác chiến lược.

Sau Chiến tranh lạnh giữa khối cộng sản và tư bản, trong quan hệ quốc tế hình thành một số hình thức mới. Các nước với thể chế chính trị, kinh tế khác nhau đã tìm những phương cách mới và áp dụng chúng một cách linh hoạt để thúc đẩy quan hệ với nhau. Thí dụ : quan hệ đối tác chiến lược. Các nước cộng sản, như Tàu, Nga và Việt cộng bây giờ trở thành các tư bản đỏ. Do đó, quan hệ này được sử dụng, từ năm 1991, giữa Hoa kỳ và Trung cộng. Sau đó, lan sang các nước khác

- Đối tác (Partnership), mối quan hệ hợp tác ở mức độ cao hơn và cụ thể hơn, bao gồm hai hay nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao hợp tác bằng việc thực hiện những mục tiêu chung. Xây dựng những kênh/cơ chế giải quyết các bất đồng/tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và phương pháp đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ những thành tựu hợp tác.

- Ðối tác chiến lược (Strategic Partnership) của Việt Nam chỉ là mối quan hệ chiến lược gắn liền với ngoại giao, an ninh và kinh tế. Việt Nam ký với rất nhiều nước nhưng không có thực chất, chỉ tìm cách để đi du lịch, tham nhũng bằng tiền người dân đóng thuế.

Hãy nhìn : Quan hệ Hoa kỳ và Liên hiệp Âu châu tuy không phải là đối tác chiến lược, nhưng mối quan hệ hợp tác thì vô cùng chặt chẽ. Trái lại, quan hệ Việt Nam cộng sản và Hoa kỳ tuy là quan hệ đối tác chiến lược nhưng mức độ quan hệ không thể so sánh được với quan hệ Hoa kỳ và Liên hiệp Âu châu.

-> Ðình chỉ đối tác chiến lược. Ngày 23.07.2017, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị nhóm người Việt võ trang khống chế và bắt cóc tại công viên Tiergarten (Berlin). Do ông Thanh la lối, người qua đường đã ghi hình và trao cho cảnh sát, chính phủ Ðức im lặng chờ Việt cộng bịa đặt láo (nghề của cộng sản) ra sao. Ngày 30.07.2017, những tin ‘Trịnh Xuân Thanh đầu thú’ được loan truyền, và ngày 31.07.2017, đương sự đã xuất hiện tại phòng trực Ban Hình sự của Bộ Công an để ‘đầu thú’. Ngày 02.08.2017, bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo báo chí buộc Việt Nam vi phạm nghiêm trọng pháp luật Đức và luật quốc tế khi sai những người võ trang bắt cóc ông Thanh, một người đã xin tị nạn tại Đức và đang được xem xét.

Ngày 22.09.2017, trong cuộc họp báo về vụ Trịnh Xuân Thanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, ông Breul, đã loan tin về việc Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi một bức thư hồi đáp cho Bộ Trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel để giải thích về vụ này. Ông Breul đưa ra quan điểm: `không thể chấp nhận hành động coi thường pháp luật Đức và quốc tế khi Việt Nam cho mật vụ bắt cóc ông Thanh. Trong mọi trường hợp, chúng tôi không chấp nhận điều này. Họ, cho đến nay, chưa có một lời xin lỗi nào, và cũng không cam kết, trong tương lai, sẽ không có hành động tương tự. Họ cũng không cam kết là sẽ xử lý những người có trách nhiệm về vụ bắt cóc này.

Về ông Thanh, một trong những điều kiện Đức đòi hỏi Việt Nam là phải xét xử ông này theo những chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền và cho những quan sát viên quốc tế đến Việt Nam theo dõi. Vì họ chưa đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi, chưa công nhận đã vi phạm pháp luật Đức, nên ngày hôm qua, chúng tôi đã mời Đại sứ Việt Nam tại Đức tới Bộ Ngoại giao để thông báo về việc đình chỉ đối tác chiến lược.

- > Xin góp ý. Việt cộng ký kết bao nhiêu Hiệp ước (Genève 1954, Paris 1973) hay Tuyên ngôn Nhân Quyền 1948… nhưng có thi hành nghiêm chỉnh đâu. Ngày nay, chúng ký các văn kiện gọi là ‘đối tác’, ‘đối tác chiến lược’ hay ‘đối tác chiến toàn diện’ cũng chỉ là những tờ giấy lộn chứa đựng những cam kết mà chúng không khả năng hay không muốn thực thi, nhưng để che đậy sự tàn bạo đối với người dân mà vẫn được ngồi ngang hàng với lãnh đạo dân cử các quốc gia tự do.

C.- Hiện tình bang giao.

Việt Nam và Pháp tuy thuộc hai châu lục khác nhau nhưng có mối quan hệ rất đặc biệt do các gắn bó mật thiết về lịch sử, văn hóa và xã hội. Từ 45 năm qua, Pháp luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Pháp là nhà tài trợ song phương hàng đầu Âu châu cho Việt Nam. Nhiều trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học. Những quan hệ hợp tác giữa các địa phương cũng được ký kết giữa 20 địa phương Pháp và 15 tỉnh, thành Việt Nam. Ngoài ra, cộng đồng người Việt ở Pháp là một tập thể lâu đời, lớn nhất tại Âu châu, là cầu nối quan trọng cho quan hệ hai nước. Về kinh tế, Pháp là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Tây Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt hơn 4,6 tỷ mỹ kim. Pháp cũng là một trong số thị trường xuất cảng lớn của Việt Nam.

Hiện nay, Pháp đầu tư vào Việt Nam gần 3 tỷ mỹ kim với 513 dự án. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước chưa được khai thác hết. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều vẫn còn khiêm tốn, chỉ hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập cảng của Việt Nam.

Kết quả trong thời gian qua cho thấy quan hệ Việt - Pháp đã vượt qua khuôn khổ quan hệ song phương và nằm trong khuôn khổ quan hệ giữa Liên hiệp Âu châu với Việt Nam và nằm trong chính sách Pháp đối với Đông Nam Á. Hai nước có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế lớn, nhất là trong các liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy sự đa dạng văn hóa và vai trò của các thiết chế đa phương trong việc điều tiết, quản lý tiến trình toàn cầu hóa.

II./ TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI DÂN.

Pháp là một quốc gia dân chủ, Tổng thống E. Macron tiếp nhận từ các đoàn thể hay cá nhân những văn thư góp ý, ủng hộ hay khiếu nại, hoặc những kiếùn nghị của các đoàn biểu tình.

A.- Góp ý với Chính quyền Pháp.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), ngày 24.03.2018, kêu gọi Pháp thẳng thắn nêu các vấn đề nhân quyền với Tổng bí thư Cộng đảng sản Việt khi ông này đến Paris vào chiều Chúa Nhật, yêu cầu họ ngưng trấn áp các nhà báo và bloggers độc lập. 'Quan hệ đối tác chiến lược' này có mục đích gì nếu thiếu tự do báo chí?’. Từ đầu năm 2017, hơn 20 nhà báo công dân đã bị bắt, bị trục xuất hoặc bị kết án tới 9, 10 hoặc thậm chí 14 năm tù chỉ vì cố gắng cung cấp thông tin cho công chúng. ‘Đây là đợt trấn áp tồi tệ nhất nhắm vào quyền tự do cung cấp thông tin trong hơn 20 năm qua’, RSF lưu ý.

RSF cũng lưu ý tới tình trạng sức khỏe đang xấu đi của nhiều nhà báo công dân đang bị cầm tù, trong đó có luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và blogger Mẹ Nấm. Nghị viện Châu Âu tháng 12/2017 đã thông qua nghị quyết khẩn cấp đòi Việt cộng thả các nhà báo công dân đang bị giam giữ sai trái ở Việt Nam. RSF kêu gọi Pháp đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam thực thi các nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng các quyền được bảo đảm trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 quốc gia trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do RSF thực hiện. ‘Là người đứng đầu về quyền lực ở Việt Nam, đứng trên các vị trí Chủ tịch và Thủ tướng, Tổng Bí thư Trọng là người đầu tiên chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp khủng khiếp đã đánh vào các nhà báo và blogger kể từ khi phe nhóm của ông nắm quyền lực nội bộ ở đất nước này vào năm 2016’. Trong năm 2017, khoảng 20 nhà báo đã bị bắt, bị trục xuất hoặc bị kết án tù 9, 10 hoặc 14 năm tù giam, ‘đơn giản chỉ vì họ muốn thông tin đến người dân’ và ‘đây là đợt đàn áp tự do thông tin tồi tệ nhất kể từ hơn 20 năm qua’.

Vài ngày trước khi Nguyễn Phú Trọng đến Pháp, 3 Tổ chức Nhân quyền có trụ sở tại Paris, là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hội Nhân quyền Pháp quốc (LDH) đã ký chung bức Thư Ngỏ gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẩn thiết yêu cầu ông ‘hãy đặt ra câu hỏi nóng bỏng về nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc TBT Nguyễn Phú Trọng’. Các tổ chức phi chính phủ này phàn nàn rằng người số 1 cộng đảng Việt Nam được tiếp đón tại Phủ Tổng thống như ‘người đứng đầu nhà nước’ dù ông ta cổ xúy một ‘hệ tư tưởng độc tài toàn trị’.

Ngày 23.04.2018, ACAT (Hành động Thiên Chúa giáo chống Tra tấn) đã phổ biến Thư Ngỏ gửi chánh phủ Pháp để yêu cầu các vị này đòi hỏi ông Trọng phải tôn trọng nhân quyền của người dân Việt khi ông này đến Paris. ACAT tố cáo Việt cộng gia tăng đàn áp trong năm 2017 như các Tổ chức Nhân quyền khác và thêm trường hợp Giáo sư Phạm Minh Hoàng bị tước đoạt Việt tịch và buộc rời Quê Hương, để lại hiền thê và ái nữ.

B.- Biểu tình.

Từ 6 giờ ngày 26.03.2018, dọc từ tòa đại sứ Việt Nam tại Pháp, đường Miromenil cho đến Phủ Tổng Thống ở điện Elysée, cảnh sát canh chừng nghiêm ngặt. Ðồng lúc, tại Place du Perou, góc đường Miromenil và Messine, đồng bào Việt tại Paris đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình để phản đối sự hiện diện của Nguyễn Phú Trọng tại Pháp.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã lái xe trên 400 cây số từ Rennes, lúc 3 giờ, đến đây để tham dự cuộc biểu tình, đã phát biểu : « Chúng ta biết là người tị nạn không thể nào nói chuyện với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, cho nên chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ với vị Tổng Thống của nước Pháp: Mỗi sự bang giao, nhất là vấn đề thương mại, những người cộng sản Việt Nam luôn luôn tìm những nguồn lợi cho cá nhân họ và cho đảng phái của họ chứ họ không vì người dân. Và điểm thứ nhì mà quan trọng nhất: Tổng thống Pháp cần phải phân biệt giữa người dân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam thì lợi dụng lòng yêu nước của người dân cũng như dùng mọi phương thức để bóc lột người dân và hiện nay người dân đang là nạn nhân thì họ đang cố gắng để chống lại »

Dù thứ hai phải đi làm, nhưng anh Phan Lâm Khanh đã lấy ngày nghỉ để :

« Phản đối những hành động phản Nhân quyền của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối với những người yêu nước, phản đối sự đàn áp dã man những người dân đòi hỏi nhân quyền, công quyền và công lý tại Việt Nam, để cho Trung cộng tàn phá môi trường Việt Nam ». Những người biểu tình đưa cao hình ảnh các Tù Nhân Lương Tâm cũng như những biểu ngữ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt nói lên chính kiến của mình. Những khẩu hiệu đòi Nhân quyền, Tự Do, Dân Chủ cho Việt Nam cũng được hô vang.

Ngoài ra, Văn phòng Liên lạc các Hội đoàn Việt tại Paris đã gửi thư yêu cầu được gửi một Thỉnh nguyện thư đến Tổng thống và nhị vị Chủ tịch các Viện Lập pháp. Lúc 9 giờ 20 giờ, một nhân viên Bộ Nội vụ đã tiếp xúc với Ðại diện đoàn biểu tình, ông Nguyễn Quốc Nam. Người đại diện đã được mời đến Ðiện Elysée và trao tận tay Văn phòng Thư ký Phủ Tổng thống Thư Ngỏ của các Hội đoàn tại Pháp. Nhân viên Văn phòng giao một biên nhận mang số 4.

Ông Nguyễn Quốc Nam cho đài RFA biết nội dung Thỉnh nguyện thư gửi Tổng thống và các Chủ tịch Quốc hội và Thượng nghị viện : « Khi đến cửa Elysée thì có người ra mở cửa vì mình đã xin phép đem Thỉnh nguyện thư đó đến. Chúng tôi đã trao Văn thư đó cho Văn phòng Phủ Tổng thống… Thỉnh nguyện Thư gồm có nhiều phần: Phần thứ nhất là mình thông tin cho Tổng thống biết Nguyễn Phú Trọng là ai. Nước Việt Nam có 4 người đứng đầu trong nước nhưng Nguyễn Phú Trọng là người cầm quyền. Thứ hai: Đảng Cộng sản đã làm gì trong nước Việt Nam ? Mình đưa ra những chứng cớ từ những vụ đàn áp nhân quyền, có những người chỉ vì viết một bài báo mà có thể ở tù từ 9-10 năm. Bên cạnh đó, họ đã cấu kết với hiểm họa phương Bắc mà ai cũng biêt đó là Trung Cộng. Sau nữa là vấn đề ô nhiểm môi trường lớn nhất của nước Việt Nam là Formosa. Vì đảng Cộng sản Việt Nam không cho biết nên chúng ta phải báo động với thế giới mà nước Pháp là một trong những quốc gia đã ký kết hiệp định về khí hậu tại Paris thì nước Pháp cần phải biết những thông tin đó. Kết luận của mình là khi quý vị biết những thảm trạng đó đối với nước Việt Nam của chúng tôi thì mỗi khi trao đổi bất kỳ về phương diện gì, từ thương mại, kinh tế cho đến khoa học với Việt Nam thì quý vị quan tâm đến vấn đề Nhân quyền cho đất nước của chúng tôi vì Biển Đông là nơi mà quý vị cũng có quyền lợi ở đó. Hy vọng rằng những thông tin đó sẽ hữu ích cho họ khi họ trao đổi với chính quyền Việt Nam hiện nay »

Không dám đối diện với sự thật, phái đoàn bí thư Trọng đã không đi trên đoạn đường từ tòa đại sứ đến Phủ Tổng thống ngang qua đoàn biểu tình mà đã dùng một con đường khác. Cuộc biểu tình chấm dứt lúc 10 giờ 30. Cuộc biểu tình được phép của nhà chức trách địa phương và được cảnh sát hổ trợ.

Những hình thức dân chủ và văn minh này làm gì được thấy tại Việt Nam cộng sản. Ở nước này, người dân chỉ thấy các điều luật hình sự 79 (lật đỗ chính quyền nhân dân), 88 (tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN), 257 (chống người thi hành công vụ) và 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân). Ðây là những điều luật thật nực cười khi cộng đảng luôn ca ngợi chúng chiến thắng Pháp, Mỹ, Tàu và nay lại sợ người Việt không võ trang và không cộng sản. Các đại biểu Ðảng hội chỉ đủ khả năng để làm các điều hề này, chứ khá dốt để làm luật về biểu tình như hiến pháp dự trù.

Bởi thế, chính phủ Pháp đã tiếp thật đặc biệt một Tổng Bí thư đảng cộng sản của nước Việt độc đảng. Tại Pháp đa đảng, đảng cộng sản Pháp không còn khả năng (thu được 5% số phiếu bầu hợp lệ) để đưa người ra tranh cử Tổng thống trong nhiều kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua.

C.- Tự do viết và thuê đăng báo.

Trước khi đến Paris, người đứng đầu cộng đảng Việt Nam đã có một bài viết trên nhật báo Pháp ‘Le Monde’ (Thế giới). Trong đó, ông viết Pháp và Việt cộng ‘có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế lớn, nhất là trong các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy sự đa dạng văn hoá và vai trò của các thiết chế đa phương trong việc điều tiết, quản lý tiến trình toàn cầu hoá’. Ông Trọng quảng bá ‘Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng cho quan hệ giữa Pháp với ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á), và mong rằng, Pháp cũng sẽ là cầu nối hiệu quả cho quan hệ giữa Việt Nam với EU (Liên hiệp Âu châu)’.

Do bài này không có giá trị thông tin gì đối với Le Monde và người đọc, nên nó phải được thuê đăng trên trang quảng cáo của tờ báo rất có uy tín ở Pháp với lệ phí có thể lên tới hơn 4 tỷ đồng. Chi phí này là một trong những vấn đề khác biệt giữa Việt Nam (độc đảng) và Pháp (đa đảng). Tại Việt Nam, số tiền trên 4 tỷ đồng được thanh toán bởi ngân sách nhà nước, tức tiền thuế do người dân nghèo khổ đóng thuế (mọi người, giàu nghèo, đều phải đóng Thuế Trị giá Gia tăng). Trái lại, Tại các nước dân chủ đa đảng, ngân sách nhà nước được chính phủ dùng để thực hiện chính sách Công ích và công bằng xã hội. Không hoàn thành chính sách này, đảng cầm quyền có thể bị cử tri không tín nhiệm trong lần tuyển cử sau và phải rời chính trường. Các chi phí của đảng phải do ngân quỹ đảng đó chi trả.

D.- Viết sách để tranh cử.

Năm 2016, sau khi tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2022, ông Emmanuel Macron đã viết sách ‘Révolution’ (Sự Cách mạng)

https://storage.googleapis.com/en-marche-fr/revolution/Revolution.pdf

(15 trang đầu) để tự giới thiệu với cử tri với ước mong được họ tín nhiệm bằng phiếu bầu. Kết quả, ông đã trở thành Tổng thống Pháp ở tuổi 39. Sau đó, sách này được dịch sang 20 thứ tiếng. Trong đó, có tiếng Việt do nhà xuất bản First news – Trí Việt dịch và phát hành.

Tư tưởng chính trong sách là sự tự nguyện đấu tranh cho tự do và dân chủ thứ thật, không khoan nhượng hay do dự, chống mọi hình thức độc tài đảng trị, tự do bình đẳng trong chính trị, trong kinh tế và kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, trong yêu đương, trong xã hội, gia đình và trường học.

Ứng cử viên trẻ ở tuổi 39 dấn thân hết mình cho tự do, dân chủ và nhân quyền, không thể có chỗ nào dành tình cảm chính trị cho những quyền lực độc tài tàn ác với những chiến sỹ dân chủ chống bành trướng. Dù chưa có dịp đọc sách này, nhưng qua sự tiếp đón thờ ơ cấp rất thấp đến các cuộc hội kiến xã giao nhạt nhẽo với Thủ tướng, các Chủ tịch Quốc hội và Thượng nghị viện, không có một nghi lễ trọng thể nào cũng đủ cho ông Trọng và phái đoàn hiểu rõ rằng ông không có tư cách nguyên thủ quốc gia, mà chỉ là đại diện cho một đảng cộng sản đã hết thời, thù địch với tự do dân chủ, nước Pháp miễn cưỡng quan hệ với các ông để có những hợp đồng tổng trị giá gần 11 tỷ euro.

III. NHÂN VẬT SỐ MỘT VIỆT NAM ÐẾN PHÁP.

A.- Tiếp đón tại Phi trường.

Chiếc chuyên cơ Vietnam Airlines chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn tùy tùng cao cấp đảng cộng sản từ Hà Nội bay đến Paris vào lúc 17 ngày 25.03.2018 đã được mời đáp ở sân bay nhỏ Orly, thường chỉ dùng cho các chuyến bay nội địa và các chuyến bay gần.

Ra đón tiếp đoàn, số người Việt đông gấp nhiều lần người Pháp chủ nhà. Theo phóng viên báo Nhân dân tháp tùng đoàn, ra đón ông Trọng có đại diện chính phủ Pháp (nhưng không nêu tên và chức vụ! Thật sự, chỉ là một bà nhân viên vụ nghi lễ Tổng thống phủ), hai đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary và Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp. Chỉ có thế, không có một nghi lễ nào dành cho đoàn khách cấp nhà nước. Khi các Tổng thống Mỹ B. Obama và D. Trump đến Hà Nội đều được nhà nước cử các thanh nữ mang hoa đón chào. Rất tiếc, tại phi trường Orly, chỉ có bé gái Việt tặng hoa cho đệ nhất đảng viên cộng sản Việt. Thế mà VOV, báo điện tử Ðài Tiếng nói Việt Nam, ngày 26.03.2018, viết sai : ‘Đón đoàn tại sân bay, phía Pháp có: Bộ trưởng Nhà ở, Đất đai, Quy hoạch và Đô thị Jaccques Mezard, một số quan chức cấp cao trong Chính phủ Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam. Phía Việt Nam có Đại sứ Việt nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp, cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện bà con cộng đồng người Việt tại Pháp’.

Theo đúng nghi thức ngoại giao, viên chức đồng vị đến đón khách mời tại phi trường. Trong trường hợp này, người đồng vị là ông Pierre Laurant, Thư ký toàn quốc đảng cộng sản Pháp, nhưng vì ông Trọng được Tổng thống mời, nên ông Laurant chỉ đến trình diện ông Trọng ngày 27.03.2018.

Một thí dụ điển hình. Sau nhiều lần nhận lời mời từ Nguyên thủ Hoa kỳ Dwight D. Eisenhower, rời Sài Gòn ngày 06.05.1957, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và đoàn tùy tùng chỉ gồm 7 thành viên đáp phi cơ đến Honolulu hôm sau, 21 phát đại bác nổ vang chào mừng và được tiếp đón bởi Bộ trưởng Ngoại giao John F. Dulles, vị này mời phái đoàn Việt Nam cùng đáp phi cơ riêng Tổng thống Mỹ Columbine III để bay đến thủ đô. Đến phi trường Andrew (Hoa thạnh đốn), Tổng thống Diệm được chính Tổng thống Hoa kỳ tiếp đón ngay tại cầu thang phi cơ. Đồng thời, 21 phát đại bác nổ vang long trọng chào mừng. Theo Wikipedia, dọc đại lộ từ phi trường đến thủ đô, khoảng 50.000 người đứng hai bên vệ đường để vẫy tay chào Người.

Ngay khi rời phi trường, đoàn đại biểu cấp cao Việt cộng đã đến Thành phố Montreuil, tỉnh Seine-Saint-Denis, để cùng lãnh đạo Montreuil đặt hoa trước Tượng đài Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm.

B.- Lễ tiếp đón chính thức.

Sáng ngày 26.03.2018, tại sân Hôtel des Invalides* Paris, Chính phủ Pháp đã tổ chức lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ bởi ông Jacques Mézard, Bộ trưởng bộ đất đai, nhà ở và quy họach đô thị, nhân vật thứ 13 trong danh sách chính phủ, và hai viên chức bộ Ngọai giao và bộ Quốc phòng!

[* Hôtel des Invalides, nơi có bảo tàng quân sự, xưa là nơi nghỉ dưỡng của các thương binh chiến tranh nặng, tàn tật. Không hiểu sao lễ đón lại diễn ra ở đây, chuỵện chưa từng có.]

C.- Các cuộc hội kiến.

Ngoài ra, ông Trọng được ông François Rugy, Chủ tịch Quốc hội tiếp kiến chiều ngày 26 và, sáng 27 hội kiến với Thủ tướng Edouard Philippe, sau đó, chào hỏi xã giao Chủ tịch Thượng nghị viện, ông Gerard Larcher. Thế là cả đoàn Việt Nam hơn 20 vị cấp cao đi theo tổng bí thư như Tòng thị Phóng, Trần Tuấn Anh, Chu Ngọc Anh, Hoàng Bình Quân,… đều ‘thất nghiệp’, không có ai tiếp chuyện.

Khi gặp ông François Rugy, ông Trọng có nhờ Chủ tịch Quốc hội Pháp giúp để Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Âu châu (EVFTA) sớm được thông qua. Thẩm quyền này thuộc Nghị viện Âu châu (Parlement Européen), không liên hệ đến các Viện Lập pháp những quốc gia thành viên. Là kẻ rất kỵ với nguyên tắc ‘Tam quyền phân lập’, ông Trọng không biết việc thông qua đó nằm trong tay ông phần lớn, ông chỉ cần trả Trịnh Xuân Thanh về Ðức và thực thi các Nghị Quyết của Nghị viện này, tức đừng đàn áp, cầm tù người dân Việt. Nếu không, năm 2017 đã trôi qua, năm 2018 đang trôi qua, Hiệp định vẫn ở nguyên trạng…

D.- Tổng thống tiếp tiệc Tổng Bí thư đảng.

Ngày 27.03.2018, lúc 13 giờ 30, tại Ðiện Elysée, Tổng thống Emmanuel Macron đã tiếp và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong khi ăn trưa và sau đó hai vị đã ra phát biểu trước giới truyền thông quốc tế. Thông tấn xã Pháp AFP cho biết, khi hội đàm, ông Macron đã nói về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù và kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền.

Thông tấn xã Pháp AFP đưa tin ‘Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Macron đã nói về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và trường hợp các blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù. Ông cũng kêu gọi Việt Nam thực hiện những cải cách để tăng cường nhà nước pháp quyền’. Hãng thông tấn Anh Reuters cho biết ‘ông Macron đã thảo luận với Nguyễn Phú Trọng về vấn đề nhạy cảm: nhân quyền’. Để giúp Việt Nam hoàn thành nhà nước pháp quyền, một chương trình hợp tác cho giai đoạn 2018-2019 đã được ký kết giữa Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và Pháp.

Thật buồn đến nhục khi lãnh đạo một nước đến một nước khác để nghe lãnh đạo nước này khuyên đừng đàn áp dân mình và cho tiền để xây dựng một nhà nước pháp quyền. Từ khi Tổng trưởng Tư pháp R. Badinter, thời Tổng thống F. Mitterand, đến nay, ngân sách nước Pháp đã tiêu bao nhiêu tiền thuế người dân đó thuế để chi cho tập đoàn cộng sản tham nhủng để cho đến ngày 05.04.2018, Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án chớp nhoáng sơ thẩm 6 bị cáo tổng cộng 59 năm về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ quy định tại Điều 79, Khoản 1, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Chiều cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố : ‘Về thông tin do một số tổ chức nhân quyền đưa ra, tôi bác bỏ những thông tin sai sự thực, thiếu khách quan. Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như ở tất cả các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, tất cả những hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Tôi xin khẳng định bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận’.

Ðó là những trả lời trực tiếp của đảng cộng sản Việt cho tổ chức nhân quyền, đáng kính và đáng được cám ơn, và đó cũng là những trả lời gián tiếp cho các nhà nước pháp quyền những quốc gia dân chủ chi tiền cho chúng.

Vì lý do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vị trí và vai trò của Pháp ở Âu châu và trên thế giới, khẳng định Việt Nam luoân coi việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Pháp là một ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của mình; cảm ơn Pháp trong những năm qua đã hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam về nhiều mặt.

Tiếp ông Trọng, Tổng thống Macron và nước Pháp đã toàn thắng về Hợp đồng kinh tế nhờ đã ký kết nhiều hợp đồng hợp tác giữa các tập đoàn Việt và Pháp có tổng trị giá 10,80 tỷ mỹ kim. Trong đó, theo Reuters, trị giá cao nhất 7,3 tỷ mỹ kim là hợp đồng ký giữa hãng hàng không tư nhân VietJet với tập đoàn Safran-CFM và GECAS để thuê và mua các máy bay và động cơ cũng như cung cấp các dịch vụ bảo trì cho máy bay. VietJet cho biết họ sẽ nhận về 6 phi cơ Airbus 321 loại mới từ hợp đồng ký kết với GECAS.

IV. MỘT GƯƠNG SÁNG.

Ngày 23.03.2018, trong một vụ khủng bố ở Trèbes, Aude, miền nam nước Pháp, hung thủ theo Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã sát hại 4 người. Trong đó có Trung tá Hiến binh** Arnaud Beltrame, người đã thế mạng cho một con tin nữ không quen biết, bị thương nặng và đã qua đời tại bệnh viện sáng hôm sau. Trên giường bệnh, Sĩ quan anh hùng này đã nhận Bí tích Xức Dầu và Hôn Phối (đám cưới dân sự đã hình thành và Hôn phối Công Giáo được dự trù vào ngày 09.06.2018).

[** Tại Pháp và Việt Nam thời xưa, trách nhiệm giữ an ninh, trật tự được giao phó cho :

- Cảnh sát (Police) có thẩm quyền đối với thường dân ;

- Quân cảnh (Police militaire) đối với quân nhân ;

- Hiến binh (Gendarme) có thẩm quyền đối với quân nhân lẫn thường dân.]

Ngày 28.03.2018, tại Hôtel des Invalides, Tổng thống E. Macron, các cựu Tổng thống, thật nhiều các Tướng Quân đội hồi hưu và các chính khách mọi chính đảng để vinh danh Sĩ quan Arnaud Beltrame. Bên ngoài, dọc theo đường phố linh cửu đi qua, dưới cơn mưa nhẹ, đông đảo đồng bào chiêm ngưỡng anh hùng quá cố. Qua các hệ thống truyền hình, hàng triệu người xem theo dõi điếu văn tuyên dương người hùng hoàn tất nhiệm vụ bảo vệ đồng bào. Tổng thống, Tư lịnh Tối cao Quân đội vinh thăng Ðại tá cho người hùng Arnaud Beltrame và truy tặng Bắc đẩu Bội tinh (Légion d’honneur) đẳng Commandeurs (theo thống kê, từ ngày 15.07.1804 đến 15.07.2010 chỉ có 3.009 người được đẳng này) và 3 huy chương khác.

Chị Marielle, phu nhân Ðại tá anh dũng, thú y sĩ, mô tả về chồng mình với tuần báo ‘La Vie’: « Ðối với Arnaud, Hiến binh có nghĩa là bảo vệ tha nhân. Với anh ấy, đó là hành động của một Hiến binh vừa là nghĩa cử của một Kitô-hữu. Hai điều đó liên kết với nhau. Người ta không thể tách rời. Arnaud đã tìm nhận Ðức Tin ở khoảng tuổi 30… Lễ an táng chồng tôi diễn ra giữa Tuần Thánh, sau khi trút linh hồn ngày vọng Lễ Lá. Tràn đầy niềm hy vọng, tôi chờ mừng Chúa Phục Sinh với chồng tôi ». Thật xứng đáng là ‘một công dân tốt và một Công Giáo tốt’.

Ðây thật là Gương Sáng để công an, bộ đội có nhiệm vụ bảo vệ đồng bào và đất nước noi theo. Thật nhục cho những côn(g) an bịt miệng Cha Tadêô Nguyễn Văn Lý hay đi bắt và canh chừng các chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù, Trần thị Nga 9 năm và Lê Thu Hà vừa bị kết án 9 năm ngày 05.04.2018.

Về các tướng công an Việt cộng, ngày 11.03.2018, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, bị bắt để điều tra về tội ‘tổ chức đánh bạc’ chiếu Điều 249 Bộ luật Hình sự. Ông bị cáo buộc là đã ‘bảo kê’ cho đường dây đánh bạc do hai ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao -CNC, và Phan Sào Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VTC Online, cầm đầu. Tiếp theo, ngày 06.04.2018, Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công an loan tin việc khởi tố và bắt tạm giam Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Cảnh sát - Bộ Công an, vừa bị bắt giam trong cuộc điều tra liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng đã gây chấn động dư luận Việt Nam mới đây. Oâng bị cáo buộc vi phạm Điều 281 Bộ luật Hình sự ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’. Thông báo này cho biết ông sẽ bị tạm giam trong 4 tháng.

Tướng Vĩnh đã được ca tụng về những thành quả trong việc phá vỡ các băng nhóm tội phạm, nên được phong tặng danh hiệu ‘Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân’. Nay, trước khi bị khởi tố và tạm giam, ông đã bị Chủ tịch nước Trần Đại Quang tước danh hiệu Anh hùng này. Tác phong tướng cộng sản chỉ có vậy thôi.

Hà Minh Thảo